Mỹ yêu cầu ký quỹ đối với nhôm đùn ép của Việt Nam sau thông báo sơ bộ điều tra chống bán phá giá
2024.05.22
RFA
Nhôm cuộn tại một nhà máy ở Trung Quốc hôm 8/7/2023 (minh họa)
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DO) hôm 7/5 đã công bố kết luận sơ bộ vụ kiện chống bán phá giá đối với nhôm đùn ép từ Việt Nam, yêu cầu áp dụng biện pháp tạm thời là ký quỹ cho mặt hàng này của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, mức thấp nhất là 2,85% và cao nhất là 41,84%. Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) cho biết như vậy theo thông báo của DOC.
DOC khởi xướng vụ điều tra vào ngày 24/10/2023 theo đề nghị của nguyên đơn là Liên minh nhôm, thép, giấy và lâm nghiệp, cao su, công nghiệp, năng lượng, liên đoàn công nghiệp và dịch vụ Hoa Kỳ. Thời kỳ điều tra bán phá giá, từ ngày 1/4 đến 30/9/2023.
Các vụ kiện bán phá giá thường được áp dụng đối với một loại hàng hóa nhập khẩu từ một quốc gia nhất định khi có những nghi ngờ rằng loại hàng hóa đó bị bán phá giá vào nước nhập khẩu gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu. Các vụ kiện bán phá giá thường được đi qua nhiều bước.
Theo thông báo mới của DOC, vụ kiện với nhôm đùn ép của Việt Nam đã qua bốn bước đầu tiên trong tổng số chín bước. Hiện vụ kiện ở bước bốn là có kết luận sơ bộ và áp dụng biện pháp tạm thời bao gồm đặt cọc, ký quỹ… Trong trường hợp nhôm đùn ép của Việt Nam là ký quỹ. Sau bước này, DOC sẽ vẫn tiếp tục việc điều tra về việc bán phá giá và thiệt hại trước khi đưa ra kết luận cuối cùng và áp dụng các biện pháp chống bán phá giá.
Theo thông báo mới của DOC, vào ngày 25/10/2023, DOC đã ban hành bản câu hỏi Lượng và Giá trị (Q&V Questionnaires) cho 13 doanh nghiệp bị nguyên đơn nêu tên mà có địa chỉ đầy đủ nhằm thu thập thông tin để lựa chọn bị đơn bắt buộc. Tuy nhiên, DOC chỉ nhận được phản hồi đúng hạn từ 7/13 doanh nghiệp bị nêu tên và 31 doanh nghiệp không bị nêu tên. Đây là bước hai trong quá trình điều tra chống bán phá giá.
Theo truyền thông Nhà nước, vào ngày 19/4 vừa qua, nguyên đơn từ phía Mỹ đã nộp đơn cáo buộc tình trạng khẩn cấp của vụ việc do lượng xuất khẩu sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam sang Hoa Kỳ giai đoạn tháng 10/2023 đến tháng 2/2023 (sau khi Hoa Kỳ nhận đơn và khởi xướng vụ việc) tăng đột biến 36,07% so với giai đoạn năm tháng trước đó (tháng 5 đến tháng 9/2023). DOC dự kiến ban hành kết luận sơ bộ về khả năng tồn tại tình trạng khẩn cấp trong 30 ngày kể từ ngày cáo buộc (dự kiến ngày 20/5/2024).
Nếu DOC xác định có tình trạng khẩn cấp, DOC có thể áp dụng biện pháp hồi tố đối với các lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam đến 90 ngày trước ngày áp thuế sơ bộ.
Hiện các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước khác đang phải đối mặt với một loạt các vụ kiện phòng vệ thương mại. Báo cáo thường niên Phòng vệ thương mại năm 2023 của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hàng xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ điều tra như vậy tính đến cuối năm 2023 tại các quốc gia Ấn Độ, Mỹ, Australia…
Hoa Kỳ là quốc gia khới xướng nhiều vụ điều tra nhất với hàng hoá của Việt Nam trong năm 2023, theo báo cáo, với bảy vụ việc. Cụ thể, Mỹ điều tra bốn vụ chống bán phá giá (CBPG), một vụ việc điều tra chống trợ cấp (CTC) và hai vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm/chống lẩn tránh thuế PVTM (CLT).
Tin, bài liên quan
TIN VIỆT NAM
No comments:
Post a Comment