Wednesday, July 2, 2025

Phúc Lai – Huyền thoại về các đoàn tàu bọc thép xô viết, và đây nó đã xuất hiện ở Ukraine
mercredi 2 juillet 2025
Thuymy


(Về cuộc chiến tranh của Putler ở Ukraine ngày 30/06/2025)
Vào đầu cuộc chiến chống Đức Quốc xã, các đoàn tàu bọc thép thường được giao vai trò là “đoàn tàu cảm tử”. Chúng thường được giao nhiệm vụ bảo vệ các đơn vị Hồng quân rút lui, nhằm nhằm cầm chân kẻ thù. Thường thì chỉ mình nó đứng lại, và chỉ mong chặn được bước tiến của phát-xít chỉ trong ít nhất vài giờ, sau đó thì nó cùng tất cả những chiến sĩ chiến đấu trên nó, bị tiêu diệt.

Mặc dù có nhiều quốc gia tham gia Thế chiến II đã sử dụng đoàn tàu bọc thép trong các hoạt động chiến đấu, nhưng Liên Xô là quốc gia giữ vai trong dẫn đầu không thể tranh cãi. Nguyên nhân chủ yếu là đất nước quá lớn, khí hậu khắc nghiệt nên giao thông vận tải phần lớn phụ thuộc đường sắt. 

Vào thời điểm phát-xít Đức xâm lược Liên Xô vào ngày 22 tháng 6 năm 1941, Hồng quân và Lực lượng NKVD (đảm nhiệm bảo vệ biên giới quốc gia và an ninh ở hậu phương) có hơn sáu mươi “pháo đài trên các bánh xe thép”. Chúng thường hoạt động riêng rẽ và như một phần của các đơn vị độc lập có trong biên chế gồm hai hoặc ba đoàn tàu.

Ngoài các đầu máy xe lửa bọc thép, đoàn tàu bọc thép có thể bao gồm các toa xe lửa bọc thép kín với hai tháp pháo xe tăng T-34 mỗi toa, cũng như các toa xe cả hở và kín khác được trang bị pháo và súng máy. Ví dụ, đoàn tàu bọc thép hạng nặng ‘Stalinets-28’ bảo vệ Leningrad được trang bị bốn khẩu pháo 100 mm, bốn súng cối 120 mm, hai khẩu pháo phòng không 76 mm và 24 súng máy ‘Maxim’ gắn trên tàu.

Ngoài những toa chở vũ khí, đoàn tàu còn có một số toa tàu chứa một sở chỉ huy, kho đạn dược, thiết bị và vật tư, một xưởng, một nhà bếp v.v… Trước khi bắt đầu các hoạt động chiến đấu, những toa tàu này thường được tháo rời và kéo đến đoạn đường sắt gần nhất ở phía sau.

Trong chiến tranh, đoàn tàu bọc thép được cho là cung cấp hỏa lực yểm trợ cho quân đội, hộ tống các đoàn tàu chở quân quan trọng nhất và bảo vệ các nhà ga và ngã ba đường sắt quan trọng, cũng như chống lại các lực lượng tấn công của đối phương. Mặc dù được trang bị vũ khí mạnh mẽ, nhưng “pháo đài trên bánh xe thép” có lớp vỏ giáp tương đối yếu và rất dễ bị pháo binh và xe bọc thép của đối phương tấn công và cũng dễ bị không quân tập kích nếu không có đủ vũ khí phòng không.

Chiến tranh bùng nổ thực sự là cơn ác mộng đối với đoàn tàu bọc thép của Liên Xô, thường phải một mình bảo vệ các đơn vị Hồng quân rút lui. Nếu kẻ thù cắt đứt được tuyến đường sắt, đoàn tàu bọc thép sẽ bị tiêu diệt: Nó sẽ bị phá hủy hoặc bị chính những người lính điều khiển của mình cho nổ tung để tránh rơi vào tay kẻ thù. Đức Quốc xã thường sử dụng các đoàn tàu bọc thép bị tịch thu trong các chiến dịch chống du kích của họ, đặc biệt nhiều ở Belarus là nơi chiến tranh du kích phát triển nhất, tập trung và đánh phá đường sắt hậu cần của quân Đức.

Trong những năm 1941 và 1942, Liên Xô đã mất 63 đoàn tàu bọc thép, nhưng việc đóng các “pháo đài” mới đã được tiến hành hết công suất ngay từ những ngày đầu của chiến tranh. Chúng không phải lúc nào cũng được chế tạo theo một thông số kỹ thuật thống nhất – bất cứ thứ gì có trong tay đều thường được sử dụng để chế tạo chúng, thậm chí bao gồm cả vũ khí lỗi thời từ các viện bảo tàng.

Việc sử dụng hiệu quả cao của đoàn tàu bọc thép đã được chứng minh trong quá trình bảo vệ các thành phố như Tallinn và Leningrad. Sevastopol được bảo vệ trong tám tháng bởi đoàn tàu bọc thép ‘Zheleznyakov’, được quân Đức gọi là ‘Green Ghost’ – Quỷ xanh. Sau khi thực hiện các cuộc đột kích nhanh chóng, nó ẩn náu trong một đường hầm ngầm mà đối phương bằng bom và đạn pháo sẽ không thể xuyên phá được. Tuy nhiên, vào ngày 26 tháng 6 năm 1942, mái của đường hầm đã không chịu được một cuộc không kích dữ dội và ‘Zheleznyakov’ đã bị chôn vùi bên trong cùng với toàn bộ lính tráng của nó.

Kết quả của các trận chiến ở Stalingrad và Kursk đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến và Hồng quân đã tiến về phía tây. Tình hình của các đoàn tàu bọc thép cũng đã thay đổi. Từ những “đoàn tàu tự sát” tuyệt vọng, chúng đã được chuyển đổi thành lực lượng dự phòng vững chắc cho quân đội tiến công. Trong năm 1943, chỉ có hai đoàn tàu bị mất và trong năm 1944 và 1945, không có tổn thất nào cả.

Sau khi giải phóng lãnh thổ Liên Xô, các đoàn tàu bọc thép cũng tham gia vào các trận chiến ở châu Âu, dễ dàng chuyển sang khổ đường ray địa phương. Các đoàn tàu phòng không bọc thép chuyên dụng được trang bị pháo phòng không 25mm và 37mm bắn nhanh, cũng như súng máy phòng không DShK 12,7 mm, đã thể hiện rất tốt vai trò của mình. Di chuyển nhanh chóng trên những khoảng cách lớn, chúng cung cấp khả năng yểm hộ hiệu quả cho quân đội đang tấn công chống lại một cách hiệu quả các mối đe dọa từ trên không, trong khi các trung đoàn pháo phòng không vẫn đang trên đường hành quân chưa theo kịp đà tiến của các đơn vị tiên phong.

Hai trong số những đoàn tàu bọc thép hùng mạnh nhất của Liên Xô – ‘Kozma Minin’ và ‘Ilya Muromets’ (với lớp giáp lên tới 45 mm) thậm chí đã đến được ngoại ô Berlin. Tuy nhiên, trước đó, ‘Ilya Muromets’ đã tham gia vào một cuộc đấu tàu bọc thép độc đáo. Vào ngày 4 tháng 6 năm 1944, gần thị trấn Kovel, nó đã phá hủy đối thủ xứng tầm với nó, một đoàn tàu bọc thép của Đức, được Liên Xô đặt tên nhầm là ‘Adolf Hitler’. Trên thực tế, Panzerzüge của Đệ tam Đế chế không được đặt tên.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh, các đoàn tàu bọc thép của Liên Xô đã phá hủy được370 xe tăng địch, 712 xe cộ và 344 khẩu pháo và súng cối, cũng như bắn hạ 115 máy bay Đức và rất nhiều những thứ linh tinh khác. Hai đoàn tàu bọc thép của Hồng quân và ba đoàn tàu thuộc biên chế NKVD được trao tặng Huân chương Cờ đỏ, trong khi 10 đơn vị xe lửa bọc thép độc lập được trao tặng danh hiệu danh dự “Cận vệ”. Một số cá nhân không rõ được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Sau Chiến tranh, nhất là thời Chiến tranh lạnh không có đủ thông tin về những đoàn tàu bọc thép của Liên Xô, nhưng người phương Tây cho rằng chúng vẫn được duy trì với trang bị, thiết bị hiện đại hơn. Một trong những hình mẫu nổi tiếng thể hiện trí tưởng tượng phong phú của người phương Tây là đoàn tàu bọc thép Trevelyan. Đây là một đoàn tàu hỏa Liên Xô cũ được trang bị lớp giáp dày một inch mà Alec Trevelyan sử dụng để di chuyển khắp nước Nga và hầu như không bị phát hiện. Chiếc xe này xuất hiện trong bộ phim James Bond năm 1995 “GoldenEye” và bản chuyển thể trò chơi điện tử của phim.

Trong phim đó, James Bond (Do Pierce Brosnal thủ vai) đã làm trật bánh tàu bằng một phát đạn từ chiếc xe tăng Liên Xô bị đánh cắp của mình nhằm cứu Natalya Simonova và Trevelyan sau đó đã được cho nổ tung tàu bằng thuốc nổ sau khi trốn thoát bằng một chiếc trực thăng nhỏ.

Bước vào cuộc Chiến tranh xâm lược của Putler vào Ukraine từ 24/2/2022, vận tải đường sắt Nga đã chiếm quá nhiều thời gian và sự quan tâm của chúng ta. Và thật “thú vị,” phương tiện truyền thông nhà nước Nga vừa mới đây đã giới thiệu việc tiếp tục sử dụng tàu hỏa bọc thép – một yếu tố phi truyền thống nhưng đã ăn sâu vào hậu cần quân sự của nước này – và lần này thì nó xuất hiện trên lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng.

Phương tiện truyền thông nhà nước Nga trước đây đã từng “show hàng” một đoàn tàu bọc thép mang tên “Yenisey” (tên con sông nổi tiếng ở Siberia) hoạt động trong biên chế Quân khu “Trung ương” trong cuộc tập trận mà các quan chức mô tả là “phối hợp chiến đấu”. Theo đó, Yenisey được mô tả là trang bị nhiều loại vũ khí, bao gồm súng phòng không ZU-23-2, nhiều giá đỡ súng máy hạng nặng “Utyos” và đáng chú ý là xe chiến đấu bộ binh BMP-2 được gắn gần như cố định trên một trong những toa đĩa của đoàn tàu. Hệ thống này được thiết kế để bảo vệ các hoạt động đường sắt tại các nút giao quan trọng ở các khu vực có xung đột.

Theo các nguồn tin quân sự Nga, đoàn tàu bọc thép chủ yếu được sử dụng để hộ tống các đoàn xe hậu cần và thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và sửa chữa trên các tuyến đường sắt, đây vẫn là ưu tiên để duy trì các hoạt động ở các khu vực bị chiếm đóng.

Nhìn chung cái thứ này đã tuyệt chủng trong quân đội phương Tây hiện đại, nhưng tàu hỏa bọc thép vẫn đóng vai trò độc đáo trong học thuyết quân sự của Nga. Hoạt động cung ứng hậu cần phụ thuộc đường sắt được coi là cực kỳ thiết yếu, để duy trì từ các tuyến chính đến các tuyến tiếp tế mở rộng. Giao thông đường sắt đặc biệt quan trọng vì quy mô bộ máy quân sự cực kỳ to lớn và hạ tầng giao thông đường bộ yếu kém của Nga.

Các nhà phân tích quân sự thường bình luận về sự phụ thuộc này. Một mệnh đề phổ biến được lan truyền là “Nơi nào vết giày lính Nga, đường sắt sẽ theo sau”. Mặc dù số lượng và phạm vi hoạt động của tàu hỏa bọc thép có hạn, nhưng chúng cung cấp một nền tảng di động và bảo vệ tương đối tốt cho ít nhất một đoạn đường sắt, một phần để sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hại trong hỏa lực của đối phương.

Bây giờ trong một cảnh trông giống như trong phim tài liệu về Thế chiến II, tàu hỏa bọc thép đã trở lại. Đoàn tàu bọc thép Yenisey trong đoạn phim này cho thấy nó hoạt động trên lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, theo DefenceBlog.

Từ đầu chiến tranh, tôi đã báo cáo quý vị về việc quân đội Nga có một số đặc điểm: (1) Không đủ xe tải và xe bồn (2) Công binh Nga cũng không đủ năng lực để phát triển hệ thống đường dã chiến cho ô tô chạy. Hoàn toàn khác nhiều quân đội phương Tây vốn dựa vào xe tải, máy bay và các tuyến tiếp tế linh hoạt… Điều kiện địa lý rộng lớn và nhu cầu về thiết bị hạng nặng của Nga, cũng như số lượng mọi trang bị, thiết bị, vũ khí đều rất lớn có nghĩa là giao thông đường sắt vẫn là động mạch chính của cỗ máy quân sự của nước này.

Vì vậy, học thuyết quân sự của Nga vẫn dựa trên hậu cần đường sắt. Những đoàn tàu bọc thép của thế kỷ XXI mới xuất hiện này sẽ làm nhiệm vụ hộ tống đoàn xe tiếp tế, trinh sát phá hoại và chở đội sửa chữa cùng thiết bị để khôi phục đường ray bị hư hỏng – đồng thời chúng được trang bị vũ khí để ngăn chặn các cuộc phục kích và tấn công bằng máy bay không người lái.

Các đoàn tàu bọc thép của Nga trên các tuyến đường sắt của Ukraine cũng là một công cụ tuyên truyền, chẳng hạn sự trở lại của những đoàn tàu bọc thép huyền thoại thời chiến tranh vệ quốc.

Trao đổi với một “bà hàng nước,” anh này cho biết gần đây phía Ukraine tăng cường đánh phá nhằm vào hoạt động vận tải đường sắt Nga, nên hình thức này được coi là một sáng tạo. Hồi Chiến tranh Vệ quốc, Liên Xô đã từng duy trình hàng chục đoàn tàu sửa chữa, chúng chạy liên tục trên các tuyến đường sắt trọng yếu để sửa đường, đồng thời cung cấp một sự kiện phòng không đáng kể bảo vệ đoạn đường đó.

Cuộc chiến tranh đường sắt hóa ra đã bắt đầu được một thời gian và bọn Nga này đã có phản ứng.

PHÚC LAI 30.06.2025

No comments:

Post a Comment