Thỏa thuận Donald Trump - Tô Lâm: Có qua có lại hay một chiều?8 tháng 7 2025
BBC

Tổng thống Donald Trump đã tung những 'cú đấm' mạnh mẽ dẫn đến sự thay đổi trong các quy tắc và mối quan hệ thương mại quốc tế. Trong đó, Mỹ ưu tiên lợi ích của mình hơn bao giờ hết và sử dụng thuế quan làm công cụ.
Sau khi công bố mức thuế cụ thể đối với Việt Nam, ông chủ Nhà Trắng lại khiến nhiều quốc gia thấp thỏm không yên khi nói rằng sẽ gửi thư tới một loạt nước để thông báo mức thuế dao động từ "60–70% cho đến 10–20%".
Vào tối 7/7 (tức sáng 8/7 theo giờ Việt Nam), ông Trump đã chia sẻ các lá thư mà ông gửi đến lãnh đạo 14 quốc gia để thông báo về kế hoạch thuế quan mới nhất, với mức áp thuế 25% đối với các đồng minh thân thiết như Hàn Quốc và Nhật Bản, dự kiến được áp dụng từ ngày 1/8. Ông còn nói thêm rằng các mức thuế có thể được điều chỉnh "tăng hoặc giảm tùy theo quan hệ của chúng tôi với đất nước của quý vị".
"Nếu vì bất kỳ lý do gì quý vị quyết định tăng thuế quan, thì bất kể mức tăng đó là bao nhiêu, chúng tôi sẽ cộng thêm mức đó vào 25% thuế mà chúng tôi đang áp dụng," Trump viết trong các bức thư gửi Nhật Bản và Hàn Quốc, được công bố trên nền tảng Truth Social của ông.
Tiến sĩ Giang Phùng, nhà nghiên cứu và giảng viên tại Trường Kinh doanh ISC Paris (Pháp), nhận định với BBC News Tiếng Việt ngày 7/7 rằng việc công bố một thỏa thuận thuế quan rõ ràng, với những con số cụ thể, giúp Tổng thống Trump thể hiện sự "quyết đoán" và khả năng "đạt được thỏa thuận" của mình.
Đọc nhiều nhất




"Điều này đặc biệt quan trọng để củng cố hình ảnh của ông trước cử tri, chứng minh rằng ông đang thực hiện các lời hứa về thương mại và bảo vệ lợi ích của người Mỹ. Việc nhấn mạnh các con số thuế cao (40%) và việc mở cửa thị trường (0%) là những thông điệp mạnh mẽ."
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương nói với BBC rằng việc công bố rõ ràng mức thuế với Việt Nam có giá trị chính trị rất lớn đối với ông Trump vì ông được khoe với người dân Mỹ là ông mới gây áp lực thì Việt Nam đã nhanh chóng chấp thuận, giảm thuế nhập khẩu hàng Mỹ vào Việt Nam tới mức 0% và Việt Nam vẫn phải "trả cho" Mỹ 20% để nhập hàng vào Mỹ.
"Trong bối cảnh Mỹ gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại và tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu, việc Việt Nam sớm đạt được một thỏa thuận cân bằng với Washington thể hiện sự linh hoạt và chủ động về chính sách.
"Điều này không chỉ duy trì được khả năng tiếp cận thị trường Mỹ, Việt Nam còn nâng cao đáng kể tính cạnh tranh so với nhiều nền kinh tế khác đang tìm cách giữ chỗ đứng trong mắt giới làm chính sách Mỹ. Đây là một bước đi chiến lược giúp Việt Nam khẳng định vai trò đối tác tin cậy trong trật tự thương mại mới đang hình thành," ông Chương chia sẻ thêm với BBC News Tiếng Việt vào sáng 8/7.
Theo báo Politico, thỏa thuận với Việt Nam là thỏa thuận đầu tiên mà chính quyền Trump đạt được để đình chỉ mức thuế "ăn miếng trả miếng" từ 20 đến 50% mà ông đe dọa áp dụng.
Việc Tổng thống Trump chọn "chốt" thỏa thuận thương mại với Việt Nam và công bố tin tức này rầm rộ được đánh giá là một động thái chiến lược nhằm giải quyết thâm hụt thương mại, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu và củng cố vị thế địa chính trị của Mỹ trước Trung Quốc.
Vì sao lại là Việt Nam?

Đòn thuế đối ứng của ông Trump có thể được xem là một điểm nhấn trong nhiệm kỳ thứ hai của vị tổng thống. Ông Trump đã công bố đạt được thỏa thuận với Việt Nam - rằng Việt Nam "sẽ trả cho Hoa Kỳ mức thuế 20%" đối với tất cả hàng hóa được đưa vào Mỹ và 40% đối với mọi hàng hóa trung chuyển.
Đổi lại, Việt Nam đồng ý mở toang thị trường cho Mỹ, theo ông Trump.
Tiến sĩ Giang Phùng phân tích rằng ông Trump thường có xu hướng công bố những con số thuế quan rất cao nhằm tạo cảm giác về một chính sách mạnh mẽ, cứng rắn để bảo vệ lợi ích kinh tế trong nước, mục tiêu chính là để thu hút sự ủng hộ của cử tri, đặc biệt là những người làm việc trong các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh quốc tế.
Sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, các tuyên bố về thuế quan và thương mại gần đây của ông Trump tạo ấn tượng về việc "chia lại bàn cờ thương mại" toàn cầu do Mỹ dẫn dắt, trong đó nổi bật là loại bỏ Trung Quốc khỏi cuộc chơi.
"Việc bắt đầu với Việt Nam, một quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu mạnh mẽ và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cho phép ông Trump tạo ra một tiền lệ hoặc mô hình cho các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo với các quốc gia khác. Nó thể hiện cam kết của ông trong việc tái cấu trúc các mối quan hệ thương mại," Tiến sĩ Giang nhận định.
Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng, đặc biệt sau cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump. Việt Nam cũng hưởng lợi từ chiến lược "Trung Quốc + 1" khi nhiều doanh nghiệp nội địa và quốc tế hoạt động tại Trung Quốc dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam.
Đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tăng cường cạnh tranh về quyền lực trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam trở thành một trong các quốc gia đặc biệt quan trọng khi Mỹ muốn kìm hãm sức ảnh hưởng của Trung Quốc.
"Việc đạt được một thỏa thuận thương mại với Việt Nam, đặc biệt là thỏa thuận có yếu tố 'kêu gọi' Việt Nam tách khỏi Trung Quốc, là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Bắc Kinh và các nước trong khu vực. Điều này phù hợp với chiến lược địa chính trị rộng lớn hơn của Mỹ," Tiến sĩ Giang nhận định.
Việc hạ thuế với hàng Việt Nam vào Mỹ từ 46% xuống còn 20% nhưng vẫn giữ mức thuế 40% đối với hàng hóa trung chuyển được đánh giá là nhằm vào Trung Quốc.
Ngày 3/7, tờ The New York Times đã viết bài về thỏa thuận thuế của Mỹ với Việt Nam với nhan đề Trump muốn cả thế giới loại bỏ Trung Quốc. Ông bắt đầu từ Việt Nam.

Trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nhiều công ty đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế. Tuy nhiên, tình trạng "transshipping" (hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt) đã trở thành mối lo ngại.
Peter Navarro, cố vấn cấp cao của ông Trump về thương mại và sản xuất, từng cáo buộc rằng một phần ba tổng lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ thực chất là các sản phẩm của Trung Quốc được vận chuyển qua Việt Nam.
Tiến sĩ Giang Phùng phân tích rằng bằng cách chốt thỏa thuận với Việt Nam, ông Trump vừa có thể kiểm soát vấn đề "transshipping" (thuế 40%), vừa khuyến khích việc sản xuất thực sự tại Việt Nam (thuế 20% được xem là thấp hơn mức tổng thể 46% mà ông từng đề cập trước đó), từ đó giảm sự phụ thuộc tổng thể vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, so với các đối thủ lớn, Việt Nam được xem là đối tác dễ thương lượng hơn, bởi Hà Nội đặc biệt sốt sắng trong việc đàm phán thuế với Washington khi xuất khẩu sang Mỹ hiện chiếm tới 30% GDP.
Cụ thể, ngày 2/4, ông Trump tuyên bố mức thuế 46% thì chỉ hai ngày sau đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với ông Trump, nói rằng Việt Nam sẵn sàng thảo luận để giảm thuế hàng Mỹ về 0% và "đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam".
Sau đó, đặc phái viên của ông Tô Lâm - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc - đã lên đường đến Mỹ trong đêm 5/4 để đàm phán về thuế quan. Việt Nam là phái đoàn thứ hai, chỉ sau Nhật Bản, đến Washington sau khi Tổng thống Trump công bố các mức thuế đối ứng mà ông gọi là "Ngày Giải phóng".
"So với các đối thủ thương mại lớn và phức tạp như Liên minh châu Âu (EU) hay các nền kinh tế phát triển khác, Việt Nam có thể được coi là một đối tác 'dễ đàm phán' hơn để đạt được một thỏa thuận nhanh chóng. Điều này cho phép chính quyền Trump đạt được một thắng lợi thương mại sớm, tạo đà cho các cuộc đàm phán khó khăn hơn.
"Bên cạnh đó, mức thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Việt Nam mang lại cho Mỹ một đòn bẩy đàm phán mạnh mẽ. Việt Nam rất phụ thuộc vào thị trường Mỹ cho xuất khẩu của mình," Tiến sĩ Giang Phùng đánh giá.
Không phải tất cả các mặt hàng đều chịu thuế 20%?

Theo đánh giá của Tiến sĩ Giang Phùng, các tiền lệ trong chính sách thương mại của ông Trump cho thấy rằng cần phải phân tích kỹ lưỡng các tuyên bố của ông thay vì chấp nhận các con số bề ngoài.
Cách truyền thông của Tổng thống Trump có xu hướng sử dụng những con số lớn, những từ ngữ "đao to búa lớn" và đôi khi gây tranh cãi để thông điệp của ông trở nên nổi bật và dễ được lan truyền, tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ về sự thay đổi và hành động quyết đoán.
Do đó, khi ông Trump công bố một mức thuế chung nào đó trên mạng xã hội Truth Social, ví dụ như mức 20% đối với tất cả hàng hóa Việt Nam vào Mỹ, theo bà Giang Phùng, thực tế không phải tất cả các mặt hàng hoặc ngành hàng đều chịu mức thuế 20% đó.
"Luôn có những trường hợp ngoại lệ hoặc các ngành cụ thể được hưởng mức thuế thấp hơn do các yếu tố như: (i) Một số ngành hàng có thể là đối tượng của các cuộc đàm phán riêng lẻ, dẫn đến mức thuế ưu đãi hơn, (ii) Những mặt hàng thiết yếu hoặc không sản xuất đủ ở Mỹ có thể được hưởng mức thuế thấp hơn để đảm bảo nguồn cung."
Tiến sĩ Giang lưu ý một điểm quan trọng là đôi khi ông Trump có thể công bố mức thuế N% đối với một mặt hàng nào đó, tạo cảm giác như đó là mức thuế mới được áp dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, mức thuế N% đó đã tồn tại từ trước theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc các luật thương mại hiện hành của Mỹ.
Trong trường hợp này, ý nghĩa của tuyên bố chỉ là việc nhắc lại một mức thuế đã có sẵn mà không có thêm thuế nào cả, nhưng ngôn ngữ gây ấn tượng là nhằm thể hiện sự "quyết đoán" của bản thân ông.

Do đó, giảng viên tại Trường Kinh doanh ISC Paris cho rằng thay vì chỉ trích dẫn con số tuyệt đối mà Tổng thống Trump đưa ra (46% hay 20%), cần phải xác định mức thuế bổ sung (nếu có) so với mức thuế hiện hành.
Ví dụ: nếu một mặt hàng đang chịu thuế 10% và ông Trump công bố mức thuế 20%, thì mức thuế "mới cộng thêm" chỉ là 10% chứ không phải toàn bộ 20%.
"Các phân tích cũng cần đi sâu vào từng ngành, từng mặt hàng cụ thể để xác định mức thuế áp dụng thực tế. Mức thuế 'bao trùm' có thể gây hiểu lầm nếu không đi kèm với phân tích chi tiết các ngoại lệ và mức thuế đặc thù cho từng nhóm sản phẩm.
"Cuối cùng, để đánh giá mức độ cao hay thấp của thuế quan áp dụng cho Việt Nam, cần so sánh mức thuế này với mức thuế mà Mỹ đang áp dụng cho các đối tác thương mại khác (như Trung Quốc, Mexico, Canada, EU...). Điều này sẽ cung cấp một bức tranh toàn diện hơn về vị thế cạnh tranh của Việt Nam," Tiến sĩ Giang nói.
Ông Lê Song Hào, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty SHDC Electronics, nói với BBC News Tiếng Việt ngày 4/7 rằng thuế đối ứng là vấn đề sống còn của công ty.
Công ty ông Hào chuyên xuất khẩu các sản phẩm điện tử tiêu dùng, bao gồm sạc điện thoại, phụ kiện di động và chuột máy tính. Toàn bộ hàng hóa đều xuất khẩu đến thị trường Mỹ.
"Hiện tại, chúng tôi đang chờ con số chính xác áp cho mặt hàng điện tử. Tôi nghe nói có thể sẽ dao động trong khoảng 10% đến 15%, điều đó sẽ giúp chúng tôi giữ được khoảng cách an toàn có thể cạnh tranh so với Trung Quốc," ông Hào nói.
Mức thuế 0%: không tiền khoáng hậu?

Thông báo trên mạng xã hội của Tổng thống Trump vào tối muộn ngày 2/7 còn nhắc đến việc Việt Nam "thực hiện một điều mà họ chưa từng làm trước đây: trao cho Hoa Kỳ TOÀN QUYỀN TIẾP CẬN đối với thị trường thương mại".
Không chỉ nói Việt Nam tạo cho Mỹ một tiền lệ chưa từng có, ông Trump còn gọi ông Tô Lâm là "tổng bí thư khả kính" và bày tỏ rằng làm việc với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam "là một niềm vui tuyệt đối".
Trái lại với những tuyên bố của ông Trump trên mạng xã hội, đến nay Việt Nam vẫn chưa lên tiếng về việc giảm thuế về 0% cho hàng Mỹ.
Về phía chính quyền Mỹ, thỏa thuận với Việt Nam được coi là thỏa thuận một chiều, rất có lợi cho phía Mỹ: Mỹ tiếp tục đánh thuế hàng hóa của Việt Nam, trong khi Việt Nam áp dụng mức 0% đối với hàng hóa Mỹ.
Hôm 6/7, Stephen Miran, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, nêu rõ: "Thỏa thuận với Việt Nam thật tuyệt vời. Nó cực kỳ một chiều. Chúng ta được áp mức thuế đáng kể lên hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, họ mở cửa thị trường cho chúng ta, áp thuế suất bằng 0 đối với hàng hóa của chúng ta. Đây là một thỏa thuận tuyệt vời cho người Mỹ."
Tiến sĩ Giang Phùng đánh giá rằng việc một quốc gia lớn và có nền kinh tế phát triển như Mỹ nhận được ưu đãi thuế quan 0% đơn phương từ một quốc gia khác mà không có sự đối ứng thông qua một hiệp định thương mại tự do (FTA) là rất hiếm và gần như không xảy ra trong các quan hệ thương mại quốc tế hiện đại, đặc biệt với các đối tác thương mại lớn.
Lý do là chính sách thương mại thường dựa trên nguyên tắc có qua có lại để đảm bảo lợi ích cân bằng cho cả hai bên. Tuy nhiên, Tiến sĩ Giang cũng nêu một số trường hợp ngoại lệ hoặc đặc thù mà các quốc gia áp dụng chính sách thuế quan thấp hoặc 0% đơn phương:
Đầu tiên phải kể đến Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (Generalized System of Preferences – GSP, đã hết hiệu lực ngày 31/12/2020): Nhiều nền kinh tế phát triển (như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada) áp dụng GSP để cấp ưu đãi thuế quan (thường là miễn thuế hoặc giảm thuế đáng kể) cho một số sản phẩm nhất định từ các nước đang phát triển hoặc kém phát triển.
"Mục đích là để hỗ trợ kinh tế cho các nước này. Đây là chính sách đơn phương từ các nước phát triển, không yêu cầu đối ứng từ các nước thụ hưởng GSP. Việt Nam đã từng là một trong những quốc gia được hưởng GSP từ Mỹ. Tiếp theo, các nền kinh tế tự do thương mại đặc biệt (Free Port) tại các khu vực hoặc quốc gia như Hong Kong và Singapore có chính sách áp dụng mức thuế nhập khẩu rất thấp hoặc gần như 0% cho hầu hết các mặt hàng," Tiến sĩ Giang giải thích.
Bà nói thêm rằng đây là một phần trong chiến lược phát triển thành trung tâm thương mại và tài chính quốc tế, thu hút đầu tư và hoạt động logistic. Họ tự nguyện mở cửa thị trường để tối đa hóa dòng chảy thương mại và đầu tư và không nhất thiết yêu cầu các đối tác phải đối ứng.
Đối chiếu lại với tương quan Việt-Mỹ, bà Giang cho rằng trường hợp "Việt Nam hạ mức thuế 0% với hàng Mỹ" - nếu không có bất kỳ thỏa thuận đối ứng nào từ phía Mỹ - sẽ là một động thái chưa từng có tiền lệ trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế có quy mô và sức mua chênh lệch lớn như Việt Nam và Mỹ. Điều này sẽ gây ra nhiều tranh cãi về lợi ích quốc gia.

Hồi tháng 4, hai ngày sau khi ông Trump công bố mức thuế 46%, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với ông chủ Nhà Trắng và khẳng định "Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam".
Như vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm có nhắc đến việc hạ thuế về 0% đối với hàng Mỹ, ông cũng đi kèm điều kiện rằng Mỹ áp dụng mức thuế 0% đối với hàng Việt Nam. Theo thông báo của ông Trump thì có vẻ điều kiện có qua có lại của Việt Nam đã không được Mỹ đáp ứng: Mỹ vẫn đánh thuế 20% đối với hàng Việt Nam, còn Việt Nam thì giảm về mức 0% đối với hàng hóa Mỹ.
Trong thương mại quốc tế, "có qua có lại" là một nguyên tắc được áp dụng phổ biến. Việt Nam hiện đang áp dụng thuế quan 0% cho rất nhiều mặt hàng từ các nước ASEAN, được thực hiện trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA).
ATIGA là một thỏa thuận toàn diện nhằm thiết lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), với mục tiêu giảm và loại bỏ thuế quan giữa các quốc gia thành viên. Theo đó, các nước ASEAN, bao gồm Việt Nam, đã cam kết giảm thuế nhập khẩu đối với hầu hết các mặt hàng xuống mức 0%.
Các nước thành viên ban đầu (ASEAN-6: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) đã hoàn thành việc này sớm hơn. Các nước gia nhập sau (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) có lộ trình dài hơn, nhưng đến nay, một tỷ lệ rất lớn các dòng thuế đã về 0%. Ví dụ, Việt Nam đã xóa bỏ thuế quan đối với khoảng 98% dòng thuế theo cam kết ATIGA.
"Tính có qua có lại là một đặc điểm cốt lõi của các hiệp định thương mại tự do. Việt Nam giảm thuế cho hàng hóa từ các nước ASEAN, đổi lại, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước ASEAN khác cũng được hưởng mức thuế ưu đãi tương tự (thường là 0%).
"Điều này giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại, đầu tư nội khối ASEAN và giúp các doanh nghiệp trong khu vực tăng cường chuỗi cung ứng và cạnh tranh. ATIGA là một trong những trụ cột quan trọng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), hướng tới một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, giúp tăng cường liên kết kinh tế khu vực," Tiến sĩ Giang lý giải.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, Tiến sĩ Giang cũng lưu ý rằng, việc giảm thuế về 0% cũng tạo ra áp lực cạnh tranh cho các ngành sản xuất trong nước nếu họ chưa đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ các nước láng giềng.
Ví dụ, ngành ô tô Việt Nam đã và đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan và Indonesia do mức thuế 0% theo ATIGA.
Tin liên quan

Phía Mỹ rầm rộ công bố thuế mới, Việt Nam im lặng, vì sao?4 tháng 7 năm 2025

Vì sao Việt Nam chưa vội mừng sau quyết định giảm thuế của ông Trump?6 tháng 7 năm 2025

Vai trò của ông Tô Lâm như thế nào trong thỏa thuận thuế của ông Trump?4 tháng 7 năm 2025

Ông Trump tuyên bố thuế mới với Việt Nam, doanh nghiệp người mừng, kẻ lo3 tháng 7 năm 2025

Ông Trump công bố thuế 'mới' cho Việt Nam: 20% là cao hay thấp?3 tháng 7 năm 2025

No comments:
Post a Comment