Tuesday, July 8, 2025

Nguyễn Thông - Viết tiếp chuyện xe đạp
lundi 7 juillet 2025
Thuymy


Bọn trẻ, thanh thiếu niên bây giờ được “đội ta lớn lên cùng đất nước” (một bài hát thiếu nhi có tên như vậy), hưởng những thành quả của cuộc sống đổi thay theo thời gian (chậm so với ở nhiều nước khác cùng xuất phát điểm) nên hầu như không có mấy kiến thức về xe đạp.

Cũng phải thôi, chả nhẽ bắt chúng chịu mãi phận nghèo khó như mình. Kể những gì liên quan tới loại “xe của một thời” này, phần để mua vui, phần cho con cháu ngậm ngùi biết cha mẹ ông bà chúng đã đoạn trường như thế nào.

Như tại hạ đã biên hầu các vị, chiếc xe đạp những năm 80 trở về trước là thứ tài sản giá trị nhất của nhiều gia đình, có nhẽ chỉ sau căn nhà. Quê tôi nông thôn nông dân, rất nhiều nhà mãi tới thập niên 90 mới sắm được xe đạp, có cái để đi lại, đi làm, cho con học trường xa đỡ vất vả. Quý lắm.

Hồi thập niên 80 người ta chen nhau đi tìm đường cứu nước cứu nhà, bằng cách sang Tây xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Tiệp Khắc, Đức, Bun làm thuê, gọi màu mỡ riêu cua là hợp tác lao động. Trong dân gian truyền nhau câu vè “Có vợ mà để đi tây/Như xe không khóa bỏ ngay bờ hồ”, chẳng khác gì mời cụ xơi, cả vợ lẫn xe. Bờ hồ Gươm khi ấy là ổ trộm cắp, người ta bảo nhau mỗi mét vuông phải vài đứa. Mất xe đạp là đại hạn. Vợ cho đi tây và xe không khóa để bờ hồ na ná nhau.

Xe đạp ở miền Bắc giống như… cuốn từ điển tiếng Pháp. Các bộ phận, phụ tùng của xe đều được gọi bằng tiếng tây, chẳng hạn ghi đông, sên, líp, gác đờ bu, gác đờ xen, gác ba ga, cổ phốt, pê đan, van, đinh ca vét, săm, lốp, phuốc tăng, phanh, van… nghe sang trọng, rất bác học. Thời đó người ta truyền tai nhau chuyện một ông cán bộ trong lý lịch mục ngoại ngữ khai biết tiếng Pháp, khi kiểm tra trình độ, ông ta tuôn một hơi gác đờ bu, gác đờ xen, ghi đông…, giám khảo liền cho qua.

Khi tôi vào Nam, một trong những điều rất thiện cảm là thấy trong này đã Việt hóa các bộ phận của chiếc xe đạp bằng từ rất nôm na, sát hợp, giản dị, dễ thương, ví dụ tay lái, chắn bùn, niềng, vỏ, ruột… Người nam giỏi ngoại ngữ hơn người bắc nhưng lại rất có ý thức dùng tiếng Việt, trân trọng tiếng Việt. Về khoản này, thấy người nam hơn. Đó là sự thực.

Những năm bao cấp, nhiều chiếc xe bị hỏng, không có phụ tùng thay, nhất là gác đờ bu, gác ba ga, được đặt tên xe cởi truồng. Bọn thanh niên nhại lời bài hát "Tôi người lái xe" của nhạc sĩ An Chung (ca sĩ Quốc Hương hát bài này cực hay) thành “Xe tôi không chuông không phanh không gác đờ bu vẫn lai cô em trên đường phố đông, một hồi còi tít lên inh tai, rồi lù lù thấy ông quan hai, anh vẫn lờ đi xông vào đám đông”.

Chở nhau bằng xe đạp, ngoài Bắc gọi là lai nhau, nhiều nơi là đèo nhau. Thấy bạn đi bộ, đứa có xe bảo ra đây tao lai, ra đây tao đèo. Cách lai/đèo chở nhau bằng xe đạp ở hai miền cũng rất khác. Ngoài Bắc thì người chở gò lưng đạp một đoạn, người kia hổn hển chạy theo lấy đà phốc lên gác ba ga, ngồi quay hẳn sang một bên. Trẻ con, phụ nữ hay cụ già được chở đều vậy. Còn trong Nam, tài xế ngồi trên yên chờ sẵn, đợi người phía sau ngồi ngang hai chân hai bên chắc chắn đã rồi mới đạp đi. Sau 1975, có lẽ cách đèo/lai/chở của miền Nam ưu việt nên cả nước quy về một kiểu Nam. Ông thầy Vy bạn tôi gọi là cuộc giải phóng ngược.

Nhớ tới chiếc xe đạp ở miền Bắc thời bao cấp và chiến tranh trước năm 1975, thậm chí ngay cả chục năm sau kể từ tháng 4.75 nữa, có mà kể cả ngày chả hết. Điều đầu tiên được nhiều người trong cuộc, đã từng trải qua năm tháng ấy, là nghĩ ngay chuyện xe đạp phải đem đi đăng ký với công an và có biển số xe. Hồi năm 1977 tôi vào nhận công tác ở Sài Gòn, mấy tháng đầu để ý quan sát xem cuộc sống từng "dưới ách kìm kẹp của Mỹ ngụy" có khổ như mình đã nghe nói không, thấy xe đạp ít hơn xe máy, xích lô máy, xe lam, ô tô.

Và điều đặc biệt, xe đạp miền Nam không hề có biển số. Chiếc xe đạp duy nhất có biển số, mà biển số Hà Nội đàng hoàng, nơi ký túc xá tôi ở, là của chị Nguyễn Thị Từng. Cả hai anh chị (chồng chị là anh Phan Đình Nham) đều là giảng viên Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau “giải phóng”, anh đi nghiên cứu sinh bên Hungary, còn chị được điều vào Nam, đem theo cả chiếc xe gia tài còn nguyên biển số miền Bắc. Nhiều người “tại chỗ” dòm nó, rất ngạc nhiên sao xe đạp cũng biển số. Thầy Duyệt dạy lý, thầy Hảo dạy toán là những giáo viên cũ được cách mạng “lưu dung” có lần trong cuộc trà lá tối, bảo rằng miền Bắc cái gì cũng độc đáo, chả giống ai, xe đạp mà cũng đeo biển, chỉ thiếu điều chưa gắn cho người.

Đã gắn biển số thì sinh ra chuyện số đẹp số xấu. Anh Bùi Trọng Cường bộ đội đi học thời đại học với tôi có chiếc Phượng Hoàng cánh chả, biển số Hà Tây (nhà anh ấy ở Sơn Tây, xứ Đoài), biển số đẹp, hình như 3 số 5. Biển số xe khi ấy có cả những biển 9 nút, số tiến, không khác chi biển số xe máy sau này.

Xứ ta rất lạ, hầu như cái gì gắn với số là đem vận vào người. Có lần thằng Nhật em họ tôi cười bảo giày dép còn có số nữa là người. Anh Nguyễn Bác Chính trưởng phòng hành chính trường tôi năm 1982 sau khi bán con xe máy Babeta, thêm tiền mua được con Honda DD đỏ, loại cực xịn bấy giờ, chả biết nhờ ai mà gắn được biển số 666, chín nút kiểu bắc (chứ trong Nam thì mới 8 nút), tam lộc (lục), rất hãnh diện. Oai hơn cả thầy hiệu trưởng.

Vừa rồi coi tivi thấy quốc hội bàn cãi náo nhiệt về việc đấu giá biển số đẹp, thậm chí ông giám đốc công an Hà Nội còn đòi phải bán với giá thật cao, giá khởi điểm 100 triệu đồng chiếc, nghĩ buồn cười. Vừa tham tiền, lại vừa mê tín, chả ra làm sao. May mà thời xe đạp biển số, các vị ấy chưa có hoặc đang quần thủng đít, chứ không lại tiền gà bằng ba tiền thóc, tiền biển bằng tiền xe thì bỏ cụ.

Có biển số tức là có giấy đăng ký. Tôi còn nhớ chiếc xe nhà tôi mua năm 1976 (chiếc này sẽ kể sau) đem lên Công an huyện An Thụy để đăng ký (trước đó huyện Kiến Thụy nhập với huyện An Lão thành huyện An Thụy ; thời gian sau lại bị tách ra để nhập vào với Đồ Sơn thành huyện Đồ Sơn, thời sau nữa lại tách tiếp thành huyện Kiến Thụy bây giờ ; còn lúc này thì mất mẹ nó huyện, xóa luôn. Các vị ấy cứ thích là làm, dân chóng cả mặt). Có lần công an quận 5 Sài Gòn nghi ngờ tôi khai hồ sơ gian dối, sao có lúc khai quê An Thụy, lúc lại Đồ Sơn, lúc lại Kiến Thụy, tôi nửa đùa nửa thật bảo anh ra ngoài Phòng mà hỏi, tôi mà khai láo cứ bắt tôi đi tù.

Vẫn nhớ như in tờ bìa con con màu xanh nhạt to hơn bàn tay người nhớn ấy có tên “Giấy chứng nhận sở hữu xe đạp”, trong đó ngoài nội dung ghi rõ xe hiệu gì, kiểu nam hay nữ, màu gì, số xe, số khung, của ai, còn có cả hướng dẫn người sử dụng/chủ sở hữu phải đi lại thế nào. Đặc biệt có câu cảnh báo “cấm mua bán lén lút”, muốn bán muốn mua phải đem ra công an để sang tên, đổi chủ, đổi biển số, ai vi phạm mà bị phát hiện sẽ bị tịch thu.

Cứ phải nhắc lại, đây là ký ức về miền Bắc thời bao cấp và chiến tranh trước năm 1976 (bởi năm 1977 tôi vào Sài Gòn nên không rõ những năm sau đó). Xe đạp là thứ gia tài, gia sản quý hiếm, giá trị vào loại bậc nhất của những gia đình sắm được nó nên sự gìn giữ “con ngựa sắt” này chả khác gì “gìn giữ con ngươi của mắt mình”, thậm chí hơn cả... đạo đức cách mạng.

Mượn xe đạp cũng như cho mượn xe đạp là chuyện tối kỵ. Đường sá lởm khởm, tinh mảnh chai mảnh sành, đá dăm sắc nhọn, săm lốp lại cũ kỹ vá chằng vá đụp nên sự thủng săm bể lốp là chuyện thường. Chưa kể những vụ lớn như đâm xe vào trâu bò hoặc gốc cây làm chùn khung, cong vành, những vụ nhỏ như mất nắp chuông, gãy đũa, vỡ bi, đứt phanh, rách yên…, chả nhẽ bắt đền. Vì vậy, nhiều chủ xe, khi không đi liền xì hết hơi ra nói xe hỏng, thủng săm, để khỏi cho mượn. Người ta còn kể cho nhau, có ông tuyên bố dứt khoát, vợ có thể cho mượn được, chứ xe dứt khoát không.

Có những chiếc xe đạp được chủ xe o bế hơn cả… vợ. Sắm cho vợ cho con chiếc áo mới thì cân nhắc lưỡng lự, chứ xe phải thật bóng bẩy đẹp đẽ. Lúc bận chả nói làm gì, còn rảnh là lôi xe ra lau chùi không còn hạt bụi. May vải có cả tua rua kim tuyến bọc yên xe. Hai cọng tanh (miền Nam gọi là vè) gắn giữ gác đờ bu (chắn bùn) được buộc thêm túm lông gà vào để nó “ô tô ma tíc” tự động chùi quét vành cho sạch bụi. Nhiều bác còn gắn trên mũi gác đờ bu trước chiếc máy bay con con làm bằng đuy ra xác máy bay Mỹ, hoặc gắn cờ đuôi nheo xanh đỏ… Trông chiếc xe đạp cứ như nhà triển lãm di động.

Sắm được xe thì thích đấy nhưng rước nỗi khổ không có phụ tùng thay thế. Tất tật hàng hóa kể từ hột muối phải mua từ cửa hàng nhà nước. Chợ đen cũng có nhưng cực hiếm và đắt, người ít tiền không theo nổi. Nhiều chiếc xe pê đan (bàn đạp) mòn vẹt, đang đi rụng ra, được thay bằng cục gỗ, đạp kêu cót két. Có những chiếc săm bị vá vài chục vết, dày như mo nang. Hồi chiến tranh, anh An gù dân sơ tán sửa xe ở làng tôi còn có sáng kiến đập những vỏ quả bom bi con đã nổ tách ra thành hai mảnh để lấy viên bi thay bi các ổ trục bị mòn. Quán sửa xe nào cũng thạo nghề lộn xích để dùng lại khi răng nó đã nhọn hoắt. Cuối năm xét thưởng thi đua, lao động tiên tiến mà được thưởng chiếc lốp chiếc săm, nhất là sợi xích thì còn hơn trúng số độc đắc.

Nhắc đến quán (tiệm) sửa xe đạp, nhớ hồi thập niên 60 - 70 lúc đầu cả làng tôi chả có quán nào, đơn giản vì ít xe quá, nếu xe hỏng thì chịu khó dắt lên huyện sửa. Có ông sợ dắt sẽ hỏng thêm bèn vác. Giữa năm 1964 dân phố sơ tán về, các dịch vụ cũng về theo. Ven đường gần sân ủy ban cũ mọc lên quán của anh An gù. Anh bị gù lưng, nhỏ người, nghe đâu có võ, chả đứa nào dám trêu. Thằng Bình cũng dân sơ tán học cùng cấp 2 với tôi, loại đầu gấu, có lần bảo võ cũng đéo sợ, nhưng khi thấy anh An gù phi dép lê trúng mặt một đứa chửi gây sự ở quán liền sợ xanh mặt. Anh An gù sửa xe rất thạo, chỉ nhoáng cái là xong, tài nhất là gõ vỏ bom bi lấy viên bi thay cho bi xe bị mòn, xe lại bon bon hết cả lục cục.

Tháng 7.1972, tôi đi thi đại học tuốt bên huyện Vĩnh Bảo, cách nhà gần 40 cây số. Mượn chiếc Peugeot của ông Thắng anh họ tôi là giáo viên cấp 3 trường huyện. Đến gần bến phà Khuể, một con nghé từ lề đường nhào ra, tôi tránh không kịp, cong vành, phải sửa hết 2 đồng. Đến khi thi xong về, tôi sợ không dám thú thực ngay nhưng anh Thắng tinh lắm, nhìn là biết ngay xe bị tai nạn dù đã nắn vành, bèn mách chú thím, tức thày bu tôi. Tôi đang đập nương ngoài ruộng hợp tác xã bị điệu về, nằm trên cái cánh cửa, thày quất cho chục roi vào đít, không phải tội làm hỏng xe mà là tội giấu diếm, không thật thà. Năm ấy tôi 17 tuổi.

Hơn ba tháng sau, chính anh Thắng lại lấy cái xe ấy hì hục đèo tôi theo đường 5 lên tận Hà Nội để thằng em nhập học trường Đại học Tổng hợp, dọc đường tránh mấy trận bom máy bay Mỹ đánh cầu Phú Lương và Lai Vu. Đi từ sáng sớm, tối mịt mới đến phố Triệu Việt Vương. Nghỉ nhà người quen một đêm, hôm sau tôi đi bộ lên huyện Yên Phong (Hà Bắc) ven sông Cầu, còn anh tôi lại tất tả đạp xe 120 cây số về. Thương lắm. Giờ anh ấy mất rồi.

Nhớ năm 1969 hoặc 1970 gì đó ở huyện (Kiến Thụy, Hải Phòng) xôn xao vụ xe đạp. Chả là bọn trẻ đi vớt le mọc trong dòng nước sông Đa Độ về làm rau lợn, tới đoạn chảy qua làng Sâm Linh xã Minh Tân thì chúng vớ phải hai chiếc khung xe đạp. Nghe kể một khung Favorit, khung kia xe Thống Nhất, đều còn khá mới. Phụ tùng bị tháo hết, sạch sành sanh, trơ khung. Người ta nói với nhau bọn trộm thó được nguyên xe nhưng không dám dùng, sợ bị công an bất chợt điều tra kiểm soát trên đường, soi vào số khung sẽ tòi ra xe gian.

Mỗi xe đều có số khung, biển số, sớm muộn sẽ bị phát hiện, nên chúng chỉ rã lấy phụ tùng đem ra chợ Sắt bán. Sau này, có bọn chuyên nghiệp hơn, mài mất số khung cũ và đục được số khung mới, sơn lại, thay đề can, làm giấy tờ giả để đem đi đăng ký lại. Hai chiếc khung xe trong đám rau lợn kia, cuối cùng công an căn cứ vào số khung, dò theo danh sách đăng ký, biết chủ xe người xã Minh Tân, trong đó một cái của gia đình ông bạn học với tôi, anh Vũ Trường Thành thôn Cốc Liễn. Thành kể, nhận khung về nhưng cũng bỏ đó bởi không có tiền mua phụ tùng lắp ráp lại.

Những năm xa ấy, hay sinh chuyện đi nhờ xe đạp. Mỗi xe đều lắp poóc ba ga phía sau để chở thêm một người. Nhiều ông cán bộ lên huyện họp đi xe không, dễ bị nhờ. Còng lưng chở thì mệt, từ chối thì mất lòng. Về sau, họ đối phó bằng cách buộc món gì nhè nhẹ cồng kềnh vào để người ta thấy, không nhờ nữa. Nhiều ông, mặc người già trẻ con vẫy tay xin đi nhờ, cứ kệ, phóng vụt qua. Nhưng gặp nón trắng vẫy vẫy thì khó thoát. Dân gian gọi là phanh nón. Nhiều ông cho nàng đi nhờ, còng lưng đạp, toát mồ hôi vẫn vui như tết.

Kể ra được “em” ngồi ép sát phía sau, mềm mềm âm ấm, chuyện trò ríu rít, trời cũng thua chứ nói gì đàn ông trai trẻ. Lại nhớ thi sĩ Xuân Diệu thật thà kể "Em ngồi ríu rít ở sau xe/Em nói lòng anh mải lắng nghe/Thỉnh thoảng tiếng cười em lại điểm/Đời vui khi được có em kề", khoái củ tỉ. Có ông cho gái trẻ quá giang bị người làng bắt gặp, về kể cho bà nhà nghe, bà bỏ dở buổi cấy tốc thẳng về, này nhé tang chứng vật chứng lời chứng rành rành, thế là vợ chồng cãi nhau chí chết.

Liên quan tới cái ba ga xe đạp, lại nhớ chuyện chú Phạm Tuân. Nhờ công bắn rơi máy bay B52 Mỹ (chả biết có thật không, bởi không thấy xác chiếc pháo đài bay ấy), lại đẹp trai, khỏe mạnh, chú được sang Liên Xô để đào tạo thành phi công vũ trụ. Năm 1980 chú Tuân bay vào vũ trụ cùng với phi công Liên Xô Gorbatko, đem theo bèo hoa dâu lên đó để… nghiên cứu. Về sau, chả ai biết công trình nghiên cứu ấy sống chết thế nào. Chú Xích cắt tóc ở làng tôi cười bảo, ối giời, đi nhờ gác ba ga lên chơi thôi chứ nghiên cứu nghiên kiếc gì.

Lại nhớ những con đường, vào mùa thu hoạch lúa đều bị phơi rơm trải đầy, đi xe qua khó lắm, nhất là nó cuốn vào xích, đạp nặng vô cùng. Nhiều đứa phải dừng lại hì hục tháo tháo gỡ gỡ rồi mới chạy tiếp được. Ghét nhất là những đứa nhà khá giả, thày bu nó sắm xe Phượng Hoàng hoặc Vĩnh Cửu xích hộp, rơm phơi dày mấy cũng chả xi nhê gì, đạp bon qua, liếc mình bằng nửa con mắt. Xe xích hộp là minh chứng cho thứ đẳng cấp sống trong xã hội lúc bấy giờ.

Công nhận bọn Trung Quốc tài thật, cái gì chúng cũng nghĩ ra, làm được, làm tốt hơn mình. Chả hiểu sao, chỉ chế xích hộp thôi mà nhà máy xe đạp Thống Nhất của ta bó tay chịu chết. Tôi chưa hề thấy chiếc Thống Nhất xích hộp bao giờ. Thế mà cán bộ tuyên truyền lúc nào cũng khen nức nở người Việt Nam thông minh, sáng tạo. Vừa rồi, cô em tôi bảo, đến cái đồ vắt cam, hoặc con dao gọt mướp gọt trái cây rất đơn giản cũng nhập từ bên Tàu, rồi ta bắt chước họ làm theo, thì đừng nói thông minh sáng tạo. Hồi nhỏ ở nhà, tôi gọt mướp bằng cái cật tre lắp vào lưỡi dao, tuy chỗ dày chỗ mỏng nhưng cũng nhanh hơn gọt thường. Mười mấy năm vẫn thế. Sáng tạo của dân ta hình như chỉ đến mức ấy.

Chạy trên đường rơm còn rất nguy hiểm bởi dễ sụp những chỗ rãnh tát nước, và nhất là gặp bọn trẻ con chơi ngoài đường. Cô Ngọt em tôi kể có lần đạp xe qua chỗ mấy đứa trẻ thò chân ra ngoài. Cô chạy chậm lại, nhắc chúng mày rụt chân vào kẻo xe tao kẹp (cán) phải. Chúng không những chả rụt mà còn thò ra nhiều hơn, rồi thách thức “bà cứ kẹp vào chân tôi đi, phải đền tôi 2 hào”, nghĩ mà tức nhưng đành chịu.

Kể thêm tí nữa. Xe đạp hiếm hoi đến nỗi, trong làng nhà ai có xe, đám trẻ con chúng tôi cũng biết tường tận, thậm chí còn tỏ xe nam hay nữ, cũ hay mới, hiệu gì, chủ xe có thỉnh thoảng cho người khác mượn không, xe của ai nếu không đi chỉ treo trong nhà. Tôi còn nhớ đôi lúc lên nhà cụ Tành chơi với đám anh em Tịnh nhớn Tịnh con, cháu cụ, cùng lứa với mình. Ông Tự phó chủ nhiệm hợp tác xã bố hai cu Tịnh có chiếc xe đạp Thống Nhất mới toanh, do làm cán bộ nên được phân phối, thỉnh thoảng ông mới lôi xuống đi, chứ thường chỉ móc treo toòng teng góc nhà. Chả riêng ông Tự, phần lớn chủ xe đều vậy. Mượn được xe là cực khó, khó hơn lên giời.

Xe do miền Bắc sản xuất duy nhất có loại nhãn hiệu Thống Nhất. Công bằng mà nói, thời ấy chiếc xe nội địa này chất lượng khá tốt. Cả miền Bắc chỉ mỗn nhà máy, mỗn nhà sản xuất xe đạp, theo nền kinh tế bao cấp trung ương tập trung tập quyền nên cung không đủ cầu. Nhiều người cả đời làm cán bộ xã, cán bộ huyện cũng chỉ mong ngóng chờ tới lượt được phân phối xe Thống Nhất. Đông người quá thì bốc thăm cho… công bằng. Dân quèn không bao giờ được hưởng ơn mưa móc này của chính phủ. Như đã nói, muốn có xe đi thì ra chợ giời. Ở chợ Sắt, xe đạp Thống Nhất giá cao gấp đôi ba lần so với giá nhà nước bán cho cán bộ.

Bản thân tôi hồi thiếu nhi lẫn thanh niên, dù nhà mình không có xe đạp nhưng cũng từng biết, từng thấy nhiều loại xe khác nhau. Ngoài xe Thống Nhất đã kể, hồi dân phố sơ tán đợt 1 năm 1964, nhiều người đem xe đạp về theo. Lần đầu tiên được mục sở thị xe đạp xịn Sterling, Peugeot của Pháp, chắc gia đình họ có từ trước năm 1955. Rồi xe từ các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ hoặc do nhập khẩu về.

Phổ biến nhất là Phượng Hoàng và Vĩnh Cửu (hai xe này tên gọi khác nhau nhưng cùng loại, chỉ khác ở nhãn mác) của Trung Quốc, xích hộp (đây là thứ tiêu chuẩn đẳng cấp đối với xe đạp), cực kỳ nặng nhưng bền chắc số 1, nhất là những bộ phận xi mạ. Hồi ấy có câu chê trách những người mặt trơ trán bóng, được ví như nước mạ xe Phượng Hoàng.

Ông Trác anh họ tôi làm cán bộ hợp tác xã mua bán huyện, được phân phối chiếc Vĩnh Cửu, dùng sà sã mấy chục năm, thay bao nhiêu đời săm lốp nhưng chiếc vành sắt xi mạ cứ bóng nguyên, không hề han gỉ. Nghe kể, sau tháng 4.1975, nhiều nhà giàu ở Chợ Lớn sẵn sàng đổi chiếc Honda 67 mới tinh để lấy chiếc Phượng Hoàng, hình như họ thấy ở nó có gì đó rất đặc biệt.

Xe đạp Peugeot là thương hiệu nổi tiếng của Pháp, thời Pháp còn cai trị xứ ta loại này khá phổ biến, nhưng sau 1954 mất dần. Nó là cái tên gây ấn tượng sâu đậm trong cuộc sống, giống như những năm 70 - 80 người ta gọi chung xe máy bằng cái tên Honda. Xe Pơ giô (Peugeot) là thứ bằng chứng về đẳng cấp con người trong xã hội miền Bắc trước 1975. Người ta truyền nhau câu vè như thứ kết luận chắc nịch “Đẹp giai đi bộ, không bằng mặt rỗ đi lơ”. Lơ tiếng Pháp tức là Le Peugeot, mặt rỗ chỉ sự xấu trai do người đó bị bệnh đậu mùa để lại vết rỗ xấu xí trên mặt.

Những năm 70 - đầu thập niên 80 còn có bài thơ “10 yêu”, mở đầu là câu “Một yêu anh có Sen kô/Hai yêu anh có Pơ giô cá vàng”. Sen kô thì ai cũng biết là đồng hồ Seiko của Nhật, một trong hai loại đồng hồ xịn và phổ biến lúc bấy giờ, loại kia là Orient, một phần do thủy thủ Vosco đi Nhật đem về, một phần mua từ miền Nam sau 1975. Nhưng Pơ giô cá vàng thì khá nhiều người hiểu sai, nhất là mấy bạn trẻ, nhà báo trẻ không sống thời đó. Pơ giô cá vàng không phải xe đạp mà là xe máy Peugeot, mặc dù xe đạp cũng có màu cá vàng. Xe máy Pơ giô có 2 màu, cá vàng và xanh da trời. Không hiểu nó từ Pháp sang bằng đường nào, có nhẽ qua ngả Hồng Kông.

Về xe đạp Pơ giô, có thêm chút ký ức này. Hồi tôi còn bé, độ 10 tuổi, mỗi lần hai anh em tôi khiêng rau cải rau muống lên bán trên chợ huyện, đi tới chỗ làng Lái (làng Cẩm La trong), gần trường cấp 2 Thanh Sơn (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) có một ngôi nhà xây tương đối mới, anh Uy tôi bảo đó là nhà ông Cam sũng. Ông ấy độ ngoài 40, tên Cam, nhưng từng mắc bệnh phù thũng, da mặt chảy xệ xuống nên bị đặt thành Cam sũng. Mọi người kể rằng ông là Việt kiều ở Tân đảo hồi hương năm 1962, theo lời dụ của chính phủ về xây dựng đất nước. Gia đình ông có hẳn cặp xe đạp Pơ giô mới toanh, ai thấy cũng thèm. Thời gian sau, nghe nói kẻ trộm vào thó mất một chiếc. Gia đình ấy cứ lụn bại dần, tới khi tôi học cấp 3 trường huyện, đi ngang qua ngó chỉ còn căn nhà cũ kỹ đổ nát, không thấy ông Cam sũng, chẳng thấy xe Pơ giô.

Chuyện Việt kiều từ Tân đảo hoặc Thái Lan hồi hương, nhiều đoạn cười ra nước mắt. Xuân Ba có lần kể Việt kiều được chính phủ đưa về xứ Thanh, hỏi ai đăng ký ở Sầm Sơn, ai đăng ký ở Ngọc Lặc, nhiều gia đình chưa biết đất Thanh Hóa mô tê thế nào, nghe cái tên Sầm Sơn cứ nghĩ vùng núi non xa xôi, nhất loạt đòi về Ngọc Lặc, sau mới biết bé cái nhầm, nhưng hiểu ra thì đã muộn.

Nói thêm, bài “10 yêu” kia, tiếp theo là những câu “Ba yêu si téc gọn gàng/Bốn yêu hộ khẩu đàng hoàng thủ đô/Năm yêu không có bà bô/Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp về”… Giải thích thêm, si và téc là hai loại vải may quần tây sang trọng thời bao cấp trước 1975, rất hiếm, chứ không phổ biến như kaki Nam Định hoặc chéo xanh sĩ lâm. Si là simili, téc là tergal, nếu được simili màu lông chuột thì càng oách. Chỉ có vải quần bộ đội kaki Tô Châu của Trung Quốc mới có thể đọ hai loại này.

Ông bô bà bô là cách bọn trẻ ám chỉ bậc cha mẹ, thậm chí có đứa còn coi thường gọi bố mẹ là cụ khốt, lấy cái tên ông già cổ hủ trong cuốn truyện thiếu nhi “Ông già Khốt ta bít”. Văn Điển là cái nghĩa trang lớn nhất thủ đô hồi ấy. Nhà cầm quyền chia chỗ chôn cất quốc doanh do nhà nước quản lý thành hai dạng nghĩa trang : chỗ chỉ dành cho ông to bà lớn, quan chức cấp cao là nghĩa trang Mai Dịch ; chỗ cho cán bộ thấp hơn, thứ trưởng trở xuống, và dân chúng, là nghĩa trang Văn Điển. Ông bô sắp về Văn Điển thành tiêu chuẩn thứ sáu khi yêu nhau.

Liên quan tới Văn Điển, nhớ chuyện cụ Trần Huy Liệu. Cụ là nhà cách mạng, trí thức nổi tiếng, từng dẫn đầu nhóm ba người gồm cụ, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận thay mặt chính quyền cách mạng vào Huế tước ấn kiếm của vua Bảo Đại, bắt vua phải thoái vị. Cụ Liệu cũng từng làm quan to, Phó chủ tịch chính phủ lâm thời (chỉ sau cụ Hồ), bộ trưởng bộ tuyên truyền thời sau cách mạng tháng 8, là đàn anh của phần lớn những ông đang nắm quyền sinh quyền sát khi ấy.

Vậy nhưng khi cụ Liệu mất tháng 7.1969, mất trước cụ Hồ, về sau tôi có nghe kể người ta nhất quyết không cho chôn ở Mai Dịch, bắt phải đưa sang khu A bên Văn Điển. Năm 1973, K18 (tôi K17) Văn khoa Tổng hợp có anh Trần Trường Chiến rất đẹp trai, dáng thư sinh nhất khoa, hỏi ra thì biết là con trai cụ Trần. Tôi có lần định hỏi đầu đuôi chuyện ấy ra sao, có thật không, nhưng ngại. Anh Bùi Trọng Cường bảo không cần hỏi, chuyện ấy thật một trăm phần trăm.

Năm 1973 (hoặc 1974), tôi có đi đưa tang một cô chị của bạn học cùng lớp, lúc sắp tan lễ có tò mò sang khu A, ngó thấy mộ cụ Trần Huy Liệu, chợt ngậm ngùi về cách đồng chí đối xử với nhau. Sau này nghe nói người ta đã sửa sai, rước cụ sang Mai Dịch, nhưng cũng chả xóa được cái tiếng xấu kia.

NGUYỄN THÔNG 07.07.2025

No comments:

Post a Comment