Tiểu Vũ - Sài Gòn vẫn mãi trong tôidimanche 6 juillet 2025
Thuymy
Có vài lần, tôi và bạn bè ngồi ở một góc cà phê nhỏ giữa lòng thành phố, rồi chợt hỏi nhau: Có khi nào Vương Cung Thánh Đường, chợ Bến Thành hay Bưu điện Sài Gòn sẽ đổi thành một cái tên nào đó xa lạ không?
Có khi nào một sáng thức dậy, tôi và biết bao người yêu Sài Gòn phải ngỡ ngàng hay tin: Chỗ nọ sẽ trở thành trung tâm thương mại, chỗ kia mọc lên cao ốc chọc trời?
Không phải là tưởng tượng. Bởi trên thực tế, những biểu tượng từng là ký hiệu của Sài Gòn đang dần biến mất. Thương xá Tax không còn. Tượng Trần Nguyên Hãn, bùng binh Cây Liễu, tháp đồng hồ vòng xoay Nguyễn Huệ, công viên Lam Sơn và cả những tên đường đã gắn bó bao đời cũng lần lượt lùi vào dĩ vãng.
Nhưng rồi chúng tôi nhận ra, điều làm nên bản sắc Sài Gòn không nằm ở tượng đài, cũng không chỉ là những công trình mang tính biểu tượng. Văn hóa Sài Gòn nằm trong khí chất, trong tinh thần cởi mở, rộng lòng đón nhận và hội nhập. Đó là một thành phố không ngại thay đổi nhưng luôn giữ được cốt lõi của mình. Ở đâu có tấm lòng rộng mở, ở đó có phát triển. Chính vì thế, dù phố phường có biến dạng theo thời gian, thì tinh thần Sài Gòn vẫn ở lại, nguyên vẹn trong lòng những ai từng sống và yêu nơi này.
Tôi còn nhớ rất rõ ngày đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn. Ký ức không có gì cao sang, chỉ là những điều bình dị – ánh nắng đầu ngày chạm vào vỉa hè bụi, tiếng lốc cốc mì gõ mỗi tối, ly cà phê sớm trong một quán nhỏ đầu hẻm. Những điều ấy đã lặng lẽ cất vào trí nhớ tôi từ lúc nào không hay, để rồi một ngày giật mình nhận ra: Mình đã “bị Sài Gòn hóa”, từ bao giờ và yêu luôn cái ồn ào sống động của vùng đất con người ở đây.
Cảm giác mỗi lần đi đâu đó trở về, xe vừa lăn qua cầu Sài Gòn là lòng tôi chùng xuống một nhịp: Đã về đến nhà. Dù nhà tôi ở tận quận Bảy, nhưng Sài Gòn chưa bao giờ là một địa chỉ cụ thể. Sài Gòn là cảm giác. Là sự thân quen. Là nơi có thể thở ra mà không cần phòng bị.
Sài Gòn bao dung và nhân hậu, sẵn sàng dang rộng vòng tay che chở biết bao phận người đến nương náu. Dẫu có bụi bặm, chen chúc, dẫu nắng gắt hay triều cường ngập phố, dẫu có kẹt xe mỗi sáng mỗi chiều thì tình người nơi đây vẫn chan chứa, nồng đượm và không hề vơi đi.
Tôi nghĩ người Quảng và người Sài Gòn có nhiều nét tương đồng, nhất là trong cách sống và cách thương người. Cả hai đều trọng nghĩa. Người Quảng hay nói năng cộc cằn, nóng nảy đó rồi quên đó, nhưng phía sau cái nóng như lửa là lòng thương âm ỉ như tro hồng. Người Sài Gòn không ào ào hô hào, nhưng luôn có mặt đúng lúc, lặng lẽ đưa tay ra đỡ người khác khỏi cú ngã.
Cả hai đều không quen nói hoa mỹ, không giỏi bày tỏ bằng lời, nhưng một khi đã thương thì thương sâu, đã hứa thì làm tới nơi tới chốn, đã nhận thì dám gánh. Một kiểu nghĩa khí không ồn ào, không cần ràng buộc, nhưng đủ để người ta yên tâm mà sống gần nhau.
Có lẽ vì vậy mà tôi không thấy mình lạc lõng nơi đây. Tôi hiểu được sự bươn chải của người bán hàng rong, sự nhẫn nại của anh bảo vệ khi giải thích cho người vùng miền khác là phải nhường lối cho người già, phụ nữ có thai khi xếp hàng ở nơi công cộng. Tôi hiểu cả anh mắt của anh xe ôm công nghệ dặn khách về cẩn thận. Những điều đó khiến tôi thấy mình thuộc về.
Có người đến Sài Gòn rồi lại ra đi, ồn ào lúc đến và lặng lẽ lúc rời xa. Có người sống cả đời nơi đây, vẫn không kịp hiểu vì sao mình yêu thành phố này đến vậy. Còn riêng tôi, chưa bao giờ có ý nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ thôi yêu Sài Gòn. Bởi nơi đây với tôi là quê hương thứ hai. Quảng Nam là nơi sinh tôi ra, dạy tôi khôn lớn và cho tôi một khí chất, nhưng Sài Gòn là nơi tôi tìm thấy chính mình.
Thành phố có thể biến dạng theo thời gian, tên phường nọ phường kia có thể không còn, nhưng tiếng rao buổi sáng, dĩa cơm tấm vỉa hè, hay nụ cười thân quen trong hẻm nhỏ… thì vẫn nguyên vẹn trong tim tôi, bởi chúng chưa từng mất đi.
TIỂU VŨ 06.07.2025
No comments:
Post a Comment