Monday, July 7, 2025

VNTB – Báo chí có cần chiến đấu với mạng xã hội?
Lê Tự Do
08.07.2025 1:19
VNThoibao



(VNTB) – “Nếu được chiến đấu sòng phẳng, không lý gì báo chí thua mạng xã hội”. Đó là một vấn đề được đặt ra trên một tờ báo ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn ở khía cạnh khác, báo chí với mạng xã hội có cần phải chiến đấu?

 Xã hội phát triển từng ngày. Thế giới phẳng mở ra cho con người nhiều cơ hội tiếp cận thông tin hơn, thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. Nếu như ở thời xưa, ông bà nghe tin tức qua radio, xem truyền hình hoặc thông qua những tờ báo giấy, thì giờ đây, với sự tiến bộ của khoa học – công nghệ, bên cạnh những hình thức cũ, truyền thông đa phương tiện ra đời, trong đó có mạng xã hội.

Một ưu điểm của mạng xã hội không thể phủ nhận, là nhanh. Với những tin tức vừa mới diễn ra (như tai nạn giao thông, cháy, ngập lụt…), tuy nhiên, đây đồng thời cũng là một nhược điểm của mạng xã hội, khi có những thông tin chưa hoàn toàn được kiểm chứng. Và báo chí, phóng viên, biên tập viên chính là người làm điều đó; sàng lọc và đem đến những thông tin chính xác nhất cho độc giả.

“Có những thông tin, mình biết đến cũng nhờ chia sẻ của cộng đồng mạng. Thấy hay, thấy mảng đó có thể khai thác được, mình đi tìm hiểu và ghi nhận. Sau đó về trình bày thành một bài hay một video, tùy theo từng chủ đề. Có những thông tin cũng không chính xác, mình tới nơi, không đúng như vậy, đành đi về tay không”, một phóng viên giấu tên chia sẻ.

Cũng chính vì tốn thời gian cho công đoạn này, nên tốc độ đưa tin của báo chí có phần chậm hơn so với mạng xã hội. Tuy vậy, cùng một đề tài, lượng thông tin báo chí cung cấp, có khi sẽ nhiều hơn.

Báo chí là một trong những loại hình phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại. Các tác phẩm, sản phẩm báo chí mang đến cho công chúng những giá trị thông tin thời sự, chân thật, khách quan về các sự kiện, vấn đề diễn ra trong đời sống xã hội. Có thể nói, đây là một nguồn tin đáng tin cậy.

Phóng viên, nhà báo thực thụ, có tâm, là những người giỏi, có kỹ năng nghiệp vụ nhất định (từ việc lấy tin, xử lý tin cho đến trình bày tin, biên tập tin…). Tuy nhiên, theo ghi nhận từ nhiều ý kiến trên mạng xã hội, dường như báo chí đang bị trói tay bởi kiểm duyệt. Vô hình trung, những phóng viên, nhà báo bị xem thường, bị coi là “bồi bút”, chỉ khen không dám chê.

Bên cạnh đó, một ưu điểm nữa của mạng xã hội là với độ phủ rộng khắp, dẫu có thể không phải là tất cả nhưng từ những người trẻ cho đến người trung niên, lớn tuổi… đều tham gia mạng xã hội. Chính việc này, khi đưa thông tin tìm kiếm một người, tìm kiếm một vật hay hỗ trợ một ai đó, sẽ phần nào dễ dàng hơn so với “cậy nhờ” báo chí.

“Mình từng một lần nhờ đến mạng xã hội tìm kiếm đồ vật bị mất. Lần đó, mình có đánh rơi một cái bóp trên đường ở Bình Chánh. Mình có vòng lại tìm nhưng không thấy. Sau đó, mình liên hệ với admin của một trang Fanpage ở khu vực mình nghi là đánh mất, nhờ họ đăng thông tin tìm kiếm giùm, rất nhanh, đã có người liên hệ lại”, Trường Nguyễn, một cư dân ở Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh nhớ lại.

“Chúng ta nên coi mạng xã hội là một đối tượng hợp tác nhiều hơn là cạnh tranh, đây là hướng rất tốt” (Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng).

Tóm lại vấn đề, báo chí hay mạng xã hội đều có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau, có thể bù đắp cho nhau (báo chí xác thực thông tin trên mạng xã hội – mạng xã hội thúc đẩy thông tin cho báo chí). Vậy câu hỏi đặt ra, báo chí có cần phải chiến đấu với mạng xã hội?

No comments:

Post a Comment