Tuesday, May 14, 2024

Chế độ đảng toàn trị thăng trầm: tha hóa quyền lực và suy vong (phần 2)
Bình luận của Huỳnh Trần
2024.05.14
RFA

Một người phụ nữ đi qua tấm biển có hình cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông hôm 13/7/2022 (minh họa)
Jade GAO / AFP

(II) Tư tưởng thực dụng Đặng Tiểu Bình hết thời, mô hình Trung Quốc thoái trào

Quá trình phát triển của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được chia thành hai thời kỳ, từ 1949 đến năm 1978 và từ đó đến nay. Theo những đặc trưng toàn trị chủ yếu, trong thời kỳ thứ nhất tồn tại chế độ toàn trị kiểu Mao, kiểu cũ theo mô hình Liên Xô và, thời kỳ thứ hai đang diễn ra chế độ toàn trị kiểu mới. Năm 1978 được xác định là thời điểm bước ngoặt khi Hội nghị trung ương 3 khoá 11 diễn ra, tại đó Đảng CS Trung Quốc chính thức áp dụng tư tưởng thực dụng trong thực tế trị quốc. Đường lối xuyên suốt cho các chính sách và hành động có tên “Cải cách và mở cửa.”  Giới lãnh đạo Đảng gọi mô hình phát triển mới này là “chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc.”[1] Đây là kiểu trị quốc với phương châm hành động là tư tưởng thực dụng trong sự kết hợp ba yếu tố: (1)Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo, (2)chủ nghĩa dân tộc thông qua truyền thống Nho giáo thế tục từ chế độ phong kiến tập quyền và, (3)chủ nghĩa tư bản hiện đại. Tuy nhiên, cần lưu ý chế độ toàn trị mới cũng vẫn là sự kế thừa giai đoạn trước nhưng ‘thực dụng’ hơn với tư tưởng học thuyết Mác-Lênin và nhấn mạnh tầm quan trọng của lịch sử Trung Quốc để trị quốc, trong đó Đảng Cộng sản Trung Quốc - trung tâm của các thể chế, xã hội và kinh nghiệm hàng ngày định hình tất cả người dân.

Tư tưởng thực dụng khởi xướng bởi Đặng Tiểu Bình (1904 - 1997), nổi tiếng với phát ngôn ‘mèo trắng, mèo đen không quan trọng miễn là bắt được chuột,’ được coi là chỗ dựa để chế độ Đảng CS toàn trị mới Trung Quốc hành động. Như đã nêu, mô hình này ra đời trước thời điểm Bức tường Béc Linh sụp đổ năm 1989 đã chứng tỏ được sự khác biệt với mô hình Liên Xô. Trước hết, đó là việc bãi bỏ công cụ kế hoạch hoá tập trung, một quyết định bước ngoặt, đồng thời mở cửa nền kinh tế với thế giới để thu hút vốn tư bản để thúc đẩy lực lượng sản xuất nhưng vẫn duy trì bộ máy tập quyền dưới sự toàn trị của Đảng CS. Những hậu quả từ những chính sách cực đoan dưới thời Mao Trạch Đông như “công xã nhân dân”, “đại nhảy vọt” và “cách mạng văn hoá” đã thúc đẩy sự ra đời sớm chế độ toàn trị kiểu mới. Ngoài ra, những chuyến du khảo sát các nước tư bản Đông Á, Singapore, Mỹ… khiến Đặng nhận ra rằng chủ nghĩa tư bản “tham lam” nhưng có sức mạnh bí ẩn tạo ra lực lượng sản xuất.

Ngoài ra, trong những nhân tố chủ quan phải kể đến sự kiện “ngoại giao bóng bàn”[2] (tiếng Trung là 乒乓外交 và tiếng Anh: Ping-pong diplomacy) giữa Trung Quốc và Mỹ. Từ đầu những năm 1970 những chuyến công du ‘con thoi’ của cố ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger (1923 – 2023) đã để lại dấu ấn. Người được xem là đã có ‘ảnh hưởng’ của chủ nghĩa thực dụng tới các lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ, kể cả Mao Trạch Đông. Như đã biết, sau khi Mao qua đời năm 1976, triết lý thực dụng kiểu Trung Quốc với tính linh hoạt, khó đoán định như “binh pháp Tôn Tử”[3], thứ nghệ thuật chiến tranh áp dụng cho lĩnh vực chính trị.

Mô hình toàn trị kiểu mới tại Trung Quốc đã khiến thế giới ‘ngạc nhiên’ với những thành công kinh tế mà nó mang lại cho đất nước hơn một tỷ dân. Trong hơn 40 năm các số liệu thống kê[4] chỉ ra rằng, từ 1980 đến 2023 tổng sản lượng nội địa GDP tăng khoảng 39 lần (17,888.97/ 458.76 USD) và GDP/đầu người (12,681/ 312 USD) tăng khoảng 30 lần… Cơ sở vật chất được tăng cường, đô thị hoá nhanh chóng, những công trình thế kỷ như đập thuỷ điện Tam Hiệp hay mạng lưới tàu hoả cao tốc, xe điện và năng lượng mặt trời,…; Hàng trăm triệu việc làm được tạo thêm và, nhiều triệu người thoát nghèo…

Những thành công kinh tế được “mạ vàng”[5] hay chí ít khiến người ta bỏ qua những ‘góc khuất’ của mô hình phát triển này cho đến khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn, hiện trạng này bùng phát trong giai đoạn kể từ khi Tập Cận Bình nắm quyền tối cao, Tổng bí thư Đảng CS kiêm Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, năm 2013. Những khiếm khuyết mang tính bản chất đã phơi bày, trong đó tham nhũng mang tính hệ thống đang gây ra khủng hoảng chính trị thượng tầng. Ngoài ra, các dữ liệu kinh tế - xã hội phản ánh rõ nét thực trạng này. Trước hết là sự trồi sụt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP theo xu hướng suy giảm, từ 2018 đến nay chỉ ở mức 2 đến 5% so với giai đoạn “đỉnh cao” chỉ tiêu này luôn từ 10-12%. Vốn đầu tư nước ngoài FDI, một trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế,  giảm sút nhanh, năm 2023 chỉ là 33 tỷ USD giảm 82% so với năm 2022 và là mức thấp nhất[6] kể từ năm 1993. Ngoài ra, kinh tế khủng hoảng cơ cấu nghiêm trọng: nợ công, nợ địa phương cao kỷ lục, sụp đổ bất động sản, thất nghiệp giới trẻ ở mức rất cao, trên 20%, chi phí lao động tăng cao, hậu quả tồi tệ của dư thừa công suất, thương chiến ngày càng căng thẳng với Mỹ và Liên Âu, … Về xã hội, già hoá dân số, trong thời gian từ 2021 đến 2022, số dân Trung Quốc đã giảm đi gần một triệu người, bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo gia tăng…

Trong bối cảnh quốc tế phức tạp, thay đổi nhanh với xung đột địa chính tri và thương chiến giữa hai trục chính: Trung Quốc và Mỹ, dõi theo những chính sách và động thái của Đảng CS Trung Quốc đối phó với thực trạng chính trị, kinh tế xã hội u ám ở trong nước, các nhà quan sát đưa ra các kịch bản không mấy sáng sủa về triển vọng của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới và, một trong số đó là “phương án Nhật Bản.” Những đặc điểm kinh tế Trung Quốc ở giai đoạn “thoái trào” tương tự như 'Thập niên mất mát'[7] của Nhật Bản (tiếng Nhật: 失われた10年) trong những năm 90. Đây là thời kỳ đình trệ kinh tế kéo dài sau khi bong bóng tài sản vỡ vào những năm 1990-1991, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản thấp hẳn đi, thậm chí không tăng, trong khoảng 20 năm.

Trên phương diện kinh tế đây là ‘kịch bản bi quan’ không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với cả thế giới trong bối cảnh toàn cầu hoá đứt gãy. Tuy nhiên, Nhật Bản không phải là Trung Quốc khi khác biệt về chế độ chính trị. Giả định về phương án Nhật Bản mới chỉ là nửa vấn đề nếu thảo luận câu hỏi rằng liệu tư tưởng thực dụng của Đặng đã hết thời? Nỗ lực đối phó trước thách thức suy giảm tăng trưởng, Đảng CS Trung Quốc bộc lộ bản chất toàn trị. Ngoài những chính sách tăng cường an ninh chế độ như luật an ninh mới, những động thái trấn áp sự bành trướng ‘quá mức’ của tư bản của các tập đoàn kinh tế, công nghệ như  Alibaba, Tensen và giáo dục tư nhân… Hơn thế, bất ổn chính trị nội bộ là vấn đề khi chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” do Tập Cận Bình phát động từ hơn một thập kỷ qua không mang lại kết quả mong muốn. Tất cả những điều đó khiến ông Tập, mặc dù là “hậu duệ” của Mao Trạch Đông, lại trở nên “giống Stalin nhiều hơn” [8] khi ông ấy tăng cường kiểm soát Đảng Cộng Sản Trung Quốc, viết lại lịch sử và sửa đổi hiến pháp để cai trị suốt đời. Tha hoá quyền lực tuyệt đối làm chế độ suy vong. Liệu lịch sử có đang lặp lại?

____________

Tham khảo:

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Tin, bài liên quan
BLOG

No comments:

Post a Comment