VNTB – Phạm Minh Chính than lỗ với Nhật để xin vay vốn cứu dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn
Dân Trần
06.07.2025 8:36
VNThoibao

Hồi cuối tháng 6, ông Phạm Minh Chính có buổi tiếp ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) tới thăm Việt Nam. Ông thủ tướng CSVN than thở về tình trạng tài chính tại dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP).
Theo ông Chính thì dự án này có vốn đầu tư 9,3 tỷ USD, liên doanh của bốn doanh nghiệp từ ba nước (1 từ Việt Nam, 1 từ Kuwait và 2 từ Nhật). Hiện các bên tham gia đều có lãi, riêng một mình Việt Nam chịu lỗ. Than lỗ xong thì ông thủ tướng có gởi lời xin JBIC cho vay tiền để giúp Việt Nam tái cơ cấu tài chính, “phối hợp thúc đẩy các bên liên quan” để cứu dự án, chuẩn bị cho giai đoạn 2 . Tuy cầu cứu phía Nhật, nhưng ông Chính cũng kèm theo câu nói quen thuộc từ thời dịch cúm Tàu: “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Nói về NSRP, đây là một trong những dự án FDI lớn nhất tại Việt Nam, vận hành thương mại từ cuối năm 2018. Nhà máy có công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, cung ứng khoảng 35% nhu cầu xăng dầu nội địa. Nhưng chỉ sau 3 năm vận hành (2018-2020), NSRP đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 61,2 ngàn tỷ đồng. Những năm sau đó Việt Nam cũng phải chi hàng ngàn tỷ đồng để bù lỗ cho dự án này.
Tháng 11/2023 ông Chính đã yêu cầu tái cấu trúc toàn diện dự án này. Nhưng tới đầu 2024 thì vẫn phải chi 8,247 ngàn tỷ đồng để thanh toán tiền bù giá bao tiêu sản phẩm cho NSRP. Cuối năm 2024 Quốc hội tiếp tục thông qua Nghị quyết chi hơn 4,2 ngàn tỷ đồng để bù giá cho NSRP. Và tới nay vẫn lỗ và phải đi than thở với phía Nhật.
Điều này cho thấy việc quản lý tài chính yếu kém của CSVN, và cả kế hoạch tái cấu trúc cũng không hiệu quả thì mới lỗ liên tục trong khi các bên khác thì đều có lãi. Không cần nói ra nhưng người dân đều biết vấn nạn tham nhũng, giao việc không đúng người, ưu tiên con ông cháu cha vào những vị trí quan trọng thì mới lỗ nặng như thế. Bởi vậy, đừng mong có thể thành công với cơ chế, con người hiện nay. Cách duy nhất để cứu vãn tình hình là dân chủ hoá đất nước, thì mới xử lý triệt để vấn nạn tham nhũng, con ông cháu cha, lúc đó thì nhân tài mới có thể được trọng dụng, ra sức kiến thiết quốc gia.
Dĩ nhiên, dân chủ hoá là giấc mộng khó thành với các quan chức cộng sản đã quen với cơ chế độc tài hiện nay. Nên họ mới tìm cách vay tiền quốc tế để bù lắp cho các khoản lỗ. Điển hình là dự án NSRP này. Nhưng người Nhật cũng không có khờ mà cho vay vô điều kiện. Hoặc nói theo kiểu ông Phạm Minh Chính “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Đáp lại lời vay tiền của ông Chính, “Chủ tịch JBIC cho biết ngân hàng sẵn sàng và sẽ hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện các dự án chuyển đổi xanh tại Việt Nam trong khuôn khổ AZEC. Ông cũng bày tỏ mong muốn tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam, triển khai các dự án theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Đặc biệt, ông cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản nhiều kinh nghiệm cũng mong được tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao của Việt Nam”. Báo Vnexpress dẫn lời ông Maeda Tadashi.
Như vậy phía Nhật sẽ cho vay, với điều kiện CSVN phải cho họ tham gia vào các dự án hạ tầng lớn. Nhưng phía CSVN thì thường ưu tiên cho Trung Cộng hơn, đặc biệt là dự án đường sắt tốc độ cao. Mất lòng Trung Cộng thì có thể mất chế độ, còn không vay được tiền từ phía Nhật thì phải chấp nhận chịu lỗ dài dài. Có thể thấy CSVN sẽ thà chịu lỗ rồi bắt dân đóng thuế bù vào, chứ khó lòng để mất chế độ. Còn một phương án khác, CSVN vẫn ưu tiên Trung Cộng, nhưng sẽ nhượng bộ nhiều điều khoản có lợi cho Nhật Bản để vay cho bằng được tiền của Nhật. Tóm lại, dân vẫn chịu khổ để bù lỗ cho đảng CSVN.
__________________
Tham khảo:
No comments:
Post a Comment