Monday, July 7, 2025

Thuế quan hỗn loạn của Trump có thể định hình lại các doanh nghiệp châu Á, bao gồm Việt Nam, như thế nào?
Suranjana Tewari
Phóng viên Kinh doanh Châu Á
Singapore
7 tháng 7 2025
BBC

Getty Images
Thuế quan của Trump gây ra sự hỗn loạn cho các công ty, như nhà sản xuất chip GlobalFoundries, vốn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng châu Á

Tan Yew Kong, người làm việc tại một trong những hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới, cho biết công ty của ông giống như một tiệm may – chuyên điều chỉnh chip theo nhu cầu của khách hàng.

"Chúng tôi cung cấp vải, cung cấp cả khuy măng-sét và mọi thứ. Bạn chỉ cần nói bạn thích gì, thích kiểu dáng nào, và chúng tôi sẽ làm theo ý bạn," ông Tan, người điều hành hoạt động của GlobalFoundries tại Singapore, cho biết.

Ngày nay, công ty này cũng đang điều chỉnh tương lai của mình để thích nghi với chính sách thuế đầy bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các doanh nghiệp và quốc gia đang tìm cách xoa dịu Washington trước ngày 9/7 – thời điểm lệnh tạm hoãn 90 ngày đối với mức thuế cao được gọi là "Ngày Giải phóng" của ông Trump sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, một lần nữa, điều gì sẽ xảy ra sau đó vẫn chưa rõ ràng.

Tổng thống Trump tuyên bố hôm 4/7 rằng chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu gửi thư chi tiết về các mức thuế cao hơn có hiệu lực từ ngày 1/8.

Đọc nhiều nhất





Ông cho biết sẽ có khoảng 12 lá thư được gửi trong những ngày tới, với mức thuế dao động từ "60–70% cho đến 10–20%," nhưng không nêu rõ những quốc gia nào sẽ nhận được các bức thư đó.

Cho đến hiện tại, chất bán dẫn vẫn được miễn thuế, nhưng ông Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ áp thuế, và chính sự bất ổn này đang khiến các doanh nghiệp gần như không thể lập kế hoạch cho tương lai.

Tuần trước, hãng tin Bloomberg cũng đưa tin rằng Nhà Trắng đang lên kế hoạch siết chặt hơn nữa việc kiểm soát chip trí tuệ nhân tạo (AI) bằng cách hạn chế xuất khẩu sang Malaysia và Thái Lan nhằm ngăn chặn hành vi buôn lậu công nghệ sang Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ chưa phản hồi yêu cầu bình luận từ BBC.

"Bạn không thể cứ 'bật tắt công tắc' mỗi tuần hay mỗi ngày. Điều đó khiến việc lập kế hoạch dài hạn trở nên vô cùng khó khăn," ông Tan nói.

Công ty GlobalFoundries, có trụ sở chính tại Mỹ, là đối tác sản xuất chip cho một số hãng thiết kế và sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới – như AMD, Broadcom, Qualcomm.

Các nhà máy của công ty trải rộng toàn cầu, với nhiều cơ sở đặt tại châu Á, từ Ấn Độ đến Hàn Quốc. Gần đây, công ty đã công bố kế hoạch tăng đầu tư lên 16 tỷ USD khi nhu cầu về phần cứng AI tăng vọt.

Để bảo vệ mạng lưới sản xuất trải rộng đó, công ty cũng cam kết sẽ phối hợp với chính quyền Trump để chuyển một phần quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng chip về Mỹ.

Các nhà sản xuất chip, dệt may và linh kiện ô tô – những ngành có chuỗi cung ứng chặt chẽ xuyên suốt châu Á – đang phải chạy đua để hoàn thành đơn hàng, cắt giảm chi phí và tìm kiếm khách hàng mới khi đối mặt với một thị trường đầy biến động.

"Các doanh nghiệp cần phải suy nghĩ lại về các khoảng dự phòng, tăng lượng hàng tích trữ và thời gian hoàn thành sản phẩm để ứng phó với sự bất ổn," bà Aparna Bharadwaj từ công ty tư vấn Boston Consulting Group nhận định.

Bà cho biết điều này có thể tạo ra cơ hội mới, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và thị phần tại một số quốc gia.

Nói cách khác, rất khó để đưa ra dự đoán chính xác.

"Sự bất định giờ đây là điều bình thường mới."

Kẻ lợi người thiệt

Khi ông Trump công bố các mức thuế vào tháng Tư đối với phần lớn thế giới, một số mức thuế cao nhất đã nhắm vào các nền kinh tế châu Á – từ các đồng minh lâu năm như Nhật Bản (24%) và Hàn Quốc (25%) đến đối tác thương mại lớn là Việt Nam (46%).

Ngay sau đó, ông tạm dừng áp dụng, hạ mức thuế đối với hầu hết các quốc gia xuống còn 10% trong vòng 90 ngày.

Tuy nhiên, các mức thuế cao hơn có thể sẽ được áp dụng trở lại ngay từ hôm 9/7 (giờ Mỹ).

Getty Images
Ông Trump hứa hẹn 90 thỏa thuận trong 90 ngày sau thông báo áp thuế "Ngày giải phóng"

Thủ tướng Malaysia cho biết các mức thuế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành công nghiệp, bao gồm dệt may, đồ gỗ, cao su và nhựa. Singapore sẽ chịu mức thuế 10% mặc dù đã có hiệp định thương mại tự do với Mỹ – thủ tướng nói đây không phải là "hành động mà người ta làm với bạn bè".

Các quốc gia Đông Nam Á chiếm 7,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2024. Do đó, chi phí tăng thêm do thuế quan có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài.

Trong khu vực, chỉ có Việt Nam là đạt được thỏa thuận cho đến nay – hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ sẽ phải chịu thuế suất 20%, trong khi hàng xuất khẩu ở chiều ngược lại sẽ không bị áp thuế.

Nhật Bản và Hàn Quốc đang tiếp tục đàm phán thương mại trong thời gian tạm dừng áp dụng mức thuế đưa ra trước đó, mặc dù ông Trump đã đe dọa Tokyo bằng mức thuế còn cao hơn – lên tới 35% – khi thời hạn kết thúc gần kề.

Các hãng xe Nhật có thể là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các công ty như Mazda cho biết họ đang trong tình trạng "chống đỡ" vì thời gian và quy trình kéo dài để thay đổi nhà cung cấp và điều chỉnh hoạt động kinh doanh.

Úc, mặc dù là đồng minh an ninh quan trọng và nhập khẩu nhiều hàng hóa Mỹ hơn là xuất khẩu, đã nói với Washington rằng mức thuế áp cho nước này "nên là 0%".

Indonesia và Thái Lan đã đề xuất mua nhiều sản phẩm Mỹ hơn và giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Các quốc gia nghèo hơn như Campuchia, vốn có ít sức mạnh đàm phán, đang phải đối mặt với mức thuế khổng lồ 49% nhưng không đủ khả năng mua thêm hàng hóa Mỹ.

"Các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào cả Trung Quốc và Mỹ... họ nằm ngay trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu," giáo sư kinh tế và chính trị Pushan Dutt, thuộc trường kinh doanh INSEAD ở Pháp, nhận xét.

"Nếu có sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu có sự thay đổi trong các mô hình thương mại, điều đó sẽ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn rất nhiều đối với họ."

Ông cũng cho biết các quốc gia có nhu cầu nội địa lớn như Ấn Độ có thể được bảo vệ khỏi những cú sốc thương mại, nhưng các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu – như Singapore, Việt Nam và cả Trung Quốc – sẽ chịu tác động lớn.

Một trật tự thế giới mới?

Trong những năm sau khi ông Trump lần đầu đắc cử, Singapore và Malaysia đã đầu tư vào các ngành công nghiệp tăng trưởng như sản xuất chip và trung tâm dữ liệu.

Một phần trong đó là chiến lược gọi là friend-shoring – nơi các công ty sản xuất hàng hóa ở những quốc gia có quan hệ tốt với Mỹ. Các nền kinh tế châu Á cũng được hưởng lợi từ chiến lược chuỗi cung ứng "Trung Quốc + 1", trong đó các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc và Đài Loan sang các quốc gia Đông Nam Á.

Tất cả những điều này nhằm tiếp tục tiếp cận thị trường Mỹ, mà bà Bharadwaj cho biết là "một thị trường quan trọng đối với nhiều người".

"Dù thuế quan có thế nào, Mỹ vẫn là khách hàng quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp châu Á," bà nói thêm. "Đó là nền kinh tế lớn nhất thế giới và có một thị trường tiêu dùng năng động."

Getty Images
Nike cho biết họ sẽ tăng giá một số sản phẩm do thuế quan

Ngoài các nhà sản xuất Đông Nam Á, các mức thuế của ông Trump cũng làm tăng chi phí cho các công ty Mỹ đã hoạt động ở khu vực này trong nhiều thập kỷ.

Ngành dệt may và giày dép sẽ chịu tổn thất lớn – các thương hiệu như Nike lâu nay đã thuê sản xuất ở các nước như Việt Nam và Indonesia.

Một số thương hiệu Mỹ đã cho biết họ sẽ phải tăng giá bán cho khách hàng vì thuế quan khiến giá hàng nhập khẩu tăng đáng kể.

Các chuyên gia nói rằng đầu tư nước ngoài có thể chuyển từ Việt Nam, Lào và Campuchia sang các quốc gia có thuế thấp hơn như Philippines, Singapore, Malaysia và Indonesia.

Doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm khách hàng mới – với Liên minh châu Âu, Trung Đông và Mỹ Latinh nổi lên như những thị trường thay thế.

"Chúng ta không còn toàn cầu hóa nữa mà là khu vực hóa," ông Tan từ GlobalFoundries nói.

"Tìm một nơi mà chúng tôi cảm thấy an toàn. Chúng tôi cảm thấy nguồn cung sẽ được duy trì. Và mọi người sẽ phải quen với thực tế rằng mọi thứ không còn rẻ như trước đây."

Cũng như các liên minh thương mại của châu Á đang thay đổi, Mỹ đã trở thành đối tác ngày càng không đáng tin cậy.

"Điều này thực sự tạo ra cơ hội lớn để Trung Quốc trở thành người bảo vệ trật tự thương mại toàn cầu," giáo sư Dutt nói.

Thỏa thuận Mỹ-Việt Nam mới là thỏa thuận thứ ba được công bố cho đến nay, sau các thỏa thuận với Anh và Trung Quốc. Cho đến khi có thêm nhiều thỏa thuận khác, các doanh nghiệp và nền kinh tế châu Á có thể phải tạo dựng một lối đi riêng.

"Khi Mỹ và các nước khác theo xu hướng bảo hộ nhiều hơn, châu Á lại đi theo hướng ngược lại, khi các chính phủ ủng hộ làm ăn kinh doanh đang tăng cường mở cửa thương mại," bà Bharadwaj nói.

"Thuế quan đang thúc đẩy hai xu hướng vĩ mô: làm chậm lại thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây, đồng thời tăng tốc thương mại giữa Trung Quốc và các nước đang phát triển ở châu Á."

Chính sách của ông Trump đã tạo ra sự hỗn loạn trong thương mại, có thể biến đổi trật tự kinh tế toàn cầu, và Mỹ chưa chắc sẽ là người thắng cuộc.

Giáo sư Dutt tóm gọn tình hình bằng câu tục ngữ: "Cúi đầu trước người cai trị, rồi sau đó đi theo con đường của mình."

Tin liên quan







No comments:

Post a Comment