Tuesday, July 1, 2025

Đạt Lai Lạt Ma chuẩn bị công bố người kế vị, Trung Quốc theo dõi sát sao
01/07/2025(6 giờ trước)
BBC

Getty Images
Đạt Lai Lạt Ma sẽ phát biểu tại một cuộc họp lớn kéo dài ba ngày của các nhân vật tôn giáo Phật giáo trong tuần này, trước sinh nhật lần thứ 90 của ông, khi các tín đồ đang chờ đợi vị lãnh tụ tinh thần Tây Tạng chia sẻ thông tin về việc kế vị – một động thái có thể khiến Trung Quốc khó chịu.

Bắc Kinh xem Đạt Lai Lạt Ma – người đã rời Tây Tạng năm 1959 sau một cuộc nổi dậy thất bại chống lại sự cai trị của Trung Quốc, là một phần tử ly khai và tuyên bố họ sẽ chọn người kế vị ông, theo hãng tin Reuters.

Tuy nhiên, Đạt Lai Lạt Ma nói rằng người kế vị của ngài sẽ được sinh ra bên ngoài Trung Quốc và kêu gọi các tín đồ từ chối bất kỳ ai do Bắc Kinh chọn lựa.

Theo tín ngưỡng của Phật giáo Tây Tạng, các vị Lạt Ma giác ngộ sẽ tái sinh để tiếp tục sứ mệnh tâm linh của họ.

Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 sẽ tròn 90 tuổi vào hôm 6/7 và ông đã nói rằng sẽ tham vấn các cao tăng và những người khác vào thời điểm này để chia sẻ những dấu hiệu có thể giúp xác định người kế vị – có thể là một bé trai hoặc bé gái – sẽ được tìm thấy ở đâu sau khi ông viên tịch.

Đọc nhiều nhất





"Phần đời còn lại của tôi, tôi sẽ dành để phục vụ lợi ích của người khác, trong khả năng và phạm vi rộng nhất có thể," Đạt Lai Lạt Ma nói với các tín đồ trong buổi cầu nguyện trường thọ cho ông vào hôm 30/6.

"Sẽ có một khuôn khổ nào đó để chúng ta thảo luận về sự tiếp nối của thể chế Đạt Lai Lạt Ma," ông nói, nhưng không giải thích thêm.

Trước đó, ông từng nói rằng có thể sẽ tái sinh tại Ấn Độ – nơi ông đang sống lưu vong gần thị trấn Dharamshala, nằm ở dãy Himalaya phía bắc Ấn Độ.

Ông được xác định là hóa thân của Đạt Lai Lạt Ma tiền nhiệm khi mới hai tuổi.

Bà Dolma Tsering Teykhang, Phó Chủ tịch Quốc hội của chính quyền Tây Tạng lưu vong tại Dharamshala, cho biết thế giới cần nghe trực tiếp từ Đạt Lai Lạt Ma về vấn đề này, vì trong khi Trung Quốc "cố gắng bôi nhọ ngài bất cứ khi nào có thể ... họ cũng đang tìm cách thiết lập các quy định nhằm kiểm soát việc tái sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma."

"Trung Quốc đang tìm cách chiếm đoạt thể chế này ... vì mục đích chính trị của họ," bà nói.

"Chúng tôi mong hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ ra đời không chỉ để duy trì sự tồn tại của Tây Tạng là một nền văn hóa, tôn giáo và quốc gia độc lập, mà còn vì hạnh phúc của toàn nhân loại."

Ông Thupten Ngodup, Quốc sư Tây Tạng, cho biết thông thường việc thảo luận về sự tái sinh không diễn ra khi vị Lạt Ma vẫn còn sống, nhưng tình hình hiện nay đã khác vì "chính phủ Trung Quốc đang can thiệp."

Bắc Kinh từng tuyên bố vào tháng Ba rằng Đạt Lai Lạt Ma chỉ là một nhân vật chính trị lưu vong và "không có quyền đại diện cho người dân Tây Tạng."

Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng thảo luận về tương lai của ông nếu ông thừa nhận rằng Tây Tạng và Đài Loan là những phần không thể tách rời của Trung Quốc – một đề xuất mà chính phủ lưu vong Tây Tạng đã bác bỏ.

Getty Images
Tu viện Potala tại thành phố Lhasa, thuộc Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc từng là nơi ở của Đạt Lai Lạt Ma cho đến khi vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 chạy sang Ấn Độ năm 1959. Hiện nay, nơi này là một bảo tàng và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới

'Như thể ngài không còn ở đây'

Hội nghị tôn giáo trong tuần này, được tổ chức lần đầu tiên kể từ năm 2019, sẽ có sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng và sẽ chiếu một bài phát biểu qua video của Đạt Lai Lạt Ma.

Ngôi sao Hollywood Richard Gere, một người theo Phật giáo Tây Tạng lâu năm, sẽ là một trong những đại biểu tham dự, theo ban tổ chức.

Đạt Lai Lạt Ma sẽ tham gia buổi cầu nguyện do chính phủ Tây Tạng lưu vong tổ chức vào ngày 5/7 và tham gia lễ mừng sinh nhật vào ngày hôm sau, theo lịch trình được công bố.

Ông sẽ phát biểu trong lễ mừng sinh nhật khoảng nửa tiếng. Bộ trưởng Nội các phụ trách các vấn đề quốc hội Ấn Độ, ông Kiren Rijiju, cùng một số quan chức Ấn Độ khác dự kiến sẽ tham dự.

Người dân Tây Tạng đã cầu nguyện cho sức khỏe và trường thọ của Đạt Lai Lạt Ma, đặc biệt sau ca phẫu thuật đầu gối ở Mỹ vào năm ngoái, dù ông từng nói với Reuters vào tháng 12 rằng ông có thể sống đến 110 tuổi.

Vị Đạt Lai Lạt Ma trước đó viên tịch ở tuổi 58.

Đạt Lai Lạt Ma và các quan chức Tây Tạng cho biết đã có hệ thống tổ chức để chính phủ lưu vong tiếp tục công việc chính trị, trong khi nhân viên của Quỹ Gaden Phodrang của Đạt Lai Lạt Ma sẽ tìm kiếm và xác nhận người kế vị.

Đạt Lai Lạt Ma hiện tại đã thành lập quỹ này vào năm 2015, bao gồm cả các cán bộ cấp cao là nhiều trợ lý thân cận của ông.

Bà Teykhang và các quan chức Tây Tạng khác cho biết Đạt Lai Lạt Ma đã chuẩn bị cho người dân về ngày ông ra đi, đặc biệt thông qua quyết định năm 2011 nhằm chuyển giao vai trò chính trị cho một chính phủ dân chủ được bầu – kết thúc truyền thống 368 năm vừa là lãnh đạo tinh thần vừa là lãnh đạo thế tục của người Tây Tạng.

"Vì ngài đã đến với chúng ta dưới hình hài con người, chúng ta phải chấp nhận sẽ có lúc ngài không còn ở bên cạnh," bà Teykhang nói.

"Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thực sự chuẩn bị cho chúng tôi cho ngày đó, ngài khiến chúng tôi hành động như thể ngài không còn ở đây."

Tin liên quan






No comments:

Post a Comment