Saturday, July 5, 2025

Bên trong nền kinh tế thời chiến của Iran
Nguồn: “Inside Iran’s war economy”, The Economist, 03/07/2025
Biên dịch: Viên Đăng Huy
05/07/2025
NghiencuuQT


Ngay cả trước khi bom bắt đầu rơi, nền kinh tế Iran đã trong tình trạng tồi tệ. Sáu trong số mười người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Giá cả đã tăng 35% trong năm qua. Khoảng 18% dân số đang sống dưới ngưỡng nghèo theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Mặc dù xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ, các quan

Ngay cả trước khi bom bắt đầu rơi, nền kinh tế Iran đã trong tình trạng tồi tệ. Sáu trong số mười người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Giá cả đã tăng 35% trong năm qua. Khoảng 18% dân số đang sống dưới ngưỡng nghèo theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Mặc dù xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ, các quan chức Iran phải đốt dầu mazut, một sản phẩm phụ tinh chế cấp thấp, để duy trì nguồn điện. Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu sau đó đã nhắm vào các mục tiêu kinh tế. Ngoài các cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự và cơ sở hạt nhân, máy bay Israel đã ném bom ít nhất hai mỏ khí đốt, một vài mỏ dầu và một nhà máy ô tô.

Ý tưởng đằng sau các cuộc không kích tương tự như logic đằng sau các lệnh trừng phạt quốc tế đã áp dụng đối với Iran. Việc tấn công nền kinh tế theo thời gian sẽ làm giảm doanh thu thuế của chế độ, điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào tham vọng hạt nhân của họ. Vấn đề là Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), cơ quan an ninh của đất nước, đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển chương trình hạt nhân của Iran. Và các nhà tài chính của IRGC đã nuôi dưỡng một đế chế thương mại bí mật, hưởng lợi từ các biện pháp gây tổn hại cho nền kinh tế rộng lớn hơn.

Iran từ lâu đã phải đối mặt với một số lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Mỹ, phương Tây đã nới lỏng chúng sau khi Iran đồng ý ngừng chương trình hạt nhân vào năm 2015, trước khi một lần nữa thắt chặt chúng khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018. Các biện pháp gần đây nhất được áp dụng để đáp trả việc Iran hỗ trợ cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, và sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Các công ty phương Tây bị cấm mua dầu của Iran, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của đất nước, và giao dịch với các ngân hàng của nước này.

Năm 2018, lần cuối cùng Iran cho phép IMF kiểm tra tài chính của mình, nước này đã xuất khẩu 46 tỷ USD dầu mỏ, chiếm khoảng một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu. Các quan chức Mỹ cho rằng con số này hiện nay gần với một phần ba. Năm nay, Iran được cho là đang xuất khẩu 1,7 triệu thùng/ngày, tương đương năm ngoái, ngay cả khi sản lượng có thể đã giảm trong các cuộc tấn công gần đây của Israel.

Hơn nữa, các lệnh trừng phạt áp dụng vượt xa dầu mỏ. Một “danh sách đen” các cá nhân bị nhắm mục tiêu, do Bộ Tài chính Mỹ quản lý, dài hàng ngàn người. Con số này tăng lên mỗi tháng. Các công ty phương Tây bị cấm giao dịch với các đối tác trong gần như mọi ngành công nghiệp của Iran, bao gồm ô tô, kim loại, khai thác mỏ và dệt may. Chỉ có nông dân và các công ty dược phẩm cung cấp cho người dân Iran là được miễn nhưng họ vẫn phải đối mặt với ngăn trở về thủ tục giấy tờ.

Hệ quả là hầu như không có giao dịch kinh doanh nào diễn ra giữa phương Tây và Iran. Các công ty Iran, bị loại ra khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế, thường thanh toán bằng USD qua hệ thống SWIFT của châu Âu, buộc phải dùng đến các thủ đoạn tinh vi để trả tiền cho đối tác thương mại ngay cả ở Trung Quốc và Nga. Điều này làm méo mó nền kinh tế Iran, vốn được dự đoán sẽ suy giảm 1,6% trong 12 tháng tới, theo Ngân hàng Thế giới. Không thể xuất khẩu, các công ty mới chủ yếu cung cấp dịch vụ cho thị trường nội địa.

Tất cả những điều này đều gây thiệt hại cho nguồn tài chính của chính phủ. Năm 2018, doanh thu từ dầu mỏ và thuế chiếm khoảng 17% GDP. Hiện tại, chúng chỉ còn 11%. Thâm hụt ngân sách của Iran là khoảng 3% GDP vào năm 2024. Không thể vay từ các chủ nợ tư nhân, các nhà hoạch định chính sách phải dùng đến việc rút tiền từ quỹ đầu tư quốc gia và in tiền. Hậu quả là lạm phát đang tăng vọt.

Nguồn thương mại bí mật

Xem xét kỹ hơn các tài khoản của Iran cho thấy, rất ít nguồn tài trợ cho Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei hay Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) đến từ các nguồn chính thức. Thay vào đó, họ dựa vào các đế chế tài chính của riêng mình. Về phần mình, IRGC có ba nguồn thu nhập. Đầu tiên là một loạt các công ty và quỹ địa phương. Mỗi trong số năm chi nhánh của tổ chức này kiểm soát một loạt các ngân hàng, nhà máy và công ty khởi nghiệp đáng kinh ngạc. Danh mục đầu tư của họ bao gồm Persian Gulf Petrochemicals, nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Iran; Hara, một doanh nghiệp đào hầm; và Bahman, từng là nhà sản xuất xe Mazda ở Iran.

Nhiều công ty thuộc Khatam al-Anbiya, một tập đoàn được thành lập vào năm 1990 để tập hợp các nguồn lực của IRGC. Hiện đây là nhà thầu xây dựng lớn nhất nước. Một quan chức phương Tây cho rằng Khatam trị giá 50 tỷ USD nhưng, ông nói thêm, đó chỉ là một ước tính sơ bộ vì nó nắm giữ cổ phần trong rất nhiều công ty nhỏ hơn. Ông ước tính rằng một nửa số công ty có đăng ký của Iran thuộc sở hữu, ít nhất là một phần, của cơ quan an ninh.

Tuy nhiên, phần lớn tiền của IRGC đến từ nước ngoài. Thật vậy, nguồn thu nhập thứ hai của họ là thương mại dầu mỏ. Trong lịch sử, một phần ngân sách của Iran hàng năm đã được phân bổ cho cơ quan an ninh. Nhưng trong những năm gần đây, kho bạc thiếu tiền nên đã phải dùng dầu mỏ để thay thế. Trước chiến tranh, khoảng 500.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương một phần tư tổng xuất khẩu của Iran, đã được chuyển cho cơ quan an ninh.

IRGC sau đó bán dầu của mình thông qua một mạng lưới các sàn giao dịch và công ty vỏ bọc cực kỳ phức tạp. Người mua chủ yếu là Trung Quốc. Theo các quan chức Mỹ, hệ thống này vừa rẻ hơn vừa tinh vi hơn so với hệ thống mà chính phủ Iran sử dụng.

Các doanh nghiệp của cơ quan an ninh cũng có một nguồn nhập khẩu và xuất khẩu bất hợp pháp – nguồn thu nhập thứ ba của họ. Mỹ từ lâu đã cáo buộc IRGC tuồn ma túy từ Afghanistan đến Trung Đông, có điểm đến là châu Âu. IRGC còn chịu trách nhiệm về phần lớn vũ khí nhập khẩu của Iran, và tính phí cao hơn khi chuyển số vũ khí này cho lực lượng vũ trang. Trong các lô hàng này, họ còn lén lút tuồn vào thuốc lá, đồ điện tử tiêu dùng và thực phẩm – những mặt hàng có giá rất cao đối với người dân Iran đang ngày càng thiếu thốn.

Những nguồn thu nhập đa dạng này gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách phương Tây. Nền kinh tế Iran đang chịu đựng các lệnh trừng phạt. Nhưng nếu họ siết chặt để giảm doanh thu thuế, thì hàng hóa mà những kẻ buôn lậu của IRGC nhập khẩu lại có giá trị hơn. Một quan chức tiết lộ rằng, kể từ vòng trừng phạt gần đây nhất của ông Trump, các bên nhận thanh toán dầu khác từ chính phủ đã nhờ IRGC bán dầu giúp họ, vì mạng lưới của cơ quan an ninh này rất tinh vi.

Nếu Iran và Israel quay lại xung đột, các tướng lĩnh Israel rất có thể sẽ nhắm mục tiêu vào các cơ sở của IRGC. Các địa điểm quân sự mà họ đã phá hủy, vốn cũng bị nghi ngờ là các mắt xích trong mạng lưới phân phối của IRGC, sẽ cần một khoản chi phí sửa chữa khổng lồ. Tuy nhiên, lịch sử gần đây của các lệnh trừng phạt dầu mỏ cho thấy rằng việc siết chặt các hạn chế không ngăn chặn được thương mại của Iran – chúng chỉ tạm thời làm chậm các lô hàng cho đến khi các nhà xuất khẩu tìm được cách lách luật (xem biểu đồ). Và khi lạm phát tăng vọt và tình trạng thiếu hụt tràn lan, người dân Iran sẽ tiếp tục phải trả giá cho những rủi ro của cơ quan an ninh của họ.



No comments:

Post a Comment