Saturday, July 5, 2025

Sắc lệnh về quốc tịch khi sinh của Trump gây địa chấn trong giới kỹ sư công nghệ Hoa Kỳ       
Nhật Trần 
4-7-2025
Tiengdan 
05/07/2025

I. Khởi đầu của khủng hoảng

Vào tháng 1 năm 2025, Tổng thống Donald J. Trump ký ban hành Sắc lệnh Hành pháp 14160 với mục tiêu thay đổi cách nước Mỹ xác định quyền công dân khi sinh. Sắc lệnh này nhằm tước bỏ quyền công dân đối với trẻ em sinh trên đất Mỹ nếu cha mẹ là người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ hoặc chỉ có visa tạm thời, bao gồm hàng trăm ngàn lao động hợp pháp diện H-1B đang làm việc tại Mỹ.

Mặc dù sắc lệnh đang bị thách thức pháp lý tại nhiều tòa án liên bang, hệ quả tâm lý đã bắt đầu lan rộng. Đối với các gia đình H-1B, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, sắc lệnh này là một cú sốc khủng khiếp — không phải vì họ làm sai điều gì, mà vì con họ có thể bị mất quốc tịch Mỹ cho dù chúng được sinh tại Mỹ.

II. Trẻ em bị đẩy vào tình trạng vô quốc tịch?

Theo Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ, bất kỳ ai sinh ra trên đất Mỹ đều đương nhiên là công dân Mỹ. Tuy nhiên, sắc lệnh 14160 phá vỡ nguyên tắc đó, tuyên bố rằng chỉ những đứa trẻ có cha mẹ là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân mới được công nhận quốc tịch.

Với sắc lệnh này, con cái của các kỹ sư, nhà phát triển phần mềm, và các chuyên gia công nghệ — dù cha mẹ họ làm việc hợp pháp tại Mỹ — sẽ không còn được tự động xem là công dân Mỹ nếu sinh sau ngày 19/2/2025.

III. Tác động đến các công ty công nghệ

Các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Amazon, Microsoft, Meta, cũng như hàng ngàn startup tại Silicon Valley, Austin, và Seattle — vốn phụ thuộc vào nguồn nhân lực chất lượng cao đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Âu — đang phải đối mặt với hệ quả sâu rộng từ sắc lệnh này.

1. Suy Giảm Tuyển Dụng

• Những nhân tài quốc tế đang từ chối lời mời làm việc từ Mỹ.

• Canada, Úc và các nước châu Âu trở nên hấp dẫn hơn vì chính sách định cư rõ ràng và nhân đạo.

Tôi đang mang thai. Nếu sinh con ở Mỹ mà không được quốc tịch Mỹ, thì tại sao tôi phải làm việc cho công ty Mỹ?” — một kỹ sư Ấn Độ nói trên diễn đàn Blind.

2. Rủi ro mất nhân viên

• Nhiều nhân viên H-1B đang xin chuyển công tác sang Canada hoặc các chi nhánh quốc tế.

• Những người đang làm việc tại Texas, Florida, Georgia — nơi không có lệnh cấm sắc lệnh này của Trump — đang cân nhắc việc dọn đi nơi khác hoặc đã nghỉ việc.

3. Áp lực pháp lý lên bộ phận nhân sự

• Các công ty phải mở rộng việc hỗ trợ pháp lý cho nhân viên.

• Nhiều công ty âm thầm triển khai “gói hỗ trợ sinh con tại tiểu bang an toàn.” để giữ chân nhân viên.

• Chi phí tuyển dụng và giữ chân nhân tài đang tăng cao.

IV. Các tiểu bang “an toàn” mà gia đình H-1B đang di cư đến

Sau khi Sắc lệnh 14160 được ban hành, nhiều tiểu bang trên khắp nước Mỹ đã đệ đơn kiện nhằm ngăn chặn việc thực thi sắc lệnh trong phạm vi quyền tài phán của họ. Một số tiểu bang đã thành công trong việc xin lệnh cấm tạm thời từ tòa án liên bang, và nhờ đó trở thành “vùng đất an toàn pháp lý” — nơi mà trẻ em sinh ra bởi cha mẹ có visa H-1B vẫn được công nhận là công dân Mỹ.

Tiểu bang Washington là một trong những nơi đầu tiên có phản ứng pháp lý mạnh mẽ. Chính quyền tiểu bang này đã kiện chính phủ liên bang ngay trong tháng đầu tiên sau khi sắc lệnh được ký. Tòa án đã nhanh chóng ra lệnh cấm tạm thời, ngăn chặn thi hành sắc lệnh trên toàn tiểu bang. Điều này biến khu vực Seattle — vốn là trung tâm công nghệ với sự hiện diện của Amazon, Microsoft, và nhiều startup — trở thành nơi trú ẩn hợp pháp cho các gia đình H-1B đang mang thai hoặc có con nhỏ.

Maryland cũng là một điểm sáng trong cuộc chiến pháp lý. Một vụ kiện nổi bật với tên gọi CASA v. Trump đã giành được lệnh cấm sắc lệnh trên toàn tiểu bang, và các tổ chức dân quyền tại đây hiện đang vận động để vụ kiện được công nhận là kiện tập thể liên bang. Maryland không chỉ gần thủ đô Washington D.C., mà còn có hệ thống trường học và y tế chất lượng cao — điều kiện lý tưởng cho các gia đình nhập cư có trình độ cao đang làm việc trong các cơ quan nghiên cứu, y sinh học, hoặc công nghệ chính phủ.

New Jersey là một trong 18 tiểu bang cùng nộp đơn kiện sắc lệnh cùng lúc, và hiện đã nhận được lệnh cấm từ tòa án liên bang. Nhiều nhân viên H-1B làm việc tại Manhattan, nhưng sinh sống tại các vùng ngoại ô của New Jersey, do chi phí sinh hoạt thấp hơn và hạ tầng gia đình tốt hơn. Với lệnh cấm này, các gia đình có thể an tâm sinh con tại bệnh viện trong tiểu bang mà không lo con mình bị từ chối quyền công dân.

New Hampshire dù không phải là trung tâm công nghệ lớn, nhưng lại có vai trò đặc biệt vì Tòa án Liên bang tại đây đã ra một phán quyết mạnh mẽ bảo vệ nhóm nguyên đơn là người nhập cư Đông Nam Á. ACLU của New Hampshire đang tích cực vận động để mở rộng phạm vi bảo vệ ra toàn quốc thông qua kiện tập thể. Sự kiện này khiến nhiều người H-1B bắt đầu xem xét New Hampshire như một nơi có tính bảo vệ pháp lý cao dù không phải điểm đến truyền thống của giới công nghệ.

California, tuy là nơi tập trung nhiều nhất người lao động H-1B, lại rơi vào tình trạng phức tạp. Thành phố San Francisco đã tham gia vào các vụ kiện với tư cách bên liên quan, nhưng chưa có lệnh cấm thi hành ở cấp toàn tiểu bang. Điều này khiến nhiều gia đình tại Thung lũng Silicon — nơi sinh sống và làm việc của hàng chục nghìn kỹ sư nhập cư — rơi vào tình trạng lo lắng . Một số người đang chủ động chuyển đến Oregon hoặc Washington để sinh con, trong khi những người khác đang chờ kết quả từ các tòa án liên bang ở khu vực phía Tây.

Tóm lại, việc di cư sang các tiểu bang an toàn đang trở thành một chiến lược sống còn đối với các gia đình nhập cư hợp pháp. Họ không còn chỉ cân nhắc nơi nào có việc tốt hoặc nhà rẻ, mà còn phải xét đến nơi nào có khả năng bảo vệ quyền công dân cho con mình. Trong một nước Mỹ bị chia cắt bởi chính sách liên bang và quyền tự trị tiểu bang, việc chọn nơi sinh con giờ đây không còn là quyết định cá nhân — mà là một quyết định chính trị và pháp lý.

V. Phản ứng của các doanh nghiệp

Các công ty công nghệ đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Họ phụ thuộc vào nhân tài quốc tế nhưng lại bị chính sách của Trump cản trở trong việc giữ chân và hỗ trợ nhóm lao động quan trọng này.

• Một số công ty đã cung cấp hỗ trợ di chuyển sang những tiểu bang an toàn cho nhân viên H-1B đang mang thai.

• Các bộ phận nhân sự (HR) đang hợp tác chặt chẽ với các công ty luật nhập cư để giải thích quyền lợi của nhân viên.

• Tuy nhiên, phần lớn các công ty vẫn chưa có chính sách rõ ràng — và điều này khiến không ít nhân viên cảm thấy bị bỏ rơi.

“Google có thể tung ra sản phẩm mới trong vòng một tuần, tại sao không thể giúp tôi chuyển sang tiểu bang bên cạnh để sinh con?” — một kỹ sư chia sẻ trên diễn đàn nội bộ.

VI. Ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ

Sắc lệnh 14160 không chỉ gây bất ổn trong cộng đồng nhập cư, mà còn đe dọa trực tiếp đến tương lai kinh tế Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về công nghệ và đổi mới sáng tạo.

1. Làm Mỹ kém hấp dẫn trong mắt nhân tài toàn cầu

• Canada, Úc, và châu Âu đang nhanh chóng chiếm ưu thế trong việc thu hút các lao động có trình độ cao.

• Mỹ từng là nơi lý tưởng để lập nghiệp, nhưng giờ đang mất dần vị thế do sự bất ổn và kỳ thị dân nhập cư trong chính sách và thiếu đảm bảo quốc tịch cho con cái của lao động quốc tế.

2. Tăng chi phí tuyển dụng và vận hành

• Các công ty Mỹ sẽ phải chi nhiều hơn cho tư vấn pháp lý, quản lý rủi ro, và hỗ trợ cho việc di dời nhân viên sang các tiểu bang an toàn.

• Nhiều dự án kỹ thuật có thể bị gián đoạn hoặc phải chuyển ra nước ngoài, kéo theo giảm năng suất và rò rỉ công nghệ.

3. Suy giảm năng suất và tăng trì trệ đổi mới

• Theo Viện Brookings, người lao động H-1B có năng suất cao hơn 2,5 lần so với mức trung bình.

• Việc mất đi nhóm lao động này sẽ khiến nước Mỹ tụt hậu trong các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và y tế công nghệ cao.

4. Tác động dây chuyền lên giáo dục, y tế và đầu tư

• Du học sinh bắt đầu e ngại việc đến Mỹ học tập. Họ không muốn con họ không có quốc tịch Mỹ khi ra đời.

• Ngành y tế, vốn phụ thuộc vào các bác sĩ và y tá nước ngoài, cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cùng lý do.

• Nhiều nhà đầu tư quốc tế đang xem xét lại rủi ro pháp lý và chính trị khi đầu tư vào các startup tại Mỹ.

Theo một báo cáo từ National Foundation for American Policy, hơn 55% các startup “kỳ lân” tại Mỹ được sáng lập hoặc đồng sáng lập bởi người nhập cư.

VII. Một nước Mỹ đánh mất trái tim

Từ lâu, nước Mỹ được biết đến là miền đất hứa — nơi mọi người đều có cơ hội nếu làm việc chăm chỉ và tuân thủ luật pháp. Nhưng sắc lệnh 14160 lại đặt ra dấu hỏi về bản chất của quốc gia này:

Tôi đã tuân thủ luật pháp, làm việc tại Mỹ suốt 10 năm, đóng thuế, không vi phạm gì. Vậy mà con tôi không được xem là người Mỹ? Đó là điều không thể chấp nhận”. — một kỹ sư phần mềm tại San Jose chia sẻ.

Trong lúc nước Mỹ đang bị chia rẽ vì MAGA, một số tiểu bang như Washington, Maryland, New Jersey đang trở thành thành trì pháp lý cuối cùng cho những người chỉ muốn một điều giản dị: Cho con mình một cơ hội để được là người Mỹ.

No comments:

Post a Comment