Sunday, July 6, 2025

Việt Nam vươn mình thế nào trước một thế giới biến đổi khó lường
Nguyễn Quang Dy
Posted on 06/07/2025 by Boxit VN
4/7/2025
Boxitvn

Ngày 1/7/2025, Việt Nam đã chính thức khai trương hệ thống chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh thành trong cả nước, sau khi sáp nhập 63 tỉnh thành. Đây là một bước ngoặt quan trọng theo chủ trương tinh giản bộ máy hành chính và nhất thể hóa thể chế để Việt Nam vươn mình phát triển đột phá trong kỷ nguyên mới. Việt Nam đứng trước những cơ hội to lớn nhưng cũng đang đối mặt với một thế giới biến đổi khó lường. Vì vậy, trong thế “cùng tắc biến”, Việt Nam phải tranh thủ mọi cơ hội để “biến nguy thành cơ”.   

Một thế giới biến đổi khó lường 

Trong khi chiến tranh Ukraine chưa kết thúc “trong 24 giờ” như Tổng thống Trump đã tuyên bố khi tranh cử, thì chiến tranh Trung Đông leo thang với đòn tấn công phủ đầu của Israel (Rising Lion, 13/6) đánh vào Iran. Sau đó, Mỹ đã tấn công vào ba cơ sở hạt nhân của Iran (Midnight Hammer, 22/6). Trong khi nước Mỹ đang khủng hoảng với làn sóng biểu tình “No King”, phản đối Trump và ICE, thì đấu tranh quyền lực trong nội bộ Trung Quốc đang ngấm ngầm diễn ra, với hệ quả khó lường về triển vọng chuyển giao quyền lực.  

Sau màn khẩu chiến đầy kịch tính giữa Tổng thống Trump và phó Tổng thống Vance với Tổng thống Lezensky tại Nhà Trắng (28/2), Ukraine đứng trước tình thế khó khăn khi sức ép quân sự của Nga gia tăng, trong khi viện trợ của Mỹ suy giảm. Nhưng Uktraine đã bất ngờ tập kích vào sâu lãnh thổ Nga bằng UAV (Spider’s Web, 1/6), phá hủy 40 máy bay Nga (trị giá 7 tỷ USD). Tuy Spider’s Web chưa làm thay đổi cục diện chiến tranh, nhưng là đòn tấn công ngoạn mục làm Nga tổn thất lớn. Đó còn là bài học về chiến tranh đối với Trung Quốc nếu họ định thôn tính Đài Loan. Kết cục là các nước lớn vẫn sa lầy tại Ukraine.  

Tại Trung Đông, trước triển vọng Iran có thể sử dụng 400 kg uranium đã được làm giàu 60% để làm nhiều bom hạt nhân, Israel đã tiến hành tấn công phủ đầu (Rising Lion, 13/6), dùng nhiều UAV và 200 máy bay tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Kết quả là 11 nhà khoa học hàng đầu và 30 tướng lĩnh và quan chức cấp cao của Iran đã chết. Sau đó, Mỹ đã dùng 6 máy bay ném bom chiến lược B-2 và nhiều tên lửa Tomahawk tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran tại Fordow, Natanz, và Isfahan (Midnight Hammer, 22/6/2025). 

Hơn 200 máy bay Israel gồm F-35 đã tấn công chính xác hơn 100 mục tiêu hạt nhân và quân sự trên đất Iran, giết chết nhiều nhà khoa học hàng đầu, tướng lĩnh và các quan chức cao cấp của Iran). Chiến dịch Rising Lion của Israel tấn công Iran cũng như chiến dịch Spider’s Web của Ukraine tấn công Nga đã kết hợp các yếu tố tình báo, bất ngờ, quy mô, tốc độ và chính xác. Trong chiến tranh hiện đại, UAV sẽ tận dụng các lỗ hổng phòng không của đối phương để gây hỗn loạn và làm chủ bầu trời để máy bay ném bom tấn công. 

Có ba điểm rút ra từ chiến dịch Rising Lion như bài học chiến tranh cho thế kỷ 21Một là phối hợp giữa lực lượng đặc nhiệm (SOF) với drones chọn lọc, tin tức tình báo dựa trên AI, khảo sát và trinh sát. Đó là cơ sở để thâm nhập vào hậu phương địch, vô hiệu hóa lực lượng phòng không và làm rối loạn hệ thống chỉ huy của đối phương. Hai là sử dụng xe tải thông thường vận chuyển UAV vào sâu lãnh thổ đối phương mà không bị phát hiện. Ba là phối hợp giữa UAV đã phục kích sẵn trong lãnh thổ đối phương với hỏa lực tầm xa để làm tê liệt hệ thống báo động, làm đối phương không kịp trở tay, phải đối phó trong thế bị động. 

Đây là lần đầu tiên Mỹ dùng bom GBU‑57 MOP (Massive Ordnance Penetrator, 13,6 tấn) để công phá hầm ngầm bí mật tại Fordow. Theo các quan chức IAEA, tuy các cơ sở hạt nhân của Iran đã bị Israel và Mỹ phá hủy, nhiều nhân sự cấp cao đã bị giết, nhưng có nhiều ý kiến tranh cãi về khả năng Iran có kịp sơ tán số uranium được làm giàu trước khi bị tấn công hay không, và liệu Israel cần bao nhiêu lâu để khôi phục năng lực hạt nhân.  

Tuy sức ép của Mỹ và vai trò trung gian của Qatar đã thúc đẩy Israel và Iran tạm ngừng bắn, nhưng cuộc chiến 12 ngày tại Trung Đông chưa hẳn chấm dứt. Những mâu thuẫn và nguyên nhân dẫn tới chiến tranh vẫn chưa được giải quyết. 

Nếu Mỹ tiếp tục sa lầy vào xung đột kéo dài tại Ukraine và Trung Đông thì vai trò Mỹ tại Châu Á sẽ ra sao? 

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc sẽ ra sao?  

Theo Ely Ratner (Foreign Affairs, May 27, 2025), khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục bất ổn và xung đột. Trung Quốc muốn chiếm Đài Loan, kiểm soát Biển Đông, làm suy yếu Mỹ và đồng minh, nhằm bá chủ khu vực. Tập Cận Bình đã chỉ thị cho quân đội “sẵn sàng đánh chiếm Đài Loan trước năm 2027”. Trong khi quân đội Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa, thì việc răn đe thực sự đòi hỏi ý chí và năng lực mà chỉ có liên minh quốc phòng tp thể mới đáp ứng được. Liên minh đó chính là “Pacific Defense Pact”. 

Tại Trung Quốc, những tin đồn dai dẳng về sức khỏe của Chủ tịch Tập Cận Bình và triển vọng chuyển giao quyền lực chắc làm cho Tổng thống Putin đứng ngồi không yên. Chuyến thăm của Tổng thống Belarus Lukashenko là một ví dụ để minh họa. Chuyển giao quyền lực ở Bắc Kinh sẽ tạo ra “hiệu ứng cánh bướm” làm cho Tổng thống Trump phải điều chỉnh Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và xoay trục quan hệ Mỹ-Trung.

Có nhiều dấu hiệu tướng Trương Hựu Hiệp (phó chủ tịch quân ủy TƯ) đã quay lưng lại Tập Cận Bình, bắt tay với các nguyên lão và đoàn phái (như Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Vương Kỳ Sơn) để cải tổ quân đội (khôi phục lại các đại quân khu) và thanh trừng tay chân của Tập Cận Bình (như Miêu Hoa, Vương Tiểu Hồng, Hứa Kỳ Lượng, Hà Vệ Đông, Hà Mẫn Nhĩ, Lật Chiến Thư). Nếu Uông Dương và Hồ Xuân Hoa lên cầm quyền thì chính sách Trung Quốc chắc sẽ ôn hòa hơn, đánh dấu thời “hậu Tập Cận Bình” và “hậu chiến lang”. 

Trong khi đó, nước Mỹ cũng đang bất ổn. Các chính sách mới của Trump đang làm xã hội Mỹ phân hóa sâu sắc, dẫn đến khủng hoảng. Chính sách mới của Chính quyền Trump đối với các đại học như Harvard sẽ làm cho Mỹ “chảy máu chất xám”. Người Mỹ phẫn nộ xuống đường biểu tình “No King”, phản đối Trump và ICE. Mâu thuẫn không chỉ giữa hai đảng, giữa hành pháp với tư pháp, giữa Washington và California, mà còn giữa Trump với Musk. Tình hình đó là một lý do để Trump phải đánh Iran như một canh bạc liều lĩnh. 

Trong bối cảnh đó, Việt Nam và các nước khu vực phải khôn khéo và linh hoạt điều chỉnh chính sách nhằm thích ứng với các kịch bản và bối cảnh đang biến đổi khó lường trong quan hệ song phương cũng như quan hệ giữa các nước lớn. Việt Nam cần chuẩn bị cho mọi tình huống như  khi lãnh đạo Trung Quốc chuyển giao quyền lực, để không bị động và bất ngờ. Gần hai năm qua, lãnh đạo Việt Nam đã chuyển giao quyền lực êm đẹp. Ban lãnh đạo mới đã ứng xử khôn khéo để đối phó với tình hình mới nhằm “biến nguy thành cơ”.  

Việt Nam đứng trước nguy cơ bị mắc kẹt vào bàn cờ lớn Mỹ-Trung. Khi hai con voi đánh nhau thường nguy hiểm cho hàng xóm. Nhưng khi hai con voi làm tình cũng nguy hiểm không kém. Thời TBT Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã áp dụng “ngoại giao cây tre” để cân bằng với hai nước lớn. Thời TBT Tô Lâm, Việt Nam phải tái cân bằng (rebalancing) để vừa bảo vệ chủ quyền vừa tăng cường nội lực bằng phát triển đột phá (hai con số). Muốn vậy, Việt Nam phải tháo gỡ ách tắc về thể chế và ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân.   

Nâng cấp quan hệ với Mỹ và một số nước lên CSP là tiền đề giúp Việt Nam vươn mình phát triển đột phá và cơ hội để Việt Nam tìm cách thoát Trung. Muốn vậy, Việt Nam phải phát triển đột phá (hai con số) để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”. Trong bối cảnh hiên nay, phát triển 8% GDP (năm 2025) và 10% GDP (từ năm 2026) là “nhiệm vụ bất khả thi”. Trước mắt, Việt Nam cần khôn khéo đối phó tình huống biến đổi khó lường. 

Việt Nam vươn mình thế nào 

Theo báo Thanh Niên (30/5/2025), chuyên gia Lê Xuân Nghĩa đặt câu hỏi “Việt Nam tự lực tự cường đến đâu?”. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu 400 t USD trong đó 300 t USD là của nước ngoài (FDI), trong khi hàm lượng nội địa của Việt Nam chỉ có 1,7% (quá thấp). Trong số 100 t USD của Việt Nam xuất khẩu, thì 50 t USD là về lâm ngư nghiệp, còn lại 50 t USD chủ yếu là về dày da, dệt may, nhựa, đồ gỗ. Khoa học công nghệ hầu như chẳng có gì. Vì vậy, về lâu dài, muốn tự lực tự cường thì phải phát triển khoa học công nghệ. 

Theo quy luật, thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” rất khó, nhất là khi Việt Nam chưa hội tụ đủ các điều kiện cần thiết để phát triển đột phá hai con số. Việt Nam có nền kinh tế mở với nhiều FTA, nhưng phụ thuộc vào Trung Quốc và đứng trước hàng rào thuế quan của Mỹ. Trên thế giới, bàn cờ nước lớn khó lường với chiến tranh thương mại và xung đột vũ trang. Trong nước, kinh tế tư nhân được cởi trói, nhưng đang đóng cửa hàng loạt.  

Năm 1986, Việt Nam đổi mới 1.0 theo kinh tế thị trường định hướng XHCN. Năm 2025, Việt Nam đổi mới 2.0 với bốn trụ cột chính sách: (1) Phát triển khu vực tư nhân; (2) Phát triển công nghệ cao; (3) Tháo gỡ ách tắc thể chế; (4) Hội nhp quốc tế sâu rộng. Nếu Việt Nam xử lý quan hệ Mỹ-Trung thành công thì có cơ hội thoát Trung (thời “hậu Thành Đô”). TBT Nguyễn Phú Trọng để lại di sản chống tham nhũng và ngoại giao cây tre. 

TBT Tô Lâm có vai trò lãnh đạo Việt Nam trong “kỷ nguyên vươn mình”, chống tham nhũng triệt để hơn nhưng không sợ vỡ bình (thời kỳ “hậu NPT”). Dưới thời TBT Tô Lâm, ba tứ trụ đương chức (Chủ tịch Nhà nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Nhà nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ) đã bị cách chức. TBT Tô Lâm muốn thúc đẩy quan hệ CSP với Mỹ lên một tầm cao hơn mà không làm mất lòng Trung Quốc. 

Quốc hội đang họp để thể chế hóa bốn nghị quyết trụ cột về chính sách để triển khai. Một là Nghị quyết 68, nhằm thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân để dẫn dắt phát triển. Hai là Nghị quyết 57 nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ba là Nghị quyết 66 nhằm đổi mới thể chế, bỏ cơ chế xin cho và lợi ích nhóm. Bốn là Nghị quyết 59 nhằm hội nhập quốc tế sâu rộng hơn trong kỷ nguyên mới. 

Theo báo chí, đàm phán thương mại Mỹ-Vit (Washington, 9-13/6) đã kết thúc nhưng chưa thông báo kết quả, có thể chờ chuyến thăm Mỹ của TBT Tô Lâm (dự kiến 27/6). Nhưng đến ngày 2/7, Tổng thống Trump đã điện đàm với TBT Tô Lâm về quan hệ hai nước và đàm phán thuế đối ứng giữa hai nước, thống nhất tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng. Điều đó có thể được hiểu ngầm rằng chuyến thăm Mỹ của TBT Tô Lâm sẽ không diễn ra sớm, có thể do chiến tranh 12 ngày tại Trung Đông, hoặc do tình hình nội bộ của Mỹ và Trung Quốc đang bất ổn.   

Theo Truth Social (2/7), Tổng thống Trump tuyên bố: “Tôi vừa đạt được thỏa thuận thương mại với Việt Nam”. Đó là thỏa thuận thứ ba được công bố sau Anh và Trung Quốc. Theo thỏa thuận, mức thuế 20% sẽ được áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, mức thuế 0% sẽ được áp dụng đối với hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam. Mức thuế 40% sẽ được áp dụng đối với bất kỳ hàng hóa nào được trung chuyển qua Việt Nam. Theo Bloomberg (3/7) thỏa thuận thương mại Mỹ-Việt “có nguy cơ bị Trung Quốc trả đũa”. 

Theo báo chí, Mỹ đã yêu cầu Việt Nam giảm phụ thuộc vào nguyên liệu và linh kiện từ Trung Quốc. Đây không chỉ là chuyện thuế quan để cân bằng cán cân thương mại, mà còn là một bước đi có tính địa chiến lược. Về lâu dài, dù muốn hay không, Việt Nam cần “tái cân bằng” quan hệ với hai nước lớn để “thoát Trung”. Nếu Mỹ sa lầy vào Trung Đông thì chiến lược của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nếu phái ôn hòa sẽ lên cầm quyền ở Bắc Kinh thì quan hệ Mỹ-Trung có thể diễn biến khó lường. Việt Nam cần tăng cường nội lực và sẵn sàng đối phó với mọi kịch bản (thời “hậu Tập Cận Bình”). 

Việt Nam có vị trí đặc biệt trong chuỗi cung ứng toàn cầu và có quan hệ chặt chẽ với cả Trung Quốc và Mỹ. Dưới thời Trump, Việt Nam đang bị Mỹ gây sức ép mạnh để lôi kéo và kiểm soát chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, thái độ của Mỹ đối với Việt Nam khác với thái độ đối với Trung Quốc. Nói cách khác, Mỹ không muốn công khai kết quả đàm phán với Việt Nam làm Hà Nội mất mặt với Trung Quốc. Hà Nội không thể công khai nói rằng họ đang chịu sức ép mạnh từ Mỹ để giảm liên kết thương mại với Trung Quốc. Điều đó không chỉ nguy hiểm về chính trị nội bộ mà còn đe dọa quan hệ song phương với Bắc Kinh. 

Theo MacroPolo 2023 Report, Trung Quốc là nguồn cung cấp nhân tài về AI lớn thứ hai tại Mỹ, chiếm 26% (Mỹ chiếm 28%). Một nửa số nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới đã học đại học tại Trung Quốc. Từ 2017, Trung Quốc đã có chiến lược dài hạn để dẫn đầu thế giới về AI. Theo Morgan Stanley, công nghệ AI của Trung Quốc có giá trị 140 t USD vào năm 2030. Các hãng khổng lồ về AI đang đua nhau tuyển mộ nhân tài Trung Quốc. 

Nvidia đã tuyển mộ được 2 chuyên gia hàng đầu người Trung Quốc cho chương trình AGI (trí tuệ nhân tạo tổng quát) và ASI (siêu trí tuệ nhân tạo). Cả hai học đại học Thanh Hoa trước khi sang Mỹ làm bằng tiến sĩ (tại Berkeley và Standford). Trong khi đó, Mark Zuckerberg tuyển mộ được chuyên gia Alexandr Wang của Scale AI với giá 14,3 tỷ USD để giúp Meta tạo ra “kỷ nguyên mới cho nhân loại”. Wang sẽ làm Chief AI Oficer, cùng Nat Friedman lãnh đạo MSL (Meta Superintelligence Lap), để cạnh tranh với Open AI và Google. Theo WSJ, Meta đã tuyển mộ được 5 chuyên gia hàng đầu người Trung Quốc của Open AI. Theo Zuckerberg, “Meta có vị thế độc nhất vô nhị để đưa siêu trí tuệ đến với thế giới”.    

Thay lời kết 

Để trỗi dậy thành công, Trung Quốc đã phát triển hai con số trong mấy thập kỷ. Thật vô lý nếu Việt Nam không làm được như vậy. Trước mắt, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn và thách thức khó lường. Muốn trỗi dậy hóa rồng, Việt Nam phải vươn mình, biến nguy thành cơ. Thà chậm còn hơn không. Mô hình phát triển Đông Á có lẽ phù hợp với Việt Nam. Dù Mỹ-Trung đối đầu hay hợp tác, Việt Nam cần tránh mắc kẹt vào bàn cờ nước lớn. Cần chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống để không bị động. Cần xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới. 

Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải cải cách giáo dục để khai thác mỏ người đầy tiềm năng với hơn một trăm triệu dân. Việt Nam phải vươn mình thành một nước phát triển trước khi dân số già. Đó là một thách thức lớn cho các nước đang chuyển đối như Việt Nam. Không thể trỗi dậy, nếu Việt Nam không cải cách giáo dục theo hướng khai phóng. Việt Nam sẽ thua Campuchia nếu vẫn duy trì cách thức thi THPT như hiện nay. Muốn vươn mình trỗi dậy trong kỷ nguyên mới, Việt Nam phải có đủ nguồn nhân lực chuyên nghiệp (critical mass), để không còn các trường hợp như bà Lê Thị Thủy ở Quảng trị.  

Tham khảo

1. Ukraine just rewrote the rules of war, Max Boot, Washington Post, January 6, 2025.

2. Chinese politics may be in a calm before the stormKatsuji Nakazawa, Nikkei Asia, March 20, 2025.

3. Is Trump Trying to Destroy Harvard? WSJ Editorial Board, May 23, 2025.

4.The Case for a Pacific Defense PactAmerica Needs a New Asian Alliance to Counter ChinaEly Ratner, Foreign Affairs, May 27, 2025.

5. Vietnam’s Public Infrastructure Drive: More Haste, Less Speed? Le Hong Hiep, Fulcrum, 5 June 2025.

6. Question mark hangs over Xi Jinping regime’s strengthKatsuji Nakazawa, Nikkei Asia, June 5, 2025.

7. Xi Jinping’s generals face a treacherous political battlefieldKatsuji Nakazawa, Nikkei Asia, June 12, 2025.

8. Ungentlemanly Robots Israels Operation Rising Lion and the New Way of War, Benjamin Jensen, CSIS, June 13, 2025.

9. Can Israel Destroy Iran’s Nuclear Program? Richard Nephew, Foreign Affairs, June 14, 2025.

10. Israel Can’t Be a HegemonStephen Walt, Foreign Policy, June 16, 2025.

11. How the Israel-Iran war may developGideon Rachman, Financial Times, June 16, 2025.

12. Israel’s Futile Air War, Robert Pape, Foreign Affairs, June 17, 2025.

13. How War with Iran Would Undercut US China Strategy, Adam Gallagher, National Interest, June 19, 2025.

14. Whatever happens, Iran will still seek a nuclear weapon, Spectator, June 20, 2025.

15. So who won the 12 day war? Freddy Gray, Spectator, June 26, 2025.  

16. US-Vietnam Trade Deal Raises Risk of China Retaliation, Swati Pandey, Bloomberg, July 3, 2025.

N.Q.D.

Tác giả gửi BVN

No comments:

Post a Comment