VNTB – Có một sự thật khác đằng sau “ Nối Vòng Tay Lớn”
Đặng Đình Mạnh
31.07.2024 12:00
VNThoibao
Thống kê tạm cho thấy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã là tác giả của hơn 600 nhạc phẩm. Ông viết nhiều thể loại nhạc, trong đó, tình ca chiếm số lượng lớn. Bên cạnh đó, người yêu nhạc cũng thường nhắc đến dòng nhạc phản chiến, với những Ca Khúc Da Vàng vốn đã làm nên tên tuổi cô ca sĩ Lệ Mai, người khởi nghiệp từ đôi chân trần trên thảm cỏ khuôn viên trường Đại học Văn khoa. Nhưng với những người quan tâm đến xã hội, thì khó có ai mà quên được ca khúc Nối Vòng Tay Lớn mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là tác giả. Vì lẽ, trong những giờ khắc đầu tiên khi Sài Gòn thất thủ vào ngày 30/04/1975, thì ca khúc này được chính tác giả chọn trình bày trên Đài Phát thanh Sài Gòn để hồ hởi chào đón quân “giải phóng”.
Nối Vòng Tay Lớn
Trịnh Công Sơn
Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la, anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam
Cờ nối gió đêm vui nối ngày
Giòng máu nối con tim đồng loại
Dựng tình người trong ngày mới
Thành phố nối thôn xa vời vợi
Người chết nối linh thiêng vào đời
Và nụ cười nối trên môi.
Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
Ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi
Vượt thác cheo leo, tay ta vượt đèo
Từ quê nghèo lên phố lớn, nắm tay nối liền
Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh
Trước khi được chính thức hát trên đài phát thanh, thì Nối Vòng Tay Lớn đã được hát nhiều trong các buổi sinh hoạt của giới trẻ miền nam, như Hướng Đạo Sinh, Thanh Niên Công Giáo, Liên Đoàn Phật Tử… mãi cho đến tận ngày nay như là một ca khúc của giới trẻ, có nhịp điệu sôi động, cuốn hút, ca từ giàu ý nghĩa về trách nhiệm của thanh niên với quê hương, đất nước.
Đến cuối tuần rồi, sau dịp đón quốc khánh Hoa Kỳ một ngày, tôi được hân hạnh ngồi cạnh vài vị là quan chức cao cấp còn lại của nền đệ nhị Cộng Hòa. Bên chén rượu, chúng tôi ngạc nhiên khi được nghe một phiên bản khác về nguồn gốc nhạc phẩm Nối Vòng Tay Lớn. Theo đó, chúng không hoàn toàn như công chúng từng nhầm tưởng bấy lâu nay.
Cuối thập niên 60 và bước vào thập niên 70 của thế kỷ trước, chính thể Việt Nam Cộng Hòa đã sớm chuẩn bị kế hoạch hậu chiến với giả định Việt Nam được thống nhất, thì cần thiết phải đặt ra kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia, hàn gắn những đau thương, đổ nát, hậu quả của cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Về kinh tế, có kế hoạch hậu chiến của đồng tác giả “Kế hoạch Lilienthal – Vũ Quốc Thúc”. Về nhân lực, chính thể Việt Nam Cộng Hòa có kế hoạch mời gọi ngay các trí thức trẻ đã tốt nghiệp học vấn tại ngoại quốc về xây dựng đất nước. Kế hoạch này được soạn thảo, thậm chí, đã từng có gợi ý tên kế hoạch là Nối Vòng Tay Lớn.
Kế hoạch này có sự tham gia của nhiều văn nghệ sĩ đang sáng tác hoặc biểu diễn tại miền Nam khi đó, trong đó bao gồm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thế nên, nhạc phẩm Nối Vòng Tay Lớn đã ra đời và tác giả lấy luôn danh xưng của kế hoạch phát triển nhân lực làm tên nhạc phẩm.
Cho thấy, dù chính kiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không ủng hộ cuộc chiến với tư cách người dân miền nam, ông không đi lính, nhưng ông vẫn được chính thể Việt Nam Cộng Hòa trọng dụng trong vai trò dân vận, không như công chúng hiểu nhầm bấy lâu nay. Thậm chí, vì tế nhị và cũng muốn giành cho giới văn nghệ sĩ một không gian sáng tác khách quan, độc lập, thì chính thể Việt Nam Cộng Hòa cũng chưa từng bao giờ công khai chính thức xác nhận sự cộng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cả. Kể cả việc ông ấy lấy tên dự kiến của bản kế hoạch đặt tên cho nhạc phẩm để đời của mình.
Cũng vì sự tế nhị này, không rõ vô tình hay sự thâm nho cố hữu của giới văn nghệ sĩ, mà ông nhạc sĩ đã mang nhạc phẩm sáng tác theo đơn đặt hàng của chính thế Việt Nam Cộng Hòa lên đài truyền thanh để chào đón quân “giải phóng”, những kẻ thủ ác, gây nên “Người chết” trong câu hát “Người chết nối linh thiêng vào đời” trong nhạc phẩm.
Có lẽ biết nguồn gốc ra đời như vậy, nên chế độ Cộng Sản trong nước chưa từng chính thức cho phép biểu diễn bài hát này trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật cho đến tháng 04/2017. Lần Trịnh Công Sơn hát trót lọt nhạc phẩm Nối Vòng Tay Lớn trên Đài Phát thanh Sài Gòn vào chiều ngày 30/04/1975, có lẽ chỉ là nhờ vào hoàn cảnh tranh tối, tranh sáng khi ấy mà thôi.
Không chỉ với câu chuyện nhạc phẩm Nối Vòng Tay Lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà nhiều câu chuyện khác của lịch sử được bạch hóa theo cách vô tình bên cạnh chén rượu nhạt, vì lẽ, những người trong cuộc sở hữu quá nhiều câu chuyện, đến mức, họ không thể nhớ rõ câu chuyện nào đã hoặc chưa từng bạch hóa công khai cho công chúng. May mắn được nghe số ít về chúng, người viết ghi lại vài dòng như là cách giúp trả lại sự thật cho quá khứ vốn thường bị viết sai lạc bởi bên thắng cuộc.
DC, ngày 12/07/2024
No comments:
Post a Comment