VNTB – Từ chiếc móng ngựa cũ đến tự do: một và tư duy khai phóng cho Việt Nam
Vũ Đức Khanh
02.07.2025 2:54
VNThoibao

Một nhà tù được sơn mới vẫn là nhà tù
Ngày 1 tháng 7 năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm dõng dạc tuyên bố trước toàn Đảng rằng “Hệ thống chính trị của chúng ta bắt đầu đi vào một mô hình mới.” Cùng ngày đó, bản đồ Việt Nam hành chính chính thức “chuyển mình” từ 63 tỉnh, thành phố xuống còn 34 “đơn vị hành chính mới.” Truyền thông nhà nước gọi đây là bước đi mang “tầm chiến lược” của Đảng để hiện đại hóa đất nước.
Nhưng câu hỏi không thể tránh khỏi là: liệu có gì thực sự thay đổi ngoài những tấm biển tên và vài nét vẽ lại trên bản đồ? Một trại giam dù có được tân trang lại, sơn lại, thậm chí thay cả giám thị… vẫn là một trại giam nếu hệ thống cai trị vẫn không thay đổi. Người dân vẫn không có quyền lựa chọn người đại diện, vẫn bị bịt miệng nếu lên tiếng, vẫn sống trong sợ hãi, thì cái “mô hình mới” ấy có khác gì việc thay ổ khóa mới cho một chiếc cũ kỹ giam giữ cả dân tộc?
Chúng ta không phản đối cải cách – trái lại, khát khao nó. Nhưng phải là cải cách có kiểm chứng, chứ không phải chỉ bằng lời nói của một người từng là Bộ trưởng Công an. “Trust but verify” – lời dạy của những nền dân chủ trưởng thành – nhắc chúng ta rằng: lòng tin không thể xây dựng bằng khẩu hiệu, mà bằng hệ thống trách nhiệm và pháp quyền. Chính trong hoàn cảnh ấy, câu chuyện ngụ ngôn từ thời Khổng Tử về chiếc móng ngựa cũ lại trở thành một ẩn dụ đầy sức mạnh cho hiện thực Việt Nam hôm nay – một lời mời gọi người dân vượt qua sợ hãi, để bắt đầu hành trình từ cú cúi xuống đầu tiên, mở ra con đường đi tới tự do và phẩm giá.
Câu chuyện của một bậc thầy: bài học không chỉ cho học trò
Khổng Tử kể lại một giai thoại để đời về cậu học trò Tử Lộ: trên đường chu du, họ bắt gặp một chiếc móng ngựa cũ rơi bên vệ đường. Khổng Tử bảo Tử Lộ nhặt nó, nhưng anh làm ngơ. Không nói lời nào, Khổng Tử cúi xuống, nhặt lấy vật tưởng như vô dụng ấy. Ông đổi nó lấy ba đồng tiền, rồi mua được bảy quả đào.
Trong sa mạc khô hạn sau đó, chính những quả đào ấy cứu lấy đệ tử của ông khỏi cơn khát. Và Khổng Tử kết luận: “Việc nhỏ mà con không làm, thì sau này sẽ phải khổ sở vì những việc còn nhỏ hơn.”
Câu chuyện ấy từ lâu được xem là một lời răn về siêng năng, kỷ luật và sự tôn trọng những điều tưởng như nhỏ bé. Nhưng hôm nay, trong thời đại đầy biến động và bất công, câu chuyện ấy lại hiện lên như một ẩn dụ thấm thía cho số phận người Việt Nam dưới một thể chế độc tài. Liệu chúng ta – những người dân Việt – có đang sống như Tử Lộ?
Chúng ta thấy chiếc móng ngựa – biểu tượng của một hành động nhỏ, một lựa chọn khởi đầu – nhưng vì sợ hãi, vì mệt mỏi, vì quen cúi đầu, chúng ta đã làm ngơ? Và liệu sự im lặng hôm qua ấy đang khiến ta phải cúi đầu nhặt từng “quả đào ảo vọng” hôm nay mà kẻ thống trị cố tình đánh rơi để chúng ta tưởng rằng còn chút ân huệ từ họ?
Sự mù lòa không phải là bản chất – mà là kết quả của giáo dục bị thống trị
Trong cách nhìn truyền thống, người ta trách Tử Lộ lười biếng. Nhưng một cách nhìn khác – đúng với tinh thần khai phóng – đặt câu hỏi ngược lại: liệu cậu học trò ấy có biết được giá trị của chiếc móng ngựa cũ? Hay vì chưa từng được dạy, chưa từng được khai sáng, nên không thấy được giá trị tiềm tàng trong một hành động đơn giản? Đây là câu hỏi cấp thiết cho Việt Nam hôm nay.
Một dân tộc bị cai trị lâu dài bằng hệ tư tưởng Mác-Lênin, bằng tuyên truyền một chiều, bằng sự triệt tiêu văn hóa phản biện – không thể trách họ vì không nhìn thấy tự do là quý báu, hay dân chủ là cần thiết. Cái lỗi không nằm ở họ, mà nằm ở những thế lực đã khiến cả dân tộc không còn biết móng ngựa là gì, cũng chẳng thấy được tương lai nào sau một cú cúi lưng.
Nhiều người Việt hôm nay ngại “chính trị,” sợ “nói sai,” lẩn tránh trách nhiệm công dân. Nhưng như Khổng Tử đã chỉ ra: việc nhỏ không làm hôm nay, thì ngày mai ta sẽ phải làm những việc nhục nhã hơn – không vì trách nhiệm, mà vì sinh tồn.
Chiếc móng ngựa của người Việt hôm nay là gì?
Chiếc móng ngựa hôm nay không phải là một vật cụ thể. Nó là:
– Một hành động lên tiếng đúng lúc.
– Một cuộc trò chuyện với bạn bè về tự do và quyền con người.
– Một lần không cúi đầu trước phi lý và bất công.
– Một lá phiếu (nếu có), hay một chữ ký ủng hộ kiến nghị công lý.
Tất cả đều nhỏ. Tất cả đều có vẻ vô ích nếu nhìn bằng con mắt của người đã quen bị trị. Nhưng giống như chiếc móng ngựa cũ kia, chúng có thể là điểm khởi đầu của một chuỗi giá trị mà tương lai không thể có nếu thiếu vắng.Thế nhưng, có một rào cản sâu thẳm hơn khiến người Việt hôm nay không cúi xuống nhặt lấy chiếc móng ngựa: đó là nỗi sợ.
Chúng ta giống như những người tù trong một trại giam khổng lồ nằm biệt lập giữa đại dương. Họ đã sống quá lâu dưới ách cai trị của “chúa đảo” – một kẻ vừa kiểm soát đời sống vật chất vừa giam cầm tinh thần họ. Họ đã chứng kiến những ai dám vượt rào đều bị trừng phạt, bị bôi nhọ, bị vùi dập. Họ sợ hãi không chỉ vì kẻ cai trị, mà còn vì sự lẻ loi. Và khi tuyệt vọng bị dồn nén đủ lâu, họ quay sang hy vọng vào Thượng Đế, vào vận may, vào sự đổi ý của chúa đảo – thay vì hy vọng vào chính mình. Họ không vô vọng – nhưng họ đã hy vọng sai chỗ. Họ cầu mong một chúa đảo khác “tốt hơn”, thay vì hình dung một hòn đảo không cần chúa. Họ nhẫn nhịn để tồn tại, nhưng cái giá phải trả là một đời sống không có tự do – ngay cả trong tâm trí.
Độc tài là sự thao túng nhận thức, không chỉ là bạo lực
Chế độ cộng sản ở Việt Nam đã cai trị bằng cách không cho người dân biết giá trị thật của tự do, giống như đứa trẻ không biết cục vàng khác gì với cục đất. Nhưng khi con người hiểu được điều gì là quý báu, họ sẽ không bao giờ chọn cúi đầu nữa.
Do đó, cách mạng thật sự bắt đầu không phải từ súng đạn, mà từ nhận thức.
Khi người dân biết rằng:
– Quyền lực không đến từ sự sợ hãi mà từ sự đồng thuận.
– Pháp quyền không phải là sự tùy tiện của nhà nước, mà là giới hạn của quyền lực.
– Tự do không phải là đặc ân ban phát, mà là quyền bất khả xâm phạm của mỗi người.
Thì chế độ độc tài sẽ bắt đầu lung lay — không vì bị tấn công, mà vì không còn có thể tồn tại trong một không gian nhận thức đã được giải phóng.
Một lời thức tỉnh: hãy cúi xuống lần đầu, để không phải cúi đầu mãi mãi
Nếu Khổng Tử còn sống hôm nay, ông có thể nói với người Việt Nam rằng: “Nếu hôm nay các con dám cúi người để nhặt lấy sự thật, thì ngày mai các con sẽ không còn phải cúi đầu trước quyền lực.”
Tự do không đến từ lý tưởng trừu tượng. Nó đến từ việc ta có dám hành động hôm nay không, dù chỉ là một bước nhỏ. Chúng ta đang sống trong một sa mạc: sa mạc của thông tin giả, của nỗi sợ bị cô lập, của sự vô cảm bị đào tạo. Nhưng chính trong hoang mạc ấy, mỗi người có thể trở thành một Khổng Tử mới, người chỉ ra cho bạn mình thấy rằng: chỉ cần một hành động đúng lúc, một cú cúi người đúng nghĩa, ta có thể sống sót – và thậm chí mở ra con đường dẫn tới một thế giới khác.
Đừng để ngày 1/7 chỉ là một ngày đổi biển tên
Nếu ngày 1/7 là bước đầu của một mô hình mới, thì mô hình ấy cần được đánh giá bằng quyền con người, pháp quyền, và sự minh bạch – chứ không phải chỉ bằng bản đồ hành chính. Chúng ta sẵn sàng trao cho bất kỳ ai – kể cả ông Tô Lâm – một cơ hội “buông đao thành Phật.”
Nhưng như mọi nền dân chủ trưởng thành từng nhấn mạnh: niềm tin chỉ có thể đi kèm kiểm chứng – Trust, but Verify.
Không ai buộc người dân Việt Nam phải chấp nhận độc tài, nhưng cũng không ai có thể thay họ lựa chọn con đường khác. Câu chuyện chiếc móng ngựa cũ không phải là cổ tích. Nó là ẩn dụ sống động cho cơ hội làm lại, bắt đầu từ điều nhỏ nhất.
Và hôm nay, nếu bạn đang đọc những dòng này, hãy tự hỏi: Chiếc móng ngựa của tôi là gì? Và liệu tôi có đủ can đảm cúi xuống – một lần và mãi mãi?
No comments:
Post a Comment