Tuesday, May 14, 2024

Chế độ đảng toàn trị thăng trầm: tha hóa quyền lực và suy vong (phần 1)
Bình luận của Huỳnh Trần
2024.05.14
RFA

Diễu binh ở Quảng trường Đỏ tại Moscow hôm 8/5/1985 nhân kỷ nhiệm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2
Patrick KAMENKA / AFP

Khủng hoảng chính trị hiện nay của chế độ Đảng cộng sản toàn trị Việt Nam khiến giới quan sát suy đoán khác nhau về kết cục và tương lai của đất nước. Nguyên nhân cơ bản là sự tha hoá quyền lực, nhiều ý kiến cho rằng khủng hoảng đến đỉnh điểm ắt dẫn đến thay đổi, trong đó một kịch bản cực đoan là chế độ sẽ sụp đổ.

Chế độ Đảng CS toàn trị là hình thức nhà nước được đặc trưng bởi một trung tâm quyền lực mạnh - Đảng CS, nỗ lực kiểm soát và chỉ đạo tất cả các khía cạnh của cuộc sống cá nhân thông qua ép buộc và đàn áp. Kiểu ‘Đảng - Nhà nước’ này có những đặc điểm chủ yếu sau: (1)Được tổ chức tập trung và bao gồm những người trung thành với chế độ; (2)Có quyền lực tuyệt đối, nghĩa là không chịu sự kiểm soát hoặc bị giới hạn bởi các biện pháp trừng phạt thực sự nào; (3)Sử dụng quyền lực để áp đặt một hệ tư tưởng chính thống – chủ nghĩa Mác - Lênin lên công dân của mình; (4)Đạt được sự ủng hộ rộng rãi đối với sự lãnh đạo của mình tuỳ thuộc vào một nhà lãnh đạo ‘lôi cuốn’ hay nhờ giáo dục và tuyên truyền…

Bài viết trình bày quá trình thăng trầm của kiểu chế độ này thông qua hai mô hình Liên Xô và mô hình Trung Quốc và, Việt Nam là phiên bản, được xem xét nhấn mạnh vào sự tha hoá quyền lực tuyệt đối dẫn đến nguy cơ suy vong chế độ. Liệu có các kịch bản là Đảng CS tự thay đổi để cứu chế độ hay dân chủ hoá đất nước đề hoà vào dòng chảy tiến hoá xã hội loài người?

Bốn nội dung của bài viết gồm: (I) 70 năm thử nghiệm chủ nghĩa xã hội thất bại, mô hình Liên – Xô sụp đổ; (II) Tư tưởng thực dụng Đặng Tiểu Bình hết thời, mô hình Trung Quốc thoái trào; (III) Phương Tây ‘tỉnh ngộ’, cuộc thương chiến thêm căng thẳng bởi đối đầu ý thức hệ; (IV) Tha hoá quyền lực Đảng CS Việt Nam, nguy cơ suy vong chế độ toàn trị.

(I) 70 năm thử nghiệm chủ nghĩa xã hội thất bại, mô hình Liên – Xô sụp đổ

Ra đời vào đầu thế kỷ 20, trong lòng và tồn tại song song với xã hội tư bản, mô hình Liên Xô - một chế độ Đảng CS toàn trị là một sự tìm kiếm một phương thức phát triển khác với chủ nghĩa tư bản, dựa trên tư tưởng của Các Mác (1818-1883) về chủ nghĩa duy vật lịch sử rằng, xã hội loài người tiến hoá qua năm giai đoạn từ công xã nguyên thuỷ, nô lệ, phong kiến, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Động lực cơ bản chuyển đổi là mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, trong đó thành tố sau đóng vai trò quyết định. Không chờ đến lúc chủ nghĩa tư bản “tự đào mồ chôn mình” Vladimir Lênin (1870-1924) nhận định “chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”[1] trong đó nước Nga là mắt xích yếu nhất để tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Như đã biết, sau đó Cách mạng tháng 10/1917 diễn ra ở Nga, Nhà nước công – nông ra đời, một Liên bang Xô - Viết (từ năm 1922), một hệ thống xã hội chủ nghĩa (sau Thế chiến 2, năm 1945).

Kiểu nhà nước này được gọi là chế độ toàn trị ‘cũ’ hay mô hình Liên Xô với đặc trưng cơ bản là Đảng CS lãnh đạo “toàn diện và tuyệt đối” xã hội với “bản chất cách mạng” bằng chuyên chính vô sản và nền kinh tế với công cụ kế hoạch hoá tập trung… Nó sụp đổ sau hơn 70 năm tồn tại, sự thử nghiệm đã cho biết về kết thúc một chu kỳ vận hành bao gồm ba giai đoạn chính: trỗi dậy, đỉnh cao, thoái trào. Trong giai đoạn đầu, mô hình Liên Xô trải qua nhiều khó khăn thách thức như nội chiến khốc liệt, cải tạo, quốc hữu hoá và, đặc biệt là thiết lập bộ máy cai trị với phương thức quản lý xã hội và nền kinh tế theo các chuẩn mực khác chủ nghĩa tư bản. Trong giai đoạn đỉnh cao thành tích kinh tế cũng được ghi nhận[2]. Chẳng hạn, tổng sản phẩm quốc nội GDP năm 1989 bằng khoảng 50%  thậm chí, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Samuelson (1915 –2009), người bảo vệ quan điểm của Keynes, từng có lúc nhận xét tích cực về nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung ở Liên Xô. Ngoài ra, chế độ Đảng toàn trị cũng thể hiện ưu thế trong tình huống cấp bách như trong cuộc thế chiến II chống phát xít Đức.

Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn này kiểu chế độ Đảng CS toàn trị đã bị phê phán gay gắt vơi những cảnh báo được đưa ra. Điển hình là công trình nghiên cứu của nhà kinh tế đoạt giải Nobel người Áo, Friedrich Hayek (1899-1992), trong cuốn sách Road to serfdon (Đường về nô lệ). Nó lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1944 và, từng được NXB Tri Thức ấn hành năm 2008 (hiện bị cấm lưu hành!). Theo bà cố Thủ tướng Anh, Margaret Thatcher (1925 – 2013), tác phẩm trên là “lời phê phán mạnh mẽ nhất đối với kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa”, đồng thời cảnh báo rằng kiểu chế độ này tạo “cơ hội cho những kẻ vô đạo đức trở thành những người ra quyết định then chốt.”[3]

Đối với những ai còn ‘mơ hồ’ về kiểu chế độ này, thì tác phẩm Năm 1984 (tiếng Anh: Nineteen Eighty-Four)[4] của nhà văn người Anh George Orwell. Được xuất bản vào năm 1949, cuốn tiểu thuyết vẫn nổi tiếng như một ‘chỉ dẫn’ về nghệ thuật ‘toàn trị.’ Mặc dù nó mô tả ‘u ám’ về sự tinh vi, xảo quyệt của các quan chức trong bộ máy cai trị của chế độ, nhưng là sự lên án nghiêm khắc bản chất toàn trị xấu xa. Chủ đề cuốn tiểu thuyết tập trung vào hậu quả mà chủ nghĩa toàn trị có thể gây ra, sự giám sát hàng loạt  sự đàn áp mọi hành vi của con người và xã hội. Mô hình hóa nhà nước độc tài Liên Xô trong kỷ nguyên của chủ nghĩa Stalin  Đức Quốc xã, Orwell đã xem xét vai trò của sự thật và sự thật trong xã hội và cách chúng có thể bị thao túng.

Câu chuyện diễn ra trong một không gian và thời gian tưởng tượng, được cho là năm 1984, nhưng đến nay vẫn có ý nghĩa thực tế. Siêu quốc gia toàn trị kiểu nhà nước giả định “Oceaniađược lãnh đạo bởi Big Brother (Anh Cả), một nhà lãnh đạo độc tài được hỗ trợ bởi một sự sùng bái cá nhân mãnh liệt do Cảnh sát Tư tưởng của Đảng tạo ra. Đảng tham gia vào sự giám sát của chính phủ ở khắp mọi nơi và, thông qua Bộ Sự thật, chủ nghĩa phủ nhận lịch sử và tuyên truyền liên tục để bức hại cá nhân và tư duy độc lập…

Giai đoạn thoái trào của chế độ Đảng toàn trị diễn ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh (1945-1990) dẫn đến sự sụp đổ của mô hình Liên Xô, mà nguyên nhân khách quan chủ yếu là do thua kém về năng suất trong cạnh tranh với hệ thống các nước tư bản phát triển. Tuy nhiên, một bài học quan trọng cần rút ra là lý thuyết xung đột của Mác, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, đã không được nghiên cứu nghiêm túc, ngay cả đối với Vladimir Lênin. Khi chuẩn bị cho Cách mạng năm 1917, coi nước Nga trước năm 1917 là mắt xích yếu nhất của “chủ nghĩa đế quốc – giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản” nhưng chủ yếu tập trung công sức cho ‘lý luận’ về kiểu ‘nhà nước xã hội chủ nghĩa.’ Ông ấy nhấn mạnh "Nhà nước là một tổ chức lực lượng đặc biệt: nó là một tổ chức bạo lực để đàn áp một số tầng lớp xã hội…" Nó cần thiết để ‘chiếm đoạt những kẻ tước đoạt.’ Mặc dù, tác phẩm Nhà nước và Cách mạng (1917), được cho là có "đóng góp lớn nhất của Lênin cho lý thuyết chính trị"[5], tuy nhiên ông đã mất sớm, vào năm 1924, năm năm sau Cách mạng Nga 1917, và không kịp chuẩn bị lý luận thế nào về phương tiện để thực hiện mục đích chủ nghĩa xã hội…

Người kế tục Lênin, Joseph Stalin (1878 – 1953), duy trì quyền lực đến cuối đời sự sùng bái cá nhân và hoang tưởng. Sau ông ta, Leonid Brezhnev (1906-1982) cũng vậy, lặp lại. Nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung tụt hậu về năng suất đã không cứu nổi chế độ Đảng CS toàn trị, một nhà nước đứng trên pháp luật và công dân để cai trị họ. Và, như hệ quả tất yếu, sự tha hoá quyền lực đảng dẫn đến sự diệt vong chế độ.

_____________

Tham khảo:

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Tin, bài liên quan
BLOG

No comments:

Post a Comment