Wednesday, July 2, 2025

Các nhà tư tưởng ra đời như thế nào?
Lê Anh Hùng
2-7-2025
Tiengdan

Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, các nhà tư tưởng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt tri thức, định hình tư duy và mở ra những chân trời mới cho xã hội. Họ là những người đã thực sự làm thay đổi dòng chảy lịch sử của nhân loại.

Tuy nhiên, một câu hỏi hiếm khi được đặt ra một cách nghiêm túc: “Các nhà tư tưởng ra đời như thế nào?” Liệu họ có phải là những thiên tài ngẫu nhiên xuất hiện, hay là sản phẩm tất yếu của một cơ chế xã hội đặc thù, nơi có sự phân công lao động rõ ràng và điều kiện vật chất đủ đầy để nuôi dưỡng họ?

Bài viết này sẽ khảo sát sự hình thành của các nhà tư tưởng qua một số thời kỳ tiêu biểu – từ Hy Lạp cổ đại, Trung Quốc thời Tiên Tần, cho đến chính sách đối đãi với giới trí thức ở các quốc gia hiện đại – để đi đến một kết luận rõ ràng về vai trò của điều kiện xã hội đối với sự ra đời của tư tưởng.

1. Hy Lạp cổ đại: Sự nhàn rỗi sản sinh ra triết gia

Hy Lạp cổ đại, đặc biệt là Athens vào thế kỷ V – IV TCN, là cái nôi của triết học và khoa học phương Tây. Sự xuất hiện của các nhà tư tưởng vĩ đại như Socrates, Plato và Aristotle không phải là ngẫu nhiên, mà gắn liền với trình độ phân công lao động cao trong xã hội. Đây là thời kỳ mà nền kinh tế Hy Lạp vận hành dựa trên lao động nô lệ. Nhờ sự hiện diện của tầng lớp lao động phục dịch toàn bộ các nhu cầu vật chất, một thiểu số công dân tự do – đặc biệt là nam giới – mới có thể dành trọn thời gian cho việc đối thoại, chiêm nghiệm và phát triển tư tưởng.

Socrates không làm nghề gì ngoài việc đi khắp Athens để đặt câu hỏi, gợi mở suy nghĩ. Plato thì mở học viện để giảng dạy triết lý, nơi ông có thể tự do viết sách và thảo luận với học trò. Aristotle, học trò của Plato, được vua xứ Macedonia tài trợ để nghiên cứu, và sau này trở thành thầy dạy của Alexander Đại đế. Họ là những người không phải bận tâm mưu sinh theo nghĩa thông thường, bởi xã hội Hy Lạp đã tạo ra cho họ một vị trí đặc biệt – những người “thư nhàn” để sống với tư tưởng.

2. Trung Quốc thời Tiên Tần: Khi học giả được nuôi để viết sách

Ở phương Đông, Trung Quốc thời Chiến Quốc (thế kỷ V – III TCN) cũng chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt học phái – Nho gia, Đạo gia, Pháp gia, Mặc gia, v.v. – với hàng loạt nhà tư tưởng lỗi lạc. Điều kiện xuất hiện tư tưởng ở đây tuy khác Hy Lạp, nhưng vẫn dựa trên một mẫu số chung: sự bảo trợ vật chất của giới cầm quyền và giới nhà giàu trong xã hội.

Mạnh Thường Quân, một đại phu nước Tề, nổi tiếng là người nuôi hàng trăm môn khách, học giả – trong đó có nhiều người chẳng làm gì ngoài việc đọc sách, tranh luận, và viết ra tư tưởng.

Lã Bất Vi, một thương nhân trước khi trở thành tể tướng nước Tần, đã tổ chức tiệc lớn, mời học giả từ khắp nơi đến để thiết đãi rồi đề nghị họ viết ra tư tưởng của mình, của học phái mình, và trên cơ sở đó ông tổng hợp lại thành bộ “Lã Thị Xuân Thu”, một bộ sách tổng hợp tinh hoa của nhiều học phái. Những ví dụ này cho thấy: sự ra đời của tư tưởng gắn chặt với điều kiện bảo trợ – nơi học giả được miễn trừ nghĩa vụ lao động và có đủ phương tiện để sáng tạo.

3. Chính sách đãi ngộ giới khoa học ở các quốc gia phát triển

Các quốc gia phát triển hiện nay, từ Châu Âu đến Bắc Mỹ, đều duy trì những chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ giới học thuật. Tại các trường đại học danh tiếng như Harvard, Oxford hay MIT, các giáo sư không chỉ được trả lương cao, mà còn được cấp kinh phí nghiên cứu, được hưởng trợ lý học thuật, và không ít người còn nhận được tài trợ từ các quỹ tư nhân hoặc nhà nước để thực hiện những đề tài thuần túy lý thuyết, không có tính ứng dụng ngay lập tức.

Sự phân công lao động hiện đại cho phép một bộ phận nhỏ – tầng lớp học thuật – được tách biệt khỏi guồng quay sản xuất thông thường. Họ không phải lo lắng về “cơm áo gạo tiền”, mà dành trọn đời cho việc nghiên cứu, viết sách, và phát triển tư tưởng. Chính điều này lý giải cho một thực tế là phần lớn các đột phá khoa học, xã hội, và triết học đều đến từ những nước có nền tảng học thuật được bảo trợ tốt.

4. Việt Nam: Trình độ phân công lao động thấp, nhà tư tưởng khó xuất hiện

Xã hội Việt Nam thời phong kiến nhìn chung là nghèo nàn, lạc hậu. Cái nghèo xuất phát từ nhiều nguyên do: Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt; việc dựng nước đã khó khăn, việc giữ nước lại còn khó khăn hơn; hết thiên tai lại đến địch hoạ, hết bị phương Bắc đô hộ lại đến các cuộc chiến chống ngoại xâm, v.v… Đọc “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” ta thấy nạn mất mùa, đói kém thường xuyên xuất hiện trong các xã hội phong kiến Việt Nam, triều đại nào cũng vậy. Hoạt động sản xuất ra của cải vật chất trong xã hội gặp khó khăn, của cải vật chất ít khi dư thừa, khiến cho sự phân công lao động chưa đạt đến trình độ cao, như ở Hy Lạp thời cổ đại hay Trung Quốc thời Tiên Tần, nên xã hội chưa có một “tầng lớp học thuật” theo đúng nghĩa. Một trong những hình ảnh tiêu biểu của giới nho sĩ Việt Nam thời phong kiến là hình ảnh “thầy đồ ăn vụng” – người “thầy” trong xã hội đói đến mức phải ăn vụng thì làm sao còn đủ sức nghĩ ra những tư tưởng sâu xa này nọ.

Ở thời hiện đại, tuy có truyền thống hiếu học lâu đời, nhưng chính sách đãi ngộ giới trí thức và nghiên cứu ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Mức lương của giảng viên đại học, cán bộ nghiên cứu khoa học thường ở mức trung bình hoặc thấp, chưa đủ để đảm bảo đời sống vật chất cơ bản. Kinh phí nghiên cứu hạn chế, thủ tục hành chính rườm rà, và cơ hội công bố quốc tế còn khan hiếm khiến nhiều người có năng lực phải tìm cách chuyển nghề hoặc ra nước ngoài.

Trong điều kiện như vậy, rất khó để có một “nhà tư tưởng” theo đúng nghĩa – người dành trọn đời để suy tư, viết lách và đề xuất những hệ thống tư tưởng mới. Không có sự tách biệt giữa lao động trí óc thuần túy và mưu sinh đời thường, người trí thức khó lòng vượt thoát khỏi “vòng xoáy thực dụng” để làm điều gì đó có chiều sâu lâu dài cho xã hội, phục vụ cho sự phát triển của xã hội và đất nước.

5. Kết luận: Không có tư tưởng nếu không có phân công lao động

Từ Hy Lạp cổ đại đến Trung Quốc thời Tiên Tần, từ các trường đại học phương Tây đến Việt Nam đương đại, một nguyên lý chung có thể rút ra: Tư tưởng không thể nảy sinh trong môi trường thiếu phân công lao động và thiếu bảo trợ xã hội.

Một nhà tư tưởng – dù là Socrates, Lão Tử, hay một trí thức hiện đại – cần có thời gian, sự nhàn rỗi, và điều kiện vật chất ổn định để phát triển ý tưởng. Nếu họ vẫn phải “cày cuốc” từng bữa ăn, thì tư tưởng của họ chỉ có thể là những mảnh vụn vỡ ra trong giờ nghỉ trưa mệt mỏi, chứ không thể trở thành một hệ thống lý luận dẫn dắt xã hội.

Vì thế, muốn có tư tưởng, muốn có những con người thực sự “sống để suy tư” và “suy tư cho xã hội”, thì điều đầu tiên cần phải làm là tạo điều kiện để họ có được một cuộc sống như một nhà tư tưởng: không phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền”, mà chỉ lo việc suy tư. Khi đó, tư tưởng mới có thể ra đời một cách chân chính – như những đứa con của một xã hội biết quý trọng trí tuệ.

No comments:

Post a Comment