VNTB – Nếu không kẹt xe, sẽ có cảnh leo lề?Lê Tự Do
05.07.2025 5:31
VNThoibao

Thông tin ghi nhận từ báo chí, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Bến Thành, thuộc PC08 cho biết, CSGT đã lập biên bản phạt nhiều trường hợp leo lề tại đường Cách Mạng Tháng 8 và Nguyễn Tất Thành. Theo CSGT, điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên vỉa hè là hành vi vi phạm cần được xử lý nghiêm, để tạo môi trường tham gia giao thông an toàn cho người đi bộ.
Căn cứ theo điểm a khoản 7 và điểm a khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, đối với trường hợp người lái xe máy leo lề, vỉa hè sẽ bị phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng và trừ 02 điểm giấy phép lái xe.
Với mức phạt cao như vậy, nhưng thực tế vẫn còn những trường hợp leo lên vỉa hè để di chuyển. Liệu rằng do thời gian nên nghị định “lờn thuốc” với người dân? Do người dân quên? Do thói quen? Do cố tình? Hay còn vì lý do “bất khả kháng” nào?
Là một người sinh sống và đi làm tại Thành phố Hồ Chí Minh, quan sát sau hơn 6 tháng nghị định 168 có hiệu lực với tình hình thực tế, theo chia sẻ đến từ chị Minh Ngọc thì: “Đúng là thời gian đầu, với sự tích cực tuyên truyền từ truyền thông, từ báo chí cho đến mạng xã hội, đường sá có cải thiện thiệt. Như lúc trước, ở quốc lộ, xe bốn bánh lấn làn dữ lắm. Có những xe “giả vờ” xi nhan xin đường, tưởng nó quẹo, ai dè nó lấn làn. Thì thời điểm đầu của nghị định, không còn cảnh đó. Dù kẹt thành hàng dài, các xe cũng rất nghiêm túc. Nhưng thời gian gần đây, tình trạng xe hơi lấn làn như tôi nói, tiếp tục diễn ra. Rồi xe máy phải chạy ở đâu khi xe hơi choán hết chỗ? Buộc lòng phải lên lề. Có những xe máy đang chạy, bị xe hơi lấn qua, buộc lòng phải leo lề để tránh va chạm, rồi phải chạy tiếp trên lề, sao xuống được khi xe hơi chạy song song?”.
Bên cạnh lý do của chị Minh Ngọc, theo ông Tư Sơn, còn đó những lý do khác: “Không phải người dân không tuân thủ nghị định, mà là có những trường hợp không leo lề, nó khó. Tôi lấy ví dụ, đường sá thì nhỏ, mỗi lần giờ cao điểm là xe đổ ra nhiều, đủ mọi loại xe. Nếu đông, nhích nhích thì không có gì để nói, cũng không thấy tình trạng leo lề. Nhưng có những trường hợp, đứng luôn, đứng đó cả 30 phút. Khói bụi, xe cộ rồi chưa kể đến người kế bên hút thuốc. Người lớn còn khó chịu, nói gì đến xe có con nít? Không lẽ để con nít đứng hít? Chứ có những lề, lên cũng nguy hiểm, nhưng để an toàn cho con trẻ, buộc phải lên.
Rồi những buổi sáng, giờ đi làm, mấy xe chặt cây, choán hết nửa con đường bên xe máy. Làn bên kia là xe hơi, rồi sao chạy? Không leo lề chạy thì chờ đến khi trễ giờ à?”.
Tóm lại vấn đề, có thể thấy, vấn đề người dân leo lên vỉa hè để lưu thông, chưa hẳn đến từ sự không có ý thức, khi đường sá vốn dĩ đã không được rộng mà còn xuất hiện những “đối tượng” (dù bất khả kháng hay có nhiệm vụ), ít nhiều đã làm cho đường phố thêm “chật chội”.
Đó chưa kể đến những “xế hộp”, những chiếc xe buýt lấn làn sang xe máy, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, xe bốn bánh trở lên chạy không được và xe máy cũng… đứng im.
Và nói như lời chị Minh Ngọc, có thể thấy, truyền thông, từ báo chí cho đến mạng xã hội, có sức lan tỏa khá lớn đến cộng đồng, “phủ sóng” tương đối rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Liệu rằng, với sự tinh gọn của báo chí, quy định mới của Luật Báo chí(1) cũng như một số báo, đài địa phương “đóng cửa, tắt sóng”, liệu rằng, mức độ phủ sóng và sự tuyên truyền thông tin đến người dân sẽ giảm trong tương lai?
____________________
Tham khảo:
No comments:
Post a Comment