Tuesday, July 8, 2025

Thảm kịch chết cháy, nhìn từ bi hài kịch ‘Hồn Trương Ba da hàng thịt’
Nguyễn Hoàng Văn
8-7-2025
Tiengdan

‘Hồn Trương Ba, da hàng thịt’ là câu chuyện dân gian đầy tính bi hài; thế nhưng, ngày nay trong đời sống và trong chính sự, quan hệ đã đảo ngược với ‘Hồn hàng thịt, da dẻ Trương Ba’ như một thảm kịch kéo dài, dài đến vô cùng tận nếu không có gì thay đổi.

Đầu tiên là câu chuyện dân gian mà nhân vật chính là Trương Ba, một con người tao nhã và tử tế, cũng là một tay cờ lão luyện, đã nhiều lần so tài với Đế Thích, được ông thần này đem lòng mến mộ. Ngày nọ, do nhầm lẫn của Nam Tào mà chết oan, Trương Ba được Đế Thích giúp cho hồi sinh nhưng vì da thịt đã phân hủy nên chỉ có thể tái sinh trong thân xác của anh hàng xóm hành nghề hàng thịt vừa mới qua đời.

“Hồn” Trương Ba đưa “xác” anh hàng thịt về nhà và sau những sợ hãi lo lắng ban đầu, người vợ nhận ra chồng trong thân thể cục mịch của anh hàng thịt. Thế nhưng vợ anh hàng thịt không chịu và chuyện được đưa đến cửa quan. Nghe hai bên kể lể sự tình, viên quan đành phân giải nước đôi, ban ngày làm anh hàng thịt, tối làm ông Trương Ba.

Từ đây bi hài kịch từ xung đột giữa hồn và xác bắt đầu.

Nhưng câu chuyện sâu sắc hơn và, nhất là, nhuốm nhiều chất bi hơn khi nhà thơ kiêm kịch tác gia Lưu Quang Vũ khai thác.

Trong vở kịch cùng tên, “hồn” Trương Ba đã tỏ ý khinh rẻ phần xác thịt thấp hèn và tin chắc rằng mình vẫn đường hoàng sống một cuộc đời trong sạch và chính trực thì, ngược lại, “da hàng thịt” cho rằng không có phần hồn nào có thể thoát khỏi sự chi phối của mình.

Và chính những thân nhân của Trương Ba đã khiến cái “hồn” này thay đổi. Vợ ông, con dâu ông, rồi cháu nội, từ từng góc độ khác nhau, đã chỉ ra những chuyển biến mà Trương Ba không nhìn nhận được ngay.

Người vợ chỉ ra rằng chồng đã thay đổi, không còn trong sạch và thẳng thắn như trước nữa và, do xấu hổ, chỉ muốn đi biệt tích cho rồi. Cô cháu nội thì cho rằng ông mình đã chết và kẻ xa lạ này chỉ là một người thô lỗ, hậu đậu. Cô con dâu thì thông cảm và thương cha chồng hơn trước nhưng vẫn nói thằng rằng, ông không còn là ông Trương Ba của trước đây nữa.

Dần dà, từ giọng điệu mạnh mẽ khi phủ nhận ảnh hưởng của xác thịt lúc đầu, Trương Ba mềm giọng, ấp a ấp úng rồi, trong tuyệt vọng, đã bịt tai lại, không muốn nghe thêm nữa. Mất tự tin với cuộc sống đang có, Trương Ba than thở với Đế Thích rằng vị thần này đã quá đơn giản khi nghĩ rằng cho mình sống lại là xong mà không hề nghĩ đến việc ông ta sẽ “sống như thế nào”.

Trương Ba tuyên bố: “Không được bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Và Trương Ba nhấn mạnh: “Không thể sống với bất cứ giá nào được. Có những cái giá quá đắt, không thể trả được tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa”.

Hiểu như thế, Trương Ba chấp nhận cái chết, không sống để tự dằn vặt mình và khiến người khác phải dằn vặt về mình.

Nếu đó là chất “bi” thì năm 2006 đạo diễn Nguyễn Quang Dũng – con trai Nguyễn Quang Sáng – đã khai thác câu chuyện này trong điện ảnh nhưng lại biến nó thành một chuyện hài. Tôi chưa xem phim này và, thường không có mấy hứng thú với thể loại này của điện ảnh Việt Nam, phần nhiều khá vô duyên, nhạt nhẽo và, có thể nói, rẻ tiền.

Nếu câu chuyện trên được người đời sau khai thác về mặt nghệ thuật với sự phân hóa ở hai hướng bi – hài thì, trong đời sống và chính sự, lại đảo chiều với màu sắc thảm kịch.

Như có thể thấy từ thảm kịch mang tên Covid-19. Vốn đã thảm rồi, đại dịch còn thảm hơn với những mệnh lệnh hành chánh từ cấp cao nhất với chủ trương cưỡng bức xét nghiệm, mở đường cho việc tiêu thụ hàng loạt bộ xét nghiệm mang tên Việt Á.

Tên đầy đủ là Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, công ty có chủ nhân bề nổi là Phan Quốc Việt nhưng chủ nhân thật sự lại thấp thoáng bóng hình vợ của Nguyễn Xuân Phúc. Sản phẩm trên nhập từ Trung Quốc với giá 0.955 Mỹ kim, lúc đó tương đương 21.560 đồng Việt Nam; nếu tính hết chi phí rồi cộng thêm 5% lợi nhuận thì chỉ 143.000 đồng.

Nhưng “Hồn hàng thịt, da dẻ Trương Ba”, công ty lại quảng bá rằng đây là sản phẩm mình tự nghiên cứu, phát triển và “sạch sành vét cho đầy túi tham” với với giá 470.000 đồng. Lời này là của Nguyễn Du, trong Truyện Kiều, viết để diễn tả sự tham tàn của lũ sai nha, hành động như giặc cướp, tịch thu hết của cải nhà Vương ngoại, không chừa thứ gì. Nhưng ở đây chính là “giặc Việt”, với thế lực chính quyền trong việc quảng bá và cưỡng ép tiêu thụ, đã “sạch sành sanh vét” chính đồng bào máu mủ đang khốn khổ cùng cực vì đại dịch.

Bây giờ thì, mới nhất là thảm kịch chết cháy tại Chung cư Độc Lập ở Tân Phú (Sài Gòn) với tám nạn nhân, lớn tuổi nhất là một bà cụ 73 và nhỏ nhất là một cháu bé 11. Thông tin kèm những hình ảnh ban đầu cho thấy, thảm nạn xuất phát từ chiếc xe điện VF3, có thể phát cháy giữa lúc đang xạc điện.

Thảm kịch đã đặt ra câu hỏi về độ an toàn của bình điện VF3. Đây là bộ phận nhạy cảm nhất vì nguy cơ cháy nổ khi xạc điện và từ lâu, bình điện Trung Quốc – từ cục pin trên điện thoại di động, đến mô tô điện hay xe hơi điện – đã khét tiếng về điều này.

Nhưng VF3 là sản của VinFast, thuộc quyền sở hữu của Phạm Nhật Vượng, tài phiệt số một Việt Nam, kẻ có thói quen sai phái công an bịt miệng những người dám chê bai sản phẩm của mình, kể cả sản phẩm giáo dục. Vượng quảng cáo rằng, VF3 được sản xuất tại nhà máy ở Hải Phòng, đã tự chủ nhiều bộ phận quan trọng, trong đó có bình điện.

Có nhiều nghi vấn cho thấy, cái bình điện đó cũng chỉ là một sản phẩm “Hồn hàng thịt, da dẻ Trương Ba” như bộ xét nghiệm của Việt Á. Mà trên thực tế, tất cả những gì chính quyền đang tiến hành, là “hư vô hóa” sự hiện diện của chiếc VF3 trong thảm nạn, chỉ lu loa về những vi phạm trong “quy định phòng cháy chữa cháy” của chung cư.

Nhưng xét ra thì những bi kịch “Hồn hàng thịt, da dẻ Trương Ba” trong những vấn đề kỹ thuật mang tính vi mô này chỉ là sản phẩm ắt có của một đại bi kịch “Hồn hàng thịt, da dẻ Trương Ba” lớn hơn, mang tính vĩ mô.

***

Đất nước đang có một “chính quyền nhân dân” thế nhưng “nhân dân” chỉ là là cái vỏ, cái xác, bởi đó là thứ chính quyền hay tòa án đang bị những tài phiệt, những nhóm lợi ích sai phái xoành xoạch.

Đất nước có một một hệ thống “Tòa án nhân dân” với vô số những nhầm lẫn gây nên án tử hình oan, tương tự nhầm lẫn của Nam Tào đã khiến Trương Ba chết oan. Nếu Đế Thích sai lầm khi cứu sống Trương Ba mà không xem xét thấu đáo việc ông ta sẽ sống như thế nào, thì kể ra vị thần này cũng chấp nhận rằng Nam Tào đã sai, ông ta phải làm cái gì đó để cứu chuộc.

Còn thứ “Tòa án nhân dân” này thì luôn luôn tìm cách ém nhẹm sai sót của Nam Tào, nhân dân sống chết mặc bay, như cái án tử hình oan khuất của Hồ Duy Hải…

__________

Tham khảo: https://baotiengdan.com/2025/07/07/vu-hoa-hoan-tam-sinh-mang-va-mot-buc-anh-ky-la/

No comments:

Post a Comment