Monday, July 7, 2025

VNTB – Sáp nhập xong: Thành Hồ vẫn còn cơ chế xin-cho
Cảnh Chân
07.07.2025 8:02
VNThoibao


(VNTB) – Chuyện xin-cho đã có từ thời phong kiến, nhưng tới nay vẫn vậy; quan chức vẫn là phụ mẫu của dân, thì có phải 80 năm nay nhà nước cộng sản vẫn duy trì chế độ phong kiến ở Việt Nam?

 Hôm 1/7, Chủ tịch TPHCM Nguyễn Văn Được chính thức trao quyết định bổ nhiệm các quan chức chủ chốt ở thành phố này sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu. Tại đây, ông Được phát biểu rằng “mỗi người phải luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết trong mọi quyết định và hành động, quyết tâm cao độ đổi mới tư duy, nhận thức và chuyển hóa đến toàn thể đội ngũ cán bộ công chức thành phố, phải biến cơ chế xin-cho thành phục vụ”.

Điều này cho thấy hai việc là cán bộ cộng sản ở cả 3 nơi này trước nay vẫn có tư duy cũ, chưa có quyết tâm đổi mới và vẫn còn cơ chế xin-cho. Thậm chí, tới thời điểm ông Được đứng phát biểu thì tình trạng đó vẫn còn, nên mới phải kêu gọi “quyết tâm cao độ”. Trong khi đó, sau sáp nhập, Thành Hồ trở thành siêu đô thị lớn nhất Việt Nam và được CSVN đặt tầm nhìn vươn mình ra tầm cỡ khu vực và thế giới.

Cũng trong buổi bổ nhiệm này, ông Nguyễn Văn Được kỳ vọng “TP.HCM trở thành một thực thể hành chính – kinh tế mới, mang tầm vóc quốc tế, mang theo khát vọng lớn cùng cơ hội lịch sử tối ưu hóa tiềm năng, phát triển kinh tế vượt trội để sớm trở thành một siêu đô thị quốc tế về tài chính, dịch vụ, thương mại, logistics công nghệ cao và kinh tế biển. TP.HCM mới không chỉ là đầu tàu kinh tế quốc gia, mà còn là đô thị hiện đại có ảnh hưởng trong mạng lưới các thành phố toàn cầu”.

Những ngôn từ rất hùng hồn vĩ đại, cho thấy vai trò rất lớn của thành phố này khi phải là “đầu tàu” kéo Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình. Nhưng với những gì ông Nguyễn Văn Được nói về cơ chế xin-cho, cán bộ chưa đổi mới tư duy, thì có lẽ đầu tàu này sẽ rất vất vả để tự gồng mình, chứ đừng nói gì tới chuyện kéo cả nước vươn mình.

Cơ chế xin-cho này vốn dĩ đã có từ thời phong kiến chứ không phải bây giờ, khi các quan chức tự coi mình là phụ mẫu (cha mẹ) của dân, người dân, thương nhân muốn làm gì thì cũng phải đi xin, khi nào được cho mới dám làm. Dĩ nhiên, muốn được cho thì phải có hối lộ, đút lót, chứ làm gì có chuyện cho không!

Nhắc chuyện xưa để thấy rằng hiện nay CSVN đã cai trị đất nước được 80 năm, lúc nào cũng tự nhận là nhà nước dân chủ, của dân, do dân, vì dân; nhưng thực tế thì chẳng khác gì thời phong kiến. Dân đen chỉ làm chủ đất nước trên giấy, còn thực tế dân vẫn là đầy tớ, đóng thuế nuôi quan chức, rồi tới khi có chuyện thì vẫn phải hối lộ vỗ béo quan chức, để xin xỏ những thứ đúng ra là thuộc về mình.

Như đã nói ở trên, khi chủ tịch thành phố phát biểu về cơ chế xin-cho, thì tức là vẫn còn tình trạng này. Nhưng để giải quyết thì lại là một vấn đề khác. Bản chất của việc xin-cho là hối lộ, tham nhũng, quan liêu, lộng quyền. Muốn xử lý triệt để thì luật pháp phải nghiêm minh, ai sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; phải có cơ chế kiểm soát quyền lực minh bạch, phải có tam quyền phân lập hẳn hoi, có tự do ngôn luận, tự do báo chí để cùng nhau theo dõi giám sát viên chức nhà nước.

Chứ hiện nay người dân không muốn xin-cho cũng không được, lên tiếng tố cáo thì bị đe doạ, trù dập, mất công mất việc. Trong khi những người chống tham nhũng cũng chính là những kẻ tham nhũng nhiều nhất thì làm sao bỏ được cơ chế xin-cho?

Việt Nam muốn vươn mình ra thế giới thì phải đi theo xu hướng dân chủ của thế giới văn minh, còn khư khư giữ lại thể chế độc tài lạc hậu thì chuyện vươn mình chắc chắn cũng như những cái bánh vẽ trước đây. Như năm 2006 Nông Đức Mạnh từng vẽ về việc biến Việt Nam thành nước công nghiệp vào năm 2020; hay năm 1976, Lê Duẩn vẽ chuyện Việt Nam vượt quan Nhật trong 15 năm…

___________________

Tham khảo:

https://tuoitre.vn/chu-tich-nguyen-van-duoc-can-bo-tp-hcm-phai-bien-co-che-xin-cho-thanh-phuc-vu-2025070117571386.htm

No comments:

Post a Comment