Sunday, July 6, 2025

Ông Trump đang sử dụng 'Thuyết gã điên' để cố gắng thay đổi thế giới như thế nào?


Allan Little
BBC News
6 tháng 7 2025, 20:06 +07
BBC

Getty Images

Tháng trước, khi được hỏi rằng liệu ông có định tham gia cùng Israel để tấn công Iran không, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trả lời: "Tôi có thể làm vậy. Tôi có thể không làm vậy. Không ai biết tôi sẽ làm gì".

Nhà lãnh đạo Mỹ để thế giới tin rằng ông đã đồng ý tạm dừng hai tuần để Iran nối lại đàm phán. Và rồi ông vẫn ra lệnh ném bom.

Một mô hình đang được định hình: Điều dễ đoán nhất về ông Trump là sự khó đoán của ông. Ông thay đổi ý kiến. Ông tự mâu thuẫn với chính mình. Ông không nhất quán.

"[Trump] đã xây dựng một bộ máy hoạch định chính sách tập trung cao độ, có thể nói là tập trung nhất, ít nhất là trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, kể từ thời Richard Nixon", Peter Trubowitz, giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London cho biết.

"Và điều đó khiến các quyết định chính sách phụ thuộc nhiều hơn vào tính cách, sở thích và tính khí của Trump".

Đọc nhiều nhất






Getty Images
Ông Trump đã học cách sử dụng sự khó đoán của mình vào mục đích chính trị, biến nó thành một tài sản chiến lược và chính trị quan trọng

Ông Trump đã biến điều này thành một công cụ chính trị; ông ấy xem sự khó đoán của chính mình là một tài sản chính trị và chiến lược quan trọng. Ông đã nâng sự khó đoán lên thành một học thuyết. Và giờ đây, đặc điểm tính cách mà ông mang đến Nhà Trắng đang điều khiển chính sách đối ngoại và an ninh.

Nó đang thay đổi hình dạng của thế giới.

Các nhà khoa học chính trị gọi đây là Thuyết gã điên (Madman Theory), trong đó một nhà lãnh đạo tìm cách thuyết phục đối thủ của mình rằng ông ta có thể làm bất cứ điều gì vì bản tính thất thường, nhằm buộc đối phương phải nhượng bộ.

Nếu sử dụng thành công, đây có thể là một hình thức cưỡng ép. Và ông Trump tin rằng bản thân đang gặt hái thành quả - đưa các đồng minh của Mỹ vào vị trí mà ông muốn.

Nhưng liệu cách tiếp cận này có hiệu quả với kẻ thù? Và liệu điểm yếu của nó nằm ở chỗ thay vì là một mánh khóe nhằm đánh lừa đối thủ, nó lại dựa trên những đặc điểm tính cách rõ ràng và đã được ghi nhận kỹ càng – khiến cho hành vi của ông thực ra trở nên dễ đoán hơn?

Tấn công, lăng mạ và ủng hộ

Ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình bằng cách ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin và tấn công các đồng minh của Mỹ. Ông đã lăng mạ Canada khi nói rằng nước này nên trở thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ.

Ông cho biết đã chuẩn bị cân nhắc sử dụng vũ lực để sáp nhập Greenland, một vùng lãnh thổ tự trị Đan Mạch - đồng minh của Mỹ. Và ông cho rằng Mỹ nên giành lại quyền sở hữu và kiểm soát Kênh đào Panama.

Điều 5 trong hiến chương NATO quy định mỗi thành viên sẽ bảo vệ các thành viên khác nếu bị tấn công. Ông Trump đã tạo ra ngờ vực cho cam kết của Mỹ đối với điều khoản này.

"Tôi nghĩ Điều 5 đang nằm trong phòng cấp cứu," cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố.

Tổng chưởng lý Dominic Grieve, cựu nghị sĩ Đảng Bảo thủ, cho biết: "Hiện tại, liên minh xuyên Đại Tây Dương đã kết thúc".

Một loạt tin nhắn nội bộ bị rò rỉ đã tiết lộ văn hóa coi thường các đồng minh châu Âu trong Nhà Trắng dưới thời ông Trump.

"Tôi hoàn toàn chia sẻ sự căm ghét của các bạn đối với những kẻ ăn bám châu Âu", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nhắn với các quan chức khác, và nói thêm "THẬT THẢM HẠI".

AFP via Getty Images
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth (bìa phải) gọi các nhà lãnh đạo châu Âu là "những kẻ ăn bám" trong khi Phó Tổng thống JD Vance (trái) cho biết Mỹ sẽ không còn là bên bảo đảm an ninh cho châu Âu nữa

Tại Munich hồi đầu năm nay, cấp phó của ông Trump, Phó Tổng thống JD Vance, tuyên bố Mỹ sẽ không còn là bên bảo đảm an ninh cho châu Âu.

Điều này dường như đã khép lại 80 năm đoàn kết xuyên Đại Tây Dương.

"Điều Trump làm là khiến người ta nghi ngờ một cách nghiêm túc về mức độ đáng tin cậy trong các cam kết quốc tế của Mỹ," giáo sư Trubowitz nhận định.

"Bất kể những quốc gia đó [ở châu Âu] hiểu thế nào về an ninh, về kinh tế hay các vấn đề khác với Mỹ, thì giờ đây họ đều có thể phải đàm phán bất cứ lúc nào.

"Tôi cảm thấy rằng hầu hết mọi người trong quỹ đạo của Trump đều nghĩ rằng sự khó lường là một điều tốt, vì nó cho phép Donald Trump tận dụng ảnh hưởng của Mỹ để đạt được lợi ích tối đa…

"Đây là một trong những bài học ông ta rút ra từ việc đàm phán trong thế giới bất động sản."

Cách tiếp cận của ông Trump đã mang lại hiệu quả. Chỉ bốn tháng trước, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã nói trước Hạ viện rằng Anh quốc sẽ tăng chi tiêu quốc phòng và an ninh từ 2,3% GDP lên 2,5%.

Con số đó đã tăng lên 5% tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng trước, một bước nhảy vọt - và hiện được mọi thành viên khác trong khối đồng thuận.

Sự dễ đoán của điều khó đoán

Ông Donald Trump không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên áp dụng Học thuyết Khó đoán. Năm 1968, khi Tổng thống Richard Nixon cố gắng kết thúc cuộc Chiến tranh Việt Nam, ông đã nhận thấy kẻ địch ở Bắc Việt rất khó giải quyết.

"Có lúc Nixon nói với Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger rằng, 'ông nên nói với các nhà đàm phán ở miền Bắc Việt Nam rằng Nixon điên rồ và ông không biết ông ta sẽ làm gì, cho nên tốt hơn hết là các ông nên thỏa thuận trước khi mọi thứ trở nên thực sự điên rồ'," theo lời giáo sư Michael Desch, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Notre Dame.

"Đó chính là Thuyết Gã điên."

Getty Images
Thuyết Gã điên có liên quan đến chính sách đối ngoại của Tổng thống Richard Nixon (trái), người đang nói chuyện với cố vấn Henry Kissinger trong ảnh

Giáo sư chính trị Julie Norman tại Đại học College London, đồng ý rằng hiện tại đã có Học thuyết khó đoán.

"Rất khó để biết điều gì sẽ xảy ra từng ngày", bà lập luận. "Và đó luôn là cách tiếp cận của Trump".

Tổng thống Trump đã khai thác thành công danh tiếng thất thường của mình để thay đổi mối quan hệ quốc phòng xuyên Đại Tây Dương.

Và dường như để giữ được thiện cảm của ông Trump, một số lãnh đạo châu Âu đã tâng bốc và nịnh nọt ông.

Hội nghị thượng đỉnh NATO tại The Hague tháng trước giống như một buổi cầu thân mang tính nịnh nọt. Tổng thư ký NATO Mark Rutte trước đó nhắn tin cho Tổng thống Trump (hay "Donald thân mến"), và ông Trump đã công khai nội dung tin nhắn đó.

"Xin chúc mừng và cảm ơn vì hành động quyết đoán của ông ở Iran, đó thực sự là điều phi thường," ông Rutte viết.

"Ông sẽ đạt được điều mà KHÔNG tổng thống nào trong nhiều thập niên có thể làm được," Tổng thư ký NATO cho biết, liên hệ đến thông báo sắp tới rằng tất cả các thành viên NATO đã đồng ý tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP.

Getty Images
Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã gửi cho ông Trump một tin nhắn chúc mừng trước hội nghị thượng đỉnh

Anthony Scaramucci, người từng giữ chức Giám đốc Truyền thông của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, nói: "Ông Rutte, ông ấy [Trump] đang cố làm ông bẽ mặt đấy. Ông ta đang ngồi trên chiếc chuyên cơ Air Force One mà cười vào mặt ông".

Và đây có thể là điểm yếu cốt lõi trong Học thuyết Khó đoán của Trump: hành động của các quốc gia có thể dựa trên giả định rằng ông Trump khao khát sự tán dương - hoặc rằng nhà lãnh đạo Mỹ ưu tiên những chiến thắng ngắn hạn, hơn là các tiến trình lâu dài và phức tạp.

Nếu đúng như vậy và giả định của họ là đúng, thì khả năng tạo ra những đòn đánh bất ngờ của ông Trump sẽ bị hạn chế - bởi thay vì là một người không thể đoán trước, ông thực chất có những đặc điểm tính cách đã quá rõ ràng và được ghi nhận kỹ lưỡng, khiến các đối thủ dần hiểu và dễ dự đoán hơn

Những kẻ thù không lay chuyển trước lời nịnh bợ hay đe dọa

Câu hỏi tiếp theo là: Liệu Học thuyết Khó đoán hay Thuyết gã điên có hiệu quả với các đối thủ hay không?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, một đồng minh từng bị ông Trump và cấp phó JD Vance khiển trách trong Phòng Bầu Dục, sau đó đã đồng ý trao cho Mỹ quyền khai thác tài nguyên khoáng sản giá trị của Ukraine.

Ngược lại, Tổng thống Vladimir Putin dường như vẫn không bị ảnh hưởng bởi cả sự quyến rũ và đe dọa của ông Trump. Ngày 3/7, sau một cuộc điện đàm, ông Trump cho biết ông "thất vọng" vì ông Putin chưa sẵn sàng chấm dứt chiến tranh với Ukraine.

Reuters
Tổng thống Zelensky đã có cuộc cãi vã với ông Trump và cấp phó JD Vance ở Phòng Bầu dục nhưng sau đó đã đồng ý cho Mỹ quyền khai thác tài nguyên khoáng sản của Ukraine

Còn Iran thì sao? Ông Trump đã hứa với những người ủng hộ rằng ông sẽ chấm dứt sự can dự của Hoa Kỳ vào "những cuộc chiến tranh trường kỳ" ở Trung Đông.

Quyết định tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran có lẽ là hành động khó đoán nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của ông cho đến nay. Câu hỏi đặt ra là liệu nó có mang lại hiệu quả như mong đợi.

Cựu Ngoại trưởng Anh, ông William Hague, đã lập luận rằng kết quả hoàn toàn ngược lại: hành động này sẽ khiến Iran tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân nhiều hơn, chứ không phải ít hơn.

Giáo sư Desch đồng tình: "Tôi nghĩ giờ đây khả năng Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân là rất cao", ông nói.

"Vì vậy, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu họ cố ẩn mình và làm mọi cách để hoàn tất chu trình nhiên liệu và thực hiện một vụ thử nghiệm [hạt nhân].

"Tôi nghĩ rằng các nhà độc tài đối mặt với Mỹ và khả năng thay đổi chế độ sẽ không bỏ qua bài học từ Saddam Hussein (cựu lãnh đạo Iraq) và Muammar Gaddafi (nhà lãnh đạo Libya)…

"Vì vậy, người Iran sẽ cảm thấy nhu cầu cấp bách cần phải sở hữu vũ khí tối thượng và họ sẽ coi Saddam và Gaddafi là những ví dụ tiêu cực trong khi Kim Jong-un của Triều Tiên là ví dụ tích cực".

Reuters
Nhiều người cho rằng Iran nhiều khả năng sẽ cố gắng sở hữu vũ khí hạt nhân sau khi bị Mỹ tấn công

Một trong những kịch bản có khả năng xảy ra là sự củng cố quyền lực của Cộng hòa Hồi giáo Iran, theo ông Mohsen Milani, giáo sư ngành chính trị tại Đại học Nam Florida và tác giả cuốn "Sự trỗi dậy của Iran và cuộc cạnh tranh với Mỹ ở Trung Đông" (Iran's Rise and Rivalry with the US in the Middle East).

"Năm 1980, khi Saddam Hussein tấn công Iran, mục tiêu của ông ta là làm sụp đổ chế độ Cộng hòa Hồi giáo," ông nói. "Nhưng điều ngược lại đã xảy ra.

"Đó cũng là tính toán của Israel và Mỹ... Họ cho rằng nếu loại bỏ được tầng lớp lãnh đạo cấp cao, thì Iran sẽ nhanh chóng đầu hàng hoặc cả hệ thống sẽ sụp đổ."

Mất lòng tin vào các cuộc đàm phán?

Nhìn về tương lai, sự khó đoán của ông Trump có thể không tác động được đến kẻ thù, nhưng không rõ cách nó khiến các đồng minh thay đổi gần đây có thể được duy trì hay không.

Dù điều đó có thể, đây vẫn là một quá trình chủ yếu dựa vào sự bốc đồng. Và có lo ngại rằng Mỹ có thể bị xem là một đối tác không đáng tin cậy.

"Mọi người sẽ không muốn làm ăn với Mỹ nếu họ không tin Washington nghiêm túc trong các cuộc đàm phán, nếu họ không chắc Mỹ sẽ ủng hộ họ trong các vấn đề quốc phòng và an ninh", Giáo sư Norman lập luận.

"Vì vậy, sự cô lập mà nhiều người trong thế giới MAGA (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) tìm kiếm, tôi nghĩ, sẽ phản tác dụng".

Thủ tướng Đức Friedrich Merz là một trong số những người lên tiếng rằng châu Âu giờ cần trở nên hoạt động độc lập với Mỹ.

"Điều đáng chú ý trong phát biểu của thủ tướng Đức là nó cho thấy sự thừa nhận rằng ưu tiên chiến lược của Mỹ đang thay đổi," giáo sư Trubowitz nhận định.

"Chúng sẽ không quay trở lại như trước khi Trump lên nắm quyền.

"Vì vậy, vâng – châu Âu sẽ phải hoạt động tự chủ hơn."

AFP via Getty Images
Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết châu Âu hiện cần phải hoạt động độc lập với

Điều này sẽ đòi hỏi các quốc gia châu Âu phải phát triển một ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu lớn mạnh hơn nhiều, để có được những thiết bị và năng lực mà hiện chỉ Mỹ mới có, theo giáo sư Desch.

Ví dụ, châu Âu có những thông tin tình báo toàn cầu tinh vi, ông nói, nhưng phần lớn trong số đó là do Mỹ cung cấp.

"Nếu châu Âu muốn tự lực, họ cũng sẽ cần tăng năng lực sản xuất vũ khí độc lập một cách đáng kể", chuyên gia này tiếp tục. "Nhân lực cũng sẽ là một vấn đề. Tây Âu sẽ phải nhìn sang Ba Lan để xem mức nhân lực mà họ cần".

Và cả những điều này sẽ mất nhiều năm để xây dựng.

Vậy, liệu châu Âu có thực sự lo ngại vì sự khó đoán của ông Trump, đến mức thực hiện bước chuyển đổi lớn nhất trong cấu trúc an ninh của thế giới phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh?

"Nó là một phần nguyên nhân", Giáo sư Trubowitz nói.

"Nhưng về cơ bản, Trump đã giải phóng một thứ gì đó… Chính trị ở Mỹ đã thay đổi. Các ưu tiên đã thay đổi. Đối với liên minh MAGA, Trung Quốc là vấn đề lớn hơn Nga. Điều đó có thể không đúng với châu Âu."

Và theo Giáo sư Milani, Tổng thống Trump đang cố gắng củng cố vị thế của nước Mỹ trong trật tự toàn cầu.

"Khó có khả năng ông ấy sẽ thay đổi trật tự thế giới được thiết lập sau Thế chiến II.

Điều ông ấy muốn là củng cố vị thế của Mỹ trong trật tự đó, bởi vì Trung Quốc đang thách thức vị thế của Mỹ trong trật tự ấy."

Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc các ưu tiên về quốc phòng và an ninh của Mỹ và châu Âu đang ngày càng khác biệt.

Các đồng minh châu Âu có thể hài lòng rằng nhờ sự nịnh bợ và những thay đổi chính sách thực chất, họ đã phần nào giữ được sự ủng hộ của ông Trump – sau cùng, Tổng thống Mỹ đã tái khẳng định cam kết với Điều 5 tại hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây nhất.

Tuy nhiên, sự khó đoán của ông Trump khiến điều này không thể được đảm bảo – và có vẻ như các nước châu Âu đã chấp nhận rằng họ không còn có thể dựa dẫm một cách tự mãn vào Mỹ để Mỹ tiếp tục giữ đúng cam kết lịch sử bảo vệ họ.

Và theo nghĩa đó, ngay cả khi Học thuyết Khó đoán xuất phát từ sự kết hợp giữa lựa chọn có chủ đích kết hợp với những đặc điểm tính cách thực sự của ông Trump, thì nó vẫn có hiệu quả, thì nó đang phát huy tác dụng – ít nhất là với một số đối tượng.

Get in touch

InDepth is the home for the best analysis from across BBC News. Tell us what you think.

Tin liên quan




No comments:

Post a Comment