Saturday, July 5, 2025

VNTB – Lâm & Trump và ván cờ thương mại toàn cầu: Khi Việt Nam bước vào vai “mẫu hình”
Vũ Đức Khanh
05.07.2025 6:32
VNThoibao


(VNTB) – Nếu mô hình Lâm-Trump được xem là tương lai của thương mại quốc tế, thì Việt Nam phải tự hỏi: ai sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia, nếu chính quyền không bị ràng buộc bởi pháp quyền và tiếng nói tự do của nhân dân? Đó chính là lúc lực lượng đối lập cần nâng tầm

 Khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump tuyên bố trên Truth Social tối 2/7 (giờ Hà Nội) rằng ông “đã đạt được một thỏa thuận thương mại lớn” với Việt Nam sau cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng Bí thư Tô Lâm, giới quan sát không chỉ ngạc nhiên vì tốc độ – mà còn vì cấu trúc của thông điệp: Việt Nam chấp nhận mức thuế 20% cho hàng xuất khẩu vào Mỹ, 40% cho hàng trung chuyển, và đổi lại Mỹ được quyền tiếp cận thị trường Việt Nam với thuế suất 0%. 

Đó không đơn thuần là một “deal”, mà là một mô hình nguyên mẫu (template) mà ông Trump dự kiến áp đặt lên toàn bộ các đối tác thương mại toàn cầu.

Đúng 90 ngày kể từ khi ban hành chính sách thuế quan đối ứng vào ngày mà ông gọi là “Liberation Day” (2/4/2025), Việt Nam trở thành quốc gia thứ ba đạt được một thỏa thuận sơ bộ với Mỹ, chỉ sau Vương quốc Anh và Trung Quốc – hai cường quốc kinh tế vốn dĩ có vị thế đàm phán vượt trội hơn nhiều. Điều này đặt Việt Nam vào một vị thế đặc biệt: vừa là đối tác có thể kiểm chứng mô hình thương mại kiểu Trump, vừa là phép thử chính trị cho hình thức “đàm phán song phương cưỡng chế” đang định hình lại toàn bộ trật tự thương mại toàn cầu.

Lâm – Trump: Hai hệ thống chính trị, cùng một bài toán chính danh

Tổng Bí thư Tô Lâm chính thức kế nhiệm ngày 3/8/2024 – chưa đầy hai tuần sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời một cách bí ẩn. Quá trình chuyển giao quyền lực nhanh chóng, không có tranh cử nội bộ hay công luận minh bạch, khiến nhiều người ví như “18 Brumaire” (Napoléon Bonaparte) thời hiện đại – khi quyền lực được thiết lập không qua lá phiếu, mà bằng kiểm soát thiết chế.

Về phía ông Trump, tái đắc cử trong một bầu cử gây tranh cãi và bước vào nhiệm kỳ thứ hai giữa bối cảnh xã hội Mỹ chia rẽ sâu sắc, ông cũng cần một chiến thắng mang tính biểu tượng để khẳng định vai trò của mình như “người tái định hình trật tự thế giới”. 

Và Việt Nam, trong mắt ông và những cố vấn MAGA diều hâu thân cận, là quân cờ chiến lược đúng lúc, hoàn hảo nhất.

Một “mẫu hình Trump” về thương mại: Thuế cao – Mở cửa một chiều – Mua hàng Mỹ

Thoạt nhìn, “deal” giữa Trump và Tô Lâm có vẻ là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Nhưng dưới góc độ cấu trúc, đây là một cam kết bất đối xứng:

– Mỹ được quyền tiếp cận toàn diện thị trường Việt Nam với thuế suất 0%, điều mà chưa FTA nào trước đây từng đạt được.

– Trong khi đó, Việt Nam phải chịu thuế 20%–40% với hàng hóa xuất sang Mỹ – cao hơn cả mức trần WTO cho phép.

Quan trọng hơn, đây không chỉ là một “deal” giữa hai nước. Nó là mô hình mẫu mà Trump muốn nhân rộng: dùng vị thế thị trường Mỹ để ép buộc đối tác mở cửa hoàn toàn theo các điều kiện có lợi cho Mỹ – bất kể nguyên tắc đa phương hay luật lệ quốc tế.

Vì sao Việt Nam lại trở thành “mẫu hình”?

Bởi Việt Nam hội tụ đủ ba yếu tố:

1. Là mắt xích sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt sau chiến lược “China+1” của Mỹ;

2. Có vị trí địa chiến lược then chốt tại Biển Đông và Đông Nam Á – nơi Mỹ cần tạo dựng thế trận cân bằng với Trung Quốc;

3. Có một hệ thống chính trị tập trung quyền lực, không chịu ràng buộc bởi Quốc hội hay báo chí độc lập – điều cho phép đàm phán nhanh và kín. Đây chính là điểm Mỹ tận dụng, và cũng là rủi ro dài hạn cho Việt Nam.

Hệ quả: Mất chủ quyền thương mại, suy yếu năng lực đàm phán

Nếu Việt Nam cam kết mở cửa thị trường một chiều cho Mỹ, hệ quả có thể sẽ là:

1. Vi phạm nguyên tắc tối huệ quốc trong WTO;

2. Đặt các đối tác khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vào thế bất lợi;

3. Và quan trọng hơn, làm suy yếu doanh nghiệp nội địa vốn chưa đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Chưa kể, việc nhượng bộ quá nhanh dễ khiến các đối tác khác nghi ngờ tính độc lập của chính sách kinh tế Việt Nam, và đặt câu hỏi: liệu Hà Nội đang tự hoạch định chiến lược, hay chỉ phản ứng trước sức ép từ bên ngoài?

Đối lập phải làm gì trong trật tự mới hậu WTO?

Là một con dân Việt Nam yêu nước thương nòi, tôi không phủ nhận sự cần thiết của quan hệ Việt–Mỹ, càng không hoài nghi thiện chí hợp tác giữa hai dân tộc. Nhưng tôi quan ngại sâu sắc trước viễn cảnh một chính quyền không qua bầu cử tự do, lại có thể ràng buộc quốc gia bằng các cam kết ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng chục triệu người, mà không thông qua trưng cầu dân ý hay giám sát quốc hội độc lập với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu mô hình Lâm-Trump được xem là tương lai của thương mại quốc tế, thì Việt Nam phải tự hỏi: ai sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia, nếu chính quyền không bị ràng buộc bởi pháp quyền và tiếng nói tự do của nhân dân? Đó chính là lúc lực lượng đối lập cần nâng tầm. 

Chúng ta không chỉ cần lên tiếng vì dân chủ và nhân quyền, mà còn phải có năng lực hoạch định chính sách thương mại, hiểu luật WTO, phân tích lợi ích quốc gia, và kiến tạo một mô hình phát triển có chủ quyền – vừa hội nhập, vừa vững vàng.

Một lựa chọn khác là có thật

Thỏa thuận giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 2/7/2025 – nếu thành hiện thực – không nên được xem là “định mệnh tất yếu” mà là một hồi chuông cảnh báo: Khi quyền lực không có kiểm soát, thì sự nhượng bộ có thể trở thành hệ thống. Một nước Việt Nam thật sự tự do, dân chủ, pháp quyền, có báo chí độc lập, quốc hội thực quyền và chính quyền do dân bầu lên – chắc chắn sẽ không bước vào các “deal” như thế này mà không tính toán kỹ đến hậu quả dài hạn. Và đó là lý do vì sao, dù hiện tại tiếng nói của chúng tôi còn thiểu số, chúng tôi vẫn chọn lên tiếng – vì người Việt xứng đáng hơn.

___________________

Tham khảo:

1. https://truthsocial.com/@realDonaldTrump/11478409854669864

2. https://truthsocial.com/@realDonaldTrump/114784170652465525

3. https://tuoitre.vn/tong-thong-trump-dien-dam-voi-tong-bi-thu-to-lam-khang-dinh-giam-dang-ke-thue-quan-2025070222002338.htm

4. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cdxl0lp9q40o

5. https://www.politico.com/news/2025/07/02/u-s-and-vietnam-have-reached-loose-framework-for-further-trade-talks-00437236

No comments:

Post a Comment