Mỹ đánh thuế 20% : Việt Nam vừa mừng vừa loThu Hằng
Đăng ngày: 04/07/2025 - 14:24
RFI
Thay vì phải chịu thuế đối ứng 46% của Mỹ, Việt Nam sẽ được áp mức thuế 20%. Việt Nam trở thành nước thứ hai trên thế giới (sau Anh Quốc) đạt được thỏa thuận sớm với Hoa Kỳ. Đích thân tổng thống Donald Trump công bố thông tin trên mạng Truth Social ngày 02/07/2025. Việt Nam vừa mừng vừa lo vì đằng sau “thành công” còn có rất nhiều thách thức.

Trả lời RFI Tiếng Việt, tiến sĩ Lê Đăng Doanh đánh giá “thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ” và “phát triển mối quan hệ Hợp tác chiến lược toàn diện” song phương. Theo trang VnEconomy, “mức thuế 20% được đánh giá là cao hơn so với mức “đồn đoán” của thị trường trong những ngày qua, nhưng vẫn được coi là một kịch bản chấp nhận được”. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến các loại hàng hóa cũng sẽ khác nhau, đặc biệt các mặt hàng vốn chịu mức thuế nhập khẩu vào Mỹ tương đối thấp trước đó (như linh kiện điện tử - chỉ khoảng 1%...) sẽ có khoảng tăng về thuế nhiều hơn.
Mù mờ về khái niệm hàng “trung chuyển”
Tuy nhiên, thỏa thuận về thuế mới chỉ là “khung sơ bộ”, nhiều chi tiết quan trọng vẫn chưa được thống nhất. Ngoài ra còn phải kể đến tiêu chí hàng hóa “trung chuyển” sẽ bị áp mức thuế 40%. Đây là một điều kiện ràng buộc và Việt Nam không thể chủ động vì “sẽ phụ thuộc vào cách Mỹ quyết định diễn giải và áp dụng ý tưởng “trung chuyển” như thế nào”, theo nhận định với AFP của Dan Martin, thuộc văn phòng tư vấn Dezan Shira & Associates tại Hà Nội. Liệu “trung chuyển” có bao gồm những linh kiện lẻ nhập khẩu cho sản phẩm hoàn chỉnh hay không ? Và chiếm bao nhiêu phần trăm ?
Mức thuế đối ứng 20% cũng tác động đến tăng trưởng của Việt Nam. Theo tính toán của kinh tế gia Rana Sajedi cho Bloomberg Economics, khối lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể sẽ bị giảm 25% và tác động đến khoảng 2% GDP. Là thị trường lớn nhất của Việt Nam, Mỹ đã nhập tổng cộng 136 tỷ đô la sản phẩm của Việt Nam trong năm 2024, chủ yếu là các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, như giày dép, may mặc, thực phẩm…
Đổi lại mức thuế đối ứng 20%, Việt Nam sẽ “mở cửa thị trường cho Hoa Kỳ” với thuế quan bằng KHÔNG”, theo khẳng định của tổng thống Trump. Bị phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, Việt Nam không có nhiều lá bài vào thời điểm đàm phán, theo ghi chú của các chuyên gia của Capital Economics, được AFP trích dẫn. Nhân nhượng với Washington, Hà Nội cũng phải chú ý với đối tác quan trọng khác là Trung Quốc, đối thủ của Mỹ.
Nhìn Trung Quốc để lựa chiều đáp ứng yêu cầu của Mỹ
Washington cáo buộc hàng Trung Quốc đội lốt các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ để lách mức thuế cao của Washington nhắm vào Bắc Kinh. Đối với sản phẩm “trung chuyển”, mức thuế nhập khẩu vào Mỹ sẽ là 40%. Để thể hiện thiện chí trước những cáo buộc của Washington, chính phủ Việt Nam thực hiện chiến dịch kiểm soát nguồn gốc sản phẩm, triệt phá hàng giả, song song với việc đưa vào khuôn phép hệ thống kinh doanh nhỏ lẻ trong những tháng gần đây.
Vấn đề này được tiến sĩ Lê Đăng Doanh và giáo sư Úc Carl Thayer đánh giá là “phức tạp” khi trả lời RFI Tiếng Việt ngày 03/07 “vì Việt Nam phải xác định nguồn gốc nguyên liệu”, chủ yếu đến từ Trung Quốc. Và đây là một chủ đề nhạy cảm với Bắc Kinh. “Vấn đề đặt ra là xem Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào”, theo nhận định của kinh tế gia Rana Sajedi, vì thỏa thuận giữa Hà Nội và Washington dường như không có lợi cho Bắc Kinh trong khi gần đây, Việt Nam và Trung Quốc cam kết tiếp tục thắt chặt quan hệ song phương, trong đó có dự án đường sắt nối cảng Hải Phòng với các vùng công nghiệp miền nam Trung Quốc. Hiện tại, Bắc Kinh mới chỉ cảnh cáo chung chung các đối tác Đông Nam Á là không nên ký các thỏa thuận với Mỹ “gây tổn hại” cho lợi ích của Trung Quốc.
Cuối cùng, thỏa thuận mà Hà Nội đạt được với Washington không hẳn là mô hình mong muốn của các nước đang đàm phán với chính quyền Trump. Các chuyên gia của Capital Economics lưu ý : “Những nước này sẽ rút ra bài học quan trọng, đó là người ta yêu cầu họ giảm trao đổi thương mại với Trung Quốc”.
No comments:
Post a Comment