Monday, July 8, 2024

Hạ Viện Pháp có nguy cơ rơi vào bất ổn và giải pháp thỏa hiệp
Minh Anh
Đăng ngày: 08/07/2024 - 15:09
RFI

Tại Pháp, liên minh cánh tả NFP đã về đầu sau vòng hai cuộc bầu cử Hạ Viện ngày 07/07/2024, gạt bỏ được kịch bản tồi tệ nhất là phe cực hữu có đa số tuyệt đối ở nghị trường như các thăm dò và dự phóng. Tuy nhiên, nghị trường Pháp bị phân rẽ thành ba khối lớn mà không khối nào có đa số tuyệt đối để thành lập chính phủ, có nguy cơ đẩy nước Pháp rơi vào bất ổn giống như dưới thời Đệ Tứ Cộng Hòa.

Một đoàn xe cảnh sát đi qua phía trước trụ sở Quốc Hội Pháp, Paris, ngày bỏ phiếu bầu lập pháp vòng hai, 07/07/2024. AP - Aurelien Morissard

Liệu rằng người dân, chính phủ và các chính gia Pháp có can đảm học hỏi « văn hóa thỏa hiệp » như các nước láng giềng Bắc Âu để duy trì ổn định đất nước hay không ? Năm 2022, trong một bài nhận định về cuộc bầu cử lập pháp với kết quả đảng của tổng thống Macron về đầu, nhưng không có đa số tuyệt đối, trên trang Atlantico, ông Jean-Marc Sylvestre, từng khẳng định « Pháp không có văn hóa thỏa hiệp, mà chỉ có văn hóa xung đột hay đối đầu » giữa hai khối chính trị.

Hai năm sau, trong một cuộc bầu cử sớm sau thông báo giải tán Quốc Hội bất ngờ của tổng thống Macron, kết quả đưa ra còn thảm hại hơn, không một đảng hay liên minh nào trong số ba khối có được đa số tuyệt đối để cầm quyền. Nếu như « mặt trận cộng hòa » đã giành chiến thắng trong việc ngăn chặn đảng cực hữu lên cầm quyền, thì mặt trận này cũng không cản được đà tiến của phe này ngày càng lớn dần trên chính trường Pháp.

Điều tệ hại nhất đã tạm thời được gác sang một bên, nhưng nỗi lo bế tắc là hiện hữu. Mặt Trận Bình Dân Mới NFP bao gồm cánh tả và cực tả về đầu nhưng ai sẽ là thủ tướng ? Danh sách những gương mặt được cho là khả dĩ dài dằng dặc, trong khi tên ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất LFI không ngừng được nhắc đến, nhưng không được các thành phần khác trong « Mặt Trận » đồng tình.

Với tuyên bố sẽ áp dụng các chính sách được đề ra trong chương trình vận động, như tăng lương tối thiểu lên 1600 euro, ấn định mức giá các mặt hàng nhu yếu phẩm, tăng các loại thuế… ? Khó có thể hình dung là khối Đồng Hành của tổng thống Macron và đảng cực hữu RN sẽ ủng hộ, để chính phủ của NFP lãnh đạo đất nước. Người ta cũng không loại trừ khả năng NFP sẽ dùng đến điều khoản 49.3 của Hiến Pháp để thông qua các chính sách, một công cụ pháp lý mà cánh tả Pháp không ngừng lên án chính phủ tổng thống Macron trong suốt hai năm qua.

Trước nguy cơ cánh tả cũng như cả nước Pháp rơi vào cảnh bị tắc nghẽn, tờ La Libre Belgique (Bỉ), cho rằng sau mặt trận chống RN, cần phải có một sức bật cộng hòa, để thoát khỏi bế tắc và tránh hình phạt kép : Một nước Pháp không thể điều hành và lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen trở thành tổng thống vào năm 2027.    

Đã đến lúc các chính đảng Pháp nên gạt sang một bên những ngờ vực chính trị ngay cả trong nội bộ các đảng, sự khác biệt hệ tư tưởng để hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng. Tổng thống Macron, không còn chọn lựa nào khác là tìm kiếm những dân biểu có khả năng cùng nhau làm việc bất chấp « núi » bất đồng chia cách họ.

Đây cũng là mô hình « thỏa hiệp » chính trị mà nhiều nước châu Âu như Đức, Bỉ đang thực hiện. Đương nhiên, sự thỏa hiệp đó đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, mất nhiều thời gian. Nhưng để có thể phá vỡ các rào cản, chôn vùi những cách biệt, cần phải học cách đối thoại, dám đứng cạnh đối thủ hôm qua và đàm phán đến một dấu phẩy trong một thỏa thuận.

Kết quả bỏ phiếu ngày 07/07 hôm qua gợi nhớ lại một giai đoạn tương tự trong lịch sử nước Pháp, dưới thời Đệ Tứ Cộng Hòa. Trước nguy cơ các nhóm phát xít lên cầm quyền, năm 1936, một Mặt Trận Bình Dân tập hợp hai đảng Xã Hội và Cộng Sản đã hình thành, và đã giành thắng lợi bầu cử.

Nếu như việc cánh tả lên cầm quyền đã đáp trả mong mỏi to lớn, những tính toán chính trị và thiếu đối thoại của đảng Cộng Sản Pháp đã phần nào làm lu mờ những thành quả xã hội đạt được, và không cản trở được những cuộc đình công rầm rộ phản đối chính phủ do khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp gia tăng, với hệ quả là một chính phủ Pháp phát xít lên cầm quyền. Đây hẳn là một bài học lịch sử mà nước Pháp ngày nay có lẽ không nên bỏ quên ! 

No comments:

Post a Comment