Lược sử xung đột Hoa Kỳ – Iran trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân
Đỗ Kim Thêm
Posted on 07/07/2025 by Boxit VN
Boxitvn
Lịch sử bang giao Hoa Kỳ và Iran khởi đầu từ những năm 1950 và trải qua bao thăng trầm, nhưng các cuộc không kích của Mỹ vào các cơ sở hạt nhân của Iran vào ngày 22/6/2025 là cao điểm của tình trạng xung đột. Một hoà ước cho mối thù không đội trời chung này của hai nước vẫn chưa đạt được mà vũ khí hạt nhân là một trong các chủ đề tranh chấp chính. |
Bang giao hữu hảo cho đến 1979
Phong trào chống Mỹ của Iran có nguồn gốc từ đầu những năm 1950. Mối quan hệ giữa hai nước được định hình khi Thủ tướng Iran Mohammad Mossadegh bị lật đổ vào năm 1953. Do việc Anh thu tóm lợi nhuận trong ngành công nghiệp dầu mỏ, Iran quyết định quốc hữu hoá và được đa số dân chúng tán thành.
Tổng thống Dwight D. Eisenhower lo ngại rằng trước tình thế mới Iran sẽ theo phe xã hội chủ nghĩa nên ủng hộ cho một cuộc đảo chính chống lại Mossadegh. CIA trực tiếp tham gia bằng cách hối lộ các nghị sĩ Iran. Sau cuộc đảo chính vào ngày 19 tháng 8 năm 1953 thành công, Mossadegh bị quản thúc tại gia và một chế độ quân sự được thành lập.
Cho đến cuối năm 1960, Hoa Kỳ dành nhiều viện trợ phát triển kinh tế và quân sự cho Iran; đặt biệt nhất là trong khuôn khổ chương trình “Hạt nhân vì hòa bình” năm 1957, Mỹ tặng hai lò nghiên cứu làm quà đặc biệt để Iran có thể đặt nền móng cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Ngoài việc tăng cường mối quan hệ với Hoa Kỳ và Anh, Shah Mohammed Reza Pahlavi, Quốc vương Iran, cũng tỏ ra quan tâm đến mối quan hệ kinh tế và an ninh với Israel. Năm 1960, Iran đồng sáng lập khối OPEC và là một đồng minh chiến lược của Mỹ.
Năm 1970, dưới thời của Quốc vương Pahlavi, Iran cũng đã ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (Nuclear Non-Proliferation Treaty, NPT) mà nội dung chính là cấm các cường quốc hạt nhân Pháp, Trung Quốc, Anh, Mỹ và Nga chuyển vũ khí hạt nhân cho các quốc gia không có vũ khí hạt nhân. Đồng thời, các quốc gia không có vũ khí hạt nhân ký kết hiệp ước cũng bị cấm sản xuất và mua “vũ khí hạt nhân hoặc các thiết bị nổ hạt nhân khác”. Một trong những mục tiêu quan trọng khác của Hiệp ước là thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hạt nhân để phụng sự hòa bình. Cùng trong trong thời gian này, Iran mở rộng chiều hướng cung cấp năng lượng hạt nhân, mà nhà máy điện hạt nhân ở Bushehr đã đi vào hoạt động từ năm 1970 là một thí dụ điển hình.
Khuynh hướng chung của Iran cho đến năm 1979 là thân phương Tây; bù lại phương Tây không lên tiếng chỉ trích các vi phạm nhân quyền ở Iran.
Khủng hoảng ngoại giao từ năm 1979
Dưới áp lực của các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng chống lại sự cai trị của Shah, vị vua lâm bệnh nan y, đã phải chạy trốn khỏi Iran. Cuối cùng, phong trào cách mạng đã đưa Ayatollah Ruhollah Khomeini từ Paris hồi hương để thành lập Cộng hòa Hồi giáo Iran, một chế độ thần quyền. Khuynh hướng chung của Iran là tôn giáo hoá chế độ chính trị và xuất cảng mô hình cách mạng, coi Israel là kẻ thù chính và kiên quyết phủ nhận quyền tồn tại của Israel.
Khi chế độ Shah sụp đổ vào năm 1979, mối quan hệ tốt đẹp của Iran với Mỹ và các đồng minh cũng kết thúc. Phản đối việc Shah nhập cảnh vào Hoa Kỳ để điều trị, ngày 4 tháng 11 năm 1979, các sinh viên Iran chiếm giữ đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran, bắt cóc các viên chức ngoại giao làm con tin. Iran cáo buộc đại sứ quán không phải là một tổ chức ngoại giao, mà là một ổ gián điệp gây tình trạng bất ổn trong nước. Việc gây yêu sách làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn; cuộc khủng hoảng này kéo dài 444 ngày.
Vì các cuộc đàm phán không thành công, Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter ra lệnh thi hành một chiến dịch giải phóng quân sự vào ngày 24 tháng 4 năm 1980, nhưng đã thất bại hoàn toàn với tám binh sĩ thiệt mạng. Sau đó, Washington phải cắt đứt quan hệ ngoại giao và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Cuộc khủng hoảng này kéo dài 444 ngày. Đến thời Reagan, các con tin được thả theo Thoả ước Algiers. Do đó, chương trình phát triển hạt nhân của Iran cũng không có lý do để tiến triển.
Năm 2001, sau vụ 11/9 tại New York, Iran thoả thuận với Mỹ trong việc chống lại phong trào Taliban và tham gia tái thiết Afghanistan. Năm 2002, tình hình thay đổi khiến cho Tổng thống Bush cáo buộc Iran tham gia vào Trục Ma Quỷ và vì thế Iran ngưng hợp tác.
Chương trình hạt nhân từ năm 2002
Tháng 8 năm 2002 giới tình báo phương Tây và một nhóm đối lập Iran đã phát hiện là Iran có một cơ sở tinh luyện hạt nhân đang hoạt động bí mật ở Natanz. Tin này dấy lên các lo ngại khác là Iran đang chế tạo vũ khí hạt nhân, mà hành động này là hoàn toàn trái với Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Iran phủ nhận cáo buộc này.
Sau đó, Israel yêu cầu cộng đồng quốc tế nên cứng rắn hơn để chống lại Tehran. Thực ra, chính Israel mới là một trong những cường quốc hạt nhân, nhưng lại không chính thức xác nhận việc sở hữu vũ khí. Trong khi Israel đã không ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, thì Pakistan và Ấn Độ, hai trong số những nước khác, đã không làm như vậy, nhưng họ chính thức sở hữu những loại vũ khí này.
Tháng 6 năm 2003 khi chương trình tinh luyện hạt nhân của Iran được phát hiện, tình hình này đã thúc đẩy cho Anh, Pháp và Đức (còn được gọi là EU3) phải khởi động một sáng kiến ngoại giao. Sau bốn tháng đàm phán, Tehran đã đình chỉ việc sản xuất uranium.
Tuy nhiên, chính sách đã thay đổi triệt để sau khi Mahmoud Ahmadinejad, nhà lãnh đạo cứng rắn, đắc cử tổng thống Iran vào tháng 8 năm 2005. Tháng 2 năm 2006, Tehran tuyên bố sẽ tiếp tục tinh luyện uranium và xem chính quyền Israel là “bất hợp pháp”. Các cuộc đàm phán hạt nhân với Anh, Pháp và Đức bị đình trệ, đó là lý do tại sao EU 3 phải tuyên bố rút lui.
Trong những năm sau, mối bang giữa Iran và Israel tiếp tục căng thẳng. Vào năm 2010, lần đầu tiên, Israel đã tấn công thành công vào cơ sở hạt nhân của Iran ở Natanz. Điểm đặc biệt cuộc tấn công này là không sử dụng bom hay tên lửa, mà virus của máy tính “Stuxnet” đã làm gián đoạn các máy ly tâm và khiến cho một phần nhà máy không thể sử dụng. Đây là cuộc tấn công đầu tiên công khai trên không gian mạng vào một nhà máy công nghiệp và phần mềm độc hại này được Hoa Kỳ cung cấp cho Israel.
Tình hình thay đổi khi các nhà khoa học hạt nhân của Iran cũng trở thành mục tiêu bị Israel tấn công. Vào năm 2012, một người đi xe đã gắn thiết bị nổ vào xe của Mostafa Ahmadi-Roshan ở Tehran và gây tử vong. Sau đó, chính quyền Iran đã cáo buộc Israel về vụ tấn công này.
Thoả thuận dưới thời Obama
Qua các nỗ lực ngoại giao dưới thời Tổng thống Mỹ Obama, Mỹ và Iran xích lại gần nhau với kết quả là ngày 14 tháng 7 năm 2015 tại Vienna, một thỏa thuận chung về chương trình hạt nhân (the Joint Comprehensive Plan of Action, JCPOA) giữa Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Iran đã được ký kết, và các hoạt động hạt nhân của Iran từ nay chịu sự giám sát quốc tế. Tehran cam kết giảm hơn 2/3 số lượng 19.000 máy ly tâm uranium, không tinh luyện thêm uranium trên 3,67% trong ít nhất 15 năm và tháo dỡ lò phản ứng ở Arak.
Đổi lại, Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ lần lượt dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Vấn đề không đạt được trong thỏa thuận này là cộng đồng quốc tế không thể kiềm chế Iran tiến hành một chính sách hung hăng trong khu vực. Hơn nữa, chương trình chế tạo tên lửa tầm xa cũng không phải là một phần của thỏa thuận giữa hai bên.
Năm 2018, Thủ tướng Israel Netanyahu tỏ ra nghi ngờ việc tuân thủ của Iran về tính chất dân sự trong chương trình hạt nhân, sau khi nhận được hàng chục nghìn trang tài liệu chứng minh rằng Iran đã che giấu về hoạt động chương trình hạt nhân trước khi ký thỏa thuận năm 2015.
Trump rút khỏi thoả thuận
Cùng vào năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận JCPOA năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp cấm vận tối đa. Netanyahu hoan nghênh biện pháp này và xem là “lịch sử”. Đây là quyết định có động cơ chủ yếu do tình hình thực tế trong nước, vì Trump muốn liên kết với những người theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa, những người chưa bao giờ muốn có thỏa thuận với Iran và cũng đồng thời muốn đảo ngược các chính sách của Obama.
Sau khi các thỏa thuận của Mỹ và Israel với Iran đều thất bại, mục tiêu chính của Israel là tấn công vào cơ sở tinh luyện hạt nhân của Iran. Vào năm 2020, một nhà máy sản xuất máy ly tâm ở Natanz bị phá hủy. Vào tháng 4/2021, một cuộc tấn công trên không gian mạng làm một nhà máy bị mất điện. Trong cả hai trường hợp này, Iran đều cáo buộc trách nhiệm cho Israel, nhưng đều bị phủ nhận. Ngoài ra, Tehran luôn nghi ngờ là Israel chủ mưu chuyển sang tấn công cá nhân vào các nhà khoa học hạt nhân.
Tháng 4/2021, Iran bắt đầu tinh luyện uranium lên 60%, mức độ tinh khiết cao nhất từ trước đến nay. Đối với vũ khí hạt nhân, mức tinh luyện uranium cần đạt đến mức 85 đến 90%.
Tháng 3/2022, trong một nỗ lực ngoại giao khu vực, Hoa Kỳ, Bahrain, Ai Cập, Israel, Morocco và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) lập ra một Diễn đàn chung để tìm cách kiềm chế tham vọng của Iran. Chiến sự Ukraine bùng nổ làm cho đàm phán không tiến triển. Nhưng Mỹ tiếp tục cảnh báo về tham vọng sản xuất của Iran và tuyên bố là sẽ huy động “mọi nguồn lực” để ngăn chặn.
Năm 2024, mức căng thẳng bang giao giữa Iran và Israel gia tăng, dẫn đến các cuộc đụng độ chưa từng có trước đây. Bằng chứng là sau khi hai tướng lãnh của Iran bị thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào lãnh sự quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria, Iran đã tấn công Israel để trả thù bằng hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái vào ngày 14 tháng 4 năm 2024.
Năm ngày sau, một cuộc tấn công được nghi ngờ là của Israel đã đánh trúng vào một hệ thống phòng không gần sân bay Isfahan, Iran. Vào ngày 31 tháng 7 năm 2024, một cuộc tấn công cũng được cho là của Israel đã diễn ra ở Teheran, thủ đô Iran, giết chết Ismail Haniya, vị thủ lĩnh lực lượng của Hamas, trong khi đang thăm Tehran.
Ngày 1 tháng 10 năm 2024, lần thứ hai, Iran tấn công trực tiếp Israel bằng tên lửa, nhưng hầu hết đã bị đánh chặn. Ngày 26 tháng 10 năm 2024, Israel tấn công công khai đầu tiên vào các hệ thống phòng không và các địa điểm trong chương trình tên lửa của Tehran.
Trực tiếp đối đầu
Thoạt đầu, công luận cho là Israel tìm cách trả đũa đối với các cuộc tấn công trước đó của Iran vào cuối tháng 10/2024, nhưng sau đó mới được biết là Israel đã chuẩn bị thật chu đáo cho một cuộc tổng tấn công toàn diện vào các cơ sở quân sự và chương trình hạt nhân của Iran vào ngày 13 tháng 6 năm 2025.
Kể từ đó, hai nước đã tấn công nhau kịch liệt hơn. Israel tuyên chiến là nhằm ngăn chặn Cộng hòa Hồi giáo đang phát triển vũ khí hạt nhân.
Trước khi Israel bắt đầu tấn công, tháng 4/2025 Mỹ và Iran đã đàm phán trực tiếp về tương lai của chương trình hạt nhân. Ban đầu, một vòng đàm phán khác đã được hoạch định. Cụ thể Mỹ sẽ bỏ cấm vận, Iran tái xác nhận mục tiêu sản xuất là dân sự và phụng sự hoà bình; nhưng các cuộc tấn công của Israel làm cho cuộc thương thảo bị đình hoãn.
Đêm 22/6, Mỹ can thiệp vào cuộc chiến giữa Iran và Israel bằng không kích. Chiến đấu cơ của Mỹ đã ném bom vào ba cơ sở hạt nhân các cơ sở Fordo, Natanz và Isfahan của Iran. Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, đây là “một chiến thắng vang dội”, tác động này có thể so với các vụ đánh bom nguyên tử của Mỹ vào Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8 năm 1945 và các cơ sở đã bị “phá hủy hoàn toàn”.
Thông tin của Iran là hoàn toàn mâu thuẫn với nguồn tin này. Để ứng phó, Iran đã có các biện pháp trả thù tới các căn cứ của Mỹ trong vùng lân cận. Iran hiện đã chính thức đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích điều này là không thể chấp nhận được. Do đó, không ai có thể xác minh độc lập về trữ lượng uranium mà Iran vẫn còn và nguy hiểm đến mức độ nào.
Trump sau đó đã cáo buộc đài truyền hình và báo chí Mỹ đưa tin sai sự thật và muốn gây áp lực buộc các nhà báo có trách nhiệm phải tiết lộ nguồn tin.
Theo đánh giá ban đầu của giới tình báo Mỹ, các cuộc tấn công của Mỹ ở Iran có lẽ chỉ khiến chương trình hạt nhân bị trì hoãn trong vài tháng, không thể gây hư hại hoàn toàn như Trump tuyên bố trước báo chí. Mặt khác, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho rằng Iran có thể bắt đầu tinh luyện uranium trở lại trong vài tháng tới, kể từ sau tháng 6.
Theo các nguồn tin khác mới nhất, các cơ sở hạt nhân dưới lòng đất của Iran chỉ bị hư hại một phần. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông đều dè dặt hơn khi nhấn mạnh rằng các cuộc điều tra chi tiết hơn mới có thể dẫn đến các kết luận chính xác.
Tương lai bất định
Công luận ngày càng hoang mang hơn vì các tin tức về tình hình chiến sự khác nhau. Triển vọng hoà ước vẫn chưa đạt được vì chiến trường và nghị trường vẫn hoạt động song hành trong một tương lai bất định.
Trong mối xung đột Hoa Kỳ và Iran, kịch bản bi quan nhất được tiên đoán là tình hình an ninh khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là khi Iran cho phong toả eo biển Hormuz vì muốn ngăn chặn khoảng một phần ba thương mại dầu mỏ của thế giới. Các quốc gia sẽ phải chịu nhiều thiệt hại nhất là Trung Quốc và các nước vùng Vịnh. Việc gia tăng giá dầu có thể gây ra suy thoái toàn cầu.
Theo nhiều suy đoán, chỉ có hải quân Mỹ mới có khả năng khai thông lại eo biển Hormuz và một cuộc hải chiến kinh hoàng sẽ xảy ra sau đó, các tàu và máy bay của Mỹ sẽ đụng độ với các tàu và hệ thống phòng thủ bờ biển của Iran. Thiệt hại về con người, kinh tế và địa chính trị của một cuộc xung đột như vậy sẽ rất lớn, đẩy khu vực và thế giới đến gần bờ vực của một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn.
Đ.K.T.
Tác giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment