Tuesday, July 1, 2025

Cuộc đời Tập Trọng Huân và di sản để lại cho Tập Cận Bình
Nguồn: Joseph Torigian, “Xi Jinping’s Costly Inheritance,” Foreign Affairs, 23/06/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
01/07/2025
NghiencuuQT


Những gian khổ của cha ông đã định hình nên nhà lãnh đạo Trung Quốc – và đất nước mà ông cai trị – như thế nào?

Năm 1980, Tập Trọng Huân, một nhân vật nặng ký của Đảng Cộng sản Trung Quốc và cha của nhà lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình, đã đến thăm một trong những địa điểm du lịch hàng đầu miền trung đông Iowa: Thuộc địa Amana, một di sản văn hóa Đức được thành lập theo nguyên tắc cộng đồng, ngày nay nổi tiếng với bia và đồ thủ công. Trải nghiệm này đã làm ông chấn động. Ở tuổi 67, ông đã dẫn đầu một phái đoàn các tỉnh trưởng đến Mỹ. Đó là một khoảnh khắc lịch sử trong công cuộc mở cửa của Trung Quốc với các doanh nghiệp và đầu tư phương Tây. Với tư cách là lãnh đạo tỉnh Quảng Đông, Tập Trọng Huân chính là người đi tiên phong trong quá trình đó. Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh, lúc đó vừa chứng kiến lễ khánh thành lãnh sự quán Mỹ đầu tiên bên ngoài Bắc Kinh. Ông cũng đang khởi động các Đặc khu Kinh tế – những khu vực được thiết kế để thu hút doanh nghiệp nước ngoài – vốn sẽ tượng trưng cho quan hệ mới của Trung Quốc với thế giới bên ngoài.

Những người Mỹ tại Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung đã điều phối chuyến đi này kể lại rằng Tập Trọng Huân là một người thân thiện và đầy sức hút, kiểu người sẽ luôn đảm bảo phiên dịch của mình có nước uống. Tuy nhiên, đôi khi ông lại im lặng như thể đang bận tâm điều gì đó, hoặc có thể tỏ ra dè dặt và xa cách.

Nhưng thái độ đó đã thay đổi tại Thuộc địa Amana. Theo một người có mặt, Tập Trọng Huân hoàn toàn bị cuốn hút khi lắng nghe hướng dẫn viên du lịch. Phản ứng của ông mạnh đến mức một quan chức ngoại giao Mỹ nhận xét ông dường như đã “trở thành một người khác.”

Thay đổi đó có lẽ xảy ra vì ông đã nhìn thấy một tương lai đáng sợ ở di sản này. Đây là một cộng đồng được xây dựng trên các nguyên tắc tập thể và không tưởng, nhưng đã quyết định giải thể sau 88 năm thành lập. Nói cách khác, nó là câu chuyện về cách một xã hội cộng sản tự biến mình thành một địa điểm du lịch.

Vào thời điểm đó, chỉ vài năm sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Tập Trọng Huân và các đồng chí của ông đã bắt đầu lo rằng những gì họ xây dựng bằng sự hy sinh của mình sẽ không tồn tại lâu dài. Nhìn từ vị trí tỉnh trưởng Quảng Đông, mọi thứ không có vẻ gì là tốt đẹp. Hàng chục nghìn người đang chạy trốn khỏi cảnh nghèo đói của Trung Quốc cộng sản để đến Hong Kong tư bản. Các quan hệ kinh tế mới với thế giới bên ngoài có thể giúp ngăn chặn làn sóng này và tạo ra sự thịnh vượng, nhưng nỗi sợ về sự xâm nhập của ý thức hệ phương Tây đặc biệt rõ ràng ở Quảng Đông vì nơi này nằm gần cựu thuộc địa Anh. Thanh niên ở Quảng Châu đã xuống đường yêu cầu đảng phải hành động nhanh hơn theo hướng “cải cách và mở cửa” mới. Và dù thời kỳ hỗn loạn của Mao đã cảnh báo đảng về những nguy hiểm của chế độ chuyên chế, độc nhân trị và của chính trị kế nhiệm, nhưng nhà độc tài mới ở Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình, lại đang sử dụng các biện pháp của Machiavelli để đánh bại người kế nhiệm ban đầu của Mao, Hoa Quốc Phong, người có chủ trương đồng thuận hơn.

Ngay sau chuyến đi tới Mỹ, Tập Trọng Huân đã được chuyển đến Bắc Kinh để đảm nhiệm một vị trí quan trọng trong Ban Bí thư, hay “bộ não” của đảng. Vị trí này đặt ông vào trung tâm của các cuộc tranh luận về cách cứu vãn cuộc cách mạng.

Con trai ông, Tập Cận Bình, giờ đây đã kế thừa sứ mệnh đó. Được truyền cảm hứng từ người cha, giấc mơ của người con trai là phá vỡ chu kỳ sụp đổ của các triều đại, vốn là đặc trưng của lịch sử Trung Quốc suốt hàng thiên niên kỷ. Và ông muốn đạt được điều đó thông qua “cách mạng tự thân” liên tục, một chiến dịch nhằm mục đích giữ vững tinh thần cách mạng bằng cách kêu gọi người dân Trung Quốc liên tục nghiên cứu cuộc đời của thế hệ sáng lập.

Khi vạch ra con đường phía trước cho đảng và đất nước, chắc hẳn Tập Cận Bình đã được truyền cảm hứng từ những cuộc đấu tranh của cha mình, vượt qua những biến động đã làm rung chuyển Trung Quốc trong thế kỷ 20. Một cuộc khảo sát kỹ lưỡng cuộc đời của Tập Trọng Huân cho thấy những thách thức sâu sắc đã định hình chính trị đảng ngay từ giai đoạn đầu, đặc biệt là những tình thế lưỡng nan do vai trò của ý thức hệ trong đời sống chính trị Trung Quốc và các kế hoạch kế nhiệm của đảng. Đây là những tình thế có thể được quản lý, chứ không phải là những vấn đề cần được giải quyết. Và chúng cung cấp bối cảnh cần thiết để hiểu những gì Tập Cận Bình đang cố gắng đạt được ngày hôm nay, và liệu ông có thể thành công trong tương lai hay không.

ĐẤU TRANH THỰC SỰ

Tập Trọng Huân đã trải qua những đau khổ tột cùng vì sự nghiệp, dưới bàn tay của cả kẻ thù Quốc Dân Đảng và chính những người Cộng sản. Những gian khổ của ông đồng thời cho thấy những nguy hiểm của việc quá xem trọng ý thức hệ, hoặc quá hời hợt với nó. Sau khi được thả khỏi nhà tù Quốc Dân Đảng khi mới 15 tuổi, ông đã không khơi lại nhiệt huyết cách mạng của mình bằng cách đọc Karl Marx. Như sau này ông kể lại với con trai, tiểu thuyết Thiếu niên Phiêu bạt của Tưởng Quang Từ mới là cuốn sách ông thấy truyền cảm hứng nhất. Nhân vật chính đã trải qua hết tai ương này đến tai ương khác và đi đến kết luận rằng “xã hội tà ác này càng mang đến cho tôi nhiều đau khổ, thì sức kháng cự của tôi càng mạnh mẽ hơn.”

Tập Trọng Huân sau đó cũng nhận ra tầm quan trọng của các sản phẩm văn hóa đối với sự nghiệp cộng sản. Năm 1952, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, được giao nhiệm vụ giáo dục một quốc gia có hàng trăm triệu dân về chủ nghĩa cộng sản và lý do họ phải hy sinh để xây dựng nó.

Nhưng ý thức hệ không chỉ thúc đẩy tinh thần và giúp ông giải thích tại sao đảng xứng đáng để người ta cống hiến, mà nó còn suýt giết chết ông. Khi đảng đàn áp ông, và họ đã nhiều lần làm vậy, thì nguyên nhân là vì những khác biệt quan điểm được cho là biểu hiện của “lệch lạc ý thức hệ.” Đó là lý do tại sao một cuốn tiểu thuyết đã truyền cảm hứng cho Tập Trọng Huân ở lại với cách mạng vào năm 1928, nhưng một cuốn tiểu thuyết khác, Lưu Chí Đan, lại khiến ông bị thanh trừng vào năm 1962. Mao kết luận rằng quyết định của Tập Trọng Huân cho phép một nữ cán bộ viết cuốn sách – một câu chuyện hư cấu về một nhà cách mạng hàng đầu từ Tây Bắc – là biểu hiện của “đấu tranh giai cấp.” Và Tập đã bị đày về “vùng hoang vu chính trị” trong 16 năm.

Sự sụp đổ của ông báo trước một trong những thảm kịch lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc: Cách mạng Văn hóa. Trong những năm điên cuồng của thập niên 1960 và 1970, chính quyền đã trục xuất Tập Trọng Huân khỏi thủ đô và bắt ông phải chịu giam giữ biệt lập và ngược đãi thể xác. Sau cái chết của Mao năm 1976, các nhà lãnh đạo nhận ra rằng Cách mạng Văn hóa là một thất bại lớn đến mức đảng sẽ phải thay đổi sau đó. Khi Tập Trọng Huân trở lại làm việc ở Bắc Kinh vào năm 1981, ông phải đối mặt với một câu hỏi mới: làm thế nào để duy trì cảm giác lý tưởng và niềm tin khi không một ai có thể giải thích chủ nghĩa cộng sản thực sự là gì, một thực tế mà chính bản thân ông cũng thừa nhận.

Ông biết rằng đạt được những phát triển kinh tế lớn sẽ mang lại cho đảng tính chính danh mà họ đang rất cần. Nhưng ông cũng lo sợ về những gì có thể xảy ra nếu mô hình kinh tế mới đó khiến người dân mất niềm tin vào các cam kết ý thức hệ của đảng. Ông lo lắng về cách Trung Quốc sẽ thay đổi khi đầu tư của phương Tây đổ vào, khi cơ chế thị trường được thông qua, và khi các phần thưởng vật chất để khuyến khích làm việc chăm chỉ hơn được áp dụng. Ông muốn dành không gian cho những tiếng nói mới, để họ có thể biện minh cho định hướng kinh tế mới của đảng, hoặc thậm chí đề xuất những ý tưởng mới về cách để đạt được những cải cách chính trị hạn chế, nhưng ông e ngại sự hỗn loạn và chỉ muốn những nhà phê bình lớn tiếng nhất ngừng gây rắc rối cho ông. Nguy cơ thường trực là ông có thể bị liên kết với những lời kêu gọi thay đổi mạnh mẽ hơn và khiến cấp trên nổi giận. Đó là một công thức dẫn đến nhầm lẫn và rối loạn chức năng. Xuyên suốt những năm 1980, đảng thường xuyên phát động các chiến dịch đàn áp làm dấy lên nỗi sợ về Cách mạng Văn hóa thứ hai, nhưng sau đó lại nhanh chóng rút lui khi các chiến dịch này đe dọa tăng trưởng kinh tế.

Cuối cùng, đã có những hậu quả cho chính giới tinh hoa của đảng. Năm 1987, sau các cuộc biểu tình của sinh viên, Đặng Tiểu Bình đã thanh trừng Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang khỏi ban lãnh đạo. Đảng cáo buộc Hồ tội “tự do hóa tư sản.” Và theo lời ủy viên Bộ Chính trị Dương Thượng Côn, thì Tập Trọng Huân, cộng sự thân cận của Hồ, còn “đi xa hơn thế.” Tập ghét những cáo buộc này. Ông biết rằng Hồ chưa bao giờ chống đối Đặng. Vấn đề là việc cân bằng giữa cải cách và mở cửa với các nguyên tắc bảo thủ thực sự là một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Nhưng Hồ và Tập đã trở thành kẻ bị đổ lỗi khi mâu thuẫn trở nên quá rõ ràng, không còn có thể bỏ qua được nữa.

Tập Cận Bình cũng phải đối mặt với vấn đề cân bằng giữa tăng trưởng và ý thức hệ như cha mình, nhưng ông có cách tiếp cận riêng để giải quyết vấn đề này. Người con trai rõ ràng quan tâm đến phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng bận tâm đến việc truyền thụ cảm giác lý tưởng và niềm tin cho cả đảng và phần còn lại của dân số Trung Quốc. Ông tin rằng đảng nên tránh chủ nghĩa cực đoan của thời Mao, nhưng cũng cần phải tiếp thêm sinh lực cho các thành viên của mình bằng những lời kêu gọi đấu tranh và cảnh giác. Ông đã cố gắng tránh các sự kiện kịch tính vốn là đặc trưng của thời Đặng, đồng thời cố gắng linh hoạt với những điều chỉnh lộ trình hạn chế.

Vấn đề đối với ông là “cuộc đấu tranh” mà ông yêu cầu người dân của mình thực hiện là một khái niệm vốn dĩ mơ hồ. Quá nhiều hay quá ít đều nguy hiểm. Khi nền kinh tế chậm lại, thách thức đáp ứng nhu cầu vật chất của người dân Trung Quốc trong lúc theo đuổi các mục tiêu chiến lược và ý thức hệ có thể trở nên tồi tệ hơn. Cách tiếp cận “con đường trung gian” của Tập Cận Bình có thể giúp ông đạt được điều tốt nhất của cả hai thế giới, bằng cách sử dụng tăng trưởng để tạo điều kiện cho an ninh và ổn định (và ngược lại), nhưng cũng có thể nó chỉ đơn giản là một công thức để tiếp tục tồn tại.

CÀNG LÊN CAO CÀNG NGÃ ĐAU

Các nhà lãnh đạo đảng lẽ ra đã có thể giải quyết tốt hơn các cuộc tranh luận về ý thức hệ gai góc nếu họ chịu đánh giá các cách tiếp cận khác nhau một cách khách quan. Nhưng ý thức hệ lại bị kết hợp với một vấn đề khác, vấn đề gây tranh cãi nhất trong lịch sử của đảng: chính trị kế nhiệm.

Và không ai từng chứng kiến những tai họa và hiểm nguy của chính trị kế nhiệm gần hơn Tập Trọng Huân. Ông từng phục vụ dưới quyền Thủ tướng Chu Ân Lai vào những năm 1950 và đầu những năm 1960, và sau đó là Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang trong những năm 1980. Nói cách khác, ông đã chứng kiến tận mắt quan hệ giữa các nhà lãnh đạo tối cao Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình với các cấp phó quan trọng nhất của họ.

Tập Trọng Huân hẳn đã nhận ra chính trị đảng phái ở cấp cao nhất không chỉ đơn thuần là thực hiện mong muốn của nhà lãnh đạo tối cao. Các cấp dưới được yêu cầu theo đuổi nhiều mục tiêu cùng một lúc mà không có hướng dẫn rõ ràng về mục tiêu nào quan trọng hơn, hoặc làm thế nào để đạt được chúng. Các mệnh lệnh thường bao gồm hai vế trái ngược nhau, được ngăn cách bởi một chữ “nhưng”: chẳng hạn, họ được yêu cầu hãy đảm bảo chiến dịch được tiến hành triệt để, nhưng tránh đi quá xa và quá nhanh. Nếu họ đi quá xa theo một hướng, hoặc là “tả” (quá cực đoan) hoặc là “hữu” (quá thận trọng), họ đều có thể phải đối mặt với cáo buộc lệch lạc ý thức hệ. Và thất bại có thể có nghĩa là mất quyền lực vào tay người khác.

Trên cương vị nhà lãnh đạo tối cao, Mao, và sau đó là Đặng, thường tỏ ra xa cách, mơ hồ, thất thường, và hay nghi ngờ. Nếu một cấp phó báo cáo quá nhiều cho họ, họ có thể cảm thấy choáng ngợp và bị sa lầy vào chi tiết. Nhưng việc không giao tiếp đủ có thể khiến họ nghi ngờ rằng cấp dưới đang cố gắng tự mình điều hành đất nước. Các cuộc họp riêng tư, thẳng thắn giữa nhà lãnh đạo tối cao và cấp dưới của họ cực kỳ hiếm, và thậm chí khi đó cũng chẳng có gì đảm bảo rằng họ sẽ đạt được một sự hiểu biết lâu dài. Mỗi khi các cấp phó làm sai, cấp trên sẽ tước bỏ quyền lực của họ – hoặc tệ hơn.

Đây là một tình huống gần như không thể vượt qua đối với các cấp phó. Tập Trọng Huân đã chứng kiến Mao Trạch Đông thường xuyên sỉ nhục Chu Ân Lai. Một lần vào năm 1958, sau một buổi tự phê bình đau đớn kéo dài nhiều giờ, Chu đã buồn bã thừa nhận với Tập rằng Mao lại chỉ trích ông một lần nữa. Tập hứa sẽ chia sẻ trách nhiệm với Chu. Ông quả thực bị sốc khi thấy Chu, người đã có kinh nghiệm và hiểu Mao rõ hơn hầu hết mọi người, vẫn có thể đối mặt với những thất bại tàn khốc.

Tập Trọng Huân tin rằng sự sùng bái cá nhân đối với Mao trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa là một thảm họa. Do đó, ông đã thất vọng khi Đặng trở thành một lãnh đạo tàn bạo khác trong những năm 1980. Ông gợi ý rằng Hồ nên nói chuyện với Đặng nhiều hơn để đảm bảo rằng họ hiểu nhau. Nhưng Hồ lại cho rằng ông có sự tin tưởng hoàn toàn của Đặng. Ông đã lầm. Khi Đặng nói rằng ông dự định nghỉ hưu vào năm 1986, Hồ đã phạm một sai lầm chết người. Ông đồng ý rằng Đặng nên nghỉ hưu, điều khiến Đặng kết luận rằng Hồ đang nóng lòng muốn đẩy ông đi. Và thế là Hồ đã nhanh chóng bị thanh trừng. Khi ấy, Tập Trọng Huân nhận ra rằng thay vì giải quyết các vấn đề cố hữu trong hệ thống lãnh đạo của mình, đảng lại có xu hướng lặp lại chúng.

Giống như Mao và Đặng, Tập Cận Bình giờ đây đã thâu tóm trong tay quyền lực tối cao. Mô hình cai trị của ông trở nên hợp lý khi xét đến những trải nghiệm của cha ông. Nếu sự đố kỵ và bất an đi kèm với chính trị kế nhiệm là điều nguy hiểm, thì không có gì ngạc nhiên khi Tập Cận Bình không chọn ra người kế nhiệm. Một người kế nhiệm được chỉ định có thể tạo ra nhiều hơn một trung tâm quyền lực trong đảng, và Tập không muốn mạo hiểm với sự bất ổn có thể xảy ra nếu ông phải thanh trừng một nhân vật như vậy. Nếu xem việc có quá nhiều bất đồng giữa nhà lãnh đạo tối cao và các cấp phó của ông là một vấn đề, thì chúng ta có thể hiểu được quyết định của Tập Cận Bình khi tập trung quyền kiểm soát vào tay mình, như ông đã làm khi làm suy yếu cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường bằng cách giới hạn quyền hạn của Lý chỉ trong việc đưa ra các quyết định về kinh tế.

Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tạm thời. Dù sớm hay muộn, Tập cũng sẽ phải chọn lựa và thử thách một người kế nhiệm. Khi già đi, ông có thể sẽ mất năng lượng và muốn tập trung vào các vấn đề lớn hơn, điều này đồng nghĩa là phải ủy quyền nhiều hơn cho người khác. Và những vấn đề đã từng giày vò cha ông có thể quay trở lại.

CHA VÀ CON

Vào giai đoạn cuối của sự nghiệp, năm 1990, chỉ vài tháng sau khi Quân Giải phóng Nhân dân thảm sát nhiều thanh niên biểu tình đòi thay đổi ở Quảng trường Thiên An Môn, Tập Trọng Huân đã đảm nhiệm một trong những chức vụ cuối cùng của mình: đồng chủ tịch Ủy ban Chăm sóc Thế hệ Kế tiếp. Đó là một đoạn kết phù hợp cho một cuộc đời đã được đánh dấu bằng sự lo lắng thường trực về một câu hỏi mang tính sống còn: Liệu các thế hệ trẻ và thế hệ tương lai có chấp nhận tính chính danh liên tục của Đảng Cộng sản Trung Quốc hay không?

Đối với ông, dĩ nhiên, đó không chỉ là mối quan tâm nghề nghiệp, mà còn là mối bận tâm cá nhân. Ông muốn con cái mình cũng tận tâm với sự nghiệp như ông. Ông kể cho họ nghe những câu chuyện về cuộc cách mạng để truyền cảm hứng cho họ và áp đặt kỷ luật tàn bạo để họ làm quen với các giá trị tập thể.

Tuy nhiên, con cái ông cũng nhìn thấy điều khác. Họ nhìn thấy cách đảng mà cha họ phục vụ thực hiện các chính sách gây ra thảm kịch cho người dân Trung Quốc. Họ nhìn thấy sự sỉ nhục, đàn áp, lưu đày, và giam cầm mà đảng đã buộc cha họ phải chịu. Và họ nhìn thấy cảm giác tội lỗi và xấu hổ mà cha họ trải qua cả khi là nạn nhân lẫn khi là kẻ gây ra thảm kịch. Họ chứng kiến cùng một thảm kịch nhưng lại sống những cuộc đời rất khác nhau. Một trong những người con của Tập Trọng Huân, Tập Hòa Bình, đã tự sát trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa. Một người khác lại có mối liên hệ với các quan chức và trí thức kỳ cựu ủng hộ cải cách. Những người khác nữa thì kiếm được rất nhiều tiền từ các dự án kinh doanh.

Ngay cả Tập Cận Bình cũng thừa nhận rằng nỗi thống khổ mà ông phải chịu đựng khi còn trẻ đã dẫn đến những nghi ngờ về nhà nước và đảng. Ông thực sự tin rằng thử thách của mình còn tệ hơn những gì nhiều người khác phải chịu đựng trong Cách mạng Văn hóa, vì ông là con trai của một nhà lãnh đạo bị thanh trừng sớm hơn hầu hết các nhà cách mạng cấp cao. Tuy nhiên, ông vẫn nói với niềm tự hào lớn lao về sự kiên cường mà những trải nghiệm kinh hoàng này đã hun đúc trong ông. Và ông khẳng định rằng lý tưởng và niềm tin của mình là không thể lay chuyển chính xác bởi vì ông đã trải qua một thời kỳ bối rối trước khi nhận ra rằng chỉ có con đường của đảng mới là đúng đắn.

Thay vì khiến ông rời xa đảng, những trải nghiệm này dường như lại khiến Tập Cận Bình hết mình cống hiến cho sự nghiệp đã khiến cha ông phải chịu nhiều đau đớn, và tìm cách lấy lại niềm tự hào và di sản cho một gia đình đã bị sỉ nhục hết lần này đến lần khác. Với suy nghĩ đó, ông đã theo chân cha mình vào chính trường. Nhưng liệu các thế hệ tương lai có cảm thấy giống như cha mẹ họ hay không? Tập Cận Bình tin rằng các đối thủ phương Tây của Trung Quốc muốn kích động giới thanh niên ngày nay đòi hỏi sự thay đổi chính trị triệt để. Để chống lại mối nguy này, ông hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho thanh niên Trung Quốc thông qua sứ mệnh phục hưng dân tộc, hy sinh, “thực khổ” (ăn đắng) vì nghĩa lớn.

Một số người chắc chắn sẽ tự hào chấp nhận nhiệm vụ đó. Nhưng những người khác có thể xem lời kêu gọi của ông không phải là một tiếng gọi tập hợp, mà là một tiếng vọng mệt mỏi của quá khứ. Nhiều thanh niên Trung Quốc có lẽ muốn sống một cuộc sống ít sôi nổi hơn những gì Tập yêu cầu. Câu chuyện về gia đình ông đặt ra câu hỏi về cách để thuyết phục những người trẻ này. Một thông điệp về sự đau khổ và đấu tranh có thể có ý nghĩa đối với một số người – nhưng đối với những người khác, nó lại chỉ dẫn đến sự xa lánh.

Joseph Torigian là Giáo sư tại Trường Dịch vụ Quốc tế thuộc Đại học Mỹ và là tác giả cuốn “The Party’s Interests Come First: The Life of Xi Zhongxun, Father of Xi Jinping” (Lợi ích của Đảng phải đặt lên hàng đầu: Cuộc đời của Tập Trọng Huân, cha đẻ của Tập Cận Bình.)

No comments:

Post a Comment