Saturday, July 5, 2025

Trump: « Đỉnh cao quyền lực » trong một thế giới chia rẽ và thù địch
Trọng Thành
Đăng ngày: 05/07/2025 - 18:28
RFI

Trong gần hai tuần lễ vừa qua, tổng thống thứ 47 của nước Mỹ Donald Trump liên tục gặt hái « nhiều chiến thắng lớn », cho phép khẳng định quyền lực gần như tuyệt đối : Hành pháp trùm lên Lập pháp và Tư pháp. Luật Ngân sách lớn của Trump được Quốc Hội khẩn trương thông qua trước Quốc Khánh. Tòa án Tối cao tước quyền của thẩm phán liên bang ngăn chặn sắc lệnh của tổng thống. Khối NATO buộc phải chấp nhận nâng cam kết chi quốc phòng lên 5% GDP theo chỉ thị của Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và đệ nhất phu nhân Melania Trump xem pháo hoa Ngày Quốc Khánh từ ban công Nhà Trắng ngày 4/7/2025, tại Washington. AP - Julia Demaree Nikhinson

Quyết định được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Mỹ bất ngờ oanh kích các cơ sở hạt nhân Iran đúng vào lúc châu Âu đang đàm phán với Teheran. Iran đoạn tuyệt với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Trung Đông bên bờ vực chiến tranh một lần nữa. Trump ở đỉnh cao quyền lực (« au faîte de son pouvoir », diễn đạt của Le Monde) sẵn sàng nới lỏng trừng phạt Nga, ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraina. Washington cũng loan báo đạt được một thỏa thuận thuế rất có lợi cho nước Mỹ với Việt Nam.

Liên Hiệp Quốc tìm phương thức mới để tài trợ cho phát triển tại các nước nghèo trong bối cảnh nước Mỹ của Trump ngoảnh mặt (với việc xóa bỏ hơn 80% ngân sách của cơ quan phát triển Mỹ USAID, trụ cột của hệ thống tài trợ phát triển quốc tế), đa số các nước giàu cắt giảm mạnh tài trợ. Trên đây là các chủ đề chính Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
« Dự luật Đẹp và Hoành tráng » : Giảm thuế cho người giàu nhất, đẩy dân nghèo vào cảnh khốn cùng

Tổng thống Donald Trump công bố luật ngân sách One Big Beautiful Bill (Dự luật Đẹp và Hoành tráng) đúng Quốc Khánh Mỹ 04/07/2025 trong màn pháo hoa và trình diễn của oanh tạc cơ tàng hình B-2. Văn bản được Hạ Viện Mỹ thông qua hôm trước để kịp công bố đúng dịp lễ Quốc khánh, được tổng thống Trump so sánh với « ngày độc lập, và khởi đầu cho một thời đại vàng son ». Trong khi đó lãnh đạo phe Dân Chủ tại Hạ Viện, Hakeem Jeffries, lên án dự luật Đẹp và Hoành tráng của Donald Trump là điều « đáng ghét, ghê rợn », khi giảm mạnh thuế cho những người giàu nhất, và cắt giảm chế độ an sinh đẩy « nhiều người Mỹ bình thường » vào cảnh khốn cùng. Dự luật ưu đãi những người giàu nhất, bóp nặn người nghèo chỉ được một thiểu số dân Mỹ ủng hộ. Theo kết quả thăm dò của Morning Consult, công bố đầu tháng, khoảng 50% dân Mỹ phản đối, 36% ủng hộ.

Tỉ phú Elon Musk, một đồng minh cũ tổng thống Donald Trump, trước ngày Hạ Viện bỏ phiếu cảnh báo, nếu luật gây thâm hụt ngân sách hàng ngàn tỉ đô la được thông qua, ông sẽ lập một đảng mới, mang tên America Party, và sẵn sàng tài trợ cho các ứng cử viên chống lại các dân biểu Cộng Hòa đương nhiệm trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 2026.Đọc thêm : Tối cao Pháp viện Mỹ cấm thẩm phán liên bang ngăn sắc lệnh tổng thống

Quyết định hôm 27/06/2025 của Tối cao Pháp viện Mỹ, với đa số thẩm phán do Trump bổ nhiệm, không cho phép các thẩm phán liên bang đưa ra các quyết định ngăn chặn các sắc lệnh hành pháp bị lãnh đạo phe Dân Chủ tại Thượng Viện Chuck Schumer tố cáo « một quyết định khủng khiếp, chưa từng có » đẩy nước Mỹ đến « chế độ độc tài ».

Tại thượng đỉnh của khối NATO ngày 25/06/2025, ở La Haye, Hà Lan, các quốc gia thành viên đã quyết định sẽ tăng ngân sách dành cho quốc phòng lên đến 5% GDP/năm trong 10 năm tới. Đe dọa ngày càng lớn từ Nga, nhưng đặc biệt là các áp lực chưa từng có từ chính nước Mỹ « đồng minh » buộc nhiều nước châu Âu phải chấp nhận đưa ra cam kết tài chính đặc biệt nói trên, vốn được coi là vượt xa khả năng thực hiện.
Hạt nhân Iran: Trump muốn dùng vũ lực, Teheran không nhường bước

Ngày 02/07, mươi hôm sau chiến dịch 12 ngày của Israel và cuộc oanh kích của phi cơ chiến lược Mỹ (ngày 21/06) nhắm vào cơ sở hạt nhân nằm sâu cả trăm mét dưới mặt đất của Iran, chính quyền Teheran đã chính thức đình chỉ các hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA, tổ chức chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ Hiệp ước không phổ biến hạt nhân, hay nói cách khác là bảo đảm các cơ sở hạt nhân của Iran không được sử dụng để phát triển vũ khí nguyên tử.Đọc thêm - Iran có cơ sở hạt nhân khác khó tấn công hơn: Chiến lược oanh kích của Trump bị vô hiệu hóa?

Trong bối cảnh nước Mỹ thời Donald Trump ưu tiên chiến lược dùng sức mạnh để áp đặt hòa bình và Iran không nhân nhượng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu tiên kể từ tháng 9/2022, đã điện đàm trở lại với lãnh đạo Nga Vladimir Putin để tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân Iran, bất chấp hai bên có quan điểm hoàn toàn đối lập về chiến tranh Ukraina.
Nương nhẹ Putin, bất ngờ ngừng cấp vũ khí cho Kiev

Donald Trump ở « đỉnh cao quyền lực » trong một thế giới đầy chia rẽ và thù địch. Tổng thống Trump điện đàm với chủ nhân điện Kremlin Vladimir Putin, đình chỉ một phần việc chuyển giao vũ khí cho Ukraina, và dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận với Nga, đúng vào lúc quân đội Nga dồn dập oanh kích Ukraina.Đọc thêm - Ngừng cấp vũ khí cho Ukraina và phớt lờ trừng phạt Nga : Chính quyền Trump phục vụ lợi ích của Putin

Chính quyền Kiev và châu Âu bất ngờ trước quyết định đơn phương ngừng cung cấp vũ khí của Mỹ ngày 02/07. Thông tín viên Emmanuelle Chaze tường trình từ Kiev :

« Tại Kiev, phản ứng đầu tiên là chấp nhận thực tế : bộ Quốc phòng Ukraina thuật lại họ đã không được Washington báo trước. Tiếp theo đó, thứ trưởng bộ Ngoại giao Mariana Besta đã nói chuyện với người phụ trách phía Mỹ. Từ Kiev, bà nhấn mạnh rằng bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc viện trợ cho Ukraina chắc chắn sẽ khiến chiến tranh kéo dài.

Tối nay, tổng thống Volodymyr Zelensky đã phát biểu về chủ đề này. Ông đề cập đến các cuộc thảo luận kỹ thuật sắp tới giữa Ukraina và Mỹ, để làm rõ chi tiết về hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ, nhưng nhắc lại rằng Ukraina không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ dân.

Nếu tình trạng tạm dừng cấp vũ khí tiếp diễn và nếu các đồng minh khác của Ukraina không thể bù đắp thiếu hụt này, tình trạng thiếu hụt một số thiết bị nhất định sẽ khiến tình hình trên thực địa xấu đi. Đối với tổng thư ký NATO Mark Rutte, viễn cảnh khá u ám. Xét về ngắn hạn, và về khả năng phòng không và đạn dược, Ukraina sẽ không thể chiến đấu, nếu không nhận được mọi hỗ trợ cần thiết. »
Trump làm mưa làm gió: Các trụ cột của nền dân chủ phương Tây bị tấn công

Trump mặc sức làm mưa làm gió. Trong cuộc điện đàm với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tiếp theo đó, Donand Trump để ngỏ khả năng hỗ trợ Kiev về quân sự. Bình luận về việc tổng thống Trump thành công trong việc nắm trọn quyền lực, hành xử độc đoán, nhà chính trị học Pierre Haski, đài Radio France, nhấn mạnh đến tính chất nguy hiểm của việc Donald Trump tấn công vào chính các trụ cột từng làm nên sức mạnh của nền dân chủ Mỹ, và phương Tây :

« Rõ ràng là chúng ta cần phải xem xét kỹ hơn về các thành công vang dội và dồn dập này của Donald Trump, điều này đặt ra rất nhiều câu hỏi. Về bản chất và về hình thức. Trước hết, Trump đang thay đổi luật chơi theo hướng có lợi cho mình: ông ấy làm suy yếu các cơ chế đối trọng quyền lực quan trọng, ông ấy bóp méo hệ thống để mở rộng quyền lực của tổng thống. Điều này không tốt cho nền dân chủ Hoa Kỳ.

Trên bình diện quốc tế, ông ấy cũng đang thay đổi luật chơi: ‘‘America First and alone’’ - Nước Mỹ trước tiên và đơn độc. Các đồng minh phải sẵn sàng trả tiền để được Mỹ bảo vệ. Chủ nghĩa đơn phương là xu hướng hiện nay và các kết quả hướng đến chỉ mang tính ngắn hạn. Hiện tại, sức mạnh của Mỹ là vô song ở Trung Đông, người châu Âu lo sợ mất đi sự bảo trợ của Mỹ. Trung Quốc là đối thủ thực sự duy nhất còn lại có thể đứng vững trong một thế giới do nước Mỹ của Donald Trump cai trị. »
Một người phụ nữ cầm tấm biển có dòng chữ "No King" (Nói không với Hoàng đế) trong cuộc biểu tình phản đối Trump ở Los Angeles, ngày 14/06/2025. © ©ae C. Hong / AP
Sợ đơn độc đối đầu với Mỹ, Trung Quốc không muốn Nga thua tại Ukraina

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến công du Liên Âu tuần qua, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phát đi một tín hiệu khác thường, trong cuộc đối thoại với lãnh đạo ngoại giao châu Âu Kaja Kallas, ngày 02/07.

Lần đầu tiên một quan chức cao cấp Trung Quốc, theo báo mạng Hồng Kông South China Morning Post, khẳng định Bắc Kinh không muốn nước Nga thất bại trong cuộc chiến chống Ukraina, tín hiệu để ngỏ Bắc Kinh sẵn sàng siết chặt hơn nữa quan hệ với Nga, vì « lo ngại Hoa Kỳ sẽ tập trung toàn lực vào Trung Quốc », nếu Nga thua cuộc tại Ukraina.
Người tiêu dùng Mỹ hay doanh nghiệp Việt Nam : Ai gánh chịu khoản thuế tăng 20% ?

Cùng lúc với việc Quốc Hội thông qua đạo luật Đẹp và Hoành tráng, tổng thống Trump cũng loan báo đạt được một thỏa thuận về thuế quan với Việt Nam, mở đường cho hàng Mỹ vào Việt Nam hưởng thuế suất 0%, và hàng từ Việt Nam bị đánh thuế từ 20% trở lên. Tuy nhiên, thỏa thuận, được Trump đánh giá là rất có lợi cho nước Mỹ, có nguy cơ thúc đẩy lạm phát gia tăng tại Mỹ.

01:38


Nhà báo Lê Ngọc (Washington)

Trả lời RFI tiếng Việt, nhà báo Lê Ngọc từ Washington nhận định :

« Tại 1 cửa hàng Macy’s ở hạt Fairfax, bang Virginia, một đôi giày thể thao hiệu Air Max 270 của Nike hiện có giá là 170 đô la. Sắp tới với mức thuế quan 20%, giá đôi giày này có thể sẽ tăng thêm 34 đô la. Các mặt hàng từ gạo ST cho đến bún khô Thủ Đức, mì ăn liền Hảo Hảo, Tương ớt Cholimex… tại chợ Phước Hưng của người Việt ở thành phố Springfield phía bắc bang Virginia, cũng có thể sẽ chịu tác động.

Việt Nam là một trong những nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường Mỹ về các linh kiện và sản phẩm điện tử lắp ráp, của Apple chẳng hạn, cũng như quần áo, phụ kiện thời trang, và đồ gỗ... Tháng 5 năm nay, Việt Nam xếp thứ 5 trong các nước xuất khẩu vào Mỹ với 16 tỷ đô la, theo số liệu của cục Thống Kê Mỹ.

Gánh nặng giá cả sẽ đè lên vai người tiêu dùng, nhất là dân nghèo và tầng lớp trung lưu. Trong lần thương chiến trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đánh thuế Trung Quốc nhưng chừa Việt Nam ra, giúp cho thị trường Mỹ có lựa chọn thay thế. Nhưng lần này Trump dọa đánh thuế không chừa nước nào, trong đó các nước có cơ cấu hàng xuất khẩu tương tự như Việt Nam. Campuchia và Bangladesh đối mặt với mức thuế cao hơn nhiều với lần lượt là 49% và 37%. Do đó kiểu gì người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ phải hứng chịu tác động tăng giá do thuế quan tăng.

Cũng có khả năng nhà nhập khẩu sẽ gánh phần nào như đã từng làm trong cuộc thương chiến lần thứ nhất. Một kịch bản khả dĩ khác là nhà nhập khẩu sẽ yêu cầu các nhà cung cấp Việt Nam giảm giá để bù vào thuế quan. Nếu như vậy, đây sẽ là một thắng lợi đẹp đẽ cho tổng thống Trump khi thu được thêm hàng chục tỷ đô la thuế trong khi lạm phát không tăng.Đọc thêm : Tổng thống Trump thông báo Mỹ - Việt Nam đạt thỏa thuận thương mại

Tuy nhiên, một số kinh tế gia bác bỏ quan điểm của tổng thống Trump, cho rằng ‘‘Việt Nam sẽ là bên bỏ tiền chi trả cho khoản thuế quan 20% gia tăng’’. Nếu phía Việt Nam không chịu thì các nhà nhập khẩu Mỹ cũng không dễ gì bỏ đối tác làm ăn lâu năm để tìm mối khác, trong khi hàng hoá Việt Nam dù bị đánh thuế vẫn rẻ hơn nhiều nước khác.

Sau cuộc điện đàm với tổng bí thư Tô Lâm, tổng thống Trump đã ca ngợi đây là một ‘‘thỏa thuận hợp tác tuyệt vời giữa hai nước’’. Tuy nhiên, nếu lạm phát gia tăng do giá cả hàng tại Mỹ tăng vì thuế quan, Trump sẽ không giữ được cam kết quan trọng đối với cử tri, chính sách ‘‘thuế đối ứng’’ của tổng thống sẽ phá hỏng chính mục tiêu kinh tế của ông ».
4.000 tỉ đô la cho phát triển: Phải từ bỏ mô hình bất công cũ, xác lập mô hình mới

Trong tuần lễ vừa qua, một sự kiện đáng chú ý đã diễn ra tại thành phố Seville, Tây Ban Nha (từ 30/06 đến 03/07): Hội nghị lần thứ 4 của Liên Hiệp Quốc về tài trợ cho phát triển (FFD4). Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos (bài « Chấm dứt trợ giúp các nước nghèo : Sự cáo chung của một Liên Hiệp Quốc già nua », ngày 04/07/2025) nhận xét : hội nghị này đánh dấu sự cáo chung của mô hình cũ, và có thể là điểm khởi đầu cho việc tìm kiếm một kiến trúc tài chính quốc tế mới.

Các nước nghèo và các nước đang phát triển hiện cần đến thêm một số tiền khổng lồ khoảng 4.000 tỉ đô la/năm để thực thi các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững đến 2030, trong đó có các mục tiêu về khí hậu (như giảm thiểu khí thải, thích ứng với biến đổi khí hậu). Riêng tài trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu Cộng đồng quốc tế (COP29) mới chỉ đạt được mục tiêu 300 tỉ/năm, so với con số ước tính ít nhất 1.300 tỉ đô/năm.

« Cơ chế tài chính của thế giới » trong hiện tại đã hoàn toàn bất lực cho việc thực thi cái đích này. Đầu tư tài chính nhà nước còn xa mới đủ để đáp ứng nhu cầu. Một trong các lực cản chính là đại đa số các nước nghèo phải dành quá nhiều tiền để trả lãi cho các khoản vay : « 3,4 tỉ dân sống tại các nước mà tiền trả nợ nhiều hơn cho y tế và giáo dục » (trang nhà Liên Hiệp Quốc), trong lúc họ về cơ bản không góp phần vào các tổn thất về môi trường khí hậu của mô hình kinh tế thống trị hiện nay.

Giới chuyên gia, chính trị gia, tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt của châu Âu, đề xuất các cơ chế hợp tác mới, cho phép huy động được các nguồn đầu tư, đặc biệt là từ tư nhân. Trả lời RFI, kinh tế gia Ý, Mario Pezzini, cựu giám đốc Trung tâm phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OCDE nhấn mạnh đến khâu cốt lõi, thay đổi triệt để trong khâu thẩm định tài chính, đánh giá công bằng đối với các nước nghèo để có thể huy động được đầu tư với lãi suất phải chăng :

« Hiện nay, các đầu tư tư nhân được định hướng bởi các công ty thẩm định tài chính, và các công ty này xếp hạng các nước đang phát triển. Tuy nhiên, các xếp hạng này lại được xây dựng dựa trên các tiêu chí không minh bạch, thường là mang tính chủ quan và có xu hướng gây tổn hại cho các nước phương Nam. Tôi xin nêu một ví dụ: khi chúng ta đang ở cao điểm của cuộc khủng hoảng Covid-19, các quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất, bị ảnh hưởng nhiều nhất, là các nước phát triển. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, điều này đã không ngăn được các công ty thẩm định tài chính xếp hạng thấp đối với các nước phương Nam hơn là các quốc gia phát triển.

Cần phải xét lại chuyện này. Vấn đề thực sự là chúng ta sẽ tiến hành thay đổi như thế nào? Liên Hiệp Châu Phi và nhiều bên liên quan khác ở châu Phi hiện đang đề xuất thành lập các công ty thẩm định tài chính của châu Phi. Đây là một giả thuyết. Chúng ta cũng cần đảm bảo rằng các nhà đầu tư sẽ tham khảo bảng xếp hạng về tài chính của các cơ quan này chứ không phải bảng xếp hạng của bốn công ty thẩm định tài chính tư nhân, như Fitch…, vốn là những cơ quan thẩm định mà chúng ta luôn dựa vào cho đến nay. »
Khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về Tài trợ cho Phát triển, tại Seville, Tây Ban Nha, ngày 30/6/2025. REUTERS - Jon Nazca
« Điểm khởi đầu Seville » : Sinh lộ cho cộng đồng quốc tế trong kỉ nguyên chia rẽ và thù địch

Để làm được điều này, nhật báo kinh tế Pháp Les Echos đặt niềm tin vào « sự đổi mới chủ nghĩa đa phương quốc tế », một Liên Hiệp Quốc với tinh thần hướng về các nước phương Nam, các nước phương Nam « phát huy nội lực », « hành xử thực tế », gia tăng hợp tác giữa châu Âu với Nam Bán Cầu.Đọc thêm - Hoà bình thế giới: Định chế 80 tuổi Liên Hiệp Quốc còn có ích cho nhân loại?

Một cái mốc quan trọng của Hội nghị lần này là việc thành lập Diễn đàn những người đi vay (Borrowers' Forum / Forum des Emprunteurs) để tạo không gian thảo luận trước khi chuẩn bị vay, để tránh bị bắt chẹt. Diễn đàn, là kết quả của các khuyến nghị từ nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc về nợ, sẽ mang đến cho các quốc gia nợ nần chống chất « cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp hỗ trợ pháp lý và kỹ thuật, cũng như tăng cường ảnh hưởng của mình trong các đàm phán. Một cách để giải thoát khỏi hệ thống lâu nay bị giới chủ nợ thống trị ». Một nền tảng kết nối đã được tạo ra, quy tụ 37 quốc gia cũng như các ngân hàng đa phương, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan thuộc xã hội dân sự và khu vực tư nhân.

Bộ trưởng Tài Chính Tây Ban Nha, Carlos Cuerpo, gọi đây là « khoảnh khắc Seville » (The Seville moment), tức điểm khởi đầu cho một hành trình mới, để nhắc gợi đến sự ra đời gần 70 năm trước của Câu lạc bộ Paris, một nhóm không chính thức các chủ nợ lớn. Theo một số nhà quan sát, đường hướng hành động như trên mang lại một sinh lộ cho cộng đồng quốc tế trong bối cảnh thế giới ngày càng chia rẽ và thù địch, với Donald Trump đang ở đỉnh cao quyền lực.
Hội nghị Tài trợ cho Phát triển tại Seville, Tây Ban Nha, ngày 30/06/2025. AFP

No comments:

Post a Comment