Wednesday, July 9, 2025

VNTB – Việt Nam tiếp tục đàn áp các tôn giáo chân chính
TS Phan Quang Trọng
09.07.2025 8:58
VNThoibao


(VNTB) – Việt Nam là quốc gia đàn áp các tôn giáo chân chính một cách nghiêm trọng có chủ đích, việc nhà nước cộng sản dựng lên và điều hành các tôn giáo quốc doanh đã dần làm xói mòn những giá trị đạo đức, làm xã hội suy đồi, giả tạo…


TS Phan Quang Trọng tóm lược theo Báo cáo Thường niên năm 2025 của Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (US Commission on International Religious Freedom – USCIRF):

Xin đọc báo cáo đầy đủ tại đây: http://bit.ly/4lLLPvX

Giới thiệu: Từ ngày Cộng sản Việt Nam nắm trọn quyền lãnh đạo, họ đã ra tay triệt hạ các tôn giáo chân chính và dựng lên các Tôn giáo Quốc doanh do Đảng Cộng sản đứng sau điều hành. Những tôn giáo chân chính còn lại luôn bị trù dập hay lũng đoạn, không phá được thì họ làm biến chất, đánh mất giá trị cao đẹp của một tôn giáo đích thực.

Tôn giáo thật – là tâm linh, là ý chí hướng thiện của xã hội. Tôn giáo giả – dần xói mòn những giá trị đạo đức, làm xã hội suy đồi, giả tạo. Một điểm quan trọng, cần duy trì các sinh hoạt tôn giáo chân chính, vì sinh hoạt này chứng tỏ một đất nước quan tâm đến các giá trị nhân quyền phổ quát, sinh hoạt tôn giáo lành mạnh chứng tỏ các quyền căn bản như quyền biểu đạt, hội họp, v…v, được tôn trọng. Đã 50 năm nay, từ cái ngày gọi là thống nhất đất nước, Việt Nam vẫn chưa đạt được mong đợi đó của thế giới. Hôm nay, chúng ta thử xem báo cáo thường niên năm 2025 của Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế viết gì về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Và Liên Hợp Quốc, Hoa Kỳ, cùng các quốc gia tự do đang tạo áp lực thế nào để cải thiện tình hình tôn giáo tại Việt Nam.

Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã luôn đứng về phía những cá nhân và tổ chức, tự do khẳng định tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình, bao gồm quyền bảo vệ niềm tin và quyền thể hiện niềm tin đó thông qua việc thực hành, giảng dạy hoặc nghi thức tôn giáo theo niềm tin cá biệt. Chủ trương ủng hộ quyền Tự do tôn giáo mọi nơi trên thế giới của Hoa Kỳ vẫn là nền tảng của chính sách chung, không phân biệt hành pháp Hoa Kỳ là do đảng Dân chủ hay Cộng hòa lãnh đạo. Hành pháp mới của Hoa Kỳ sẽ làm gì trong lĩnh vực này?

Ủng hộ cho Tự do tôn giáo là truyền thống của dân tộc Hoa Kỳ, nhất là sau khi thông qua đạo luật Tự do tôn giáo năm 1998, để thành lập các tổ chức và cơ chế lập pháp. Hơn bao giờ hết, sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với quyền Tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng trên toàn cầu luôn là ưu tiên hàng đầu, vì vừa là lợi ích chiến lược quốc gia vừa là sự phản ánh bản sắc của dân tộc Hoa Kỳ.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump phải đối mặt với một môi trường quốc tế phức tạp, nên để phát huy thành công việc tập trung Tự do tôn giáo như một nền tảng của chính sách đối ngoại và lãnh đạo toàn cầu, Hoa Kỳ đã xác nhận cam kết này nhằm thúc đẩy Tự do tôn giáo và tín ngưỡng, và làm việc chung với các chính phủ có cùng chí hướng. Hoa Kỳ phải nhanh chóng bổ nhiệm một Đại sứ lưu động về Tự do tôn giáo Quốc tế như các hành pháp tiền nhiệm, vị Đại sứ này là người sẽ đưa ra các sáng kiến thông qua Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhằm giải quyết các mối quan ngại về Tự do tôn giáo trên toàn thế giới.

Quốc hội mới cũng phải ưu tiên tiếp tục công việc quan trọng, không bị cuốn vào trong tranh chấp đảng phái, nhằm thúc đẩy Tự do tôn giáo ở nước ngoài, như được đề nghị trong các khuyến nghị của Quốc hội trong báo cáo năm nay. Quốc hội phải nêu bật lại một số trường hợp – và thông qua luật để cung cấp đầy đủ nguồn lực và tài trợ cho chương trình giúp đỡ các cá nhân, gia đình và cộng đồng trên toàn thế giới đang phải đối mặt với sự đàn áp và các mối đe dọa khác vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ.

Báo cáo thường niên bắt đầu từ lúc có Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA), USCIRF hay Ủy hội Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ là một cơ quan cố vấn độc lập của chính phủ Hoa Kỳ, tách biệt với Bộ Ngoại giao. Tổ chức này giám sát và báo cáo về quyền Tự do tôn giáo ở nước ngoài và đưa ra các khuyến nghị về chính sách cho Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Quốc hội Hoa Kỳ. USCIRF đưa ra các khuyến nghị này dựa trên các điều khoản của luật cho phép và các tiêu chuẩn trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và các văn bản quốc tế khác. Xin đi sơ lược về cách làm việc và mục đích của báo cáo quan trọng này:

Báo cáo thường niên năm 2025 của USCIRF, đánh giá các hành vi vi phạm và tiến trình Tự do tôn giáo ở 28 quốc gia trong năm dương lịch 2024, và đưa ra các khuyến nghị độc lập cho chính sách của Hoa Kỳ. Các phát hiện, khuyến nghị và phân tích chính trong báo cáo này dựa trên nghiên cứu trong một năm của USCIRF, bao gồm các phiên điều trần, cuộc họp, họp báo và chuyến đi điều tra của các Ủy viên. Báo cáo thường niên được thông qua bằng đa số phiếu bầu của các Ủy viên. IRFA quy định rõ ràng cho mỗi Ủy viên, quyền đưa vào báo cáo thường niên một tuyên bố với quan điểm cá nhân hoặc bất đồng quan điểm của riêng mình. Trọng tâm chính của báo cáo là hai nhóm Quốc gia:

– Thứ nhất, những quốc gia mà USCIRF khuyến nghị Bộ Ngoại giao nên chỉ định là Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC), dựa theo IRFA.

– Thứ hai, những quốc gia mà USCIRF khuyến nghị Bộ Ngoại giao nên đưa vào Danh sách theo dõi đặc biệt (SWL), dựa theo IRFA.

Báo cáo cũng nhắm đến các tổ chức không phải nhà nước nhưng đã vi phạm quyền Tự do tôn giáo trên toàn cầu. Sau hết, phần cuối cùng của báo cáo nêu bật các khuyến nghị chính của USCIRF mà chính phủ Hoa Kỳ đã thực hiện kể từ khi báo cáo thường niên trước đó của USCIRF.

Báo cáo Ủy hội năm nay nhắm đến 28 quốc gia vì họ nằm trong hai nhóm:

– Nhóm CPC (Country of Particular Concern), gọi tắt của Quốc gia cần quan tâm đặc biệt.

– Nhóm SWL (Special Watch List), gọi tắt của Danh sách theo dõi đặc biệt.

Ủy hội phân biệt và đánh giá khác nhau cho từng nhóm Quốc gia được phân loại như trên.

Trong 28 Quốc gia nằm trong báo cáo năm nay. Đơn giản thế này, CPC là các quốc gia dung túng cho các hành vi vi phạm Tự do tôn giáo “đặc biệt nghiêm trọng”, và SWL là các quốc gia tham gia hoặc dung túng cho các hành vi vi phạm tự do tôn giáo “nghiêm trọng”. Theo IRFA, các hành vi vi phạm Tự do tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng có nghĩa là: “Các hành vi vi phạm có hệ thống, liên tục, và nghiêm trọng… bao gồm các hành vi vi phạm như sau:

(A) Tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục;

(B) Giam giữ kéo dài mà không bị buộc tội;

(C) Khiến người mất tích bằng cách bắt cóc hoặc giam giữ bí mật những người đó; hoặc

(D) Các hành vi phủ nhận trắng trợn khác đối với quyền sống, quyền tự do hoặc quyền an toàn của người dân”.

Mặc dù luật không định nghĩa cụ thể các hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền Tự do tôn giáo, nhưng khi đưa ra khuyến nghị SWL, USCIRF diễn giải luật này có nghĩa là các hành vi vi phạm đáp ứng hai trong ba yếu tố của tiêu chuẩn – (hệ thống, liên tục, và nghiêm trọng). Một điều chúng tôi xin nêu ra hôm nay là VIỆT NAM được đề nghị trong báo cáo năm 2025, là chính phủ Hoa Kỳ nên đưa họ vào danh sách CPC vì đã vi phạm cả ba yếu tố: HỆ THỐNG, LIÊN TỤC, và NGHIÊM TRỌNG.

Lý do Ủy hội đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách Quốc gia cần quan tâm đặc biệt, vì năm 2024, Tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn còn kém và họ có cả 3 tiêu chuẩn là: đàn áp tôn giáo liên tục, hệ thống, và nghiêm trọng. Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và nhà cầm quyền ngày càng tìm cách điều chỉnh và kiểm soát các vấn đề tôn giáo thông qua các tổ chức tôn giáo do nhà nước bảo trợ hay còn gọi là Tôn giáo Quốc doanh. Chính quyền đã bắt giữ, giam giữ, và tra tấn các thành viên và người ủng hộ các cộng đồng tôn giáo không được công nhận, tìm cách hoạt động độc lập tránh sự kiểm soát của nhà nước. Xin tóm tắt những vi phạm nghiêm trọng được ghi rõ trong báo cáo của Ủy hội năm 2025:

Báo cáo về Việt Nam khá dài, xin tóm tắt các vi phạm. Theo báo cáo, nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục sử dụng Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2018 và các Nghị định hướng dẫn thi hành để quản lý chặt chẽ các vấn đề tôn giáo. Vào tháng 3, Nghị định số 95/2023/ NĐ-CP đã có hiệu lực, thay thế hai Nghị định hướng dẫn thi hành trước đó – Nghị định 162 và Nghị định trừng phạt – vốn đã mang tính hạn chế và đàn áp, chẳng hạn như yêu cầu các nhóm tôn giáo phải báo cáo về những thay đổi nhân sự và địa điểm cho nhà nước. Nghị định mới này, cho phép nhà nước tiếp tục yêu cầu hồ sơ tài chính từ các tổ chức tôn giáo và đình chỉ các hoạt động tôn giáo, được diễn đạt mơ hồ và đem ra thi hành.

Tính đến tháng 12, Danh sách Nạn nhân Tự do Tôn giáo mà USCIRF có, gồm hơn 80 TÙ NHÂN mà Việt Nam đã trừng phạt vì các hoạt động tôn giáo hoặc ủng hộ Tự do tôn giáo. Như trong tháng 4, Việt Nam đã áp đặt thêm một cáo buộc đối với Cụ Lê Tùng Vân, người đứng đầu 92 tuổi của TABBVT, người đang thụ án vì bị cáo buộc “lạm dụng quyền tự do dân chủ” trong thời gian quản thúc tại gia do tuổi tác và sức khỏe yếu. Các bản án tương tự với các nhà hoạt động Tự do tôn giáo người Khmer Krom và người Thượng thiểu số.

Nói đến tập thể tín hữu Thiên Chúa giáo người thiểu số, người Thượng và người H’Mông theo đạo Thiên chúa ở miền Trung và Tây Bắc Cao nguyên vẫn đặc biệt dễ bị đàn áp, bao gồm giam giữ, bắt giữ, tra tấn và bị buộc từ bỏ đức tin. Chính quyền đàn áp các nhóm Phật giáo và Cao Đài không được công nhận cũng tiếp diễn trong suốt cả năm. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Độc lập tiếp tục đối mặt với những trở ngại và sự quấy rối về các hoạt động tôn giáo của họ. Chúng tôi không nêu danh tánh nhưng quý vị có thể tìm đọc báo cáo năm 2025 của Ủy hội.

Đặc biệt, hiện có gần 2000 đồng bào tị nạn tại Thái Lan, đa số trong họ là người thiểu số, ra đi vì lý do tôn giáo. Chính quyền Việt Nam đã gây sức ép, buộc chính phủ Thái Lan dẫn độ nhà hoạt động Tự do tôn giáo người Thượng – anh Y Quynh Bdap, người có thể phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc nếu bị trả về Việt Nam. Các vận động đòi dẫn độ anh Y Quynh Bdap về Việt Nam đã gây nỗi sợ hãi, hoang mang cho các đồng bào tị nạn đã được Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) chứng nhận có đủ tư cách tị nạn.

Các vi phạm do Ủy hội đưa ra được tóm tắt đã nêu rõ những vi phạm nghiêm trọng, hệ thống và liên tục. Chính vì vậy, Ủy hội đã đánh giá Việt Nam là một trong số những quốc gia đàn áp tôn giáo một cách có chủ đích và được sự bảo trợ của nhà cầm quyền. Hoa Kỳ có thể làm gì để giúp cải thiện tình hình này tại Việt Nam và các đề nghị này của quốc hội có buộc nhà cầm quyền Việt Nam cần phải cải thiện?



KHUYẾN NGHỊ CHO CHÍNH PHỦ HOA KỲ

– Chỉ định Việt Nam là: “quốc gia đặc biệt đáng quan ngại” – hoặc CPC, vì đã tham gia vào các hành vi vi phạm Tự do tôn giáo có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng theo định nghĩa của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA). Có lẽ đây là một đề nghị mạnh mẽ nhất đối với Việt Nam, một quốc gia đã tham gia ký kết các Công ước Quốc tế về Nhân quyền.

– Đánh giá thỏa thuận ràng buộc Hoa Kỳ – Việt Nam năm 2005 để xác định xem, việc Việt Nam vi phạm Tự do tôn giáo có vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hay không và thực hiện các hành động thích hợp như liên kết việc xóa bỏ tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam với những cải thiện đáng kể về Tự do tôn giáo.

– Đòi và Hợp tác với nhà cầm quyền Việt Nam để sửa đổi Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2018 và các Nghị định thực hiện để tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm cả việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký và tùy chọn.

– Tạo điều kiện cho các cơ quan và nhân viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) có liên quan, tiếp cận không bị hạn chế đến Việt Nam, đặc biệt là Tây Nguyên, để giám sát và điều tra các vi phạm Tự do tôn giáo trước khi bỏ phiếu vào cuối năm 2025 về tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) năm 2026.

Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) có 2 khuyến nghị quan trọng:

– Vận động cải thiện Tự do tôn giáo ở Việt Nam, tập trung vào việc thả các tù nhân FoRB; và

– Tái khởi động các nỗ lực lập pháp để cải thiện Tự do tôn giáo ở Việt Nam, chẳng hạn như Đạo luật Nhân quyền Việt Nam. (H.R. 3172)

Về việc khả năng cải thiện, chúng tôi nhận xét là một quá trình nhiêu khê, đòi hỏi Ủy hội và đặc biệt là các Tổ chức Nhân quyền và đồng hương sinh sống tại các nước tự do phải tiếp tục giám sát và báo cáo các vi phạm cho Liên Hợp Quốc và chính phủ Hoa Kỳ. Những kiến nghị ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của Việt Nam có nhiều cơ hội được cải thiện hơn, vì trong điều kiện khó khăn kinh tế hiện tại, Việt Nam buộc phải tuân thủ để tồn tại. Nhưng cũng đòi hỏi Hoa Kỳ, các Tổ chức Nhân quyền, và đồng hương tị nạn phải quyết tâm đóng góp vào tiến trình vận động của Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế.



Phan Quang Trọng tóm lược báo cáo năm 2025

No comments:

Post a Comment