Kim Văn Chính
30-7-2024
Tiengdan
Tôi là người từng chiến đấu ở Nam bộ năm năm. Hồi chiến tranh, [tôi] sống và chiến đấu với rất nhiều cán bộ người Nam bộ. Sau này còn có ba năm làm việc ở Sài Gòn (TP.HCM) tại một đơn vị của TP.HCM. Tôi hiểu đôi phần về người Nam và cán bộ Nam bộ. Sau đây là các câu hỏi và vấn đề tôi gợi ra thôi chứ viết về nó chắc nhiều cuốn sách mới kham được.
1. Người nam kể cả cán bộ lãnh đạo sống rất chân tình, thẳng thắn. Họ tôn trọng và chịu ảnh hưởng của tư tưởng hiệp sĩ, nghĩa khí (trọng nghĩa khinh tài) của người Nam bộ nói chung.
2. Tư duy của người Nam cũng như cán bộ rất thực tế chứ không giáo điều, khuôn sáo như cán bộ Bắc. Trên cơ sở nền tảng đạo đức Khổng giáo đã ăn sâu vào truyền thống, họ luôn nhìn vào thực tế để ra các quyết định, nhiều khi rất gây tranh cãi.
3. Khi làm cán bộ, họ coi việc cán bộ lãnh đạo có thể xà xẻo, lợi dụng quyền thế để có kinh tế nuôi gia đình là chuyện bình thường (không đạo đức giả như cán bộ miền Bắc). Nhưng người Nam luôn biết giữ chừng mực và không coi việc tham ô, tham nhũng là mục đích lấn át hết các mục đích chính trị khác.
4. Người Nam bộ kể cả lãnh đạo luôn coi trọng những người thành đạt cả trên lĩnh vực trí thức (ông kỹ sư) và làm giàu. Ai giàu mà không động chạm đến họ thì họ coi trọng, thậm chí kính trọng, suy tôn… Cán bộ lãnh đạo cách mạng mà giàu có, không bị pháp luật bắt giam họ vẫn kính trọng, kể cả khi đương chức và về hưu…
5. Họ có “cục bộ” (phân biệt đối xử Nam Bắc) không? Có. Rất mạnh là đằng khác. Hãy tìm hiểu cán bộ ở các tỉnh miền tây Nam bộ và ở chính quyền địa phương TP.HCM xem có ai người Bắc thành đạt? Dù chỉ đi bằng con đường chuyên môn?
6. Từ khi định hình nên thực thể Nam Bộ, câu chuyện người Nam tham gia chính quyền Trung ương là vấn đề lớn.
Người Nam không thích tham gia chính quyền trung ương với các quá trình chính trị rắc rối và phức tạp. Nhưng người Nam không phải là cộng đồng chịu để người ta áp đặt (anh dũng, thành đồng là vậy)…
Thời nhà Nguyễn, phải cắt cử Lê Văn Duyệt là hoạn quan, quê Định Tường, làm tổng trấn, giao quyền bính rất mạnh.
Thời Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu luôn phải duy trì một chức vụ Phó Thủ tướng là người Nam bộ để yên dân (Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Văn Hương).
Thời chính quyền Hồ Chí Minh cũng luôn phải công kênh bác Tôn Đức Thắng như một lãnh tụ thực sự chỉ đứng sau HCM…
Rồi bác Nguyễn Hữu Thọ…
Đến chính quyền sau thống nhất thì vai trò cán bộ Nam bộ càng phải được đề cao vì Nam bộ chính là đầu tàu kinh tế của cả nước… Những người như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh (gốc Trung và Bắc nhưng coi như cán bộ Nam) rồi về sau Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng (kể cả Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang…) được đề cao vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt…
7. Người Nam nói chung không thích ra Hà Nội làm việc dù chức vụ cao hơn. Tuy vậy, họ rất đoàn kết và thống nhất khi đặt niềm tin vào ai đó, coi như ngọn cờ đại diện Nam bộ ra Bắc làm việc…
8. Gần đây, vừa do vô tình chạy theo các nguyên tắc tự đặt ra mà quên mất các cân đối chính trị cần thiết, vừa do tầm nhìn và nhãn quan chính trị hẹp quá, người ta đã đánh mất sự cân đối quyền lực Bắc – Trung – Nam, đặc biệt là quan hệ Bắc – Nam. Sau Đại hội 13, hầu như không còn ai là cán bộ Nam bộ có máu mặt cao trong lãnh đạo Trung ương (trong tứ trụ cũng không). Đây chính là điểm yếu chết người của bộ máy… (Tôi đã viết một bài về vấn đề mất cân đối quyền lực này sau Đại hội 13).
9. Việc bổ sung nhanh các ông Võ Văn Thưởng, Nguyễn Trọng Nghĩa rõ ràng không phải là các bổ nhiệm mang tính quy hoạch có tầm nhìn lâu dài. Và ông Võ Văn Thưởng đã không đủ tầm vóc đại diện cho Nam bộ, cũng như không đủ kinh nghiệm để chống đỡ các bài binh bố trận về chính trị đỉnh cao ở Trung ương. Việc ông phải từ nhiệm vừa hợp với quy luật của các biến động chính trị đỉnh cao, vừa lại làm lộ rõ sự mất cân đối vùng miền Nam – Bắc.
Trương Tấn Sang là người Bắc di cư chưa đủ ba đời, sống ở Long An. Tôi cho là ông Sang đã không hiểu nền chính trị đương đại, ảo tưởng về vai trò cá nhân nên đã mắc sai lầm lớn là mâu thuẫn, thậm chí đấu đá gay gắt với Nguyễn Tấn Dũng. Sau khi nghỉ hưu cùng Nguyễn Tấn Dũng, ông Sang tiếp tục hoạt động và lộ rõ là người theo phe phái chính trị Hà Tĩnh… Ông đã đánh mất uy tín và niềm tin, chỗ dựa của cán bộ Nam bộ…
Bác Nguyễn Minh Triết từ khi nghỉ hưu thì gần như gác kiếm thực sự. Tính cách bác ấy là vậy, không phải tính cách thủ lĩnh.
10. Bây giờ thì đã có bác Trần Thanh Mẫn tham gia bộ tứ. Nhưng như vậy chưa đủ. Vị thế của Nam bộ vẫn cần có một vị trí cao hơn thế. Hơn nữa, họ cần một thủ lĩnh thực thụ như các thủ lĩnh đã từng có trong quá khứ. Thủ lĩnh đương chức chưa đủ uy tín thuyết phục thì thủ lĩnh thái thượng hoàng đảm nhận vai trò không chính thức cũng không sao, Nam bộ là vậy (Những điều tôi đặt vấn đề trên có thể để giải thích tại sao gần đây cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại được trọng vọng hơn trong các nghi lễ ở Nam bộ).
No comments:
Post a Comment