VNTB – CSVN buộc phải chấp nhận suy thoái kinh tế để tái cấu trúc toàn diện
Trần Anh Quân
07.07.2025 7:16
VNThoibao

Sau khi phía chính quyền Trump công bố áp mức thuế 20% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, báo chí nhà nước CSVN thì tỏ ra khá dè dặt khi có rất ít bài viết thông tin về vụ việc. Vài tờ báo được ban tuyên giáo giật dây thì cố chấp đánh giá đó là mức thuế hợp lý, tích cực cho Việt Nam. Tuy nhiên đây chỉ là những bài tuyên truyền an ủi người dân trong nước. Bởi các tín hiệu từ phía thị trường đều cho thấy điều ngược lại.
Phản ứng của thị trường chứng khoán và bước lùi về mặt chủ quyền trong thương mại của Việt Nam
Ngày 3/7, vài giờ sau thông báo từ Tổng thống Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa với mức giảm nhẹ. Kết phiên, VN-Index giảm 2,63 điểm (tương đương 0,19%), còn 1381,96 điểm. Ngày 4/7 thì tăng lên 5 điểm nhưng thanh khoản toàn thị trường lại ở mức thấp. Cho thấy các nhà đầu tư vẫn có tâm lý nghi ngờ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngược lại, thị trường chứng khoán Mỹ lại tăng điểm sau khi có công bố thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/7, chỉ số này S&P 500 tăng 0,47% lên 6.227,42 điểm, đạt mức cao mọi thời đại trong phiên và ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục. Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/7, chỉ số S&P 500 tiếp tục tăng thêm 51,94 điểm (+0,83%).
Hai phản ứng trái chiều này cho thấy mức thuế mới có lợi cho Mỹ hơn là Việt Nam, nếu không muốn nói thẳng là chính quyền Trump đã thắng lớn trong cuộc đàm phán này.
Trong các nước Đông Nam Á đại lục, mức thuế 20% dành cho hàng Việt Nam thực chất vẫn còn thấp hơn một số quốc gia láng giềng như: Lào, Campuchia hay Myanmar. Còn Thái Lan có thể sẽ được áp mức thuế dưới 18%, sau lời đề nghị của chính quyền Trump, nhưng Thái Lan vẫn chưa đồng ý mức thuế này, mà đang muốn giảm xuống còn 10%. Thái Lan là một nước có lợi thế cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam trong khu vực, nếu họ được áp thuế thấp hơn thì sẽ dẫn tới nhiều bất lợi cho Việt Nam.
Chưa kể, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi chấp nhận áp thuế 0% đối với hàng hóa Mỹ nhập khẩu. Mức áp thuế 20% là đã cao gấp đôi so với trước đây, nhưng Việt Nam lại miễn thuế cho hàng Mỹ. Vậy coi như CSVN đã xoá bỏ hàng rào thuế quan với Mỹ, và chấp nhận chịu một bước lùi trong chủ quyền thương mại.
Phá giá đồng nội tệ, tăng thu thuế và báo cáo láo chạy theo thành tích
Một số người thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tỏ ra phấn khích trước khả năng mua được xe hơi Mỹ với giá rẻ hơn nhờ thuế nhập khẩu bằng 0%, hoặc hàng Mỹ sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người hiện vẫn dưới 8 triệu đồng mỗi tháng, thì đa số người dân vẫn chỉ đủ chi tiêu cơ bản. Những người đủ khả năng tài chính để mua xe hơi chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong dân số hơn 100 triệu người của Việt Nam.
Không chỉ không đủ khả năng mua hàng Mỹ mà toàn bộ người Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ thoả thuận thương mại bất lợi này. Bởi, nhà nước CSVN chắc chắn sẽ dùng nhiều “thủ thuật” để đối phó với sự mất cân bằng cán cân thương mại, trong đó có việc phá giá đồng nội tệ và tăng thu thêm nhiều loại thuế, phí khác.
Tổng Bí thư CSVN Tô Lâm từng tuyên bố giảm thuế VAT để thu được nhiều thuế hơn. Theo đó, CSVN sẽ giảm tỷ lệ thu một loại thuế như VAT; nhưng tăng thu thêm nhiều loại thuế, phí theo kiểu thuế chồng thuế, tăng các mức phạt hành chính, tăng giá các dịch vụ công, giá mặt hàng nhu yếu phẩm khác nhau để bù đắp vào phần ngân sách bị thất thoát. Ví dụ, bỏ thuế nhập khẩu xe hơi Mỹ có thể đi kèm với tăng giá xăng dầu; bỏ thuế nhập khẩu điện thoại thì lại tăng cước 5G, internet. Hay mới đây nhất là bỏ thuế khoán hộ kinh doanh để tính thuế theo doanh thu…
Bên cạnh đó, việc giảm giá tiền đồng Việt Nam đã diễn ra từ đầu năm, với mức giảm rất cao và nhanh, đặc biệt là từ tháng 4, khi chính quyền Trump thông báo mức thuế 46%. Ngày 3/7, khi có mức thuế chính thức, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá VND/USD đã tăng thêm 21 đồng. Ngày 4/7 tiếp tục tăng thêm 25 đồng nữa.
Tổng cộng Ngân hàng Nhà nước đã tăng giá USD liên tục 5 phiên liên tiếp trong tuần qua, đây là mức tăng kỷ lục trong hàng chục năm qua. Tỷ giá ở các ngân hàng thương mại và thị trường tự do còn tăng cao hơn nhiều. Giá USD cuối tuần qua đã lên tới 26.470 đồng. Trong khi thị trường chợ đen đã vượt mốc 27.000 đồng.
Giảm giá đồng nội tệ có thể giúp cân bằng một phần cán cân thương mại, nhưng lại khiến giá cả hàng nhập khẩu và nguyên vật liệu đầu vào đều leo thang, lạm phát là chuyện không thể tránh khỏi. Tiền mất giá, hàng hóa tăng giá, người dân sẽ khổ sở hơn với gánh nặng cơm áo gạo tiền…
Nên nhớ ngay từ tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố trước Quốc hội rằng: Việt Nam “có thể phải chấp nhận hy sinh một phần lạm phát” để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên. Lúc đó Tổng thống Trump vẫn chưa tuyên bố gì về việc áp thuế cao. Bây giờ nếu CSVN vẫn có gồng để đạt mức tăng trưởng 8% GDP thì chắc chắn lạm phát sẽ xảy ra ở mức rất cao.
Và thực tế thì những báo cáo mới đây cũng cho thấy CSVN quyết tâm giữ mức tăng 8% trên. Theo đó, Bộ Tài chính thông báo mức tăng GDP 6 tháng đầu năm 2025 là 7,52%; chỉ tính riêng quý II thì đã đạt 7,96%, được coi là mức cao nhất trong 15 năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đình trệ, doanh nghiệp phá sản hàng loạt và người dân khốn đốn, con số này rõ ràng không phản ánh đúng thực tế mà chỉ là chạy theo chỉ tiêu do Bộ Chính trị đề ra.
Cũng theo báo cáo của nhà chức trách, chỉ tính riêng tháng 6 thì có 24.400 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 61,4% so với tháng trước. Nhưng sự tăng vọt này không phải là tín hiệu phục hồi kinh tế, mà là kết quả của việc chính phủ ép buộc các hộ kinh doanh cá thể phải đăng ký lên doanh nghiệp để thuận tiện cho việc quản lý và thu thuế.
Những số liệu đẹp đẽ này có thể làm mờ mắt các quan chức lãnh đạo về một kỷ nguyên vươn mình. Và nếu dựa vào những con số mỹ miều này để hoạch định chính sách, thì hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng, không chỉ là về lâu dài, mà mọi thứ đã hiển hiện ngay trước mắt.
Chấp nhận suy thoái kinh tế để tái cấu trúc toàn diện
Với các dấu hiệu hiện nay, có thể khẳng định Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế, tình cảnh có thể là nặng nề nhất từ cột mốc Đổi Mới 1986 tới nay. Chỉ là CSVN vẫn chưa chịu chấp nhận thực tế mà vẫn cố gồng mình đưa ra các báo cáo gian dối, để huyễn hoặc đảng viên và lừa dân.
Dù muốn hay không, Việt Nam bắt buộc phải tái cấu trúc nền kinh tế. Bắt đầu từ việc thừa nhận sự thật, rồi tìm cách giải quyết chứ không thể né tránh, mà tình hình đã không thể tránh vào đâu được nữa rồi. Ngay cả người anh lớn Trung Cộng cũng đang “ngộp thở” với mức thuế mới của chính quyền Trump thì Việt Nam chỉ có thể tự thân vận động thôi! Nhưng với đội ngũ quan chức hiện nay thì khó có thể tái cấu trúc một cách tích cực. Chưa kể là bộ máy điều hành vẫn đang loay hoay với chuyện sáp nhập, quan chức chưa quen việc, vừa làm vừa sửa, mọi thứ đang rối như tơ vò.
Tuy nhiên, như Phạm Minh Chính từng nói “trong nguy có cơ”. Đây là lúc CSVN có thể lùi một bước để cả dân tộc được tiến nhiều bước; nếu chịu đổi mới toàn diện hệ thống chính trị, mở đường cho nền dân chủ đa nguyên; để cho toàn dân có thể phúc quyết hiến pháp, tự do ứng cử, bầu cử, chọn ra những nhân tài thật sự đủ năng lực canh tân, cải tổ đất nước. Còn cứ hoang tưởng về “giấc mơ Xã Hội Chủ Nghĩa” thì tất cả sẽ cùng ngồi chờ Cả Nước Xuống Hố…
No comments:
Post a Comment