NCQT: Thế giới hôm nay-02/07/2025Nguồn: The Economist
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
02/07/2025
NghiencuuQT

Thượng viện Mỹ đã thông qua sát nút “Dự luật To lớn và Tuyệt đẹp” của ông Trump. Ba nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu chống, đưa đến kết quả hòa 50-50; và phó tổng thống J.D. Vance đã phá vỡ thế cân bằng. Dự luật dài gần 1.000 trang này về cắt giảm thuế và tăng chi tiêu giờ phải được Hạ viện thông qua, nơi các sửa đổi của Thượng viện có thể gặp phản đối. Ông Trump muốn Quốc hội thông qua luật trước ngày 4 tháng 7.
Các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật phúc lợi của Đảng Lao động với tỷ lệ 335-260, sau khi chính phủ nhượng bộ vào phút chót với những người phản đối trong đảng. Một cải cách gây tranh cãi về trợ cấp người khuyết tật sẽ bị hoãn ít nhất đến khi cuộc rà soát hoàn tất vào năm sau. Thủ tướng Keir Starmer trước đó đã mạnh tay bỏ các khoản cắt giảm phúc lợi sau khi hơn 120 nghị sĩ Lao động quay lưng. Song vẫn còn 49 người bỏ phiếu chống.
Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ tạm dừng chuyển giao một số loại vũ khí cho Ukraine, do lo ngại kho dự trữ đang cạn kiệt. Trong số những loại bị giữ lại có tên lửa đánh chặn và tên lửa dẫn đường chính xác. Không có chi tiết cụ thể nào về thời gian hoặc số lượng vũ khí bị trì hoãn. Hiện Ukraine đang phải đối mặt với chiến dịch tấn công mùa hè của Nga và các đợt không kích chưa từng có.
Hãng hàng không Qantas cho biết họ đã bị tấn công mạng nghiêm trọng, khiến dữ liệu cá nhân của khoảng 6 triệu khách hàng bị lộ. Hãng hàng không Úc nói rằng họ đã “ngay lập tức triển khai các biện pháp” đối phó, nhưng dự kiến một phần đáng kể dữ liệu đã bị đánh cắp. Gần đây hàng loạt vụ rò rỉ dữ liệu đã xảy ra ở Úc. Mới đây hồi tháng 4, tin tặc đã tấn công nhiều quỹ hưu trí lớn.
Thụy Sĩ sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc áp thuế thừa kế 50% đối với tài sản trên 50 triệu franc Thụy Sĩ (63 triệu USD). Những người phản đối cho rằng biện pháp này sẽ khiến giới siêu giàu – vốn bị hấp dẫn bởi mức thuế thấp của Thụy Sĩ – bỏ chạy. Song bất chấp sự phản đối từ chính phủ, các nhà hoạt động đã thu thập đủ chữ ký để đưa đề xuất ra bỏ phiếu vào ngày 30 tháng 11.
Con số trong ngày: Ba phần tư thanh niên châu Phi cho biết họ không thể tìm được việc làm phù hợp.
TIÊU ĐIỂM
Ai sẽ là Đức Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp?
Trong Phật giáo Tây Tạng, việc bàn về cái chết của Đức Đạt Lai Lạt Ma — vị lãnh tụ tinh thần tối cao — bị coi là điềm gở. Nhiều người cho rằng điều đó là không cần thiết vì ông vẫn còn khỏe mạnh. Song vào thứ Tư này, trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 vào ngày 6 tháng 7, Đức Đạt Lai Lạt Ma được kỳ vọng sẽ đưa ra tuyên bố rõ ràng nhất từ trước đến nay về kế hoạch cho người kế vị của mình.
Theo truyền thống, sau khi ông qua đời, các trợ lý và chư tăng cao cấp sẽ tìm một đứa trẻ được coi là hóa thân của ông. Tuy nhiên, ông cũng có thể chọn không tái sinh. Hoặc cũng có khả năng ông sẽ “hiện thân” dưới hình thức một người khác ngay khi còn sống.
Điều chắc chắn duy nhất là Trung Quốc sẽ phản đối bất kỳ quyết định nào như vậy. Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn đã chiếm Tây Tạng từ năm 1951, tuyên bố chỉ họ mới có quyền phê chuẩn Đức Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp. Bắc Kinh hy vọng cái chết của Lạt Ma hiện tại sẽ làm suy yếu sự ủng hộ quốc tế đối với chiến dịch phi bạo lực của Tây Tạng nhằm đòi quyền tự trị lớn hơn trong lòng Trung Quốc. Trung Quốc cũng lên kế hoạch chỉ định một người kế nhiệm do họ lựa chọn.
Trung Đông chia rẽ Nam Mỹ
Vào thứ Tư, tổng thống Javier Milei của Argentina sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh Mercosur — liên minh thuế quan ở khu vực Nam Mỹ — cùng với các nguyên thủ quốc gia trong khu vực. Năm ngoái khối này đã đạt được một thỏa thuận thương mại lịch sử với Liên minh châu Âu. Nhưng bầu không khí của cuộc họp lần này không hẳn là lạc quan, vì thỏa thuận vẫn chưa được châu Âu phê chuẩn hoàn toàn.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa hai cường quốc trong khối — ông Milei theo chủ nghĩa tự do cực đoan và ông Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil theo cánh tả — là rất căng thẳng, và họ hầu như không nói chuyện với nhau. Quan điểm trái ngược về tình hình Trung Đông càng khiến mọi thứ thêm phức tạp: ông Milei công khai ủng hộ Israel, còn Lula thì không. Cả hai đều không ngần ngại thể hiện quan điểm của mình. Ông Lula cũng có thể nhân dịp này ghé thăm bà Cristina Fernández de Kirchner, cựu tổng thống Argentina theo cánh tả, hiện đang bị quản thúc tại gia sau bản án sáu năm vì tham nhũng. Trong khi đó, lãnh đạo các nước Uruguay, Paraguay, và Bolivia chỉ muốn tập trung vào chuyện thương mại.
Kinh tế Nga cuối cùng cũng hết đà
Các số liệu dự kiến công bố vào thứ Tư sẽ xác nhận nền kinh tế Nga đang chậm lại. Nga đã tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2023 bất chấp dự báo suy thoái sâu, trong khi GDP năm ngoái tăng hơn 4%. Xuất khẩu dầu tăng vọt còn chính phủ mạnh tay chi cho quốc phòng và phúc lợi. Các lệnh trừng phạt dường như chẳng mấy hiệu quả.
Nhưng giờ đây tăng trưởng chỉ còn khoảng 1%. Một phần do các lệnh trừng phạt khắt khe hơn của phương Tây đối với xuất khẩu dầu mỏ. Nhưng các yếu tố nội tại cũng đóng vai trò quan trọng. Ngân hàng trung ương Nga đã nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát cao, khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu và doanh nghiệp giảm đầu tư. Chính phủ cũng đang giảm dần chi tiêu tài khóa, một phần vì không còn thấy cần thiết phải tiếp tục mạnh tay chi cho quân đội. Các số liệu khác như doanh số bán lẻ và tăng trưởng lương thực tế cũng sẽ củng cố cho bức tranh ảm đạm này.
Tây Ban Nha và phong trào phản đối khách du lịch
Năm ngoái, Tây Ban Nha đã đón tới 94 triệu du khách — gần gấp đôi dân số nước này. Năm nay con số đó còn được kỳ vọng sẽ cao hơn, với dữ liệu tháng 5 sẽ được công bố hôm nay. Trong tháng 4, Tây Ban Nha đón gần 9 triệu khách du lịch, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Họ mang về 10,8 tỷ euro (12,8 tỷ USD), góp phần giúp nền kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhưng khi mùa cao điểm sắp bắt đầu, không phải ai cũng vui mừng. Năm ngoái, các nhà hoạt động đã phản đối hiện tượng “quá tải du lịch.” Trong một sự kiện gây chú ý, một nhóm phụ nữ trẻ đã bắn súng nước vào du khách đang ăn tapas trên phố Las Ramblas nổi tiếng ở Barcelona. Năm nay các nhóm cực tả đã lặp lại hành động đó. Dù các cuộc biểu tình vẫn còn lẻ tẻ, nhiều người Tây Ban Nha đang bày tỏ sự đồng cảm. Họ cho rằng căn hộ cho thuê ngắn hạn làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhà ở trong khi du khách khiến cho đường phố đông đến ngột ngạt. Thách thức đối với chính quyền là làm dịu những lo ngại đó mà không giết chết con gà đẻ trứng vàng của đất nước.
No comments:
Post a Comment