Thursday, July 3, 2025

Cam kết 5% GDP cho quốc phòng dưới áp lực của Trump: Các nước châu Âu xoay xở ra sao?
Trọng Thành
Đăng ngày: 03/07/2025 - 16:32
RFI

Tại thượng đỉnh của khối NATO ngày 25/06/2025, ở La Haye, Hà Lan, các quốc gia thành viên Liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương đã quyết định sẽ tăng ngân sách dành cho quốc phòng lên đến 5% GDP/năm trong 10 năm tới. Đe dọa ngày càng lớn từ Nga, nhưng đặc biệt là các áp lực chưa từng có từ chính nước Mỹ « đồng minh » buộc nhiều nước châu Âu phải chấp nhận đưa ra cam kết tài chính đặc biệt nói trên, vốn được coi là vượt xa khả năng thực hiện.

Hình minh họa đồng tiền euro của châu Âu với cam kết của các nước NATO chi 5% GDP cho quốc phòng. © Ảnh do AI chế

Nếu như cam kết 5% được một số nhà quan sát nhìn nhận như là một chuyển biến chiến lược của NATO nói chung, của châu Âu nói riêng, thì không ít người hoài nghi cao độ, coi đây chỉ như một biện pháp mang tính tình thế để đối phó với « đồng minh » Hoa Kỳ ngày càng trở nên khó chơi.

Theo một số thẩm định, cam kết 5% tương đương với việc các nước châu Âu sẽ phải chi thêm khoảng 500 tỉ đô la/năm cho quốc phòng trong bối cảnh một số nước châu Âu đang trong khó khăn chồng chất về tài chính. Nhiều nước châu Âu không chấp nhận hy sinh mô hình xã hội hiện có để tăng mạnh chi phí cho quân sự. Các nước châu Âu sẽ xoay sở ra sao với cam kết 5% ?

Sườn đông châu Âu sẵn sàng, nhiều nước Tây Âu dè dặt

Con đường để đạt được mục tiêu 5% còn rất dài và đầy bất trắc. Trong hiện tại, 32 quốc gia thành viên cam kết chi 2% GDP/năm cho quốc phòng, mục tiêu được đề ra từ năm 2006, và chính thức khẳng định từ năm 2014. Tuy nhiên, theo số liệu của NATO, trong năm 2024, chỉ có 23 trên 32 nước đạt chỉ tiêu 2%. Theo một dữ liệu mới nhất từ ​​Ngân hàng Thế giới năm 2023, chỉ có 10 trên tổng số 32 nước có khả năng thực thi được mục tiêu chung nói trên của NATO đặt ra cho năm 2035.

Khác biệt là rất rõ giữa các nước phía đông châu Âu, giáp với Nga, và nhiều nước ở phía tây. Ba Lan, quốc gia coi Nga như đe dọa nhãn tiền, là nước có khả năng sớm đạt được mục tiêu 5%. Vacxava đã chi 4,1% GDP cho quốc phòng hồi năm ngoái. Các nước Baltic, đơn cử như Estonia với 3,4% GDP, cũng đang nỗ lực hướng đến mục tiêu này. Ngược lại, trong số các nước chi phí dưới 2% cho quốc phòng, có nhiều nước Tây Âu, như Tây Ban Nha, Bỉ, hay Luxembourg. Pháp đứng thứ 19 trong danh sách, với mức cam kết 2% chỉ mới được thực thi vào năm 2025.

« Đỉnh Himalaya » khó vượt : Để đạt 5% phải hy sinh nhiều chi phí căn bản khác

Mục tiêu 5% cho quốc phòng hiện « chưa gây ra bất kỳ cuộc tranh luận thực sự nào trong giới chính trị Pháp ». Bộ trưởng Quân Lực Pháp, Sébastien Lecornu, trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Le Parisien, Chủ Nhật, 22/06, « hy vọng rằng đây sẽ là trọng tâm của chiến dịch tranh cử tổng thống trong tương lai, bởi vì giai đoạn địa chính trị mà chúng ta đang trải qua sẽ còn kéo dài ». Ưu tiên trước mắt của chính quyền Pháp là thực thi hai đạo luật về ngân sách quốc phòng (LPM - loi de programmation militaire), vốn đã giúp tăng ngân sách của lực lượng vũ trang thêm 56%, từ  2017 đến 2025. Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu 5%, tương đương khoảng 170 tỉ euro, gấp khoảng ba lần so với hiện nay, đòi hỏi phải có một thay đổi lớn hơn nhiều.

Trả lời La Croix, người phụ trách Cơ quan Chiến lược và Kế hoạch của chính phủ Pháp, Clément Beaune cho biết, « để thực thi mục tiêu tăng ngân sách quân sự thêm 3,5% vào năm 2030, sẽ phải tăng thêm 10% thuế TVA ».

Nhật báo Công giáo Pháp La Croix gọi đây là « đỉnh Himalaya » khó vượt. Ông Clément Beaune cũng muốn dùng sắc thuế Zucman 2%, nhắm vào các tài sản của những người giàu nhất, từ 100 triệu euro trở lên, để cho thấy tầm mức hết sức lớn của khoản tiền cần huy động. Việc đánh thuế Zucman, nếu được tiến hành hàng năm, cũng chỉ mang lại từ 15 đến 25 tỉ euro, và như vậy là hoàn toàn không đủ. Nếu chỉ dựa trên chiếc bánh ngân sách, việc gia tăng ngân sách quân sự sẽ không tránh khỏi « ảnh hưởng đến số tiền phân bổ cho phúc lợi xã hội » và « lương của các công chức ». Mà động chạm đến « mô hình xã hội » cho đến nay vẫn là một chủ đề húy kị.

Theo truyền thông Pháp, rất ít lãnh đạo đảng phái sẵn sàng đưa vấn đề này ra thảo luận, do lo ngại tác động đến sự ủng hộ của cử tri. Để huy động được nguồn tài chính khổng lồ nói trên, cần đến các phương thức khác.

Cam kết 5% để đối phó với Mỹ hay vì nhu cầu an ninh thực sự ?

Cam kết chi 5% GDP cho quốc phòng có phải là nhu cầu thực sự của châu Âu, hay chủ yếu là một phản ứng mang tính tình thế của các nước châu Âu trước áp lực chưa từng có của Mỹ dưới thời Donald Trump, đe dọa cắt bỏ ô bảo trợ an ninh đối với các nước không gia tăng chi phí cho quân sự. Sau thượng đỉnh NATO, truyền thông Bỉ chú ý đến phát biểu của thủ tướng Bart De Wever về trao đổi giữa ông với tổng thống Mỹ :

« Ông ấy (Trump) nói rằng ''2% là rất tốt, nhưng tôi cho rằng very low’’, tức là rất thấp. Về phần mình, tôi đáp lại ‘‘Đúng, ông cho rằng mức đó là rất thấp, nhưng đó là tiêu chuẩn chi tiêu của khối NATO cho đến nay. Vì vậy, hãy cho phép chúng tôi tăng các chi tiêu theo tốc độ của riêng mình, theo các quyết định độc lập mà mỗi quốc gia thành viên có thể đưa ra’’Như vậy đấy, ông ấy không nói thêm gì về điều đó nữa, nên tôi hy vọng ông ấy hài lòng. Nhưng tôi không chắc lắm ! »

Tăng ngân sách quân sự lên 5% không đồng nghĩa với việc toàn bộ số tiền này để dành cho quân đội, để mua vũ khí và trang thiết bị quân sự. Theo thỏa thuận của NATO vừa qua, trong số tiền 5% này, 3,5% sẽ được dành cho chi tiêu thuần túy quân sự, và 1,5% còn lại được dành cho các chi phí liên quan đến an ninh quốc phòng, như an ninh mạng, xây dựng các tuyến đường giao thông, có thể được sử dụng cho mục tiêu quân sự. Xác định đầu tư nào thuộc lĩnh vực 1,5% này tùy thuộc khá nhiều vào mỗi quốc gia.

Trang mạng truyền thông Pháp ngữ RTBF, trong bài « 5% du PIB pour l’OTAN, un chiffre, beaucoup d’hypocrisie » (5% GDP của NATO, một con số nhiều phần đạo đức giả), nhận định : « nước Bỉ cũng như nhiều nước khác nói rằng sẽ tôn trọng quy định 5% này, nhưng sẽ không thực hiện. Chắc chắn là sẽ có một thứ đạo đức giả ở đây, nhưng trên thực tế chi phí cho quốc phòng cũng sẽ phải tăng ồ ạt trong những năm tới, như điều Donal Trump muốn ». Báo chí châu Âu, trong đó có nhật báo thiên hữu Le Figaro, nhấn mạnh đến thái độ « quỵ lụy » của « các đồng minh » châu Âu trước « hoàng đế » Donald Trump khi chấp nhận mục tiêu 5% tại thượng đỉnh NATO. Nhiều nhà quan sát dự báo châu Âu sẽ gia tăng mua vũ khí Mỹ.

Cơ hội phát triển nền công nghiệp quốc phòng tự chủ của châu Âu

Trên thực tế, mục tiêu tăng cường chi phí cho an ninh quốc phòng cũng nằm trong chính nhu cầu của châu Âu. Đặc biệt kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, việc tăng cường xây dựng năng lực phòng thủ của châu lục, trong bối cảnh vai trò của nước Mỹ ngày càng thu hẹp, và bất trắc gấp bội phần với chính quyền Donald Trump, khối 27 nước đang ngày càng quyết tâm hơn trong việc tăng cường sức mạnh quân sự của châu Âu, bên trong NATO.

Đầu năm nay, Ủy Ban Châu Âu đã xác lập kế hoạch huy động 150 tỉ euro trên thị trường tài chính, để cung cấp đòn bẩy tài chính cho các quốc gia thành viên, tăng đầu tư vào các lĩnh vực quốc phòng quan trọng, chẳng hạn như phòng thủ tên lửa, drone, hay các trang thiết bị chiến lược khác. Kế hoạch được gọi là « ReArm Europe » (Tái vũ trang châu Âu), mới được đổi tên lại là Chuẩn bị cho chân trời 2030.

Việc xây dựng một quân đội chung của châu Âu là chuyện viễn tưởng, nhưng huy động vốn đầu tư mạnh mẽ cho quốc phòng châu Âu, kể cả từ các nguồn đầu tư bên ngoài, là điều nằm trong tầm tay. Trong một cuộc tọa đàm của đài Arte (OTAN : l’UE doit-elle devenir une machine de guerre ? / NATO : Liên Âu phải chăng đang trở thành một cỗ máy chiến tranh ?), nhân dịp thượng đỉnh NATO, nhà kinh tế học Anne-Sophie Alsif, phụ trách văn phòng thẩm định tài chính BDO France, nhận định :

« Tôi không thực sự tin tưởng vào một hệ thống phòng thủ châu Âu thống nhất, phản ứng nhanh chóng này, với một quân đội châu Âuvì chúng ta có những bất đồng chính trị rất đáng kểvới nguyên tắc đồng thuận 100%. Vì vậy, mọi việc sẽ rất phức tạp. Các quốc gia không phải nước nào cũng có cùng ngân sách, lợi ích, và cùng chung một hệ tư tưởng. Vì vậy, mọi việc sẽ rất phức tạp.

Mặt khác, trên thực tế, theo tôi, cơ chế hợp tác tùy theo lợi ích này sẽ là phù hợp tương tự, như với các lĩnh vực, như trí tuệ nhân tạo, dân số lão hóa : đó sẽ là sự hợp tác dựa trên lợi ích. Nghĩa là, trên thực tế, các quốc gia, ngay cả khi không thuộc Liên Hiệp Châu Âu, vẫn có thể gia nhập, đầu tư tiền, được hưởng nguồn tài chính ưu đãi và ngược lại, sẽ phải mua các sản phẩm của châu Âu. Thực sự đó là kiểu hợp đồng, một dạng deal, như mọi người nói hiện nay. Khi tham gia, bạn phải thực hiện những gì đã  cam kết, và bạn sẽ được hưởng lợi từ sự bảo vệ và cơ chế này trong trường hợp bị tấn công.

Để tham gia cần phải có một tầm nhìn chiến lược chung, đúng vậy, nhưng không có nghĩa là tất cả 27 quốc gia đều có nghĩa vụ phải tham gia. Mỗi quốc gia tự quyết định. Chúng ta đã thấy điều đó khi có sự rút lui phần nào của Mỹ, khi Emmanuel Macron bắt đầu tổ chức một cuộc họp và ông nói rằng : ‘‘Quý vị hãy xem, ai yêu quý chúng tôi sẽ đồng hành với chúng tôi’’. Ta thấy rằng, trong bối cảnh này, người Canada có lẽ đã là nước đầu tiên quan tâm, cũng như Vương quốc Anh, cho dù không còn nằm trong Liên Hiệp Châu Âu. Vì vậy, điều này sẽ cho phép chúng ta có được sự hợp tác ở phạm vi rộng hơn, linh hoạt hơn và hiệu quả hơn nhiều. »

Tiền tiết kiệm, nguồn tài chính dồi dào

Kinh tế gia Anne-Sophie Alsif cũng nhấn mạnh đến một nguồn tài chính khác :

« Và có một nguồn tài trợ thứ haicũng là yếu tố vô cùng cơ bản, chính là tiền tiết kiệm. Tiết kiệm của người Pháp gởi trong ngân hàng rất lớn. Chưa bao giờ số tiền tiết kiệm lại lớn đến như vậy. Trước khi xảy ra Covid, tỷ lệ này vào khoảng 14%, còn hiện tại là đến gần 19%. Cơ quan thống kê quốc gia Pháp INSEE đặt tiêu đề cho một báo cáo về tình hình kinh tế hiện nay là ‘‘Hãy cẩn thận với việc tiết kiệm quá nhiều’’‘‘chúng ta đã vượt qua Nhật Bản với 19%’’. Chúng ta có 3.600 tỷ euro tiền tiết kiệm trong lúc nợ là 3.200. Như vậy chúng ta có nhiều tiền tiết kiệm hơn nợ, và vấn đề là những khoản tiết kiệm này được đầu tư rất ít. Chúng chỉ được dùng để đầu tư vào trái phiếu kho bạc và bất động sản, nhưng rất ít đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ dành một vài phần trăm cho quốc phòngcũng cho các lĩnh vực khác, chúng ta có thể tìm được nguồn tài trợ. Ngân hàng đầu tư BPI đã thành lập quỹ quốc phòng nhà nước để đáp ứng chuyện này. »

Đầu tư cho quốc phòng rất lời nhưng cần một tầm nhìn dài hạn

Trả lời báo La Croix, dân biểu đảng Xã Hội Pháp Anna Pic nhấn mạnh đến việc đầu tư cho quốc phòng của từng nước cần đến các công cụ « ở cấp liên chính phủ, cấp độ châu Âu và ở cấp độ NATO ». Trong cuộc tọa đàm với đài Arte về nền quốc phòng của Liên Âu, nhà sử học về quân sự Guillaume Lasconjarias, giám đốc nghiên cứu IHEDN (Viện Nghiên cứu Cấp cao về Quốc phòng) nhấn mạnh đến tầm nhìn dài hạn :

« Chúng ta đang trong bối cảnh phải đứng trước các đòi hỏi mâu thuẫn nhau, tuy nhiên, chúng ta vẫn có những cách thức để tiến về phía trước. Đầu tiên là bạn biết về tính hiệu quả của đầu tư. Có nghĩa là, nếu bạn đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng châu Âu, mà ở đó nước Pháp vẫn duy trì được nền tảng công nghiệp công nghệ tân tiếnNhư vậy, quý vị sẽ có một dạng đầu tư vào quốc phòng. Ví dụ, người ta ước tính cứ đầu tư 1 euro, bạn có thể thu được lợi nhuận từ 2 đến 3 euro. Như vậy, điều này là tốt. Có điều đáng lo ngại là việc này đòi hỏi thời gian.

Ví dụ như quý vị có một dây chuyền lắp ráp, bạn sẽ có thể tăng tốc độ sản xuất, nhưng trước tiên bạn phải có được các đơn đặt hàng và các nhà sản xuất phương tiện quốc phòng. Vấn đề đặt ra ở đây là khả năng dự báo để lập kế hoạchLo lắng của chúng ta là không biết việc này sẽ kéo dài được bao lâu vì khi bạn tăng tốc độ, bạn sẽ phải đối mặt với vấn đề đào tạo, vấn đề tuyển dụng và sau đó là vấn đề bán hàng. Và đó là một cuộc thảo luận thực sự vì chúng ta không chỉ thực hiện việc này ở cấp quốc gia mà còn ở cấp châu Âu hoặc cấp độ quốc tế ».

Cơ hội để Liên Âu có được tiếng nói về « chiến lược » ?

Theo nhiều nhà quan sát, việc cam kết đầu tư mạnh hơn hẳn cho an ninh quốc phòng của châu Âu không chỉ để xoa dịu tổng thống Mỹ Donald Trump, mà cũng để phục vụ cho chính lợi ích của châu Âu. Vấn đề là việc đầu tư này liên quan ra sao đến mục tiêu thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng của chính châu Âu, và vấn đề « kiến ​​trúc an ninh tập thể » của châu Âu.

Nguyên lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Joseph Borelle (2019-2024), cựu chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, được coi là người nỗ lực thúc đẩy việc tăng cường tiềm lực quốc phòng của khối khi tại nhiệm, trong một hội nghị về tương lai quốc phòng châu Âu tại Chantilly (Pháp), tổ chức cùng dịp với thượng đỉnh NATO vừa qua (có sự tham gia của bộ trưởng Quân lực Pháp) đã lên án mạnh mẽ thái độ « chư hầu » của khối 27 nước chấp thuận chính sách tăng chi 5% GDP cho quốc phòng, theo đòi hỏi của Trump. Joseph Borelle nhấn mạnh đến quan điểm « đế quốc » của chính quyền Mỹ thời Donald Trump hoàn toàn trùng khớp với chính sách của nước Nga Putin, và « châu Âu trong một thời gian dài đã là một xứ sở nằm dưới sự bảo trợ của Mỹ ».

Gia tăng chi phí cho an ninh tập thể, liệu tiếng nói của các nước châu Âu sẽ có trọng lượng hơn trong tương lai hay không, trong các đàm phán chiến lược với Nga, thực thể địa chính trị, được coi là đối thủ hiện nay ?

No comments:

Post a Comment