Monday, July 7, 2025

VNTB – VCHR & FIDH lên án những vi phạm nghiêm trọng ICCPR tại Việt Nam trước Liên Hiệp Quốc
Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam
08.07.2025 2:10
VNThoibao


(VNTB) – “Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam chỉ nói suông với các thể chế của LHQ, nhưng rõ ràng, 43 năm sau khi ký kết tham gia ICCPR, họ không có thiện chí chính trị nào để bảo vệ các quyền cơ bản của người dân Việt Nam.”

 GENEVE, ngày 7 tháng 7 năm 2025 (VCHR) – Tại khóa họp lần thứ 144 của Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Genève, các chuyên gia LHQ xem xét Phúc trình về Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) lần thứ 4 của Việt Nam. Nhân khoá họp xem xét này, bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR), công bố Phúc trình Phản biện chung của VCHR và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), ghi lại những vi phạm các quyền tự do cơ bản và việc Việt Nam không tuân thủ những cam kết tôn trọng các quyền tự do dân sự và chính trị được xác định trong ICCPR.

Đây là một trong những Công ước quan trọng nhất của LHQ. Mặc dù Việt Nam tham gia ký kết Công ước này từ năm 1982, và theo nguyên tắc phải phúc trình mỗi 4-5 năm trước Uỷ ban Nhân quyền LHQ, nhưng sau 43 năm ký kết, đây mới chỉ là lần thứ 4 Việt Nam đến phúc trình.

Sáng nay, điều trần trước 18 Chuyên gia thuộc Uỷ ban Nhân quyền LHQ, bà Ỷ Lan Penelope Faulkner đã bày tỏ sự thất vọng sâu sắc với báo cáo của Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh và đoàn đại biểu gồm 24 quan chức từ Việt Nam trình bày:

“Báo cáo của Việt Nam soạn đúng theo kiểu «Vũ Như Cẫn-vẫn như cũ». Nó chứa một danh sách dài đặc các luật lệ, nghị định và quy định được thông qua sau lần báo cáo trước, với rất ít hoặc không có thông tin gì về việc thực hiện chúng”, bà nói. “Nó phủ nhận hoàn toàn những lo ngại của LHQ về tra tấn, điều kiện nhà tù vô nhân đạo và giam giữ tùy tiện, và tuyên bố trắng trợn rằng “không có tù nhân lương tâm nào ở Việt Nam”. Tệ hơn nữa, nó cung cấp thông tin sai lệch. Trả lời các câu hỏi của LHQ về những người bảo vệ quyền môi trường bị giam giữ, Việt Nam cho biết tất cả họ đã được trả tự do. Đây là một lời láo phét. Luật sư Đặng Đình Bách đang thụ án năm năm tù trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt tại Nhà tù số 6 khét tiếng ở Nghệ An”, Faulkner nói.

Mặc dù có nghĩa vụ bảo vệ các quyền được ghi nhận trong ICCPR, Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp xã hội dân sự và ban hành các điều luật để hạn chế việc thực hiện các quyền dân sự và chính trị. Đàn áp chính trị được “hợp pháp hóa” bằng các điều khoản “an ninh quốc gia” trong Bộ luật Hình sự, đặc biệt là Điều 109 về “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; Điều 117 về “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm chống lại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; và Điều 331 về “lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước”.

“Các điều luật mơ hồ này trong thực tế chỉ là đồ mã trang trí bên ngoài để đàn áp nhân quyền. Nhà cầm quyền Hà Nội không phân biệt đâu là hành xử bạo động và đâu là hành xử quyền tự do ngôn luận, nên biến các đòi hỏi nhân quyền ôn hoà thành tội phạm” bà Ỷ Lan Faulkner nói với Ủy ban. Hầu như tất cả các luật tại Việt Nam đều có các điều khoản hạn chế nhân quyền với lý do “phá hoại an ninh quốc gia” hoặc “đe dọa lợi ích của nhà nước”, trái ngược với các quyền được đảm bảo trong ICCPR.

Dưới chiêu bài này, Việt Nam đang tăng cường bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền, blogger, tín đồ tôn giáo, nhà hoạt động xã hội dân sự và tất cả những ai chỉ trích chính phủ. Trong một cuộc đàn áp dữ dội chưa từng có đối với quyền tự do ngôn luận từ tháng 1 năm 2019 đến tháng 3 năm 2025, ít nhất 209 người, kể cả 35 phụ nữ đã bị bắt và ít nhất 177 người, kể cả 28 phụ nữ đã bị kết án tù lên tới 15 năm. Các cáo buộc có động cơ chính trị về “trốn thuế” và “tiết lộ bí mật nhà nước” cũng đã được sử dụng để truy tố các nhà lãnh đạo về biến đổi khí hậu và những người bảo vệ quyền lao động.

Các phiên tòa bất công, từ chối có hệ thống quyền bào chữa hợp pháp, điều kiện giam giữ xuống cấp và ngược đãi tù nhân là chuyện thường ngày ở Việt Nam, vi phạm Điều 14 của ICCPR. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cho phép giam giữ trước khi xét xử hầu như không giới hạn, giam giữ biệt lập kéo dài và xét xử bí mật đối với những người bị tình nghi phạm tội “an ninh quốc gia”.

Những tù nhân phản đối điều kiện giam giữ phải chịu các biện pháp kỷ luật bao gồm xiềng xích và biệt giam, thậm chí có nguy cơ bị truy tố thêm. Vào tháng 5 năm 2025, nhà hoạt động vì quyền đất đai Trịnh Bá Phương, người đang thụ án 10 năm tù theo Điều 177 của Bộ luật Hình sự về tội danh tuyên truyền chống nhà nước, đã bị khởi tố thêm lần thứ hai, cũng theo Điều 117, vì cai ngục tìm thấy tài liệu trong phòng giam của ông phản đối chế độ giam giữ hà khác, với dòng chữ ông viết “đả đảo cộng sản”.

Nghị định 121 về Luật sư, có hiệu lực vào tháng 6 năm 2025, làm suy yếu nghiêm trọng quyền được bảo vệ tư pháp. Nghị định này đã chuyển quyền cấp, gia hạn và thu hồi giấy phép hành nghề luật sư từ Bộ Tư Pháp sang Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Điều này có thể bị các quan chức địa phương lợi dụng để đe dọa, áp lực các luật sư, và rút giấy phép hành nghề các luật sư bảo hộ cho những ai chỉ trích nhà nước, đặc biệt các nhà ly khai hay bảo vệ nhân quyền.

Việc sử dụng án tử hình đang gia tăng, mặc dù số lượng các tội danh tử hình đã giảm. Điều kiện giam giữ tử tù thật vô nhân đạo. Các tử tù bị giam giữ bằng xiềng xích, chỉ được tháo ra trong 15 phút mỗi ngày. Nhiều tử tù đã chờ đợi ngày hành quyết trong hơn 15 năm vì Tổng thống “quá bận” để ký lệnh hành quyết.

Bên cạnh đàn áp về thể chất, Việt Nam sử dụng luật pháp để hạn chế quyền con người và thu hẹp không gian xã hội dân sự. “Chỉ thị 24” của Đảng Cộng sản xác định sự phát triển của xã hội dân sự và các công đoàn độc lập là mối đe dọa chính. Nhiều quy định mới đã được ban hành để hạn chế khả năng tiếp cận nguồn tài trợ nước ngoài của xã hội dân sự và thu hẹp phạm vi hoạt động của họ. Đáng lo ngại nhất là Nghị định 126/2024 về Hiệp Hội, được VCHR và FIDH mô tả là “một sự thụt lùi nghiêm trọng trong việc bảo vệ quyền tự do lập hội tại Việt Nam”. Nghị định này trao cho nhà nước các quyền hạn rộng rãi để kiểm soát, phủ quyết và đình chỉ các hội đoàn, đồng thời buộc họ phải “tuân thủ các chính sách của Đảng”  “tuyên truyền và phổ biến các chủ trương của Đảng”, vi phạm Điều 19 của ICCPR về quyền tự do lập hội.

Tự do ngôn luận và báo chí, cả trực tuyến và ngoại tuyến, đều bị hạn chế nghiêm trọng. Không có cơ quan truyền thông độc lập nào ở Việt Nam. Ngay cả báo chí do nhà nước kiểm soát cũng phải chịu sự kiểm duyệt theo “Kế hoạch 2025” của chính phủ, trong đó cấm các phương tiện truyền thông “đào sâu vào các vấn đề chính trị và đưa tin về các hiện tượng tiêu cực”. Các nhà báo đăng tin tức bị coi là “phủ nhận thành tựu cách mạng” hoặc “xúc phạm các anh hùng dân tộc” có nguy cơ bị phạt tiền và bỏ tù.

VCHR và FIDH cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc gia tăng các hành vi đàn áp xuyên quốc gia đối với các nhà hoạt động và người bất đồng chính kiến Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm quấy rối, bắt cóc và cưỡng bức hồi hương. Blogger Đường Văn Thái, bị bắt cóc tại Thái Lan, nơi anh đã xin được quy chế tị nạn, bị cưỡng bức hồi hương và bị kết án 12 năm tù tại Việt Nam. Y Quynh Bdap, người đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý, bị kết án vắng mặt 10 năm tù, cũng có nguy cơ bị cưỡng bức hồi hương từ Thái Lan. Cảnh sát Việt Nam thông đồng với mật vụ Trung Quốc đã bắt giữ nhà sư Phật giáo Tulku Hungkar Dorje sau khi ông chạy trốn khỏi Tây Tạng để thoát khỏi sự đàn áp tôn giáo vào tháng 3 năm 2025. Ông qua đời trong tù tại TP Hồ Chí Minh chỉ vài ngày sau khi bị bắt và thi thể của ông đã bị hỏa táng bí mật.

Vào tháng 4 năm 2025, nhà tu hành Phật giáo Việt Nam Thích Minh Tuệ đã bị cảnh sát Sri Lanka chặn lại và cấm tiếp tục cuộc hành hương qua đất nước này sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Nhà cầm quyền Cộng sản thành lập lưu hành báo cáo rằng nhà sư này là “mối đe dọa đối với trật tự công cộng”. FIDH và VCHR đã chia sẻ với Ủy ban Nhân quyền LHQ rằng : “chúng tôi lo ngại cho sự an toàn của Thích Minh Tuệ nếu ông trở về Việt Nam”.

“Những vi phạm nhân quyền có hệ thống và quy mô lớn này đặc biệt đáng lo ngại khi xét đến quá trình tái cấu trúc chính phủ toàn diện tại Việt Nam do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tô Lâm lãnh đạo nhằm củng cố quyền lực và tăng cường sự kiểm soát chính trị của Đảng” Faulkner cho biết. “Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam chỉ nói suông với các thể chế của LHQ, nhưng rõ ràng, 43 năm sau khi ký kết tham gia ICCPR, họ không có thiện chí chính trị nào để bảo vệ các quyền cơ bản của người dân Việt Nam.”

Bài đăng này cũng được chuyển dịch sang các ngôn ngữ: Tiếng Pháp Tiếng Việt

This post is also available in: English, French.

______________

Nguồn:

https://queme.org/vi/vchr-fidh-len-an-nhung-vi-pham-nghiem-trong-iccpr-tai-viet-nam-truoc-hrc-cua-lhq/?v=5b79c40fa7c2

No comments:

Post a Comment