Giải thích thế nào về cách áp thuế đối ứng của Tổng thống Trump?Trương Nhân Tuấn
5-7-2025
Tiengdan
Văn phòng đại diện thương mại của Mỹ từ tháng tư đã từng đưa ra một “công thức” dẫn lại bên dưới. Các chuyên gia kinh tế quốc tế đã từng phân tích và phê bình về mục tiêu và tính thực tế của “công thức” này. Đây là một “công thức” chung chung, không nói lên được cái gì, huống chi là áp dụng cho tất cả.
Saint Pierre & Miquelon, một lãnh thổ hải ngoại của Pháp nằm ngoài cửa vịnh Maine giữa Mỹ và Canada bị áp thuế đối ứng 50%. Mayotte, cũng là lãnh thổ hải ngoại của Pháp trong Ấn độ dương, thuế áp là 10%. Trong khi “đất mẹ” là Pháp thì đóng cùng mức thuế với EU là 20%. Tại sao không đóng 20% cho cả St Pierre Miquelon và Mayotte?
Vấn đề là TT Trump có đủ cách để giải thích vì sao đã áp mức thuế x, y… cho nước này hay nước kia. Nhưng để thỏa mãn Mỹ, mỗi quốc gia phải có một cách đáp ứng cách riêng, không đơn thuần là thuế quan hay cân bằng cán cân thương mãi.
Mexico, Panama, Canada, Đan Mạch (Greenland), EU, China… mọi người đều biết TT Trump muốn gì ở các quốc gia này. Yêu sách của Mỹ đối với Mexico, Panama, Canada, Greenland… không đơn thuần là thuế quan rào cản hay cân bằng cán cân thương mãi, mà tôi đã từng nói nhiều lần.
Đối với EU, mục tiêu thứ nhứt của TT Trump đối với EU (thành viên NATO) là 5% GDP dành cho quốc phòng. Thuế má tính sau. TT Trump đã sử dụng chiến tranh Ukraine, chiến tranh Iran và thuế đối ứng để buộc các thành viên EU chấp nhận các yêu sách của mình.
Còn Trung Quốc? Mục tiêu của Mỹ (đã từng công bố từ các năm 2010) là không muốn Trung Quốc đe dọa vượt qua Mỹ (về kinh tế, về ảnh hưởng chính trị, về an ninh toàn cầu…).
Thuế quan mà TT Trump áp cho Trung Quốc, từ nhiệm kỳ 1.0, chỉ là một (trong nhiều) phương tiện mà Mỹ sử dụng để ngăn cản Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam, Cam, Lào, Madagascar, Sri Lanka… đều có mức áp thuế khủng?
Câu trả lời là vì các nước này đã có quan hệ thân cận (vệ tinh) với Trung Quốc. Các quốc gia này đều là thành viên sáng kiến ‘Vành đai – Con đường’ của Trung Quốc; đồng thời cũng là thành viên của một “cộng đồng chia sẻ tương lai” với Trung Quốc. Ngoại trừ Việt Nam, tất cả đều cho phép Trung Quốc đặt các căn cứ quân sự. Ngoài Việt Nam, quan hệ thương mãi giữa Mỹ và các nước kia với Mỹ là “không đáng kể”.
Mỹ muốn gì ở Việt Nam (Lào, Cam, Sri Lanka, Madagascar)?
Cá nhân tôi không nghĩ là Mỹ muốn cân bằng cán cân thương mãi với các quốc gia này bằng cách áp thuế đối ứng. Ngoài Việt Nam, quan hệ thương mãi giữa Mỹ và các nước này không quá 1 tỉ đô la.
Theo tôi, cũng như Panama, Mỹ muốn các nước này phải “chọn phe”, kiểu theo Mỹ, bằng cách loại bỏ Trung Quốc hay ít nhứt cân bằng ảnh hưởng Mỹ với Trung Quốc.
Mỹ không để cho Trung Quốc sử dụng các nước này với mục đích đe dọa lợi ích hay an ninh Mỹ.
Đối với Việt Nam, Việt Nam sớm chấp nhận nhượng bộ Mỹ, với mức thuế quan 20% cho hàng Việt Nam xuất qua Mỹ và 40% cho hàng trung chuyển từ Việt Nam. Còn hàng Mỹ nhập vô Việt Nam được miễn thuế 0%.
Nhiều người biện hộ, với mức 20% thì các mặt hàng may mặc, giày dép, điện tử, cơ khí… có thể sống được.
Chúng ta thấy ngay rằng, khi thỏa thuận thuế quan này được áp dụng, toàn thể các cơ sở kinh doanh về nghề nông, lâm và thủy sản của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vấn đề là đại đa số các cơ sở kinh doanh này đều tập trung ở miền Nam. Nông dân, công nhân miền Nam sẽ tiêu tùng.
Theo tôi, với kết quả tệ hại này thì không hề có chuyện “đàm phán”. Đàm phán là chuyện “có qua, có lại”. Tôi nhượng anh một chút, anh nhượng tôi một chút. Như tôi đã viết, hợp lý là nếu Mỹ áp thuế Việt Nam 20% thì Việt Nam phải áp thuế lại Mỹ 45%.
Có người biện luận là Mỹ áp thuế qua lại vì lý do thâm thủng thương mãi chớ không do mức thuế quan.
Vấn đề không đơn thuần như vậy. Ở trên tôi đã viết, những gì Mỹ muốn ở Việt Nam là Việt Nam phải “thoát Trung”.
Mục đích của đàm phán là giữ lợi ích cho phía mình. Không lợi ích thì không có đàm phán.
Điều tệ hại là những con số 20%, 40% và 0% mức thuế quan là “bí mật quốc gia”.
Các nước lân bang (ASEAN) cạnh tranh với Việt Nam, có thể lấy con số này làm chuẩn để điều chỉnh trong thương lượng với Mỹ, sao cho họ có lợi hơn Việt Nam (như chiếm thị phần của Việt Nam trong thị trường Mỹ).
Tức là ngoài chuyện “không có đàm phán” còn có chuyện tiết lộ bí mật quốc gia.
Theo tôi, Việt Nam có thể thỏa mãn Mỹ bằng cách “thoát Trung”, tuy không ở một mức độ dứt khoát như Panama, mà bằng một hành vi biểu lộ ý chí “cân bằng ảnh hưởng” giữa hai quốc gia “đối tác chiến lược toàn diện”.
Nhưng CSVN thà hy sinh nền kinh tế miền Nam, ngay cả hy sinh nền kinh tế của cả nước Việt Nam, chỉ để bảo lưu lợi ích kinh tế và địa chiến lược cho Trung Quốc…
No comments:
Post a Comment