Cù Mai Công - Tan Son Nhat International Terminal: Một cái tên sai cả lý lẫn tình trong mắt thiên hạ
dimanche 26 mai 2024
Thuymy
Tân Sơn Nhứt vốn là tên gọi một làng xưa mấy trăm năm của đất Gia Định. Trong tất cả địa bạ, bản đồ từ thời nhà Nguyễn, thời Pháp, ở miền Nam trước 1975 và cho tới giữa thập niên 1980, tức sau 1975 cả chục năm đều ghi rõ: Tân Sơn Nhứt.
Một phi trường/sân bay được xây dựng hồi thập niên 1920-1930 trên đất thôn/làng Tân Sơn Nhứt nên lấy tên này.
Từ giữa thập niên 1980 cho tới nay, sân bay này đổi tên thành Tân Sơn Nhất.
Tên riêng thì không thể nhân danh chuẩn chính tả để thay đổi.
Cũng như không ai đổi tên huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) thành Nhân Trạch, huyện Bình Chánh (TP.HCM) thành Bình Chính, đường Võ Tánh thành Vũ Tính, đình Tân Kiểng thành Tân Cảnh…
Nên trả lại tên riêng Tân Sơn Nhứt chính xác và quen thuộc này.
Trước 1975, Tân Sơn Nhứt được gọi là phi cảng, dịch sát nghĩa từ airport thông dụng trên toàn thế giới cho tới nay. Phi cảng cũng nằm trong hệ thống hợp lý các cụm từ cảng: phi cảng, hải cảng, giang cảng, xa cảng, tân cảng, quân cảng, thương cảng… và Hương Cảng (Hong Kong). Trong đó, cảng là một khái niệm ban đầu dành cho bến tàu, bến sông…, sau mở rộng ra, hàm nghĩa nơi tập trung các phương tiện tàu bè, xe cộ lẫn máy bay…
Giờ gọi cảng hàng không có khác gì phi cảng, lại dài dòng.
2. Terminal là nhà ga, không phải cảng hàng không
Trước sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay (tôi dùng từ đang xài), ghi bảng tên với hai dòng chữ tiếng Việt và tiếng Anh: Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Tan Son Nhat International Terminal.
Từ này dịch không đúng. Terminal trong tiếng Anh là nhà ga, không phải phi cảng/sân bay (airport). Sân bay các nước đều ghi: International Airport. Trong một airport có thể có nhiều terminal (nhà ga). Ví dụ: Ai cũng biết Singapore có một sân bay quốc tế (International Airport) Changi, trong đó có bốn terminal (nhà ga). Sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài… hiện nay cũng có nhiều nhà ga (terminal).
Rõ ràng đây là một cụm từ, một tên gọi mà sai cả lý lẫn tình trong tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Vậy mà nó cứ sờ sờ trước mắt dân trong nước, dân Sài Gòn lẫn khách quốc tế.
Thích khác người thì OK thôi, rất tốt. Nhưng khác sao cho hợp lý hợp tình, không sai và đừng... vô duyên mới là vấn đề.
CÙ MAI CÔNG 26.05.2024
No comments:
Post a Comment