Monday, July 29, 2024

VNTB – Khi hối lộ là “tục lệ, bản sắc văn hoá làm ăn xưa nay”
Cảnh Chân
29.07.2024 5:39
VNThoibao



(VNTB) – “Bị cáo đưa tiền cho lãnh đạo không vì mục đích gì, việc này là do quan hệ cấp trên – cấp dưới, theo ‘tục lệ’, bản sắc văn hoá làm ăn xưa nay chứ không có mục đích gì”

 254 bị cáo gây ra các sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa tiếp tục bị đưa ra xét xử. Trong phiên toà ngày 24/7/2024, các cán bộ tại trung tâm Đăng kiểm 50-03V bị toà xét hỏi về vấn đề “chung chi” cho các đạo Cục Đăng kiểm. Theo cáo trạng thì cục trưởng Đặng Việt Hà yêu cầu các trung tâm Đăng kiểm khối V phải chung tiền theo mức từ 8-15 nghìn đồng/lượt xe đăng kiểm.

Để làm vừa lòng cấp trên thì ông Trần Văn Chủ (giám đốc trung tâm Đăng kiểm 50-03V) đã cho phép đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ của các chủ xe, và quy định mỗi tuần phải đưa cho giám đốc Chủ 3 triệu đồng để “chung chi” cho cục trưởng Hà. Tổng số tiền hối lộ tại Trung tâm Đăng kiểm 50-03V là hơn 2,6 tỷ đồng. Ông Chủ hưởng lợi hơn 430 triệu đồng còn ông Hà hưởng 180 triệu đồng.

Đáng chú ý là trong phần lời khai thì Trần Văn Chủ cho rằng “bị cáo đưa tiền cho lãnh đạo không vì mục đích gì, việc này là do quan hệ cấp trên – cấp dưới, theo ‘tục lệ’, bản sắc văn hoá làm ăn xưa nay chứ không có mục đích gì”. (1)

Thật ra câu chuyện “chung chi”, hối lộ đã quá quen thuộc với người dân trong suốt nửa thế kỷ đảng cộng sản cầm quyền từ 1975 tới nay. Không phải chỉ là đăng kiểm, mà vấn nạn này xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ y tế, giáo dục, xây dựng cho đến các dịch vụ công.

Trong y tế, người bệnh và gia đình phải trả tiền cho bác sĩ, y tá để được chăm sóc tốt hơn hoặc để có được một chỗ nằm trong bệnh viện. Trong giáo dục thì phụ huynh phải nộp tiền cho giáo viên hoặc nhà trường để con em mình được đi học ở những trường chuyên lớp chọn hoặc có được kết quả học tập tốt hơn. Còn trong xây dựng và dịch vụ công, các doanh nghiệp phải chung chi để được cấp phép hoặc nhận được hợp đồng từ các cơ quan nhà nước.

Quan chức thì hối lộ để mua ghế hoặc giữ ghế, người dân thì chạy chọt để được “xử lý nhanh gọn”, dễ làm ăn sinh sống hơn. Khi hối lộ và tham nhũng là chất bôi trơn cho cả hệ thống chính trị thì ai không chung chi thì không thể tồn tại ở chế độ này.

Nhưng bây giờ cán bộ đăng kiểm lại trơ tráo gọi hối lộ là tục lệ, là bản sắc văn hoá thì lại khác. Hành vi hối lộ là hoàn toàn bị pháp luật nghiêm cấm, tội hối lộ có khung hình phạt cao lên tới tử hình. Ngay từ thời quân chủ phong kiến thì hành vi hối lộ đã bị nghiêm cấm. Tham quan nhận hối lộ có thể bị tử hình. Một việc trái pháp luật nghiêm trọng thì không thể nào là văn hoá được. Còn bản sắc văn hoá là nét đẹp của tinh hoa văn hoá được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Nếu các quan chức gọi hối lộ là bản sắc văn hoá thì một là bôi nhọ văn hoá con người Việt Nam, đổ lỗi cho người dân hối lộ cho quan chức chứ không phải lỗi của quan chức tham lam. Như vậy thì quá vô liêm sỉ, vì nếu quan không ép thì không người dân nào phải chung chi tiền mồ hôi nước mắt vô lý như vậy. Hai là việc hối lộ đã thành “tục lệ” trong đảng cộng sản, họ coi việc chung chi là một nét đẹp văn hoá riêng của Đảng. Người nào không hối lộ thì người đó không đẹp, không văn hóa.

Để một cán bộ đứng trước tòa tuyên bố rằng chung chi hối lộ là một tục lệ, một bản sắc văn hóa thì phải nói rằng tình trạng hối lộ đã ăn vào máu các đảng viên và được rộng rãi chấp nhận, thu nạp trở thành một thứ văn hoá xã hội chủ nghĩa.

 

______________

Tham khảo:

https://baomoi.com/giam-doc-trung-tam-dang-kiem-50-03v-khai-khong-chi-dao-nhan-tien-de-bo-qua-loi-c49719591.epi

 


 

Visited 29 times, 29 visit(s) today

No comments:

Post a Comment