Ai sẽ lấp đầy khoảng trống lãnh đạo của châu Âu?Nguồn: Bart M. J. Szewczyk, “Who Will Fill Europe’s Leadership Vacuum?,” Foreign Policy, 19/07/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
NghiencuuQT
Paris chỉ thích nói suông, còn Berlin không có chiến lược. Nếu bạn muốn một lãnh đạo nghiêm túc, hãy tìm đến Warsaw.
Cuộc bầu cử gần đây vào Nghị viện châu Âu và Quốc hội Pháp đã làm rung chuyển cục diện chính trị châu Âu. Dù trung tâm của Liên minh châu Âu vẫn được giữ vững, nhưng cơ sở quyền lực của nó đã thay đổi. Sự trỗi dậy của phe cực hữu ở Pháp và Đức đã hủy hoại chính phủ ở Paris và làm suy yếu chính phủ ở Berlin, làm tê liệt bộ đôi thường nắm giữ vị trí trung tâm trong việc ra quyết định của EU. Trước khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa vào ngày 18/07, bà phải đàm phán với các nghị sĩ cánh hữu và thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy của Ý, Giorgia Meloni.
Châu Âu đang phải đối mặt với một khoảng trống lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng chiến tranh và an ninh nghiêm trọng nhất kể từ năm 1945. Ai sẽ đảm nhận vai trò định hình chính sách đối ngoại? Các thành viên EU sẽ tập hợp xung quanh chiến lược nào? Hiện tại có ba ứng cử viên.
Dù vị thế của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã suy giảm khá nhiều, người Pháp vẫn khao khát trở thành lãnh đạo châu Âu. Khi Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào năm 2022, những nỗ lực thất bại của Macron nhằm xoa dịu Điện Kremlin đã đe dọa chia rẽ EU về chính sách an ninh, nhưng từ đó đến nay, ông đã thay đổi 180 độ. Macron muốn NATO tiếp nhận Ukraine; cách đây vài tháng, ông thậm chí còn đề xuất rằng các quốc gia NATO riêng lẻ có thể gửi quân tới Ukraine. Các binh sĩ Pháp được cho là đang chuẩn bị được triển khai ở Ukraine để huấn luyện tân binh của nước này, dù các đồng minh NATO khác tỏ ra nghi ngờ về lợi ích của việc huấn luyện do nhu cầu bảo vệ lực lượng và rủi ro vướng vào xung đột. Macron cũng cam kết sẽ gửi một lượng máy bay chiến đấu phản lực Mirage chưa xác định tới Kyiv.
Nếu những thông báo này là sự thật, thì chúng sẽ đánh dấu một cuộc cách mạng trong chính sách đối ngoại của Pháp. Chỉ cách đây vài năm, Macron đã vạch ra tầm nhìn chiến lược trong đó đưa Nga vào “dự án văn minh châu Âu” nhằm cân bằng chung trước Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi mở về mức độ bền vững của những cam kết này và liệu Macron có thể triển khai chúng ở mức độ nào khi Paris vừa có một chính phủ mới. Pháp vẫn có quân đội lớn thứ hai ở châu Âu sau Ukraine, với hơn 200.000 quân nhân đang tại ngũ. Nhưng cho đến nay, Paris chỉ triển khai 750 binh sĩ tới Romania và 350 binh sĩ tới Estonia để chi viện cho sườn phía đông của NATO. Viện trợ tài chính song phương của Pháp cho Ukraine chỉ đứng thứ 16 trong số 27 quốc gia thành viên EU nếu xét theo tỷ trọng trong GDP – 0,14%. Chưa kể, khoản viện trợ quân sự 2,69 tỷ euro (2,9 tỷ USD) của nước này kém xa so với khoản viện trợ quân sự của Đức (10,2 tỷ euro, hay 11,1 tỷ USD) và thậm chí còn xếp sau khoản đóng góp của các nền kinh tế nhỏ hơn nhiều, như Đan Mạch và Hà Lan. Cho đến khi hành động và nguồn lực của Pháp bắt đầu tương xứng với lời nói, những tuyên bố của Macron sẽ chỉ được xem là một động thái chiến thuật đơn thuần hơn là dấu hiệu của một sự thay đổi chiến lược. Nếu đây là lãnh đạo, thì đó là lãnh đạo chỉ biết nói suông.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz theo đuổi cách tiếp cận ngược lại với Macron: phân bổ nguồn lực đáng kể nhưng lại cắt giảm luận điệu. Vào tháng 6/2022, Berlin đã triển khai một quỹ quốc phòng ngoài ngân sách trị giá 100 tỷ euro (109 tỷ USD) để tăng cường năng lực quân sự của mình. Nước này cũng dẫn đầu EU về hỗ trợ tài chính tổng thể cho Ukraine, bao gồm cả dưới hình thức cung cấp vũ khí, và đang có kế hoạch nâng cấp sự hiện diện ở Litva thành căn cứ thường trực với gần 5.000 binh sĩ. Họ vừa công bố một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về việc bố trí tên lửa của Mỹ trên đất Đức. Berlin cũng đã chi gần 24 tỷ euro (26,2 tỷ USD) để viện trợ cho người tị nạn Ukraine, so với chưa đến 4 tỷ euro (4,4 tỷ USD) của Pháp.
Nhưng lập trường chiến lược của Đức đối với Nga vẫn mang tính phòng bị nước đôi. Scholz đã từ chối cung cấp tên lửa hành trình Taurus vốn cần thiết cho Ukraine và trước đó đã trì hoãn việc cung cấp xe tăng Leopard và các loại vũ khí cao cấp khác. Mục tiêu trở thành “thủ tướng hòa bình” của Scholz có vẻ rất đáng ngưỡng mộ, nhưng lại không phù hợp với một cuộc chiến đang diễn ra trong đó hoặc Ukraine và phương Tây sẽ thắng thế – hoặc Nga nuốt chửng Ukraine và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến. Nếu đây là lãnh đạo, thì đó là lãnh đạo không có mục tiêu hay chiến lược.
Mô hình lãnh đạo thứ ba đang nổi lên ở Ba Lan, nơi chính phủ mới đã kết hợp các lập luận mạnh mẽ với nguồn lực dồi dào. Năm năm trước, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu lúc bấy giờ là Donald Tusk đã liên kết tương lai của Ukraine với tương lai của Châu Âu trong một bài phát biểu tại Quốc hội Ukraine. Kể từ khi trở thành thủ tướng Ba Lan vào năm ngoái, ông đã nói rõ về việc châu Âu cần áp dụng tư thế chuẩn bị cho chiến tranh khi họ ứng phó với những nỗ lực tiếp theo của Điện Kremlin nhằm tái lập đế chế cũ của mình. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cũng có quan điểm tương tự khi lập luận ủng hộ việc tái vũ trang lâu dài của châu Âu. Ông cũng cảnh báo Nga rằng “không phải chúng ta, phương Tây, mới phải lo sợ một cuộc đụng độ với Putin, mà là ngược lại”.
Sikorski cũng đã đưa ra các đề xuất chính sách đổi mới, chẳng hạn như thành lập Quân đoàn châu Âu hoàn toàn tình nguyện, với khoảng 5.000 binh sĩ. Lực lượng này sẽ được ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ theo sự đồng thuận trong Hội đồng Châu Âu và được chỉ huy hoạt động bởi một chỉ huy người Châu Âu. Họ sẽ được huy động bên ngoài các kênh quân sự quốc gia và nhận tài trợ từ ngân sách EU. Quan trọng nhất, lực lượng này sẽ có thể được triển khai trong các nhiệm vụ rủi ro cao, chẳng hạn như chống lại Tập đoàn Wagner của Nga ở Châu Phi, các nhiệm vụ chống khủng bố ở Sahel, hoặc các hoạt động duy trì sự ổn định ở Libya – kết nối lợi ích của các thành viên EU ở Nam và Trung Âu.
Warsaw đang thể hiện quyết tâm bằng tiền bạc, khởi động một cuộc tái vũ trang lớn sẽ đưa Ba Lan trở thành một trong những cường quốc quân sự hàng đầu châu Âu. Nước này đã chi hơn 4% GDP cho quốc phòng và đang mở rộng lực lượng vốn đã đáng gờm của mình. Năm 2023, ngân sách quốc phòng của Ba Lan đã tăng 75% so với năm trước – mức tăng hàng năm lớn nhất so với bất kỳ quốc gia châu Âu nào. Warsaw cũng có kế hoạch tăng gấp đôi lực lượng trên bộ lên 300.000 binh sĩ. Với các đơn đặt hàng quốc phòng lớn từ Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời mở rộng sản xuất trong nước, theo một số ước tính, vào năm 2030, Ba Lan dự kiến sẽ có nhiều xe tăng hơn cả Anh, Pháp, Ý, và Đức cộng lại. Mới tuần trước, Lầu Năm Góc đã xác nhận rằng Ba Lan sẽ mua các máy bay chiến đấu tàng hình F-35, hệ thống tên lửa Patriot, và xe tăng Abrams với tổng giá trị 2 tỷ USD.
Warsaw cũng đã phân bổ 0,7% GDP cho Ukraine, bao gồm 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD) viện trợ quân sự và đã chi hơn 22 tỷ euro (24 tỷ USD) cho khoảng 1 triệu người tị nạn Ukraine mà nước này tiếp nhận.
Ba Lan có một tầm nhìn rõ ràng và khả thi về sự cần thiết phải ngăn chặn Nga xâm chiếm Ukraine và ngăn chặn nước này tiến hành các cuộc chiến tiếp theo. Đây chính là lãnh đạo bởi sự cần thiết.
Ai sẽ là người mà các thành viên EU khác sẽ ủng hộ? Một số nhà lãnh đạo và công dân châu Âu nhận ra mối đe dọa từ Nga nhưng không sẵn sàng đưa ra lựa chọn khó khăn là chuyển các nguồn lực từ chi tiêu xã hội sang quốc phòng, chưa kể đến việc đặt xã hội và nền kinh tế của họ vào tình trạng chuẩn bị tham chiến. Những nước khác có thể bị thu hút bởi lối nói nhẹ nhàng nhưng vẫn chậm rãi tăng dần lượng vũ khí. Nhưng tính cấp bách của hoàn cảnh của châu Âu – với một chế độ Nga hung hăng muốn thay đổi biên giới và đang tiến hành một cuộc chiến vô thời hạn ở châu Âu – có thể buộc EU phải nghiêng về cách tiếp cận của Warsaw.
Macron đã đưa ra nhiều sáng kiến ngoại giao, bao gồm Cộng đồng Chính trị Châu Âu và Sáng kiến Can thiệp Châu Âu, trong nỗ lực không ngừng nhằm giành lấy vị trí trung tâm của sự chú ý chính trị ở Châu Âu. Tuy nhiên, những hoạt động tích cực và vô số ý tưởng của ông chỉ mang lại kết quả hạn chế, mang đến những tuyên bố hơn là quyết định. Các chính sách của Châu Âu đối với Ukraine và Nga hiện tại đã quyết đoán hơn nhiều so với những ưu tiên ban đầu của Pháp khi cuộc chiến toàn diện bắt đầu. Truyền thống chính sách đối ngoại của Pháp về chủ nghĩa đơn phương và tìm kiếm quyền tự do hành động tối đa cũng gây khó khăn cho việc xây dựng liên minh hiệu quả.
Scholz, người lãnh đạo một chính phủ liên minh ba đảng, đã trở nên dày dạn kinh nghiệm nhờ truyền thống xây dựng sự đồng thuận của Đức, theo đó khiến Berlin trở thành lựa chọn có khả năng cao nhất để tạo ra một trung tâm hấp dẫn cho chính trị châu Âu. Nhưng cũng giống như Pháp, Đức đã đi theo thay vì dẫn dắt chính sách về Ukraine, gây ra sự thất vọng đáng kể giữa các đối tác EU.
Phong cách ngoại giao ngân phiếu lặng lẽ của Berlin đã đóng vai trò vô giá suốt nhiều thập kỷ trong việc thúc đẩy hợp tác châu Âu trong thời bình, nhưng nó không phải là một cách tiếp cận hiệu quả để giúp giành chiến thắng trong một cuộc chiến và thiết lập khả năng răn đe. Đây là một cuộc thử thách ý chí quân sự cũng như sự xung đột của các nguồn lực.
Trong khi đó, Tusk vẫn đang tìm cách khắc phục những thiệt hại ngoại giao mà chính phủ tiền nhiệm dưới thời Đảng Luật pháp và Công lý để lại, khiến mối quan hệ cũng như vị thế của Ba Lan trong EU và trên thế giới bị ảnh hưởng. Ba Lan cũng không có sức mạnh kinh tế như Đức hay tầm ảnh hưởng chính trị như Pháp. Nhưng Tusk có kinh nghiệm tuyệt vời khi từng giữ chức chủ tịch Hội đồng Châu Âu trong 5 năm. Trong vai trò này, ông đã giúp lãnh đạo và tạo ra sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo EU khác – tám người trong số họ hiện vẫn đang giữ các chức vụ hồi năm 2019, khi nhiệm kỳ của Tusk kết thúc. Với Tusk và Sikorski, Warsaw đang nắm trong tay hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ công và sự tín nhiệm về chính sách đối ngoại, đặc biệt liên quan đến Nga và Ukraine.
Chính phủ của Tusk, hiện đã nắm quyền được 8 tháng, đang bận rộn xây dựng lại các liên minh trong EU. Họ đã làm sống lại Tam giác Weimar trong chính sách phối hợp với Paris và Berlin. Họ đang đàm phán một hiệp ước với Pháp tương tự như Hiệp ước Aachen của Pháp-Đức, theo đó thiết lập các kênh tham vấn và hợp tác chặt chẽ hơn nhiều giữa các bộ ở cấp độ làm việc. Ba Lan cũng đã hợp tác với tám quốc gia khác trong khuôn khổ Bắc Âu-Baltic để giải quyết các lợi ích chung và điều phối chính sách khu vực và rộng hơn. Trong số các thành viên EU, Warsaw còn có vị trí đắc địa là cầu nối xuyên Đại Tây Dương của Washington tới châu Âu. Đáng chú ý, cả Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đều đã chọn Warsaw làm nơi trình bày những bài phát biểu quan trọng về chính sách châu Âu.
Nhìn chung, EU và các quốc gia thành viên đang tăng cường bảo vệ lục địa của họ. Với tư cách là một nhóm, các thành viên châu Âu của NATO đã đạt mức tối thiểu 2% GDP của khối trong năm nay, dù một số quốc gia vẫn đang chi tiêu dưới mức. Châu Âu đã cung cấp hơn 170 tỷ euro (185,2 tỷ USD) hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine, huấn luyện 47.000 quân cho Ukraine (và 13.000 người khác sẽ hoàn thành khóa huấn luyện vào mùa hè này) và chi hơn 80 tỷ euro (87,2 tỷ USD) để tiếp nhận gần 5 triệu người tị nạn Ukraine. EU gần đây cũng đã thông qua vòng trừng phạt kinh tế thứ 14 đối với Nga và đã tập trung vào việc tăng cường cơ sở công nghiệp công nghệ và quốc phòng của mình để sản xuất các vũ khí và đạn dược mà Ukraine cần cũng như để phục vụ nhu cầu răn đe trong tương lai.
Tuy nhiên, châu Âu vẫn đang hoạt động dưới khả năng của mình, và nguồn lực khổng lồ của họ chưa chuyển thành sức mạnh quyết định. Chiếc ghế lãnh đạo đã bị bỏ trống suốt ba năm qua, kể từ những thất bại lớn về tình báo và ra quyết định trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2/2022. Không rõ liệu Berlin, Paris, Brussels, và các thủ đô khác có rút ra bài học từ những thất bại này và khắc phục những thiếu sót của họ hay không. Chính quyền Biden đã có thể tạo ra sự đồng thuận với châu Âu và tạo ra phản ứng thống nhất của phương Tây – và có thể lặp lại điều đó trong nhiệm kỳ thứ hai, tùy thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Mỹ.
Nhưng ở một số thủ đô châu Âu – bao gồm Paris và Berlin – cuộc chiến của Nga vẫn chưa tạo ra cảm giác cấp bách cần thiết đối với an ninh châu Âu. Nếu không có sự lãnh đạo tích cực, EU có nguy cơ tiếp tục trôi dạt chiến lược. Các thủ đô châu Âu nên nhìn vào Warsaw, noi gương Ba Lan để kết hợp lời nói với nguồn lực, nâng cao cả hai và tìm cách giành chiến thắng ở Ukraine.
Bart M. J. Szewczyk là nghiên cứu viên cấp cao không thường trú tại Quỹ Marshall Đức, giáo sư thỉnh giảng tại Sciences Po, cựu thành viên Ban Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, cựu cố vấn về chính sách tị nạn cho đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, và tác giả cuốn sách “Europe’s Grand Strategy: Navigating a New World Order.”
No comments:
Post a Comment