Monday, July 8, 2024

Bầu cử Quốc Hội Pháp: Báo chí quốc tế hoài nghi về khả năng đàm phán để lập chính phủ liên minh
Thanh Hà
Đăng ngày: 08/07/2024 - 15:05
RFI

Hiếm khi nào báo chí Anh, Mỹ và toàn khối Liên Hiệp Châu Âu đều tập trung vào tình hình chính trị Pháp. Kết quả bầu cử Quốc Hội Pháp ở vòng nhì, hôm 07/07/2024 chiếm nhiều trang, thậm chí là được đưa lên trang nhất, các tờ báo lớn từ ở Luân Đôn đến Washington, từ Bruxelles đến Berlin, hay Roma và Madrid. Sau « bất ngờ » là những nghi vấn về khả năng đàm phán và đối thoại giữa ba khối khá cân bằng trong Quốc Hội sắp tới.

Cử tri ủng hộ liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới -Nouveau Front Populaire - NFP sau khi có kết quả bầu cử vòng 2. Ảnh ngày 07/07/2024. REUTERS - Abdul Saboor

Trước hết tại Hoa Kỳ, trang mạng của nhật báo Washington Post sáng nay đặt mục « Bầu cử Pháp » lên trên cả « Bầu cử Mỹ » với nhận định « Sự lớn mạnh của phe cực hữu đột ngột bị chận lại nhờ đà tiến của bên cảnh tả». Tờ báo nói đến một sự bất ngờ kép :

« Phe của tổng thống Macron tưởng rằng đã thua nên « không dự trù tổ chức sự kiện trong đêm công bố kết quả » là điểm bất ngờ thứ nhất. Từng bị Đức Quốc Xã đô hộ, cử tri Pháp chưa sẵn sàng chấp nhận để Tập Hợp Dân Tộc lên cầm quyền. « Mặt trận cộng hòa », tập hợp tất cả những tiếng nói không chấp nhận để nước Pháp rơi vào tay phe cực hữu, là bức tường thành vững chắc ngoài mong đợi. Đấy là bất ngờ thứ hai, sau kết quả của vòng 1 cách nay đúng một tuần.

Một cơ hội cho cánh tả ?  

Điểm « then chốt » còn lại là liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới NFP liệu có đủ « thực tế », nắm bắt cơ hội vượt lên trên những bất đồng để đi xa hơn mục tiêu « làm lá chắn ngăn cản làn sóng cực hữu » hay không ? Hay là như thủ lĩnh phe cực tả, đảng Nước Pháp Bất Khuất, Jean-Luc Mélenchon, khẳng định với kết quả bầu cử tối qua «Macron phải cúi đầu nhìn nhận thất bại của ông ấy, để cho liên minh cánh tả thực hiện toàn bộ chương trình vận động tranh cử đã đề xuất » ?

Về « lực lượng thứ nhì » trong Quốc Hội Pháp sắp tới, là liên minh cánh trung của tổng thống Macron, vẫn báo Washington Post xem lá phiếu của cử trì Pháp lần này là cơ hội để « cứu vãn di sản chính trị » bảy năm qua của Emmanuel Macron. Nhật báo Mỹ kỳ vọng phe này sẽ mở rộng liên minh với cánh hữu của cựu tổng thống Sarkozy và với những dân biểu bên cánh tả ôn hòa.

New York Times rất khắt khe với Macron

New York Times bi quan hơn khi nhìn về thời sự nước Pháp qua nhận định « kết quả bầu cử dẫn đến bế tắc », vì không phe nào dành được đa số tuyệt đối. Thông tín viên của tờ báo tại Paris, Roger Cohen viết, tất cả là do « lỗi của tổng thống Macron » giải tán Quốc Hội và cho bầu cử trước thời hạn, để rồi giờ đây chính ông bị « kẹt » giữa bên cực tả và cực hữu. Macron không còn sức « thu hút ».

Cử tri Pháp « ồ ạt » bỏ phiếu để gạt đảng bài ngoại và với quá khứ không chút vẻ vang của đảng Tập Hợp Quốc Gia trong tay gia đình Le Pen, nhưng đồng thời dân Pháp cũng đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ là người dân muốn có « một sự thay đổi ».

New York Times bồi thêm : « Vào lúc Biden đang khó nhọc đương đầu với Donald Trump, những bất ổn về chính trị Pháp kéo dài có nguy cơ tác hại đến tình hình quốc tế ». Đương nhiên, « Matxcơva hoan nghênh việc đảng của Marine Le Pen mở rộng ảnh hưởng ở Quốc Hội », dù để hụt mất chức vụ thủ tướng (lần này).

Nhìn đến bước kế tiếp, New York Times nhận định : « khác với nhiều nước châu Âu, như Bỉ, Ý và Đức, Pháp không có truyền thống đàm phán để thành lập một chính phủ liên minh, dù chỉ là những mối « liên minh tạm thời », với sự tham gia của các đảng phái với những quan điểm khác nhau.

Làm « sáng tỏ » toàn cảnh chính trị Pháp : nhiệm vụ bất thành

Pháp « không có truyền thống đối thoại chính trị », cũng là nhận định của tuần báo kinh tế Anh, The Economist trong bản được cập nhận trên mạng. Tờ báo này cầm chắc là đương kim thủ tướng Attal vẫn sẽ giữ được điện Matignon cho đến khi các nhóm dân biểu ở Quốc Hội « được định hình », giai đoạn « chuyển giao » quyền lực đó có thể kéo dài cho đến hết mùa hè năm nay, tức là cho đến khi Olympic Paris kết thúc.

Báo tài chính Financial Times cũng cho rằng tổng thống Emmanuel Macron giải tán Quốc Hội để làm « sáng tỏ » tình hình, xem dân Pháp muốn gì, nhưng kết quả tối qua chỉ đẩy nước Pháp vào thế « bấp bênh » hơn. Đó là điều « không hay cho bản thân nước Pháp cũng như là cho các đối tác của Paris trong Liên Âu ».

Với tương quan lực lượng ngang ngửa nhau, ba khối trong Quốc Hội mới đặt Pháp trong tình trạng bế tắc chính trị, hay đúng hơn là vào cảnh « bất trị » để rồi, đúng một năm sau Emmanuel Macron có thể sẽ lại giải tán Quốc Hội.

Cặp bài trùng Marine Le Pen - Jordan Bardella chỉ cần đợi thời cơ để khẳng định rằng, đảng Tập Hợp Dân Tộc là một « giải pháp thay thế » chỉ có đảng này mới đủ « tài đức tái lập trật tự và ổn định cho đất nước ». Nhìn dưới góc độ đó, thất bại của đảng RN tối qua chỉ là một « ván thua tạm thời ».

Thất bại của RN nhưng Macron bị suy yếu

Riêng khối Liên Hiệp Châu Âu thở phào nhẹ nhõm trước kịch bản đảng RN có đường lối bài châu Âu bị đẩy xa hơn một chút khỏi phủ thủ tướng Pháp. Nền kinh tế thứ nhì trong khối này « tránh được kịch bản tai hại nhất ». Tờ El Mundo của Tây Ban Nha có lập trường trung hữu, chạy tựa lớn « Thất bại thứ ba của Marine Le Pen », ngụ ý sau hai lần tiến gần đến ngưỡng cửa điện Elysée nhờ lọt vào vòng nhì bầu cử tổng thống, lần này Jordan Bardella cận kề phủ thủ tướng ở điện Matignon, nhưng rồi RN lại bị « đẩy ra xa » nhờ tình thế đã hoàn toàn được đảo ngược một cách « rất bất ngờ ».

Cây bút bình luận của tờ báo này thực sự nể phục nước Pháp với những màn thay đổi quá ngoạn mục : Là chiếc nôi của nhân quyền, là cột trụ của Liên Âu, cử tri Pháp tưởng chừng sẵn sàng ngả vào vòng tay của phe cực hữu bài châu Âu và có tinh thần kỳ thị … sau kết quả vòng 1. Nhưng trong chưa đầy 1 tuần lễ cũng cử tri Pháp đã đảo ngược mọi dự báo từ chối trao vận mệnh đất nước cho một RN.

Vào lúc mà đảng cực hữu của bà Georgia Meloni đang cầm quyền tại Roma, nhật báo Ý La Republica ấn bản sáng nay chú ý đến số phận của các ứng viên RN : « Giấc mơ của phe cực hữu tại Pháp trở thành một cơn ác mộng ». Đặc phái viên của tờ báo có mặt tại trụ sở của đảng Tập Hợp Dân Tộc, nói đến « bộ mặt ủ rũ của Jordan Bardella » tối qua và chẳng ai còn lòng dạ nào nghe Marine Le Pen khi bà phát biểu.

Tại Bruxelles tờ báo uy tín La Libre Belgique cũng có ý chê các chính khách Pháp « không biết thỏa thuận với nhau ». Thành lập một liên minh cầm quyền, « nghe qua các tuyên bố ban đầu của các chính khách Pháp tối qua, dường như đây là nhiệm vụ khó hoàn thành ». 

Đức, đầu tầu của Liên Hiệp Châu Âu và cũng là « bộ đôi cùng với Pháp » trong khối thực sự an tâm trước viễn cảnh tạm thời không phải làm việc với Tập Hợp Dân Tộc của Bardella và Le Pen. Berlin ý thức được rằng bầu cử Quốc Hội Pháp lần này là một thách thức trong quan hệ song phương và mang tính định đoạt cho tương lai của toàn khối Liên Hiệp Châu Âu.

Der Spiegel đưa ra lời khuyên, « Emmanuel Macron và cánh tả nên bắt đầu học tập xây dựng một liên minh, học tập vượt lên trên những khác biệt » để vì tương lai đất nước.

Còn về phía các chính khách của Đức tại Berlin, từ nhiều ngày qua, thủ tướng Olaf Scholz thực sự lo lắng, phải đàm phán với phe bài châu Âu của ông Bardella, nên ngay tối qua, Nils Schmid, phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Đức đã thốt lên rằng Berlin « tránh được kịch bản tệ hại nhất » cho dù biết rõ là về chính trị, Emmanuel Macron đã bị suy yếu. 

Cựu ngoại trưởng Đức đặc trách về khu vực châu Âu Michael Roth ít lạc quan hơn khi cho rằng, « Còn quá sớm để cho rằng Pháp và Liên Âu đã thoát hiểm khi mà các phong trào dân túy ở cả hai cánh tả hữu đang dâng cao ». Nước Pháp và châu Âu chỉ thực sự thoát nạn nếu như « các đảng Xã Hội, đảng Xanh, các phe dân chủ, tự do ôn hòa… có thể hợp tác với nhau ».

Đức từng xem cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp lần này là một thách thức trong quan hệ song phương và mang tính định đoạt cho tương lai của toàn khối Liên Hiệp Châu Âu. 

No comments:

Post a Comment