Kiev dỡ bỏ tượng đài ba thế kỷ ‘‘quan hệ anh em’’ Nga - UkrainaTrọng Thành
Đăng ngày: 01/05/2024 - 07:32
RFI
Ngày 30/04/2024, tòa thị chính Kiev đã dỡ bỏ khu tượng đài vinh danh Thỏa ước Pereiaslav, ký kết năm 1654 giữa một đại thủ lĩnh Cossack với vua Nga Alexis đệ nhất, vốn được coi là biểu tượng quan trọng bậc nhất của sự gắn bó Ukraina - Nga.
Tháo dỡ tượng đài thời Liên Xô tại Kiev, kỷ niệm Thỏa ước Pereiaslav năm 1645, với việc người Cossack Ukraina cam kết trung thành với Sa hoàng Nga. Việc tháo dỡ diễn ra ngày 30/04/2024. AFP - SERGEI SUPINSKY
Nhà cầm quyền Nga các thời coi Thỏa ước này là một bước ngoặt giúp Ukraina và Nga ‘‘trở lại’’ thành anh em một nhà. Ngược lại, với không ít người chủ trương Ukraina độc lập, Thỏa ước Pereiaslav là quyết định nguy hiểm, biến Ukraina thành chư hầu của Nga. Đại thi hào Ukraina, Taras Chevtchenko, trong bài thơ ''Rozryta mohyla'' (tạm dịch là Nấm mồ bị lật tung), sáng tác năm 1843, đã mượn lời của "Mẹ Ukraina" gọi đại thủ lĩnh Bohdan Khmelnytsky là ‘‘đứa con nhẹ dạ’’ khi chấp nhận thần phục Matxcơva, ký kết Thỏa ước Pereiaslav với Alexis đệ nhất.
Khu tượng đài nói trên nằm trong quần thể tượng đài, mang tên ‘‘Tình hữu nghị giữa hai dân tộc’’ Ukraina và Nga, được dựng lên năm 1982 ở phía nam vùng thủ đô Kiev, bên bờ sông Dniepr. Nhóm tượng đồng hai công nhân Nga và Ukraina đã bị tháo ngay sau khi Nga xâm lược Ukraina, đầu 2022. Thay vào đó là quần thể tượng ‘‘Tự do của Nhân dân Ukraina’’. Khu tượng đài vinh danh Thỏa ước Pereiaslav dường như bình yên vô sự cho đến trước cuộc phá dỡ này. Vậy, vì sao tượng đài lại bị dỡ bỏ ?
Nước Ukraina độc lập dường như không dừng bước trong nỗ lực cắt đứt hẳn những ràng buộc lâu đời, mang tính nước đôi với Nga, mà khu tượng đài vinh danh Thỏa ước Pereiaslav năm 1654 chính là một biểu tượng như vậy. Năm 1954, Liên Xô tổ chức kỷ niệm 300 năm ký kết Thỏa ước liên minh Nga – Ukraina một cách trọng thể nhất, với thông cáo chung của Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Hội Đồng Bộ Trưởng và Đoàn chủ tịch Xô Viết Tối Cao.
‘‘Liên minh ba thế kỷ Nga – Ukraina’’ (1654 - 1954) đã trở thành quan điểm chính thống của giới sử gia Liên Xô. Thông cáo của các cấp lãnh đạo cao nhất Liên Xô thời đó nhấn mạnh đến ‘‘cuộc chiến tranh giải phóng Ukraina khỏi ách thống trị của Ba Lan’’ (1648 – 1654), dưới sự lãnh đạo của nguyên thủ quốc gia và thủ lĩnh quân sự Bohdan Khmelnitski, đã đưa Ukraina bước sang một trang sử mới. Thủ lĩnh Cossack, Bohdan Khmelnitski, được vinh danh như người ‘‘anh hùng vĩ đại nhất’’ trong lịch sử Ukraina.
Tượng đTTượng đài của thủ lĩnh Cossack Bohdan Khmelnytsky tại quảng trường trung tâm Kiev. Ảnh chụp ngày 11/01/2024. AFP - SERGEI SUPINSKY
i của thủChủ trương sùng bái thủ lĩnh Cossack này đã bắt đầu từ trước Thế chiến Hai. Đến 1954, tượng đài của người được coi là thủ lĩnh quân sự lớn đầu tiên của người Ukraina đã được dựng lên khắp Ukraina như biểu tượng cho ‘‘công cuộc tái thống nhất Nga – Ukraina’’. Năm 1954 cũng là năm mà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev chuyển cho ‘‘người anh em’’ Ukraina bán đảo Crimée, vốn thuộc lãnh thổ của Nga từ cuối thế kỷ 18, điều mà nhiều người coi như một ‘‘món quà’’, như thể một lời cảm ơn của Nga với Ukraina, nhân dịp kỉ niệm 300 năm gắn bó.
Trên thực tế, bên dưới mối quan hệ đằm thắm bề mặt Nga – Ukraina thời Liên Xô là những thực tế hoàn toàn trái ngược, với những đàn áp tàn khốc. Theo nhiều nhà quan sát, ngay trong thời kỳ này, đông đảo người Ukraina hiểu rằng khát vọng độc lập dân tộc không có đất sống trong khuôn khổ một liên bang dưới sự thống trị của Nga.
Năm 1991, Ukraina chính thức độc lập. Nhưng hơn ba thế kỷ quan hệ dằng dịt với Nga khiến việc khẳng định độc lập thực sự là điều không hề dễ dàng. Ngay trước cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện của Nga, ‘‘lịch sử’’ đã là một đấu trường quyết liệt giữa điện Kremlinh và Kiev.
Ngày 12/07/2021, lần đầu tiên Putin công bố trên trang nhà của điện Kremlin bài viết bằng hai thứ tiếng Nga và Ukraina, nhan đề ‘‘Sự thống nhất lịch sử của Nga và Ukraina’’. Chủ nhân điện Kremlin, tiếp tục truyền thống thời Liên Xô, bằng thủ đoạn nửa quyến rũ, nửa cả vú lấp miệng em này, đã kiên quyết phủ nhận sự độc lập của Ukraina về mặt truyền thống lịch sử - chính trị, đẩy mạnh việc tuyên truyền coi Nga và Ukraina (hay Tiểu Nga) thuộc cùng một cộng đồng gắn bó mật thiết, không thể chia ly, để biện minh cho cuộc xâm lăng, sáp nhập lãnh thổ. Ông Putin đặc biệt chú trọng đến Thỏa ước năm 1654, và coi đây là biểu hiện chính cho việc dân Ukraina đã quy phục Đại Nga, đã chuyển theo Chính Thống Giáo Nga.
Để tự vệ trong cuộc chiến về ‘‘hồi ức lịch sử’’ này, Ukraina có các vũ khí. Việc dỡ bỏ khu tượng đài vinh danh Thỏa ước năm 1654, tháo gỡ quan hệ ràng buộc 3 thế kỷ, có thể giúp Kiev không bị mắc kẹt trong thế nước đôi như trước. Mặt khác, việc phục hồi sự thật về lịch sử có thể là giải pháp hữu hiệu để hóa giải các mưu đồ thao túng. Cụm tượng đài vinh danh Thỏa ước Pereiaslav, ký kết năm 1654, nặng nhiều tấn, sẽ được chuyển về một viện bảo tàng ở Kiev. Ba thế kỷ ‘‘quan hệ anh em’’ Nga – Ukraina sẽ tiếp tục có một vị trí, nhưng với tư cách là đối tượng tìm hiểu.
No comments:
Post a Comment