Chủ nghĩa dân túy không chết vì nó biết mặt vest và nói tiếng AnhTú Lê
1-7-2025
Tiengdan
Không phải mọi điều trông có vẻ văn minh đều là dấu hiệu của tiến bộ. Một kẻ đội mũ đỏ, khoác vest, phát biểu bằng tiếng Anh trôi chảy trên bục Nhà Trắng không đồng nghĩa với việc hắn đại diện cho ánh sáng của tự do và lý trí. Ngược lại, đôi khi chính cái vỏ ngoài hào nhoáng ấy mới là thứ khiến chúng ta lầm tưởng, để rồi mở toang cánh cửa cho chủ nghĩa dân túy bước vào như một vị cứu tinh.
Chủ nghĩa dân túy không chết, không lùi tàn, cũng không mang dáng hình thô ráp như thời các nhà độc tài thế kỷ 20. Nó tinh vi hơn, biết sử dụng mạng xã hội, biết vận dụng hệ thống pháp lý, biết cách làm bạn với truyền hình thực tế và thao túng cảm xúc đại chúng. Nó không còn cần đến quân đội hay trại tập trung để kiểm soát – mà chỉ cần một đám đông đủ phẫn nộ và một hệ thống chính trị đủ mệt mỏi.
Donald Trump không phải là Hitler, nhưng ông chính là minh chứng sống cho sự thích nghi của chủ nghĩa dân túy trong thế giới hiện đại. Một chủ nghĩa biết cười, biết giễu nhại giới trí thức, biết đánh vào nỗi sợ mất gốc, mất trắng, mất quyền của tầng lớp trung lưu da trắng ở nước Mỹ. Một chủ nghĩa không cần tuyên ngôn, mà chỉ cần một chiếc mũ đỏ với khẩu hiệu rút gọn đến mức ngắn gọn hơn cả một dòng tweet: Make America Great Again.
Những người biện hộ cho Trump thường lấy lý do: Ông không hề giết ai, không bỏ tù ai, không kiểm duyệt báo chí, vẫn có bầu cử và tam quyền phân lập. Đúng. Nhưng đó chỉ là bằng chứng rằng sự phá hoại không nhất thiết phải mang hình hài của súng đạn và trại giam. Một kẻ lãnh đạo có thể làm xói mòn nền dân chủ không phải bằng cách giật sập nó trong một đêm – mà bằng cách khiến người ta mất niềm tin vào nó mỗi ngày.
Ngày ông kích động đám đông tấn công Quốc hội, ông không cần ra lệnh cụ thể. Chỉ cần gieo mầm nghi ngờ đủ lâu, lặp lại hàng trăm lần rằng “bầu cử bị đánh cắp”, rằng “truyền thông là kẻ thù của nhân dân”, rằng “chỉ tôi mới có thể cứu nước Mỹ”, thì cuối cùng, sự thật cũng bị hoài nghi và công lý cũng bị định nghĩa lại. Đó không phải là lật đổ một thể chế bằng vũ lực, mà là bẻ cong nó bằng hoài nghi và sợ hãi.
Sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân túy kiểu Trump nằm ở chỗ: Nó không đến như một bóng ma – mà đến như một người bạn. Nó không hét lên “Tôi là độc tài!”, mà thì thầm “Tôi hiểu bạn. Tôi cũng ghét bọn kia. Tôi sẽ trả lại cho bạn những gì đã mất”. Và thế là hàng triệu người lao vào vòng tay ấy, không phải vì họ ngu dốt, mà vì họ tuyệt vọng.
Những ai cho rằng chủ nghĩa dân túy là một “ảo giác” nhất thời, là một cơn sốt cảm xúc rồi sẽ qua, là chưa hiểu rằng nó chính là triệu chứng của một nền dân chủ đã để lại quá nhiều người phía sau. Nhưng thay vì điều chỉnh, thay vì mở rộng không gian đối thoại, hệ thống ấy lại để mặc cho sự giận dữ tích tụ, rồi được một kẻ như Trump chuyển hóa thành quyền lực cá nhân.
Sự thật là: Chủ nghĩa dân túy không đến từ tầng lớp thấp nhất, mà từ những người từng có vị trí trong hệ thống và cảm thấy mình đang bị gạt bỏ. Họ không cần học Marx, không cần đọc chính trị, họ chỉ cần một người nói rằng nỗi bất mãn của họ là chính đáng – và rằng kẻ thù không phải là giới siêu giàu, mà là nhập cư, truyền thông, người da màu, phụ nữ “quá thức tỉnh”.
Và vì vậy, họ bầu cho Trump. Không phải vì họ muốn một nhà độc tài, mà vì họ muốn ai đó phá tan cái trật tự đang vận hành mà họ thấy bất công.
***
Chủ nghĩa dân túy hiện đại không cần giày đinh, không cần vũ khí, không cần sắc lệnh ban đêm. Nó chỉ cần một chiếc micro, một tài khoản mạng xã hội và một đám đông cảm thấy bị phản bội. Trong một thế giới nơi thông tin bị vỡ vụn, sự thật trở nên tương đối, và cảm xúc được ưu tiên hơn lý trí – thì kẻ biết kể câu chuyện giỏi nhất sẽ chiến thắng, bất kể câu chuyện ấy đúng hay sai.
Và khi một người như Donald Trump có thể quay trở lại làm tổng thống sau tất cả những gì đã xảy ra, thì điều cần báo động không phải là bản thân ông ta – mà là những gì xã hội đã dung túng, bỏ qua, hợp lý hóa để ông ta có thể trở lại.
Chủ nghĩa dân túy không chết. Nó chỉ thay đổi ngôn ngữ. Và giờ đây, nó biết cách mặc vest, nói tiếng Anh trôi chảy, mỉm cười trên truyền hình và tự nhận mình là đại diện của “ý chí nhân dân”.
Còn chúng ta – những người tin vào dân chủ – nếu chỉ phản biện bằng niềm tin mơ hồ rằng “rồi lẽ phải sẽ thắng”, mà không lên tiếng, không bảo vệ thể chế bằng lý trí và bằng phản biện, thì chính ta đang để nó chết dần trong tay những kẻ biết nói dối mà không cần nói sai.
No comments:
Post a Comment