Monday, July 29, 2024

VNTB – Chùa Cầu Hội An bị mỉa mai sau trùng tu
Dân Trần
30.07.2024 2:44
VNThoibao

VNTB – Chùa Cầu Hội An bị mỉa mai sau trùng tu

(VNTB) – Chi 20 tỷ làm mới di tích rồi muốn chi thêm tiền để sơn cho cũ lại

 Di tích chùa Cầu ở Hội An (Quảng Nam) có tuổi đời 400 năm đang gây xôn xao dư luận. Vì sau khi tốn 20 tỷ đồng để trùng tu thì nó “mới hẳn ra”, chẳng còn bóng dáng của một di tích lịch sử nữa. Theo nhà chức trách tỉnh Quảng Nam thì mặc dù nhìn như mới nhưng đơn vị thi công vẫn đảm bảo tính nguyên gốc vì có 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.

Bình luận về việc trùng tu này thì Nguyễn Văn Quyết viết trên Facebook cá nhân rằng “đã đến lúc ngành văn hóa nên tu sửa lại chính mình!”. Anh đặt câu hỏi rằng “đến bao giờ Việt Nam mới thôi cái kiểu trùng tu di tích kiểu thô thiển, bất chấp đây?“.

Trùng tu công trình không những phải tôn trọng thiết kế (không làm đẹp hơn được thì đừng làm cho nó xấu hơn) mà còn phải xét tới trầm tích thời gian khoác lên nó và phù hợp với cảnh quan xung quanh. Sao cứ phải sơn trắng phau phau, vẽ màu lung linh trong khi thứ đem lại vẻ đẹp cho cây cầu này là sự cổ kính? Sao ko tìm cách gia cố, tôn tạo mà cứ phải làm mới.

Theo anh Quyết về chiếc cầu quá mới khiến nó trở nên lạc lõng trong một khu vực cũ kỹ rêu phong khiến cho tổng thể của một khu vực nên thơ bỗng dưng biến mất. Chiếc cầu mới khó coi cực kỳ giống như trồng một cái răng sứ trắng bóng vô một hàm răng vẫn nguyên màu ngà thời gian. Anh Quyết cho rằng đã tới lúc ngành văn hoá nên tu sửa lại chính mình vì rất nhiều công trình di tích khác cũng bị trùng tu, tôn tạo theo cách làm mới tương tự. (1)

Anh Phạm Thắm, một người dân ở Đà Nẵng thì cho rằng “giá trị của Hội An là phố cổ, kiến trúc cổ. Lối kiến trúc này được biểu thị qua từng căn nhà, đền, chùa, ngõ phố… và một điểm quan trọng nữa nó là sự giao thoa văn hóa Á Đông“. Anh viết trên trang cá nhân: “Trải qua hàng trăm năm,  thứ gì rồi cũng có sự hao mòn đi. Để giữ gìn di sản theo thời gian thì chẳng còn cách nào khác phải trùng tu. Nhưng trùng tu không có nghĩa là tùy tiện thay đổi cách điệu kiến trúc”.

Anh Thắm lo ngại về một chùa Cầu vốn là biểu tượng của Hội An, là di sản văn hóa Việt – Nhật đã mất đi bản sắc sau khi trùng tu. Chùa Cầu mói giờ như một ngôi nhà tân thời cách điệu chứ không phải là một kiến trúc đã tồn tại gần nửa thiên niên kỷMột khí sự độc đáo về kiến trúc và văn hoá của Hội An không còn thì du khách cũng sẽ không mặn mà gì với Hội An nữa. (2)

Sau khi bị dư luận lên án thì nhà chức trách tỉnh Quảng Nam phản hồi rằng cứ đợi thời gian trôi qua thì sẽ làm Chùa Cầu già đi, cũ lại. Bên cơ quan quản lý chùa Cầu cho rằng chỉ cần đợi vài tháng mưa gió là sẽ có rêu mốc xuất hiện và chùa sẽ cũ lại như xưa. Còn ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho biết nhà nước sẽ cho sơn lại màu công trình phù hợp hơn, sát với màu cũ của công trình. (3)

Như vậy tức là sau khi tốn 20 tỷ để làm mới di tích 400 năm thì ngân sách nhà nước sẽ tốn thêm một khoản tiền nữa để sơn cho cũ lại ngôi chùa này. Quan chức địa phương vẫn thiếu đi tầm nhìn, không lường trước được phản ứng của người dân nên mới phải tìm một giải pháp thay thế khi gặp phải hiệu ứng tiêu cực từ công chúng. Tiền trùng tu là của ngân sách, sơn lại cho cũ theo màu thời gian cũng là tiền của dân.  Người làm làm sai mà không chịu trách nhiệm và tự chi tiền để sửa chữa thì làm sao mà an dân?

 

______________

Tham khảo:

(1) https://www.facebook.com/share/p/TfUmbCsXTudhujAq/?

(2) https://www.facebook.com/share/p/udnsixxZ395eaMMC/?

(3) https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ghi-nhan-gop-y-tu-nguoi-dan-hoi-an-dieu-chinh-mau-son-chua-cau-sau-trung-tu-1372698.ldo

No comments:

Post a Comment