VNTB – Nguyên tắc Paris là gây khó với Hà NộiPhương Nguyên
14.05.2024 4:27
VNThoibao
Khuyến nghị về xây dựng Cơ quan nhân quyền quốc gia (National Human Rights Institutions – NHRIs) theo Nguyên tắc Paris để làm nền tảng củng cố, hoàn thiện cơ chế thúc đẩy, bảo đảm quyền con người của Việt Nam, là một đề nghị được cộng đồng quốc tế nêu ra với Nhà nước Việt Nam ở cả chu kỳ III cho đến chu kỳ IV phiên đối thoại Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về nhân quyền.
Các nội dung trong Nguyên tắc Paris được Liên Hiệp Quốc coi là những tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu đối với tất cả các NHRIs – bất kể quy mô hay cơ cấu – phải đáp ứng, để bảo đảm tính hợp pháp, đáng tin cậy và hiệu quả trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của một cơ quan nhân quyền quốc gia.
Hiện tại Việt Nam vẫn chưa có tổ chức NHRIs này.
Thế khó của Hà Nội là Nguyên tắc Paris đặc biệt quan tâm đến tính độc lập của NHRIs. Điều đó thể hiện ở việc văn kiện này dành hẳn một mục riêng (mục 2, trong tổng số 4 mục) để đề cập đến các yếu tố cần thiết bảo đảm cho tính độc lập và đa dạng của NHRIs. Hai yếu tố độc lập và đa dạng có quan hệ đến nhau. Tính độc lập trước hết là độc lập với các cơ quan nhà nước (cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, cơ quan ở trung ương cũng như địa phương).
NHRIs cần độc lập với Nhà nước bởi lẽ Nhà nước, do chức năng của mình, chính là chủ thể đầu tiên, trước hết có các nghĩa vụ và khả năng bảo vệ, bảo đảm nhân quyền một cách hiệu quả, nhưng đồng thời cũng là thủ phạm chính của những vi phạm nhân quyền. Ngoài ra, NHRIs cũng cần độc lập với các đảng phái chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức tư nhân…
Vị trí của NHRIs phải đứng giữa Nhà nước và xã hội, mà không nghiêng hẳn về bên nào. Để có được thế đứng đó, cơ quan này phải có thành phần từ cả hai khối nhà nước và các tổ chức xã hội.
Độc lập về pháp lý là yếu tố cơ bản đảm bảo tính độc lập trên các phương diện khác của NHRIs. Về khía cạnh này, các nội dung của Nguyên tắc Paris nêu rõ, việc các NHRIs chỉ được thành lập bởi một văn bản pháp quy của hành pháp. Các NHRIs thường được thành lập theo hiến pháp của các quốc gia để bảo đảm địa vị pháp lý vững chắc.
Độc lập trong hoạt động là việc các NHRIs có thể tự mình xác định các ưu tiên, chương trình và kế hoạch công tác của mình. Theo khuyến cáo của Nguyên tắc Paris, các NHRIs nên được trao quyền để “Tự mình xem xét bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan”. Hơn nữa, các NHRIs cũng cần có quyền quyết định những hoạt động nào cần được ưu tiên trong quá trình thực hiện chức trách của mình.
Ngoài ra cần yêu cầu độc lập về nhân sự, độc lập về tư duy đối với các thành viên của NHRIs, hành xử đúng pháp luật, trong phạm vi pháp luật và tuân thủ các nội dung của Nguyên tắc Paris.
Dĩ nhiên NHRIs cũng có trách nhiệm giải trình. Mặc dù có tính độc lập, các NHRIs cũng phải có trách nhiệm giải trình về tổ chức và hoạt động của mình với cộng đồng. Các NHRIs cũng có trách nhiệm giải trình về mặt pháp lý – ví dụ như phải chịu sự giám sát và báo cáo thường niên trước Quốc hội hay chính phủ, về các hoạt động và kết quả đạt được trong hoạt động.
Mà với Hiến định tại Điều 4 về độc quyền lãnh đạo toàn diện “Nhà nước và xã hội” của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì yêu cầu có tính nguyên tắc cốt lõi về tính độc lập của NHRIs, chỉ có nghĩa là NHRIs không phải chịu sự can thiệp tùy tiện của các cơ quan công quyền và các chủ thể khác. Đây sẽ là một sự khó chịu đối với lãnh đạo toàn diện, độc quyền của Đảng Cộng sản tại Việt Nam.
Cũng chính lý do trên nên phiên đối thoại Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát vừa qua đã tiếp tục yêu cầu Việt Nam sửa đổi Điều 4, Hiến pháp 2013 của quốc gia này.
No comments:
Post a Comment