Lê Diễn Đức - Thử phân tích đảng “America” của tỉ phú Elon Musklundi 7 juillet 2025
Thuymy
Ta cần phân tích cơ cấu thể chế Mỹ, tâm lý cử tri, vai trò truyền thông – công nghệ, và so sánh với các mô hình tương tự ở các nước châu Âu, ví dụ như ở Ba Lan hay ở Đức.
Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) ở Ba Lan của hai anh em nhà Kaczynski theo đường lối bảo thủ, dân túy và quốc gia chủ nghĩa. Ra đời từ đầu những năm 2000 khi đang có các đảng chính trị cả hai phe tả, hữu mạnh trên chính trường, nhưng đã nhanh chóng tận dụng khủng hoảng EU và bất mãn trong dân chúng để vươn lên mạnh mẽ.
PiS từng có ba tổng thống : Lech Kaczynski (2002-2010), Andrzej Duda (2015-2025) và tân tổng thống Karol Nawrocki (từ 2025). PiS giành chiến thắng trong bầu cử, cầm quyền năm 2005-2007 và 8 năm liên tục từ 2015-2023 và hiện đang là đảng đối lập lớn nhất.
Tại Đức, đảng AfD mới hơn (thành lập 2013), cũng là lực lượng bên ngoài dòng chính với chủ nghĩa dân túy, chống nhập cư, phản EU. AfD đã trở thành một tổ chức chính trị lớn, về thứ nhì trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2025, (được Elon Musk ủng hộ) và là đảng đối lập lớn nhất đối với liên minh cầm quyền của Thủ tướng Frendrich Merz hiện nay.
Như vậy vấn đề không phải là tuổi đời ! Do đâu mà những đảng thành lập chưa bao lâu ở châu Âu đã có một tiếng nói vững chắc trên sân khấu chính trị ?
Ở châu Âu, nơi các đảng nhỏ có thể vào quốc hội qua tỉ lệ phiếu bầu toàn quốc, hệ thống bầu cử của Mỹ cứng hơn, rào cản cực lớn cho đảng thứ ba.
Hai đảng lớn (Cộng Hòa và Dân Chủ) đã kiểm soát hầu như toàn bộ : Luật bầu cử (đa số tuyệt đối, không tỉ lệ đại diện) ; Tiếp cận phiếu bầu (ballot access) ; Quỹ tranh cử, và hạ tầng chính trị (media, tổ chức địa phương, kết nối lợi ích).
Lý do đảng thứ ba rất khó tồn tại :
- Luật bầu cử kiểu “winner-takes-all” khiến cử tri sợ “bỏ phiếu lãng phí” cho bên thứ ba.
- Hầu như mọi vị trí trong Quốc hội và tổng thống đều đòi hỏi phải thắng cử ở cấp bang/địa phương, vốn đã bị hai đảng kiểm soát.
Tức là mô hình chính trị châu Âu dễ cho các đảng mới nổi lên hơn. Họ không cần phải thắng phiếu đa số tuyệt đối – chỉ cần có 5-10 % cũng đã có ghế ở quốc hội.
Từ các phân tích trên, tôi thấy khả năng một đảng mới do Elon Musk hậu thuẫn như sau :
Lợi thế :
- Tài chính khổng lồ : Elon Musk có thể tự tài trợ cho chiến dịch quy mô quốc gia.
- Sức ảnh hưởng truyền thông – công nghệ cực mạnh : X (Twitter), Tesla, SpaceX, Neuralink – ông có thể định hình diễn ngôn công chúng, đặc biệt với cử tri trẻ hoặc phản kháng.
- Tiếp cận thế hệ mới, cử tri trẻ (Gen Z, Millennials) ngày càng hoài nghi hệ thống cũ. Và nếu tiếp cận qua nền tảng công nghệ + thông điệp “anti-establishment”, có thể tạo nên một phong trào như kiểu Ross Perot năm 1992 (dù Perot chưa thắng nhưng có lúc đạt tới 20 % cử tri ủng hộ).
Nhưng một đảng “America” nếu chỉ xoay quanh Elon Musk thì dễ bị xem là phong trào cá nhân hơn là đảng chính trị có tổ chức và tầm chiến lược dài hạn.
Musk cũng là nhân vật gây tranh cãi, bốc đồng, thậm chí đôi khi cực đoan, có thể thu hút nhưng cũng dễ phân cực, nhất là trong chính trường Mỹ.
Thời điểm hiện tại : Cửa sổ cơ hội có thật không ?
- Năm 2024–2025 chứng kiến sự suy giảm lòng tin với cả Trump lẫn Biden.
- Sự chia rẽ sâu sắc và mệt mỏi của cử tri với hai đảng lớn tạo ra một khoảng trống, nhưng khoảng trống này chưa có ai đủ tầm để lấp đầy.
- Các đảng như Libertarian, Green Party… vẫn loay hoay ở mức dưới 5 %.
Nếu Elon Musk lập đảng “America”, kết hợp công nghệ, sức ảnh hưởng truyền thông và vốn, và chiêu mộ được một đội ngũ chính trị chuyên nghiệp, có khả năng tạo ra một phong trào mạnh – đặc biệt là ở tầng lớp trung lưu trẻ, dân tech, hoặc cử tri phản chính trị.
Tuy nhiên, từ “phong trào” đến “thành công bầu cử” trong hệ thống Mỹ là một chặng đường cực dài.
Như vậy, có khả năng, nhưng cần hội đủ điều kiện hiếm hoi, đó là :
- Tận dụng đúng thời điểm khủng hoảng lòng tin với hệ thống,
- Phát triển tổ chức hạ tầng chính trị thực thụ (không chỉ là fanbase).
- Có chương trình chính sách rõ ràng, không chỉ chống lại mà còn đưa ra giải pháp cụ thể.
Nhưng thực tế không dễ, vì rào cản thể chế của Mỹ là cực cao và văn hóa bầu cử Mỹ đã định hình theo mô hình lưỡng đảng suốt hơn 150 năm.
LÊ DIỄN ĐỨC 06.07.2025
No comments:
Post a Comment