Bình Luận: TRÒ ‘BÌNH MỚI, RƯỢU CŨ’ CỦA ĐẢNG CSVN
Chiêu bài “Đoàn kết” mà Hồ Chí Minh dùng để chiêu dụ dân chúng năm 1945 nay lại được Tô Lâm sử dụng trong vụ “Tinh gọn bộ máy hành chánh”.
Mời quý thính giả theo dõi bài Bình Luận của ĐOÀN KHÔI, thành viên Ban Biên Tập Đài ĐLSN,tựa đề “TRÒ ‘BÌNH MỚI, RƯỢU CŨ’ CỦA ĐẢNG CSVN” sẽ do Hướng Dương trình bày sau đây …
Trong một bài viết đăng trên các tờ báo chính thống của đảng ngày 29 tháng Sáu vừa qua, Tổng Bí Thư Tô Lâm lại một phen làm dậy sóng dư luận với khẩu hiệu mới: “Xây dựng đoàn kết nội bộ là hạt nhân để triển khai tốt nhiệm vụ tinh gọn”. Đọc qua, lời văn tưởng đâu hiền hoà và chí lý, có vẻ như lấy lòng người làm gốc, lấy hoà khí làm đầu mối để cải tổ bộ máy cai trị đang trương phình và rệu rã. Nhưng xét cho kỹ, thì đây không khác chi một thứ thuốc trấn an quần chúng, một lối nguỵ biện nhằm né tránh vấn đề cốt lõi – đó là cơ chế cai trị hiện nay không thể cải tổ thực sự khi mà mọi quyền lực vẫn bị thâu tóm trong tay một nhóm người, và sự “đoàn kết” mà ông Tô Lâm kêu gọi thực chất chỉ là một lời răn đe đối với những ai dám bất đồng hay phản biện trong nội bộ.
Từ thuở lập quốc đến nay, dân tộc ta chưa bao giờ thiếu những tiếng nói kêu gọi đoàn kết. Nhưng đoàn kết theo nghĩa gì, nhằm mục đích gì, và trong khuôn khổ ra sao – đó mới là điều cần làm sáng tỏ. Trong chế độ cộng sản, “đoàn kết” không phải là sự dung chứa dị biệt, càng không phải là tôn trọng ý kiến trái chiều. Trái lại, đó là một loại kỷ luật vô hình bắt buộc tất cả phải đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, dù lòng người có bất mãn, trí tuệ có cảnh báo, hay lương tâm có thúc giục phản kháng. Đoàn kết, trong miệng các lãnh tụ cộng sản, chỉ là một tấm bình phong để che đậy sự độc đoán và củng cố quyền lực của phe nhóm nắm quyền. Khi ông Tô Lâm bảo rằng phải giữ vững đoàn kết trong Đảng để tinh gọn bộ máy, điều ấy chẳng khác nào nói rằng cần bịt miệng mọi phản biện để dễ bề loại trừ những người không cùng phe, hòng sắp xếp lại nhân sự theo ý muốncủa nhóm chóp bu.
Thực trạng hiện nay trong guồng máy cai trị tại Việt Nam là một sự phình to các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, ban bệ, tổ chức chính trị – xã hội. Mỗi cấp có vô số chức danh chồng chéo, mà ai nấy đều hưởng lương, xe, nhà, tài xế, trợ cấp, ngân sách. Dưới khẩu hiệu “tinh gọn”, đáng lý phải cắt bớt các cơ quan không còn chức năng, giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách, bớt đi những ghế ngồi ăn không ngồi rồi, thì họ lại chỉ thay người của phe này bằng người của phe khác, hợp nhất vài chức danh rồi tăng thêm cấp phó, thay đổi tên gọi rồi duy trì quyền lợi như cũ. Đó là chưa kể bao nhiêu “ban chỉ đạo”, “tổ công tác”, “văn phòng trung ương” – mỗi năm ngốn không biết bao nhiêu ngàn tỷ đồng của dân lành.
Vậy thì cái gọi là “tinh gọn” ấy rốt cuộc là gì? Làm sao có thể tinh gọn thật sự khi không đụng đến cơ chế lãnh đạo song trùng giữa đảng và nhà nước? Làm sao có thể gọi là cải cách khi những người có quyền quyết định cải cách lại chính là những kẻ sống còn nhờ vào tình trạng cồng kềnh, chồng chéo ấy? Trong bối cảnh như vậy, lời kêu gọi “xây dựng đoàn kết nội bộ” chẳng qua là một cách nói tránh để bảo rằng: ai không nghe theo thì sẽ bị xem là phá hoại đoàn kết, sẽ bị thanh trừng, loại bỏ. Đó là một hình thức thanh trừng “mềm”, được gói ghém bằng ngôn từ hoà hoãn, nhưng bên trong lại đầy rãy mưu toan quyền lực.
Người ta không khỏi liên tưởng đến việc chính ông Tô Lâm, trước khi ngồi vào ghế Tổng bí thư, đã là biểu tượng của sự lũng đoạn quyền lực và tiêu xài xa hoa. Từ vụ ăn bò dát vàng tại Luân Đôn, đến những màn đàn áp tôn giáo, cưỡng chế đất đai, và bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức, cái gọi là “đoàn kết” mà ông Tô Lâm nói đến chỉ càng lộ rõ là sự liên minh giữa các nhóm quyền lực để bảo vệ lợi ích phe nhóm, chứ tuyệt nhiên không phải là sự gắn bó giữa những người cùng chí hướng phụng sự tổ quốc. Đoàn kết, nếu không dựa trên sự minh bạch và tôn trọng pháp quyền, thì chỉ là thứ xiềng xích mới buộc những người yếu thế vào khuôn phép độc tài mà thôi.
Người dân Việt Nam hôm nay đã đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là lời nói thật, đâu là ngôn từ tuyên truyền. Những cụm chữ như “xây dựng đoàn kết”, “phát huy dân chủ trong nội bộ”, “nâng cao năng lực lãnh đạo”, vân vân…, đã trở thành những câu lặp đi lặp lại như một thứ thần chú vô hiệu. Bởi lẽ ai cũng thấy rõ rằng những người cầm quyền hiện nay chỉ quan tâm đến việc củng cố vị trí, phân chia lợi ích, và bảo toàn chế độ, chứ không hề thật tâm muốn đổi mới hay tinh giản bộ máy theo đúng nghĩa của các chữ này.
Muốn tinh gọn thật sự, phải bắt đầu từ việc xoá bỏ vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng, chấm dứt chế độ bổ nhiệm theo phe nhóm, trao quyền cho người dân kiểm soát ngân sách và nhân sự. Lịch sử sẽ không dung thứ cho những ai nhân danh đoàn kết để thắt chặt xiềng xích. Dân tộc này đã nhiều lần bị lừa bằng những khẩu hiệu đẹp đẽ mà nội dung thì rỗng tuếch.
Nếu muốn tinh gọn thật sự, cần có một cuộc thay đổi tận gốc về cơ chế cai trị. Còn nếu chỉ hô khẩu hiệu mà giữ nguyên bộ khung độc đảng, thì mọi lời kêu gọi đoàn kết chẳng qua chỉ là một trò diễn thêm trong vở tuồng chính trị đã quá cũ kỹ và đầy rẫy lừa dối./.
No comments:
Post a Comment