Wednesday, May 15, 2024

VNTB – Liên minh châu Âu dạy Việt Nam cách sống sạch
Dân Trần
15.05.2024 2:19
VNThoibao



(VNTB) – Các đại biểu thuộc Liên minh châu Âu đã cùng nhau gom rác tại khu vực vịnh Hạ Long

 Vịnh Hạ Long được Unesco công nhận là di sản thế giới, với các núi đá vôi hùng vĩ. Chính nhờ sự nổi tiếng của danh thắng này, Hạ Long trở thành thành phố du lịch hàng đầu cùng với việc đô thị hoá thần tốc, đón 7-8 triệu du khách mỗi năm.

Cùng với cáp treo, công viên giải trí, khách sạn là hàng ngàn ngôi nhà được xây mới, khiến cho hệ sinh thái bị tàn phá nghiêm trọng. Ước tính có khoảng một nửa trong số 234 loại san hô đã bị tuyệt chủng tại khu vực này trong thời gian qua.

Rất nhiều tổ chức, báo chí, người dân đã lên tiếng phản ánh về tình trạng rác thải tràn lan và nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều du khách tuyên bố rằng sẽ không bao giờ quay lại Vịnh Hạ Long và khuyên bạn bè không nên đến Hạ Long vì tình trạng ô nhiễm khủng khiếp ở đây.

Hồi tháng tư, một du khách nước ngoài tên Patricia Mayerhofer đã viết trên tài khoản mạng xã hội cá nhân rằng: “Chúng tôi vừa đi tàu tham quan vịnh Lan Hạ và Hạ Long. Cảnh rất đẹp và chuyến đi suôn sẻ. Nhưng tôi nghĩ không ai nên tới đây nữa vì rác thải ở khắp nơi trên biển, thậm chí có vết dầu loang trên biển. Thật vô cùng xấu hổ khi Việt Nam có phong cảnh đẹp mà lại để tình trạng như vậy xảy ra. Nếu tôi biết trước như vậy, tôi đã không bao giờ đi tới nơi này”.

Hiện nay tình trạng ô nhiễm này vẫn không có gì thay đổi, thậm chí càng ngày càng nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng phần lớn là do khả năng quản lý kém cỏi của nhà cầm quyền cũng ý thức kém của người dân.

Có lẽ vì vậy mà mới đây, ngày 12/05, các đại biểu thuộc Liên minh châu Âu đã cùng nhau gom rác tại khu vực biển Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nhằm hưởng ứng Ngày châu Âu có chủ đề “Việt Nam – EU: chung tay vì một môi trường sạch” do Bộ Ngoại giao Việt Nam, Phái đoàn EU và tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức. (1)

Những người tham gia gồm các đại sứ cùng thân nhân và cán bộ phái đoàn EU, đại sứ quán các nước thành viên EU tại Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Phái đoàn đã cùng nhau nhặt rác trên bờ biển dài một cây số, sau đó còn tiếp tục di chuyển đến cảng tàu khách quốc tế Hạ Long để thu gom rác trên mặt nước.

Thông điệp của Liên minh Châu Âu là muốn tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam – EU, mà còn là cơ hội nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng đây là hành động nhắc nhở nhà chức trách Việt Nam cần quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường trên thực tế hơn là hô hào bằng khẩu hiệu, biểu ngữ. 

Nhiều cán bộ Việt Nam hiện nay vẫn rất thiếu ý thức về việc bảo vệ môi trường và không đủ khả năng đánh giá tác động của rác thải đối với môi trường. Nhiều người thì sẵn sàng nhận “chung chi” của doanh nghiệp để bỏ qua việc xả thải trực tiếp xuống biển, chấp nhận hi sinh môi trường vì các lợi ích kinh tế trước mắt. Tới khi bị phản đối thì lại đổ lỗi cho doanh nghiệp và ý thức của người dân, và chấp nhận một mức đền bù không thấm vào đâu so với tác hại đến môi trường. 

Trong khi đó, ở khắp các thành phố và khu đô thị của Việt Nam, không khó để bắt gặp những biểu ngữ, khẩu hiệu gọi bảo vệ môi trường. Những thông điệp như “Vì một môi trường xanh, sạch, đẹp” hay “Hãy bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ” xuất hiện khắp nơi, từ các con đường lớn tới những khu dân cư. Vậy nhưng rác vẫn tràn lan, ô nhiễm khắp nơi chỉ vì người ta tiện tay vứt rác, nhà nước không có chính sách và đầu tư phù hợp để xử lý rác thải.

Còn ở châu Âu và các quốc gia phát triển, tuy không có khẩu hiệu, biểu ngữ, thậm chí không có thùng rác nhưng môi trường lại sạch sẽ, người dân hiếm khi xả rác bừa bãi. Đây là sự khác biệt không chỉ đến từ ý thức người dân mà còn từ các hành động thực tiễn, hiệu quả của chính quyền sở tại. Phạt thật nặng và thật nghiêm những người gây ô nhiễm, người dân có quyền lên tiếng phản ánh khi các quan chức nhà nước làm việc không hiệu quả. Quan chức nào chỉ hô hào mà không hành động thì phải từ chức hoặc không thể tái đắc cử nhiệm kỳ sau. Còn ở Việt Nam, người dân không có quyền lên tiếng. Biểu tình vì Formosa, vì cây xanh mà còn bị tù tội thì ai còn dám lên tiếng ngoài việc nhắm mắt làm ngơ.

 

______________

Tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/phai-doan-chau-au-cung-gom-rac-tren-bien-ha-long-20240512143653393.htm

 


 

No comments:

Post a Comment