Sunday, May 26, 2024

Phúc Lai - Viết dài trung bình về cuộc chiến tranh ở Ukraine ngày 26/05/2024
dimanche 26 mai 2024
Thuymy


Ngày hôm qua, số lượng “kiện hàng 200” của Nga đã cán mốc 500.000.

Vậy là tôi đã sai khi viết cái câu: Từ bây giờ (hồi đó khoảng 350.000) cho đến khoảng 500.000, lúc nào cái ngai vàng Putox cũng có thể sụp đổ được. Thế mà bây giờ hắn vẫn ngồi trên đó, nhưng các điều kiện để cho sự đoán mò này cũng đang tụ tập ngày một nhiều.

1. ISW vừa có bài giải thích vì sao Nga thất bại trong cuộc tấn công vào khu vực Kharkiv (ngày 25 tháng 5 năm 2024), tôi xin tóm lược về đây như thế này.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), “thành công của quân đội Nga ở phía bắc khu vực Kharkiv đã bị cản trở do việc triển khai sớm các hoạt động tấn công và quyết định của Bộ chỉ huy Nga không triển khai lực lượng dự bị tối đa.”

“Vào ngày 10 tháng 5, các lực lượng Nga đã khiến Lực lượng Phòng vệ Ukraine mất cảnh giác, đạt được những thành công đáng kể về mặt chiến thuật tại các khu vực phòng thủ mỏng và yếu hơn ở khu vực Kharkiv. Tuy nhiên, ngày 25/05, Cục Điều tra Nhà nước (DBR) Ukraine đã công bố mở cuộc điều tra về sự chuẩn bị chưa đầy đủ của lực lượng phòng vệ Ukraine tại khu vực này. Họ lưu ý rằng việc từ bỏ một số vị trí gần các làng Lyptsi và thành phố Vovchansk đã cho phép lực lượng địch tiến tới tuyến phòng thủ thứ hai của Ukraine. Tuy nhiên, nguồn nhân lực hạn chế của lực lượng Nga đã ngăn cản việc xâm nhập sâu hơn vào khu vực.”

Báo cáo của ISW cũng cho rằng bộ chỉ huy quân sự Nga có thể đã tin rằng việc tập hợp một lực lượng lớn hơn sẽ cảnh báo cho lực lượng Ukraine và ngăn chặn một hoạt động bất ngờ. Tuy nhiên, quyết định không triển khai lực lượng dự bị đáng kể có thể đã cản trở lực lượng Nga đạt được những lợi ích nhanh chóng và khả năng thâm nhập sâu hơn. Nhóm think-tank cũng nhấn mạnh rằng Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã cố thủ ở các vị trí phòng thủ trong khu vực này. Ngược lại, quân đội Nga đã sử dụng khả năng chiến thuật của mình để đạt được thành công tương đối nhanh chóng trước các vị trí kiên cố này.

Đêm 10/05, hàng chục nghìn quân Nga đã vượt qua biên giới Nga – Ukraine và bắt đầu cuộc tấn công tích cực ở khu vực Kharkiv. Trong vòng hai ngày, quân đội Nga đã chiếm được một số ngôi làng và tiến vào thành phố Vovchansk. Tuy nhiên, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã ngăn chặn bước tiến của Nga, dẫn đến các trận chiến trên đường phố ở Vovchansk, nơi (chúng) liên tục bị pháo và bom dẫn đường chính xác tấn công.

Ngày 24/05, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine thông báo đã chặn đứng lực lượng địch ở khu vực Kharkiv. Tổng thống Volodymyr Zelenskyy tuyên bố rằng tỉ lệ tổn thất ở mặt trận Kharkiv là 8 người Nga trên mỗi người Ukraine.

Bình loạn : Tôi thiết tha mong được nhắc lại báo cáo của tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine từ bài hôm trước. Theo báo cáo này, ông thay mặt quân đội Ukraine tuyên bố rằng Lực lượng vũ trang Ukraine đã chặn đứng quân Nga ở khu vực Kharkiv và hiện đang tiến hành một cuộc phản công. Ông lưu ý tình hình vẫn khó khăn nhưng ổn định và trong tầm kiểm soát.

Theo ông Oleksandr Syrskyi, trong các trận chiến ở khu vực thị trấn Vovchansk, quân đội Nga “đã chịu tổn thất rất nặng nề trong số các đơn vị tấn công”. Syrskyi còn cho biết thêm rằng Lực lượng vũ trang Nga hiện đang đưa thêm lực lượng dự bị tới đây để mong chiếm được thị trấn này nhưng không thành công.

Từ hai đoạn trên đây, chúng ta thấy có giống, và có khác. Giống ở chỗ Nga đã không thành công trong cái gọi là “Chiến dịch Kharkiv.” Còn khác, báo cáo của ISW cho rằng Bộ chỉ huy Nga tính toán thế nào đó để không dồn thêm quân đến. Còn ông Oleksandr Syrskyi thì nói rằng chúng cố chiếm Vovchansk và đã đưa thêm quân dự bị tới, nhưng không giải quyết được vấn đề.

Tôi tin ông ấy hơn. Ngược lại, ISW mô tả khá chính xác tình hình: Khu vực biên giới được bảo vệ bởi bộ đội biên phòng (vốn quân số nhỏ) và lực lượng Phòng vệ lãnh thổ Ukraine, không phải quân đội chính quy. Chính vì vậy mà ngay trong những ngày đầu tiên bọn Nga đã thu được những kết quả đáng kể. Ngoài ra cách thức bố trí hệ thống phòng thủ cũng đóng góp một phần trong thành công đó.

Tất nhiên, cái gọi là “thành công” này chỉ là định lượng. Ngay khi bắt đầu cái gọi là chiến dịch đó, tôi đã chú ý quan sát thông qua các video được đưa lên mạng những yếu tố như số lượng xe tăng Nga sử dụng, quân số trong các đội hình tấn công… cũng như số lượng pháo binh bị diệt… và cho rằng, về CHẤT, cuộc tấn công này là tương đối yếu, vì vậy nó cũng sẽ dựa trên sức người, tức dựa trên quân số là chính. Sau đó thì bắt đầu có những tin tức về chất lượng của chính cái yếu tố “quân số” này – đó là những nhóm lính ít kinh nghiệm và nhiều người có tuổi, không sung sức.

Tuy nhiên, tôi còn nghĩ, ISW cũng có lý của họ khi cho rằng “Nga không thành công vì không triển khai lực lượng tối đa” – điều này phù hợp với cả hai khía cạnh của vấn đề. Thứ nhất, nếu có cố hơn nữa, thì với lực lượng như vậy chắc chắn cũng không đạt mục đích. (và) Thứ hai, với Nga chiến dịch này đúng kiểu “chiếm được thì tốt” nhưng nếu không chiếm được thì cũng không sao. Vì nếu có chiếm được, thì việc giữ được khoảng trống vùng xám đó cũng không hề đơn giản, và chắc chắn là sẽ bị tổn thất rất nhiều.

Các nguồn bình luận quân sự thế giới còn cho rằng, việc đẩy giới tuyến ra xa thành phố Belgorod vốn chỉ cách biên giới quốc gia hai nước 40 ki-lô-mét là một trong những yêu cầu của chiến dịch, hiện nay theo đánh giá bi quan nhất cho phía Ukraine, là khoảng cách này đã dịch chuyển thêm 10 ki-lô-mét nữa về phía họ.

Theo đánh giá của tôi, chiến dịch này xét từ cả hai bên, đều có những điều hoàn thành mục tiêu. Nga với lực lượng tối thiểu gây khó dễ được cho Ukraine. Ngược lại phía Ukraine cũng vậy, sử dụng lực lượng tối thiểu không có quân chính quy nhiều (không có căn cứ xác định được là bao nhiêu, nhưng số lượng các tin tức đến với chúng ta chủ yếu là về Lực lượng phòng vệ lãnh thổ) nhưng đã ngăn chặn được quân Nga tiến quá sâu vào nội địa sau những khó khăn ban đầu.

Tỉ lệ tổn thất nhân mạng hai bên có thể phản ánh tỉ lệ quân số hai bên sử dụng vào chiến dịch. Ví dụ nếu chúng ta ước tính Nga mất khoảng 1/3 quân số đưa vào phục vụ cho nó (chiến dịch) thì họ tổn thất khoảng 12.000 – đúng như con số tôi ước đoán vào giai đoạn đầu tiên là khi tổn thất cỡ đó, chúng sẽ dừng lại. Đáng tiếc là con số 100 người lính Ukraine thiệt mạng mỗi ngày trong chiến đấu chống lại chiến dịch này của Nga, cũng là con số đáng kể.

Bây giờ thì là câu hỏi: Liệu Ukraine có định chiếm lại không – như tôi đã viết hồi đó, còn tùy thuộc vào kế hoạch lớn của họ, chứ không phải sa đà vào cái chuyện cục bộ này. Kể cả là Nga có chiếm được và sau đó, xây dựng hệ thống công sự phòng ngự, cũng không có nghĩa là ở đó được mãi, vì tất cả sẽ phụ thuộc vào cuộc đàm phán lập lại hòa bình. Khi đó có muốn ở lại cũng không được mà phải rút.

2. Tiếp tục về tương quan đạn pháo hay nói rộng hơn, đạn dược nói chung.

Tôi vừa dịch một bài về khả năng sản xuất đạn pháo “nhanh nhiều tốt rẻ” (của cải tuôn ra tràn đầy! – he he) của Nga tại đây. Bài báo của Sky News cho thấy hiện nay khả năng đó của Nga vẫn đem lại tương quan chênh lệch là cứ 5 quả đạn pháo chúng bắn sang, người Ukraine chỉ bắn trả được 1 quả. Nghĩa là hiện nay Ukraine tiêu tốn 4.000 đô-la Mỹ thì Nga tốn 5.000 đô-la Mỹ. Đó là một so sánh thô thiển.

Thực tế chiến tranh đã cho thấy, để tiêu diệt được một mục tiêu Ukraine (có nguồn viết tiêu diệt 1 người lính Ukraine), Nga phải dùng 200 quả đạn pháo. Hồi đó người ta cũng nói, và tôi cũng sử dụng thông tin đó, nhưng điều đó là không chắc chắn: Một quả đạn pháo của Ukraine có thể tiêu diệt 200 lính Nga. Điều này chỉ đúng với đạn chùm và khi quân Nga tràn lên với số lượng đông. Thực tiễn trận đánh như Bakhmut, Nga tràn lên với những làn sóng khoảng 1 trung đội (40 người trở lại) thì sẽ không thể bị thương vong nhiều đến thế.

Trong bài báo này, chỉ huy Ukraine nói để tiêu diệt một mục tiêu Nga, lính pháo Ukraine phải dùng 1 quả đạn, nhiều hơn là 2 quả và nhiều nhất là 3 quả. Nếu lấy trung bình thì mức độ tiêu tốn của Nga riêng về đạn pháo, gấp Ukraine 100 lần. Vậy phép so sánh sẽ phải như thế này: Nếu Ukraine tốn 8.000 đô-la Mỹ cho 1 mục tiêu Nga, thì Nga phải tốn 800.000 đô-la.

Vì vậy nếu năm nay Nga cả phục hồi cả sản xuất mới được 4 triệu rưỡi quả đạn pháo, tức là để đạt được tương quan cân bằng, các nước phải sản xuất để cung cấp cho Ukraine được tối thiểu 45.000 quả đạn pháo. Trong khi đó chính bài báo này viết năng lực sản xuất hiện tại của Mỹ và châu Âu để cung cấp cho Ukraine là 1,3 triệu quả đạn pháo.

Cái thú vị ẩn giấu đằng sau bài báo này là như vậy. Đến đây, thiển nghĩ tôi sẽ không cần phải viết bình loạn nữa, quý vị cũng tìm ra câu trả lời của câu chuyện. Nhưng để chắc chắn, tôi sẽ đưa ra một phép tính khác. Ví dụ, nếu phía Ukraine có được 1 triệu quả đạn pháo, thì Nga phải có 100 triệu quả. Ta điều chỉnh con số này xuống, vì Ukraine cũng có sử dụng đạn “ngu” hay “không thông minh”, chỉ cần yêu cầu Nga có 1/5 con số đó – 20 triệu quả cũng là điều không tưởng. Thậm chí bây giờ họ tăng năng suất gấp đôi thành công (đạt 10 triệu quả 1 năm) thì chắc chắn cũng sẽ ra một tỉ lệ lớn trong đó là phế phẩm.

Nói chung với tốc độ sản xuất hai bên như thế này, Nga vẫn thua chắc.

3. Bọn chóp bu Nga đang thực sự thất vọng.

Hôm kia, tất cả các phương tiện truyền thông thế giới đều đăng lại bài báo của Reuters, nói rằng “Putox muốn đóng băng cuộc chiến ở Ukraine” – trích dẫn “4 nguồn tin của Nga” có hiểu biết về những gì đang xảy ra trong giới quyền lực hàng đầu ở Nga.

Nhưng hôm qua, Nga đã không kích thành phố Kharkiv, tấn công một đại siêu thị ở trung tâm thành phố. Vào giữa trưa thứ Bảy, đúng vào nơi người tập trung đông đúc. Hậu quả là 40 người bị thương, 4 người thiệt mạng. Cửa hàng đã bị trúng bom lượn ném từ máy bay Nga, bom được phóng từ trên không phận Nga.

Đó không phải là gì khác, chính là sự trả thù của Putox cho thất bại của “Chiến dịch Kharkiv” của quân đội chúng. Mỗi lần quân của hắn ta thua, hắn ta lại giết dân thường Ukraine. Thế nên câu chuyện “đóng băng” kia chỉ là thứ nhảm nhí – đừng bao giờ tin những câu chuyện của điện Kẩm-linh. Bọn chúng nếu đạt được cái gọi là “đóng băng” này, sẽ tận dụng mọi thời gian có được để phục hồi và quay lại tấn công Ukraine một lần nữa.

Hãy nhìn kỹ “đề nghị hòa bình”, lần này hay bất cứ lần nào, thực ra là một yêu cầu Ukraine phải đầu hàng – không có quân đội riêng, ngoại trừ lực lượng cảnh sát tối thiểu, không có vũ khí hoặc không được có vũ khí sản xuất bởi phương Tây…

Nhưng những người có hiểu biết nhìn nhận câu chuyện của Putox từ một góc độ khác. Hắn đang đang cạn kiệt tiền, nguồn lực và cả ý tưởng tiến hành chiến tranh – không có mục tiêu, không có chiến lược, không có gì cả. Chiến tranh đang gây ra quá nhiều tổn thất và phương Tây đang quay lại cung cấp và tài trợ cho Ukraine.

Cửa nào cho Putox đây?

Chưa hết. Đó mới là khía cạnh đánh nhau trực tiếp trên chiến trường. Cuộc chiến của Putox như tất cả đều nói, trước sau sẽ dẫn đến những vấn đề xã hội. Và đây: “Những cái chết của quân nhân Nga đang trở thành một vấn đề ở quê nhà của họ”.

Bọn quan chức quân sự Nga – lũ “chuột chũi ở hậu phương” đang nói dối gia đình của những quân nhân thiệt mạng, đơn giản là việc tương tự như “dán nhãn” cho trường hợp của những người lính Nga đã chết là đào ngũ/mất tích để tránh phải trả tiền trợ cấp tử tuất. Vừa qua một nhân viên xã hội Ukraine phát hiện ra rằng con trai của một cặp vợ chông tại Nga thực sự đã chết trước đây 3 tháng gần khu vực tỉnh Kharkiv, nhưng lại được thông báo là mất tích. Đây sẽ là vấn đề chưa thể lường trước được cho điện Kẩm-linh, chúng chưa hình dung được sẽ phải đối mặt với chuyện gì khi số lượng binh sĩ Nga thiệt mạng ở Ukraine bị nói dối về số phận của họ ngày càng nhiều với các gia đình?

4. Nhận xét và kết luận

Như vậy có thể khẳng định được rằng, “chiến dịch Kharkiv” của Nga đã thất bại, người Ukraine đã xác định được nhu cầu quân số và nguồn lực để ngăn chặn các kế hoạch tương tự cả hướng này lẫn hướng giả định Sumy. Ngay cả khi Nga đưa thêm quân để tiến sâu thêm, cũng không có khả năng vượt qua được tuyến phòng thủ thứ hai của Ukraine.

Thực chất, nỗ lực của Nga hiện tại vẫn là trên hướng Avdiivka là mạnh nhất. Báo cáo mới đây – 18 giờ chiều 26/05/2024 giờ Hà Nội của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine viết:

- Theo hướng Pokrovsk, cường độ tấn công của địch là cao nhất hiện nay – tổng cộng quân xâm lược Nga đã cố gắng cải thiện thế trận chiến thuật của mình 24 lần. Vào thời điểm này, năm cuộc đụng độ đang diễn ra gần Novooleksandrivka và Yasnobrodivka, và một cuộc đụng độ khác ở các quận Kalinovo, Sokol và Umansky.

- Bốn lần kể từ đầu ngày, quân Nga đã tấn công theo hướng Kurakhiv – ở các quận Krasnohorivka, Georgiivka, Paraskoviivka và Kostiantynivka. Mọi cuộc tấn công đều bị quân ta đẩy lùi.

Theo tôi thì tình thế này sẽ không sớm chấm dứt, mà nó còn phải kéo dài lâu lâu nữa, cho đến khi các quả ATACMS làm cho quân Nga đủ đói đến mức rã họng. Nếu nguồn thông tin cho rằng riêng ở Donbas Nga có 250.000 quân (trên tổng số 500.000 tham gia chiến tranh ở Ukraine) thì “nhiệm vụ bỏ đói” này cũng lâu lâu đấy – nhiều kho nhiều điểm tập kết mà. Nhưng đồng thời cái quân số đông đảo đó cũng đem lại cho chúng ta hy vọng: đông thì phá lâu, nhưng đã vỡ thì vỡ nhanh phải biết.

Hướng Chasiv Yar, sau khi có đến (đâu như) 6 cái Su-25 bị bắn hạ, thì hướng đó tấn công của Nga đã bắt đầu đuối:

- Hai lần quân xâm lược cố gắng tấn công theo hướng Kramatorsk – gần Ivanivske và Andriivka. Kẻ thù tích cực sử dụng không quân theo hướng này: Đã có bốn cuộc không kích vào các khu vực Druzhba, Chasiv Yar và Svernoy.

Xin quý vị chú ý nhé: “Tích cực sử dụng không quân” mà các đợt tấn công ít đi đáng kể như vậy, thì cái “tích cực” đó nó “thiểu năng” lắm nhé!

Còn chiến lược của người Ukraine thì càng ngày càng rõ: Hết hải quân thì đến phòng không và không quân Nga. Nói chính xác là chỉ trong vài tuần qua, tôi chưa đủ thời gian để ngó lại xem nó rộ lên từ lúc nào, Phòng không Nga sụp đổ trước các cuộc tấn công không ngừng của máy bay không người lái Ukraine.

Ngay từ khi bắt đầu chiến tranh, người Ukraine đã nỗ lực hết sức để chống lại lợi thế của Nga. Họ nhắm mục tiêu một cách chiến lược vào các hệ thống quan trọng đặc biệt, phòng không là một ưu tiên lớn. Trong bài hôm trước tôi tạm dẫn thông tin 3 hệ thống S-400, 1 hệ thống S-300 thì sau khi post bài, lại có tin thêm một S-400 nữa. Còn bây giờ đến loại khác.

Trong vòng một tháng, sáu hệ thống phòng không 9K37 Buk-M1 đã phá hủy. Những hệ thống này rất quan trọng cho nhiệm vụ phòng không trong phạm vi bán kính 80 ki-lô-mét. Chúng có khả năng nhắm mục tiêu vào máy bay, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và thậm chí cả tên lửa chống radar HARM. Điều đáng ngạc nhiên là tất cả chúng đều bị hạ gục bởi các phương tiện bay không người lái của Ukraine, một vài hệ thống còn bị phá hủy bởi máy bay không người lái thương mại của Ukraine và thậm chí bị chúng chỉ thị mục tiêu cho pháo binh quy ước tiêu diệt.

Ngộ nghĩnh nhất là bọn Nga này đang than vãn như Trà Hoa Nữ bị cưỡng hiếp: Chúng “cáo buộc Ukraine tấn công thành phần quan trọng trong 'chiếc ô hạt nhân' của Nga” – ha ha, ô hạt nhân kiểu gì mà bị tấn công thế?

Nếu quý vị còn nhớ, tôi đã từng viết: F-16 chỉ xuất trận khi nó được đảm bảo an toàn tối đa. Nó sẽ rất quan trọng cho chiến dịch giải phóng Crimea, vì vậy những ngày qua, tất cả các mục tiêu Nga có chức năng phòng thủ tích cực cho bán đảo, đều được nhắm để “xử lý” một cách có hệ thống, cẩn thận, nghiêm túc, không bỏ sót.

Còn ngộ nghĩnh hơn nữa là chúng tiếp tục chiến thắng bằng mồm, hay “cứ sợ cái gì thì bịa ra chuyện tiêu diệt cái ấy”. Vẫn cái tờ báo này, bất chấp ông tổng biên tập pro-Putox của nó đã nghỉ hưu, giật thêm cái tít: “Nổ lớn tại sân bay Ukraine dự kiến dành cho tiêm kích F-16”. Ơ dự kiến thế đã có F-16 ở đấy chưa? Đào được bao nhiêu cái hố?

Tin này đưa lên để đáp trả cái tin sân bay Belbek rồi Saki ở Crimea bị đánh tơi tả. Sáng sớm nay, sân bay Saki lại bị tập kích, cháy rất to và lâu không rõ thiệt hại như thế nào. Gần 1 tuần nữa là hết tháng Năm, sang tháng Sáu có thể chúng ta sẽ thấy phòng không – không quân Nga ở bán đảo Crimea được “cho về Zero” như thế nào.

PHÚC LAI 26.05.2024

No comments:

Post a Comment