VNTB – Dự án ngàn tỷ bỏ hoang gây lãng phí hàng trăm héc ta đất
Dân Trần
14.05.2024 4:46
VNThoibao
Việc quy hoạch treo rồi treo luôn quy hoạch có lẽ đã không còn lạ gì với người dân Việt Nam. Một dự án có diện tích lên tới 157 hecta tại Kon Tum đang bị bỏ hoang. Khu công nghiệp Đăk Tô (huyện Đăk Tô, Kon Tum) được bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN theo Văn bản số 487/TTg-CN ngày 19/04/2007 của Thủ tướng.
Năm 2009, toàn bộ diện tích 157 ha của KCN này được giao cho Công ty CP Tập đoàn Tân Mai để đầu tư xây dựng nhà máy bột giấy và giấy. Dự án có tổng mức đầu tư 1.896 tỷ đồng, công suất dự kiến là 130.000 tấn/năm. Tuy nhiên, sau 15 năm, dự án nhà máy bột giấy và giấy không hoàn thành khiến hàng trăm hecta đất bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực đất đai. (1)
Nhìn vào con số tổng mức đầu tư lên tới gần 1,9 ngàn tỷ kia có thể thấy ngay rằng đây là dự án được lập ra để vay vốn ngân hàng, vì bây giờ không công ty nào có đủ 1,9 ngàn tỷ tiền mặt chứ đừng nói 15 năm trước. Rõ ràng dự án được thông qua mà không có sự thẩm định đầy đủ và khách quan về năng lực của nhà đầu tư cũng như tiềm năng phát triển.
Nguyên nhân của tình trạng này là năng lực của cán bộ liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai. Đa số cán bộ đang hoạt động trong ngành này thường thiếu kiến thức chuyên môn sâu rộng về quản lý tài nguyên đất đai, kỹ năng phân tích dữ liệu, và khả năng áp dụng công nghệ thông tin vào công việc của mình. Thêm vào đó, sự phức tạp và đa dạng của các vấn đề liên quan đến đất đai đòi hỏi một hiểu biết sâu sắc về các lĩnh vực như địa lý, môi trường, kinh tế, và pháp luật.
Dĩ nhiên không thể không nói tới tham nhũng ở những vụ việc liên quan tới đất đai tại Việt Nam. Nhìn vào mảnh đất lên tới 1,57 triệu mét vuông và kinh phí 1,9 ngàn tỷ thì ai cũng thừa biết chuyện cán bộ nhà nước nhận tiền hối lộ từ các doanh nghiệp và sau đó chấp thuận các dự án mà không xem xét đến năng lực của nhà đầu tư, và bỏ qua luôn việc thẩm định dự án. Trong khi doanh nghiệp chỉ cần đưa ra một số tiền “cảm ơn” cho các quan chức thì hậu quả to lớn nếu có sau đó chắc chắn là người dân lãnh đủ.
Việt Nam đang đối diện với tình trạng đất chật người đông. Khi mà người dân không có đất canh tác để nuôi sống gia đình, thì đất đai màu mỡ lại bị bỏ hoang do những quy hoạch treo của Nhà nước. Điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội mà còn về tâm lý của người dân. Người nông dân nào nhìn vào mảnh đất bằng phẳng màu mỡ lên tới 157 hecta bị bỏ phí mà không tiếc?
Với diện tích đó và trong hàng chục năm bỏ không đó thì nông dân chỉ trồng cà phê, sầu riêng là bây giờ đã có hàng ngàn tỷ trong tay chứ không ít. Nếu Nhà nước đầu tư mảnh đất đó làm nông nghiệp thì ngân sách sẽ được bổ sung nguồn vốn rất lớn. Còn nếu không làm được thì linh động cho thuê trong thời gian triển khai dự án cũng có thể có thêm nguồn thu và tạo điều kiện cho người dân có thêm công ăn việc làm. Bây giờ người dân không có đất canh tác buộc phải tìm kiếm bỏ xứ di cư, dồn vào các thành phố lớn và tạo ra nhiều áp lực kinh tế cũng như áp lực xã hội khác.
Trên đây chỉ nói tới việc lãng phí nguồn đất, chứ chưa nói tới tác động đối với môi trường và những hậu quả nghiêm trọng như sụp đổ đất đai, sạt lở đất, ô nhiễm môi trường, và mất đa dạng sinh học. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những sai lầm này? Chịu trách nhiệm rồi thì làm sao để sửa chữa sai lầm? Mà thật ra những thiệt hại nặng nề này không bao giờ có thể sửa chữa được một sớm một chiều.
_____________
Tham khảo:
(1) https://thanhnien.vn/du-an-ngan-ti-bo-hoang-gay-lang-phi-hang-tram-hec-ta-dat-185240508231421789.htm
No comments:
Post a Comment