VNTB – Phạm Minh Chính biết rõ cán bộ hạch sách khiến dân sợ cơ quan công quyền
Cảnh Chân
01.07.2025 4:48
VNThoibao

Ngày cuối tháng 6, Phạm Minh Chính tới Hải Phòng để thị sát tiến trình sáp nhập ở địa phương này. Tại đây, ông thủ tướng đã nhấn mạnh rằng, cán bộ công chức phải “…nắm rõ công việc để hướng dẫn cho người dân; bảo đảm hiệu quả của việc chuyển đổi trạng thái từ thụ động sang chủ động phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Ông cũng lưu ý cán bộ phải thể hiện “thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp phải vui vẻ, nhân văn, không được có thái độ hạch sách, không để người dân ‘sợ hay ngại’ khi đến cơ quan công quyền”.
Những lời này không chỉ là sự thừa nhận về điểm yếu tồn tại trong bộ máy: thái độ quan liêu, hạch sách, vô cảm với người dân. Mà còn là công nhận tâm lý sợ hãi của người dân mỗi khi phải lên trụ sở cơ quan nhà nước làm thủ tục hành chính hoặc các vấn đề liên quan.
Có lẽ không ai nghĩ rằng giữa thế kỷ 21, trong một bộ máy nhà nước tự nhận là “của dân – do dân – vì dân” mà người dân lại phải mang tâm lý sợ hãi khi đến cơ quan hành chính công. Nhưng đó chính xác là bức tranh thực tế đang diễn ra từ khắp các phường xã đến tỉnh thành ở Việt Nam, dưới chế độ cộng sản.
Người dân luôn phải lo lắng không biết có bị yêu cầu nộp thêm hồ sơ gì không, có phải chạy tới chạy lui bổ sung thủ tục, hay có phải nộp thêm lệ phí “bôi trơn”; đặc biệt là ánh mắt khó chịu, thái độ hách dịch của quan chức cộng sản trong cơ quan hành chính. Thủ tướng thừa nhận điều đó, và đề nghị cán bộ “không để người dân ‘sợ hay ngại’ khi đến cơ quan công quyền”. Song nếu chỉ dừng lại ở phát biểu, thì cũng chẳng thay đổi được gì!
Trong hơn nửa thế kỷ qua, cán bộ cộng sản đã quen tư duy phục vụ cấp trên, chỉ quan tâm tới lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm, trên nói sao dưới làm theo như vậy, cứ nịnh bợ giỏi là được thăng tiến nhanh. Họ thụ động với người dân không phải do họ không làm việc, mà do họ làm vì mục tiêu nộp báo cáo, hoàn thành chỉ tiêu rồi cuối tháng lãnh lương. Họ chạy tiền vô biên chế nhà nước xong là coi như yên phận, an tâm hưởng thụ, làm qua loa cho xong chuyện, nếu không xong thì từ từ, có trễ cũng không bị đuổi việc hay phạt tội gì cả.
Không chỉ thụ động, mà thói quen hạch sách dân cũng không phải mới đây. Nó là từ cơ chế độc tài, coi thường người dân của đảng cộng sản mà ra. Trao cho quan chức quyền lực, mà không có kỷ luật hay xử lý trách nhiệm. Dân phản ánh thì phạt dân, bắt giam dân, chụp mũ cho dân phản động. Xử người tố cáo chứ không xử người bị tố cáo.
Ngay như ông Phạm Minh Chính cũng từng có thời gian dài giữ chức Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Nhưng ông cũng không thể giải quyết được nạn quan liêu hạch sách ở đây thì bây giờ quay về chỉ đạo kiểu gì? Rồi suốt gần 5 năm nay ngồi ở ghế thủ tướng thì ông cũng chỉ nói cho có, với những ngôn từ mạnh mẽ, nghe thì rất “quyết tâm”, “quyết liệt”, nhưng cuối cùng đâu lại vào đó. Nói và làm như vậy thì làm sao giải quyết được nạn quan liêu hách dịch. Thậm chí, ông Chính còn phải chịu trách nhiệm người đứng đầu khi để bộ máy hành chính công hách dịch, hạch sách, gây sợ hãi cho dân.
Nếu ông Chính thật sự có tâm huyết xử lý vấn nạn này trong hàng ngũ đảng viên thì phải tìm cách dân chủ hoá thật sự chế độ chính trị. Để cho người dân dám lên tiếng và bảo vệ tiếng nói người dân. Chứ cứ tự xưng là “nhà nước của dân, do dân, vì dân” nhưng lại cai trị, khủng bố tinh thần người dân thì đó rõ ràng là độc tài dối trá. Thật nực cười là những cán bộ tự xưng là công bộc, đầy tớ của dân, lãnh lương từ thuế của dân lại thụ động phụ và hách dịch như cha mẹ của dân.
___________________
Tham khảo:
No comments:
Post a Comment