Wednesday, July 9, 2025

Đài Loan tập trận Hán Quang: Bên trong cuộc diễn tập lớn chưa từng có để ứng phó khả năng Trung Quốc tấn công
Tessa Wong
BBC News, Phóng viên Kỹ thuật số châu Á
09/07/2025(một giờ trước)
BBC

Getty Images
Cuộc tập trận quân sự thường niên của Đài Loan mang tên Hán Quang (Han Kuang) sẽ bắt đầu vào thứ Tư (9/7), trong bối cảnh hòn đảo này tăng cường khả năng phòng thủ trước nguy cơ bị Trung Quốc tấn công.

Được coi là cuộc tập trận lớn nhất và dài nhất từ trước đến nay, Hán Quang 2025 kéo dài khoảng 10 ngày, gấp đôi so với cuộc tập trận năm ngoái.

Mặc dù nhằm mục tiêu chuẩn bị cho người dân Đài Loan trước khả năng bị tấn công, cuộc tập trận này cũng là cách để công khai phô diễn năng lực phòng thủ của hòn đảo và gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đã bày tỏ quyết tâm sẽ "thống nhất" hòn đảo này trong tương lai, đồng thời không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực. Viễn cảnh đó đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột quy mô lớn hơn, có thể kéo theo sự can dự của Mỹ - đồng minh chính của Đài Loan.

Getty Images
Trong cuộc tập trận năm 2023 mô phỏng một cuộc tấn công giả định của Trung Quốc, ​​Đài Loan cho xe thiết giáp đổ bộ lên bãi biển

Hán Quang là gì?

Được tổ chức hằng năm từ năm 1984, Hán Quang là cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của hàng ngàn binh sĩ trên bộ, trên biển và trên không nhằm phô diễn các khí tài quân sự hiện đại nhất của Đài Loan.

Đọc nhiều nhất





Mặc dù tên đầy đủ bằng tiếng Trung của cuộc tập trận này về mặt kỹ thuật ám chỉ việc "thu hồi đại lục Trung Quốc" - một trong những mục tiêu ban đầu của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đầu tiên tại Đài Loan - nhưng mục đích thực tế của Hán Quang là để diễn tập năng lực phòng thủ của Đài Loan.

Khi lo ngại về nguy cơ Trung Quốc tấn công ngày càng tăng trong những năm gần đây, cuộc tập trận Hán Quang đã có nhiều thay đổi đáng kể.

Getty Images
Cuộc tập trận diễn ra như thế nào?

Năm nay, chính quyền Đài Loan đã tổ chức một loạt các cuộc tập trận quân sự mô phỏng trên máy tính vào tháng Tư, như một bước chuẩn bị cho các cuộc diễn tập bắn đạn thật sẽ diễn ra từ ngày 9-18/7.

Trong các cuộc tập trận tháng này, nhiều khí tài như bệ phóng tên lửa, drone và tên lửa do Đài Loan tự phát triển sẽ được triển khai.

Điều này bao gồm cả hệ thống phóng rocket di động HIMARS trứ danh mà Đài Loan mới được sở hữu. Hệ thống này do Mỹ cung cấp và cũng là hệ thống mà Washington chuyển giao cho Ukraine - có tầm bắn xa hơn nhiều so với các hệ thống hiện tại của quân đội Đài Loan.

Các cuộc tập trận năm nay sẽ huy động khoảng 22.000 quân dự bị, tăng khoảng 50% so với năm ngoái.

Tương tự như năm ngoái, các cuộc diễn tập sẽ không có kịch bản định trước, nhằm kiểm tra khả năng phản ứng của binh sĩ trước một cuộc tấn công bất ngờ - động thái được các nhà phân tích quân sự ca ngợi và cho rằng đáng lẽ nên áp dụng từ lâu.

Sự thay đổi này dường như nhằm đáp lại những chỉ trích suốt nhiều năm qua rằng các cuộc tập trận trước đây mang tính hình thức, thiên về tuyên truyền hơn là thực chất huấn luyện quân sự.

Năm nay, một phần của cuộc tập trận sẽ tập trung vào việc đối phó với chiến thuật "vùng xám" ngày càng gia tăng của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan - trong đó có việc các chiến đấu cơ và tàu của Bắc Kinh liên tục xâm nhập không phận và vùng biển của Đài Loan.

Trong những năm gần đây, Hán Quang cũng ngày càng tăng cường lồng ghép yếu tố phòng thủ dân sự. Một cuộc diễn tập riêng biệt được tổ chức đồng thời, trong đó người dân khắp hòn đảo tham gia các buổi diễn tập sơ tán và ứng phó khi có không kích.

Getty Images
Trong cuộc diễn tập phòng thủ dân sự năm ngoái, người dân đã tham gia vào các buổi diễn tập ứng phó chiến tranh và thảm họa

Trong các cuộc diễn tập mang tên "khả năng ứng phó của thành phố" năm nay, mỗi đợt kéo dài khoảng 30 phút, các cảnh báo tấn công sẽ được gửi đến điện thoại di động và còi báo động không kích sẽ vang lên tại các thành phố.

Giao thông đường bộ sẽ bị hạn chế, trong khi các đầu mối giao thông, cửa hàng, khách sạn và chợ sẽ phải tạm dừng hoạt động.

Theo các báo cáo, chính quyền cũng sẽ thử nghiệm khả năng của xã hội Đài Loan trong việc đối phó với tin giả và hoạt động của Mặt trận Thống nhất thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, dù vẫn chưa rõ các nội dung này sẽ được thử nghiệm cụ thể như thế nào.

Getty Images
Tại sao Đài Loan đẩy mạnh tập trận Hán Quang?

Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động chiến tranh vùng xám (greyzone warfare) và chiến dịch thông tin sai lệch nhằm vào Đài Loan, mà theo một số nhà quan sát là nhằm làm suy yếu khả năng phòng thủ của hòn đảo này.

Mỹ đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang tạo ra một "mối đe dọa cấp bách" đối với Đài Loan, đề cập đến hạn chót năm 2027 mà Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là đã đặt ra để quân đội Trung Quốc có khả năng xâm lược Đài Loan.

Đây là một mốc thời gian mà Bắc Kinh chưa bao giờ xác nhận - nhưng Mỹ khẳng định Trung Quốc đang "chuẩn bị một cách thực chất để có thể sử dụng lực lượng quân sự nhằm thay đổi cán cân quyền lực" ở châu Á.

Quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc cũng trở nên đặc biệt căng thẳng dưới thời Tổng thống Đảng Dân Tiến, ông Lại Thanh Đức, người vừa được bầu vào năm ngoái.

Bị Bắc Kinh coi là "phần tử ly khai," ông Lại Thanh Đức đã có lập trường cứng rắn hơn nhiều so với người tiền nhiệm, trong đó có việc tăng cường quân sự cho Đài Loan.

Không có gì ngạc nhiên khi cuộc tập trận Hán Quang khiến Bắc Kinh không hài lòng.

Thiếu tướng Tưởng Bân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, hôm thứ Ba cho biết cuộc tập trận năm nay "chẳng qua chỉ là một chiêu bài đánh lừa và tự lừa dối của chính quyền Đảng Dân Tiến nhằm lôi kéo đồng bào Đài Loan lên 'cỗ xe chiến tranh Đài Loan Độc lập' của họ."

"Dù họ tập luyện những chủ đề gì hay sử dụng vũ khí nào đi nữa, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp trả 'Đài Loan Độc lập', và xu thế thống nhất quốc gia không thể cưỡng lại củaTrung Quốc sẽ không bị ngăn cản," ông nói thêm.

Tại sao cuộc tập trận Hán Quang năm nay lại quan trọng?

Những thay đổi trong cuộc tập trận Hán Quang thực chất là một phần trong nỗ lực cải tổ rộng lớn hơn nhằm nâng cao năng lực quân sự và quốc phòng của Đài Loan, vốn đã chịu nhiều chỉ trích cả ở nội địa lẫn hải ngoại trong những năm gần đây.

Niềm tin của người dân Đài Loan vào quân đội của mình dao động, nhưng nhìn chung ở mức trung bình, với một cuộc khảo sát năm ngoái cho thấy chỉ có 47,5% người dân tin tưởng vào khả năng phòng thủ của hòn đảo.

Trong suốt hai nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Mỹ đã liên tục thúc giục Đài Loan tăng chi tiêu quốc phòng và hiện đại hóa quân đội.

Việc tăng cường phòng thủ của Đài Loan diễn ra trong bối cảnh sự hoài nghi ngày càng lớn về khả năng Mỹ dưới thời Donald Trump sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tấn công.

Mỹ bị ràng buộc bởi luật pháp phải giúp Đài Loan tự vệ, nhưng Trump lại có thái độ mơ hồ về điều này và gần đây từ chối bình luận liệu ông có ngăn Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Đài Loan hay không.

Bên cạnh những thay đổi trong Hán Quang, trong những năm gần đây Đài Loan còn kéo dài thời gian nghĩa vụ quân sự bắt buộc, phát triển tàu ngầm và tên lửa riêng, đồng thời tăng cường khả năng phòng thủ đô thị và dân sự.

Đài Loan cũng đầu tư vào các hệ thống vũ khí nhỏ gọn và cơ động hơn như phương tiện không người lái (drone), và tăng cường huấn luyện binh sĩ trong chiến tranh bất đối xứng như một phần của chiến lược "nhím" nhằm làm cho hòn đảo trở nên khó bị chiếm đóng hơn.

Tin liên quan







No comments:

Post a Comment