Monday, July 8, 2024

VNTB – Việt Nam lấp liếp với quốc tế về tình trạng buôn người
Châu Nam Việt
09.07.2024 5:57
VNThoibao



(VNTB) – Nạn buôn người được hợp pháp hóa một cách tinh vi qua chiêu bài “xuất khẩu lao động”

 Mới đây, bà Phạm Thu Hằng – người phát ngôn Bộ ngoại giao đã khẳng định rằng, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống mua bán người. Nổi bật là việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và tăng cường điều tra, truy tố, xét xử các vụ mua bán người. Việt Nam cũng đã xác định và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, kịp thời ứng phó với những thách thức mới của tình hình mua bán người trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế hiện tại cho thấy rằng những biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh mẽ và hiệu quả để giải quyết triệt để tình trạng buôn người ngày càng phức tạp.

Tình trạng buôn người tại Việt Nam vẫn đang diễn biến rất phức tạp và có nhiều dấu hiệu gia tăng. Theo Báo cáo của Bộ Công an, trong 05 năm (từ ngày 01/01/2018 đến 31/12/2022), trên cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, trong đó xử lý hình sự 386 vụ với 808 đối tượng. Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng đã khởi tố và chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền 54 vụ với 68 đối tượng.(1)

Riêng năm 2020, VKSND đã khởi tố 180 đối tượng bị tình nghi phạm tội buôn người trong 106 vụ án, tăng 152 đối tượng trong 84 vụ án so với năm 2019. Trong đó, đã truy tố 161 đối tượng về tội buôn người trong 102 vụ án, tăng 156 đối tượng và 91 vụ án so với năm 2019. (2) Điều này cho thấy số lượng đối tượng bị khởi tố và truy tố về tội buôn người đang tăng lên theo từng năm. Chứng tỏ rằng tội phạm buôn người ở Việt Nam vẫn tăng cao và nhà nước cộng sản vẫn không có biện pháp phòng chống hiệu quả để bảo vệ công dân Việt Nam.

Theo báo cáo về nạn buôn người toàn cầu năm 2022 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố thì Việt Nam bị xếp vào nhóm các nước hạng ba, tức hạng cuối. Cụ thể, các nước hạng ba bị cho là có ít nhất một trong các vấn nạn sau: “buôn người trong các chương trình do chính phủ tài trợ, lao động cưỡng bức trong lĩnh vực y tế hoặc các lĩnh vực khác do chính phủ liên kết, nô lệ tình dục trong các doanh trại của chính phủ, hoặc tuyển dụng binh lính là trẻ em.”(3)

Đến tháng 6/2024 thì Việt Nam chỉ còn bị xếp hạng cấp độ 2 (Tier 2), vì không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để loại bỏ nạn buôn người, nhưng đã thể hiện nỗ lực đáng ghi nhận. Đây có lẽ chỉ là một giải pháp ngoại giao vì chính phủ Việt Nam vẫn không thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người và chưa có nhiều nỗ lực để thực hiện điều này.

Mặc dù Việt Nam đã sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và tăng cường điều tra, truy tố, xét xử các vụ mua bán người. Nhưng việc thực thi pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế. Chưa kể một số quan ngại về tình quan chức chính quyền đồng lõa, tiếp tay cho tội phạm buôn người với chiêu bài “xuất khẩu lao động” khi mà kiều hối của người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài gởi về luôn được đề cao là góp phần tăng nguồn ngoại tệ, tăng GDP cho cả nước.

Căn cứ theo quy định tại điều luật số 69 về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có những hành vi bị nghiêm cấm rõ ràng. Đáng chú ý là khoản 8 của Điều 7, trong đó cấm hành vi “thu tiền môi giới của người lao động”(4).

Song, trong thực tế, nhiều công ty xuất khẩu lao động vẫn ngang nhiên thu tiền từ người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu. Theo ghi nhận thực tế thì hiện nay, nếu người lao động muốn đi Nhật làm việc thì phải thông thì phải thông ty xuất khẩu lao động và đóng phí từ 80-120 triệu tùy ngành nghề. Việc thu phí quá cao đã khiến cho người lao động dễ bị rơi vào tình trạng buộc phải tìm mọi cách kiếm tiền để trả nợ. Trong khi đó, người dân một số nước Đông Nam Á khác đi xuất khẩu lao động thì không cần phải thông qua công ty môi giới cũng không phải tốn những khoản phí vô lí như ở Việt Nam.

Như vậy, các số liệu chính thức về tình trạng buôn người thường không được chính phủ công bố đầy đủ hoặc chỉ được công bố một cách rất hạn chế. Những con số này đã không phản ánh thực tế thì rất khó đánh giá tình trạng buôn người và đưa ra giải pháp thiết thực. Đã vậy, việc buôn người còn được hợp pháp hóa một cách tinh vi qua chiêu bài “xuất khẩu lao động” thì càng tạo ra một bức tranh sai lệch về mức độ nghiêm trọng của vấn nạn buôn người ở Việt Nam.

 

________________

Tham khảo:

(1) https://quochoi.vn/tintuc/Pages/phiengiaitrinh.aspx?

(2) https://vn.usembassy.gov/vi/2021-tipreport/

(3) https://www.state.gov/reports/2022-trafficking-in-persons-report/

(4) https://congan.binhthuan.gov.vn/nhung-diem-moi-cua-luat-so-692020qh14-quy-dinh-ve-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-theo-hop-dong–co-hieu-luc-tu-ngay-01012022-N1116.aspx

 


 

No comments:

Post a Comment